Tarusa - thành phố “Tâm hồn Nga”

© Ảnh : Maria KuchmaTarusa
Tarusa - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
"Tôi sống ở thị trấn nhỏ bên bờ sông Oka. Tất cả đường phố hoặc dẫn ra bờ sông, hoặc ra cánh đồng, nơi gió vờn những bông lúa mạch, hoặc dẫn vào rừng, khi xuân đến, hoa dã anh nở tưng bừng giữa những cây thông và bạch dương.”

Nhà văn Liên Xô Paustovski đã viết như vậy. Kể từ đó nhiều thập kỷ đã trôi qua, nhưng hôm nay tất cả mọi thứ ở đây vẫn được bảo toàn nguyên vẹn.

Tarusa nằm ở phía Nam cách Moskva 140 km, thực sự là một bảo tàng ngoài trời. Hầu hết nhà cửa ở đây đều là nhà một tầng hoặc hai tầng bằng gỗ được xây dựng từ thế kỷ XIX. Thành phố không có đường sắt và đường cao tốc chạy qua, cũng không có xí nghiệp công nghiệp, nhưng có những cảnh quan tuyệt vời mà bạn có thể thưởng thức mãi không chán. Cảnh đẹp quyến rũ của Tarusa thu hút đến đây những người trong giới sáng tác có cảm giác tinh tế trước vẻ đẹp đích thực. Vì vậy thành phố liên quan đến số phận của nhiều nhà văn nhà thơ, nghệ sĩ và nhà soạn nhạc Nga nổi tiếng. Tarusa thường được gọi là "Tâm hồn Nga". Người dân nơi đây rất yêu thành phố của mình: Tarusa được công nhận là thành phố bảo tồn thiên nhiên và kiến trúc, được đưa vào danh sách các thành phố lịch sử của nước Nga.

Những người dân đầu tiên đến định cư ở vùng đất màu mỡ này từ thời xa xưa: các nhà khảo cổ đã tìm thấy ở đây dấu vết con người từ thế kỷ XV trước Công nguyên. Lần đầu tiên Tarusa được sử sách nhắc đến vào năm 1246, giai đoạn phong kiến ​​nơi đây là thủ phủ của một trong các công quốc Nga. Dần dần, khi các vùng đất Nga được thống nhất xung quanh Moskva, Tarusa trở thành pháo đài bảo vệ biên giới phía nam của nước Nga. Khó mà tin rằng những cảnh đẹp tuyệt vời này từng nơi diễn ra chiến trận khốc liệt, và có thời điểm nước sông Oka từng đỏ máu những người lính hy sinh. Ngoài các đội quân xâm lược, Tarusa còn phải chịu nhiều thảm họa khác. Vào giữa thế kỷ XVII, hầu hết cư dân thành phố chết sạch vì bệnh dịch hạch, một thế kỷ sau đó thành phố bị một trận hỏa

hoạn khủng khiếp thiêu rụi.

Năm 1779, Nữ hoàng Nga Catherine II ra lệnh khôi phục lại Tarusa. Thành phố này đã rất may mắn được các kiến ​​trúc sư tài hoa xây dựng. Phân định các khu phố và đường phố rất hợp lý và vẫn tồn tại cho đến tận ngày nay, khiến cho thành phố trở thành tượng đài của nghệ thuật đô thị Nga. Quảng trường chính của Tarusa nằm bên bờ sông Oka, được tổ điểm bằng nhà thờ đá trắng Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô. Từ quảng trường tỏa ra hai con đường chính, phân chia các khu dân cư thành phố từ đông sang tây. Thành phố Tarusa được khôi phục lại sau hỏa hoạn hòa hợp một cách hoàn hảo với cảnh quan xung quanh.

Vào cuối thế kỷ XIX, thị trấn đẹp như tranh vẽ trên bờ sông Oka trở thành điểm du lịch nổi tiếng cho giới nghệ sỹ thủ đô. Nhiều họa sĩ lừng danh đã mô tả phong cảnh mê hoặc Tarusa qua những bức tranh của mình. Hầu hết mọi người ai đến đây cũng bị mê hoặc trước phong cảnh mở ra từ đồi Phục Sinh. Biển cây xanh mướt, đồng cỏ nhấp nhô uốn lượn, dòng sông như dải lụa uốn quanh, màu trời xanh chói lóa thăm thẳm — thử hỏi có người họa sĩ nào từ chối nổi mà không cầm cọ để ghi lấy những vẻ thần tiên như vậy?

Các họa sĩ thích vẽ đồi Phục Sinh, còn các nhà thơ thì thích tìm cảm hứng trong Thung lũng giấc mơ — một hẻm núi không sâu lắm trải dài theo phía nam Tarusa. Một địa điểm tuyệt vời, có thể nói là thần bí. Những người nghiên cứu vật thể không xác định gọi thung lũng này là "khu vực bất thường" gây ra những hiệu ứng khó giải thích đối với con người. Tuy nhiên, đó là những tác động vô cùng có lợi: ở đây bạn quên đi tất cả mọi vấn đề rắc rối, tâm hồn trở nên vui vẻ và nhẹ nhõm. Vào mùa hè hẻm núi rải rác hoa dại, sự im lặng chỉ bị phá vỡ bởi tiếng chim hót. Cái tên Thung lũng giấc mơ do nữ thi sỹ Nga Marina Tsvetaeva đặt cho nơi này. Bà dành cho Tarus khá nhiều bài thơ trữ tình dịu dàng. Người dân thành phố biết ơn dựng tượng đài Tsvetaeva bên bờ sông Oka.

Người dân Tarusa yêu thành phố của mình và bảo vệ nó, thậm chí đôi khi chịu thiệt và hy sinh lợi ích riêng của họ. Chẳng hạn, họ không chấp nhận một nhánh đường sắt chạy qua Tarusa, dù họ phải đi 20 km bằng xe buýt đến ga xe lửa gần nhất. Cư dân Tarusa sợ rằng những lợi ích của nền văn minh hiện đại sẽ phá vỡ sự mong manh, quyến rũ nguyên sơ của thành phố quê hương, được mệnh danh là "Tâm hồn Nga".

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала