Những truyền thuyết về quảng trường Sukharev

© Ảnh : Nataliya Kulakquảng trường Sukharev Nhỏ
quảng trường Sukharev Nhỏ - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Hai quảng trường Sukharev Lớn và Sukharev Nhỏ tọa lạc gần kề nhau trên đường tròn Sadovoe của thủ đô Matxcova.

Hai quảng trường Sukharev Lớn và Sukharev Nhỏ tọa lạc gần kề nhau trên đường tròn Sadovoe của thủ đô Matxcova. Trước đấy, Sukharev từng là một không gian thống nhất, nhưng vào thời đại công nghiệp thế kỷ XX, trục đường giao thông mới của thành phố đã phân tách khu vực thành hai quảng trường. Ba trăm năm về trước, Sukharev trở thành vùng đóng quân của trung đoàn cận vệ Sa hoàng dưới quyền chỉ huy của Đại tá Lavrentyi Sukharev. Cũng từ đấy, người dân cố đô của triều đại Romanov đã lấy họ vị Đại tá đặt tên cho quảng trường.

Năm 1695, một ngôi tháp lớn có đường nét của những toà thị chính Tây Âu xuất hiện và dân gian nhanh chóng truyền nhau tên gọi tòa tháp mới là "Sukharev". Trong tháp bố trí một trường đào tạo hải quân, còn tầng trên cùng được nhà ngoại giao và học giả Yakov Bryus chọn làm nơi sắp đặt đài quan sát thiên văn đầu tiên ở nước Nga.

Ông Bryus — hậu duệ vua Scotland, một chiến hữu của Sa hoàng cải cách Piotr Đại đế, ông cũng là người có vốn kiến thức sâu rộng nhất nhì vào thời đó. Ban ngày, nhà ngoại giao tham gia công việc quốc gia còn ban đêm ông dành thời gian nghiên cứu bầu trời sao. Từ lúc sẩm tối đến khi bình minh xuất hiện, cửa sổ căn phòng của học giả Bryus luôn thấp thoáng ánh nến.

Đám bình dân ở cố đô đồn thổi rằng nhà khoa học là một tay phù thủy ghê gớm, rỉ tai nhau những câu chuyện lạ lùng về đài thiên văn. Người ta quả quyết rằng, về đêm những con chim sắt xuất hiện từ cửa sổ của ông Bryus và bay lượn quanh ngôi tháp. Thiên hạ một mực tin là phù thủy Scotland giao lưu với ma quỷ, có khả năng biến người thành những quái vật sắt biết bay.

© Ảnh : Public Domainquảng trường Sukharev Nhỏ
quảng trường Sukharev Nhỏ  - Sputnik Việt Nam
quảng trường Sukharev Nhỏ

Ba thế kỷ sau câu chuyện được tiếp tục khi chính quyền Liên xô quyết định phá hủy tháp Sukharev vào năm 1934. Đó là thời kỳ tàn phá không thương tiếc nhiều kiến trúc lịch sử ở Matxcova. Thông thường, người ta chẳng câu nệ với các tòa nhà cũ và nhà thờ, thuốc nổ được tích cực sử dụng. Riêng tháp Sukharev, chẳng rõ vì sao đã được tháo dỡ rất cẩn thận. Cư dân Matxcova không khỏi lấy làm lạ và họ nhớ lại huyền thoại "cuốn sổ đen" tháp Sukhavev, từng đem lại cho chủ nhân của nó những quyền lực siêu phàm và kiến thức thần bí. Liệu Yosif Stalin có hi vọng tìm ra cuốn sổ hay không?

Viên ngọc kiến trúc của Quảng trường Sukharev đã bị hủy diệt, nhưng may thay, một di tích độc đáo khác vẫn tồn tại đến ngày nay, đó là tòa dinh thự lộng lẫy của Bá tước Nikolai Sheremetyev, được xây dựng vào cuối thế kỷ XVIII. Là hậu duệ của một trong những gia đình quý tộc nổi tiếng nhất ở Nga, Bá tước đã làm chấn động giới thượng lưu đương thời bằng cuộc hôn nhân của ông với một nữ nghệ sĩ. Giới quý tộc phẫn nộ: Nhục nhã thay — một phụ nữ nông dân, con gái người thợ rèn, trở thành nữ bá tước! Sau khi người vợ yêu dấu qua đời, Bá tước Sheremetyev đã hiến tặng tòa nhà sang trọng làm nơi trú ngụ cho những người vô gia cư và người nghèo. Năm 1807, cung điện của người nghèo được tu bổ thành bệnh viện mang tên Bá tước Sheremetyev. Ngày nay, đây là Viện Nghiên cứu khoa học cấp cứu nổi tiếng Klifosovsky.

Vào nửa cuối thế kỷ XIX, chợ Sukharevka đã chiếm trọn không gian hơn 5.000 m² của quảng trường. Trong chợ chẳng thiếu thứ gì! Nhưng những người bán hàng ở đây ít ai dám quả quyết về chất lượng và xuất xứ hàng hoá. Trong cuốn sách "Matxcova và người Matxcova", nhà văn Vladimir Gilyarovsky đã thuật lại một tình tiết khôi hài. Một phụ nữ mua ở chợ Sukharevka bức tranh dường như có giá trị duy nhất là dòng chữ ký đề tên họa sĩ Ilya Repin. Người đàn bà trả 10 rúp cho "kiệt tác" hội họa. Cùng ngày, bà gặp họa sĩ và cho ông xem bức vẽ mới tậu. Ngắm những vết cọ bất tài dưới chữ ký "của mình", họa sĩ cười chảy nước mắt, sau đấy ông viết vào góc vải vẽ: "Đây không phải Repin. Ilya Repin". Người phụ nữ tức giận đem trả tranh cho người bán. Ngay ngày hôm sau, thương gia này đã rao bán tranh với giá 100 rúp. Chả là trên bức sơn dầu giờ đây có chữ ký đích thực của họa sĩ lừng danh!

© Sputnik / Alexey Kudenkoquảng trường Sukharev Lớn
quảng trường Sukharev Lớn  - Sputnik Việt Nam
quảng trường Sukharev Lớn

Mỗi ngày, có hàng ngàn người ra vào chợ Sukharevka — đó là những người mua, người bán và… kẻ trộm. Đại diện của thế giới tội phạm đổ về đây như những con bướm đêm thấy ánh đèn: chúng bán lại cho đám thương gia những món đồ cướp được. Từng có giai thoại như sau. Một nhà phục chế có tiếng của Matxcova, trên đường trở về thành phố từ ngoại ô đã ghé thẳng chợ Sukharevka. Ở đây, ông mua được chiếc bình hoa Trung Quốc tuyệt đẹp để ghép đôi với chiếc bình y hệt như vậy đã có. Về nhà, ông vấp phải một bất ngờ bực mình. Căn hộ của nhà phục chế bị kẻ trộm hỏi thăm. Ở chợ, ông đã mua lại chính bình hoa bị đánh cắp.

Sau cuộc cách mạng cộng sản, chợ Sukharevka bị đóng cửa. Những con đường nhựa mới đã chia Sukharevka thành hai quảng trường lớn và nhỏ. Ngày nay, Sukharevka trở thành một nút thắt giao thông quan trọng của thành phố, ngùn ngụt xe vào giờ cao điểm. Những tòa nhà, văn phòng, cửa hàng mới xuất hiện. Quảng trường lâu đời đang tiếp tục sống trong nhịp đập của thành phố hiện đại.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала