Chính phủ Việt Nam “tuyên chiến với kẻ xấu bơm tạp chất vào tôm”

© Sputnik / Ruslan Krivobok / Chuyển đến kho ảnhTôm
Tôm - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Thủ tướng: Chính phủ tuyên chiến với các kẻ xấu có hành vi bơm tạp chất vào tôm và các hành vi làm ảnh hưởng đến thương hiệu tôm Việt Nam ở mọi khâu.

Tại Hội nghị Phát triển ngành tôm Việt Nam được tổ chức sáng nay (6/2), tại thành phố Cà Mau, lãnh đạo các địa phương và các doanh nghiệp đã đề xuất nhiều giải pháp phát triển ngành tôm Việt Nam, như rà soát lại quy hoạch các vùng nuôi tôm gắn với lợi thế của từng địa phương, tránh dàn trải, tự phát; ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ vào nuôi tôm. Với 98% lượng thức ăn cho tôm hiện nay rơi vào tay các nhà doanh nghiệp nước ngoài, thì cần có biện pháp để doanh nghiệp trong nước có thể chủ động thức ăn cho tôm, giúp giảm giá thành.

Đưa ngành tôm thành ngành kinh tế mũi nhọn

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, đặt vấn đề chọn con tôm là đối tượng để phát triển để đưa ngành tôm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn bởi có đầy đủ cơ sở về mặt khoa học quản lý và khoa học công nghệ. Với nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, ứng dụng hoa học kỹ thuật vào sản xuất và chế biến thành công, Việt Nam có đủ điều kiện và lợi thế để phát triển ngành tôm. Mặc dù biến đổi khí hậu là nguy cơ với nước ta nhưng Thủ tướng nhấn mạnh đây cũng là thời cơ phát triển ngành tôm. Cùng với đó, cầu thị trường thế giới về tôm còn rất lớn khi khoảng 7 tỉ người có nhu cầu tôm trị giá đến 90 tỉ USD.

Thủ tướng nhấn mạnh đến quyết tâm chính trị và giải pháp đồng bộ để thực hiện mục tiêu lớn lao và khát vọng mạnh mẽ, đưa ngành tôm Việt Nam tiến lên sản xuất lớn, hiệu quả cao.

"Mục tiêu đưa ra chậm nhất đến năm 2025, trước 2025, chúng ta phải đạt kim ngạch xuất khẩu ngành tôm là 10 tỉ USD. Trong đó, tỉnh Cà Mau, đến năm 2021 đã phấn đấu đạt 2 tỉ USD. Chúng ta sẽ là thương hiệu tôm Việt Nam nổi tiếng đối với thế giới. Ngành tôm phải phát triển bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường. Ngành tôm Việt Nam phấn đấu đạt 10% GDP quốc gia", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thủ tướng nêu rõ: 

"Việt Nam phấn đấu sẽ trở thành một công xưởng sản xuất tôm của thế giới. Một trong những chìa khóa cho sự phát triển ngành tôm đó chính là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, công nghệ sinh học, tự động hóa, điện toán đám mây…phục vụ cho ngành tôm phải là tiền đề để các ngành và lĩnh vực khác nhằm nâng cao chất lượng nền kinh tế nói chung".

Hiện tượng cá chết hàng loạt ở vùng ven bờ biển miền Trung Việt Nam - Sputnik Việt Nam
Cá tôm hay là thép?

Về định hướng sắp tới, Thủ tướng cho rằng cần khảo sát để quy hoạch  những vùng phù hợp để nuôi tôm, không để phát triển tự phát. Công tác quy hoạch phải gắn liền với bảo tồn các điều kiện tự nhiên nhằm bảo vệ hệ sinh thái cho tôm và các loài sinh vật có giá trị kinh tế khác. Thủ tướng cũng chỉ đạo Tập đoàn điện lực Việt Nam đảm bảo cung ứng đủ điện, không để tình trạng tôm chết do không có điện. Ngân hàng Nhà nước phải chỉ đạo các ngân hàng thương mại đảm bảo vốn tín dụng cho nuôi và chế biến tôm với lãi suất phù hợp.

Nêu thực tế thời gian qua mới chỉ có 30% người nuôi tôm thành công, trong khi thế giới thì ngược lại với 70% nuôi tôm thành công, Thủ tướng yêu cầu chính quyền các địa phương cùng ngồi lại với các nhà khoa học để tìm giải pháp cho thực trạng này, giúp người nông dân giàu có hơn nhờ nuôi tôm. 

Nêu rõ Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các địa phương hiểu rõ sự lo ngại khi phụ thuộc quá lớn vào con giống và thức ăn nuôi tôm, Thủ tướng đề nghị phải loại bỏ tình trạng độc quyền nhóm trong việc cung cấp con giống và thức ăn nuôi tôm. Phải tìm được phương án tốt nhất trong việc cung cấp giống và thức ăn với giá thành hợp lý, đặc biệt là không phụ thuộc vào nước ngoài.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào thị trường con giống và thức ăn cho tôm. Chính phủ và các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các bộ, ngành phải nhanh chóng trả lời giống và thức ăn cho tôm ở đâu để cung cấp đầy đủ cho nhu cầu sản xuất ngành tôm.

Chính phủ tuyên chiến với các kẻ xấu có hành vi bơm tạp chất vào tôm

Đối với các vụ kiện bán phá giá, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải đồng hành, có trách nhiệm và sự sẵn sàng cao nhất nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp Việt Nam chân chính. Ngoài ra phải nghiêm cấm và có chế tài xử lý thích đáng việc bơm trích các tạp chất vào tôm để trục lợi bất chính. Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ tuyên chiến với các kẻ xấu có hành vi bơm tạp chất vào tôm và các hành vi làm ảnh hưởng đến thương hiệu tôm Việt Nam ở mọi khâu.

Trên cơ sở các định hướng đó, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với các bộ ngành, trong quý 1/2017 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động Quốc gia về tôm để phát triển bền vững, hình thành một nền công nghiệp sản xuất tôm Việt Nam. Trong đó nói rõ định hướng quy hoạch cùng các địa phương, chính sách phát triển… Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa tôm nước lợ vào danh mục sản phẩm quốc gia, xây dựng chương trình khoa học công nghệ phát triển ngành tôm Việt Nam, tập trung vào các khâu chọn tạo, gia hóa giống tôm có tốc độ tăng trưởng nhanh, sạch và kháng bệnh…

Để đảm bảo minh bạch và đảm bảo lợi ích cho người sản xuất trực tiếp, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính bổ sung tôm giống vào danh mục hàng hóa phải được đăng ký niêm yết giá, kê khai giá hoặc được kiểm tra yếu tố hình thành giá. Lãnh đạo các địa phương có thể phát triển nuôi tôm cần thu hút doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã có tiềm lực công nghệ, tài chính đầu tư vào ngành tôm.

Đối với đề xuất hình thành mô hình doanh nghiệp xã hội trong ngành tôm, Thủ tướng yêu cầu làm rõ mô hình này để áp dụng vào thực tế, nâng cao năng suất, chất lượng, lợi ích kinh tế trong các mô hình tôm lúa, tôm rừng.

Nguồn: VOV

 

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала