Việt Nam: Luật riêng của đảo và những sai phạm mà UBND tỉnh Kiên Giang giấu kín

© Ảnh : Thăng TúKhách sạn Hương Biển cao 8 tầng, đã phá vỡ không gian tâm linh tại khu vực dinh Cậu, dinh Bà Thủy Long Thánh Mẫu, cũng như che khuất không gian biển tại thị trấn Dương Đông.
Khách sạn Hương Biển cao 8 tầng, đã phá vỡ không gian tâm linh tại khu vực dinh Cậu, dinh Bà Thủy Long Thánh Mẫu, cũng như che khuất không gian biển tại thị trấn Dương Đông. - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Khoản 1 Điều79 của Luật Tài nguyên,môi trường biển và hải đảo quy định,kể từ ngày 8/7/2015,các địa phương ven biển phải giữ nguyên hiện trạng,không được phép đầu tư,xây dựng mới công trình trong phạm vi 100m tính từ đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm về phía đất liền hoặc về phía trong đảo,cũng như phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển

Vô tư chiếm hành lang biển                  

Không hiểu vì lý do gì, ngày 1/11/2016, UBND tỉnh Kiên Giang đã có Văn bản số 682/TB-VP thông báo kết luận của lãnh đạo địa phương là không đưa 20 khu vực biển tại đảo Phú Quốc vào danh mục phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển. Hệ quả của cách chỉ đạo từ văn bản "siêu luật" này đã dẫn đến hiện tượng hàng loạt công trình xây dựng vô tư mọc lên dọc theo các bãi biển tại đảo Phú Quốc trong sự bất bình của cộng đồng.

Ngay tại khu vực trung tâm thị trấn Dương Đông, đối diện với nhiều cơ quan của UBND huyện Phú Quốc, sát gần nhiều công trình tâm linh là dự án khách sạn Hương Biển mọc lên sừng sững che lấp gần hết không gian biển. Phần lớn hạng mục xây dựng đều nằm trong hành lang bảo vệ bờ biển theo quy định tại Điều 79 của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Trước đó, phía trước công trình này là chợ đêm dinh Cậu, một trong nhiều điểm du lịch thu hút du khách, nhưng lấy lý do để bảo vệ môi trường, UBND huyện Phú Quốc đã yêu cầu tiểu thương phải di dời nhưng sau đó khu vực này đã trở thành mặt tiền đường Võ Thị Sáu để phục vụ cho khách sạn Hương Biển.

Những ngày này, tốc độ thi công khách sạn Hương Biển rất hối hả nhưng tại bảng thông tin của công trình lại không có mục giấy phép xây dựng, phương án bảo vệ môi trường. Khi được hỏi về điều này, một cán bộ của Cty TNHH MTV 59, đơn vị thi công cho biết, lãnh đạo đi họp chưa về nên không thể trả lời vì sao không công khai giấy phép xây dựng và cam kết bảo vệ môi trường.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Thanh tra, từ năm 2008, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã có quyết định phê duyệt tỷ lệ 1/500 xây dựng khu du lịch Hương Biển có quy mô 19.438m2, do Cty Cổ phần Du lịch Phú Quốc làm chủ đầu tư. Đến tháng 3/2015, phần lớn cổ phần của chủ đầu tư đã được chuyển nhượng cho Cty Trần Thái do ông Trần Minh Chí là người đại diện pháp luật.

Sau đại hội cổ đông, ông Trần Minh Chí đã trở thành Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần Du lịch Phú Quốc; đồng thời, khách sạn Hương Biển đã được nâng thành 8 tầng, quy mô 250 phòng, với vốn đầu tư 300 tỷ đồng. Ngoài ra, Cty Trần Thái đã tăng tỷ lệ góp vốn vào Cty Cổ phần Du lịch Phú Quốc là 90%, trở thành đơn vị có quyền quyết định.

Nhiều du khách đến đảo Phú Quốc đã bất ngờ khi thấy sự bất hợp lý của công trình xây dựng khách sạn Hương Biển vì đã phá vỡ không gian tâm linh tại khu vực dinh Cậu, dinh Bà Thủy Long Thánh Mẫu, cũng như che khuất không gian biển.

Sau khi quan sát cả khu vực, anh Phạm Hoàng Nam, Giám đốc Hãng Luật Bến Nghé Sài Gòn không giấu được bất bình: Đảo ngọc Phú Quốc chưa có quảng trường để phục vụ sinh hoạt cộng đồng nên việc sử dụng phần đất gần 2ha tại số 1 đường Võ Thị Sáu để xây dựng khách sạn Hương Biển là sự sai lầm trong tư duy quản lý đô thị. Là một địa phương có tiềm lực kinh tế, đáng lẽ UBND tỉnh Kiên Giang phải dành lại phần đất hiếm hoi này để phục vụ lợi ích chung thay vì giao cho doanh nghiệp kinh doanh khách sạn.

Anh Nguyễn Văn Thương, một người dân sống lâu năm trên đảo Phú Quốc, được mệnh danh là công dân chống tiêu cực của địa phương, cho rằng: Khi khách sạn Hương Biển mọc lên cũng là lúc người dân mất đi chợ đêm dinh Cậu, còn xa hơn nữa những người dân nghèo của thị trấn Dương Đông sẽ có thể không được tắm biển tại bãi biển gần sát dinh Cậu khi khách sạn đi vào hoạt động.

Luật riêng của đảo?

Theo quy định, hành lang bảo vệ bờ biển là dải đất ven biển được thiết lập ở những khu vực cần bảo vệ hệ sinh thái, duy trì giá trị dịch vụ của hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên ở vùng bờ; giảm thiểu sạt lở bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển. Tuy nhiên, các cơ quan chuyên môn, trong đó Ban Quản lý Khu Kinh tế Phú Quốc đã cho rằng, hiện tại quy hoạch các khu du lịch đã bảo đảm tính cộng đồng, bảo đảm quyền tiếp cận của người dân đối với biển.

Từ lập luận này, tại cuộc họp ngày 14/10/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng đã thống nhất với Ban Quản lý Khu Kinh tế Phú Quốc trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang không đưa 20 khu vực biển vào danh mục phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển.

Liên quan đến câu chuyện này, ngày 9/12/2016, người đại diện pháp luật của Cty Cổ phần Đầu tư Thương mại dịch vụ Nhiệt Đới đã có văn bản kiến nghị về điều chỉnh lại tiền sử dụng đất của dự án Nhiệt Đới tại khu phức hợp bãi Trường tại ấp đường Bào, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc. Lý do là phần lớn diện tích mà doanh nghiệp được giao để triển khai dự án lại nằm trong hành lang bảo vệ bờ biển theo quy định Khoản 1 Điều 79 của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

 Hệ quả của việc không tuân thủ đúng pháp luật đã dẫn đến việc, ngay gần khu đất của Cty May thêu Lan Anh, thuộc địa bàn xã Dương Tơ, một doanh nghiệp ngọc trai đã ngang nhiên xây dựng công trình lấn chiếm hành lang bảo vệ bờ biển, có nguy cơ đe dọa đến an toàn sân bay quốc tế Phú Quốc. Công trình được che chắn bởi hàng rào tôn xung quanh, không một bảng báo thông tin về tên công trình, thiết kế, số giấy phép, thời gian thi công… Thế nhưng, bên trong không khí thi công vẫn nhộn nhịp và công trình vẫn nhô cao từng ngày.

Trao đổi với báo chí, ông Phan Bá Bắc, Đội trưởng Đội Kiểm tra trật tự đô thị huyện Phú Quốc, khẳng định công trình Trung tâm Ngọc trai Ngọc Hiền của ông Hồ Phi Thủy bị người dân phản ánh là xây dựng không phép là đúng, vì dự án chưa được cấp phép xây dựng. Tuy nhiên đến nay, huyện Phú Quốc vẫn chưa lần nào lập đoàn kiểm tra, xử lý vi phạm công trình này vì UBND tỉnh Kiên Giang đã có chủ trương giao cho Ban Quản lý Khu Kinh tế Phú Quốc tạo điều kiện cho cơ sở ngọc trai Ngọc Hiền hoạt động sau tranh chấp mặt biển với Cty Cổ phần Du lịch Hòa Bình.

Ngay sau khi Quốc hội ban hành Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Chủ tịch nước có Lệnh công bố Luật thì ngày 27/7/2015, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng và quản lý đất đai các dự án ven biển. Chỉ thị nêu rõ, việc khai thác và bảo vệ khu vực ven biển có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế — xã hội và an ninh quốc phòng quốc gia, vì vậy, công tác quản lý quy hoạch khu vực ven biển, quản lý đầu tư xây dựng và quản lý đất đai dự án ven biển là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, ngành, địa phương.

Liên quan đến kiến nghị về 20 khu vực biển không cần lập hành lang bảo vệ bờ biển, ngày 11/5/2016, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 3262/VPCP-KTN gửi UBND tỉnh Kiên Giang đề nghị thực hiện đúng quy định tại Khoản 1 Điều 79 của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Tất cả quy định này đã không được tuân thủ và thực hiện nghiêm túc tại đảo Phú Quốc nên dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng UBND tỉnh Kiên Giang đang áp dụng luật riêng cho các bãi biển tại đảo ngọc? Hàng loạt doanh nghiệp đã tận dụng luật riêng này để ào ạt xây dựng công trình lấn chiếm hành lang biển như không hề biết đến Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Nguồn Thanh Tra

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала