Gã đặc công ôm mộng bá vương cùng băng cướp Hải Phòng sát hại 5 chiến sĩ công an

© Ảnh : VTCCông an Hải Phòng bàn phương án tác chiến
Công an Hải Phòng bàn phương án tác chiến - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Đến giờ nhiều người dân Hải Phòng vẫn hãi hùng khi nhắc tới băng cướp họ Phạm, từng giết người không ghê tay, nã đạn vào bất cứ ai để cướp giật.

Toán cướp này gồm 5 người, trong đó có 4 tên là anh em ruột, tên còn lại cũng là họ hàng gần, từng được giang hồ đất Cảng "tôn sùng" là "ngũ hổ".

Bây giờ, về xã Thủy Triều (Thủy Nguyên, Hải Phòng), nơi những "con hổ" hung dữ này sinh ra và tác oai tác quái, nhiều người dân khi nhắc lại vẫn không thôi sợ hãi. Họ kể lại mọi chuyện bằng ánh mắt thất thần, kinh hãi ngỡ như hình bóng những tên đại ác ấy vẫn lảng vảng đâu đây.

Gã đặc công bị thải hồi ôm mộng bá vương

Ngôi nhà, nơi toán cướp này sinh ra và lớn lên ở thôn Kinh Triều, giờ cũng đã được bán lại cho người khác. Trước đây, khi toán cướp trên bị tiêu diệt, kẻ thì bị đạn bắn thấu người, đứa thì bị lửa thiêu đen thui, người dân nơi đây đã bảo, nhà ấy hướng nhà ấy nghịch. Bởi phong thủy chẳng ra gì ấy nên con cái phần lớn chẳng thể nên người.

© Ảnh : DatvietCổng làng Kinh Triều, quê hương toán cướp "Ngũ hổ".
Cổng làng Kinh Triều, quê hương toán cướp Ngũ hổ. - Sputnik Việt Nam
Cổng làng Kinh Triều, quê hương toán cướp "Ngũ hổ".

Cầm đầu toán cướp khét tiếng ấy là Phạm Văn Động, một đặc công từng tham gia chiến trường ở miền Nam và Campuchia. Động là con thứ 7 trong một gia đình có tới 11 người con. Bởi mưu sinh ông lưu lạc đến Thủy Nguyên và làm rể ở thôn Kinh Triều.

Nếu không có những đứa con đại ác này thì gia đình Động cũng được nhiều người vị nể bởi có người con cả hy sinh trong chiến tranh chống Mỹ. Tuy nhiên, sự hy sinh của người anh cả ấy đã bị tội ác của những đứa em ngỗ ngược che mờ.

Theo nhiều cán bộ địa phương thời kỳ ấy thì khi đất nước vào cuộc tổng động viên để chi viện cho chiến trường miền Nam thì Động cũng lên đường nhập ngũ. Nhà gần cửa sông, thạo nghề ngụp lặn, Động đã được đào tạo để thành một đặc công thiện chiến. Tuy nhiên, bởi bản tính du côn, nên sau mấy năm quân đội, cũng từng kinh qua mấy chiến trường, Động đã bị quân đội thải hồi.

Bị đơn vị "tống" về khi đất nước vừa thống nhất bởi hàng loạt những vấn đề đề liên quan đến đạo đức, sẵn chút võ nghệ học được khi còn ở lính, Động đã nhanh chóng trở thành "thần tượng" của đám trai làng hư hỏng, đặc biệt là đám anh em hư hỏng, bất trị trong gia đình mình.

Đột nhập kho bí mật trộm vũ khí

Về làng, không nghề ngỗng lại lười lao động nên Động đã ấp ủ mộng "giang hồ bá vương". Khi ấy, nhiều người ở Hải Phòng và một số tỉnh lân cận đã tìm đường vượt biên bởi ảo tưởng đất nước nào đó bên kia đại dương có cuộc sống sung túc, ấm no.

Muốn vượt biên thì phải có tiền, nhiều tiền. Ấp ủ giấc mơ ấy và muốn biến giấc mơ ấy thành hiện thực thì chỉ còn cách đi cướp. Động nghĩ như vậy và đã làm như vậy.

Ông Đỗ Văn Nhật (SN 1941), nguyên là Chủ tịch UBND xã Thủy Triều thời kỳ bấy giờ, người từng tham gia tích cực vào cuộc bài trừ, tiêu diệt toán cướp nguy hiểm này kể, thời kỳ Động tước quân tịch, thải hồi về làng, dân trong xã chẳng một ngày được yên.

Kinh hoàng nhất là khi đám côn đồ hung hãn này đã tự vũ trang cho mình súng đạn tối tân. Số vũ khí này chúng đã đột nhập một kho quân khí ở một hòn đảo ngoài Quảng Ninh để ăn trộm.

Theo ông Nhật thì thời chiến, bởi chi viện cho chiến trường miền Nam nên nhiều vũ khí, khí tài đã được tập kết thành nhiều kho bí mật trên những hòn đảo dọc bờ biển Hải Phòng, Quảng Ninh. Từ đây, số vũ khí này sẽ theo "tàu không số" vào Nam. Có thể kho vũ khí mà anh em Động đột nhập, lấy cắp chưa kịp chuyển đi bởi đất nước đã im tiếng súng.

Xã Thủy Triều ngăn với Quảng Ninh bằng sông Bạch Đằng. Bởi quê bố bên đó nên anh em Động năng qua lại. Một lần, sang đó lấy cây óng về để làm giàn trồng dưa leo, anh em Động đã phát hiện ra kho vũ khí bí mật này. Và, lợi dụng sự lơi là, chủ quan trong canh gác, chúng đã bất ngờ đột nhập và lấy đi vô khối súng đạn.

Khi băng cướp nguy hiểm này đã được "khoanh vùng" thì cũng chẳng ai có thể biết chúng có bao nhiêu khẩu súng, bao nhiêu lựu đạn. Chỉ biết rằng, chúng chôn vũ khí khắp nơi, khi cần thì cứ đến điểm chôn cất bí mật ấy lấy lên và sử dụng.

Khi toán cướp này bị bắt, có người ở xã khi đi làm vườn còn cuốc lên cả một rổ đạn mới tinh. Chính bởi nguồn đạn dược khủng này nên chúng sẵn sàng vãi đạn như mưa khi gặp bất cứ chuyện gì bất trắc.

Theo lời kể của các trinh sát tham gia tiêu diệt toán cướp này thì cuối những năm 70, không một vụ đánh lộn, cướp giật nào ở Thuỷ Nguyên và các vùng lân cận lại không có hình bóng của anh em Nguyễn Văn Động.

Động có người em ruột, tên Phạm Văn Đông, kém y một tuổi và giống y như đúc. Chính nhờ sự giống nhau này mà đã vài lần hắn thoát khỏi sự truy bắt của cơ quan công an. Tuy vậy, với các trinh sát thì trong cái rủi này vẫn có cái may.

Còn nhớ, năm 1977, nhận được tin báo Động đang xuất hiện ở làng, các trinh sát đã vội vã ập về. Đúng như tin báo Động đã về làng thật, thế nhưng, người mà các trinh sát túm được ở cánh đồng lại là em hắn, tên Phạm Văn Đông.

Thời gian đó, Đông chưa nhúng tay sâu vào tội ác như anh mình, chưa đủ cơ sở để bắt y nên các trinh sát đành phải thả. Không xác định được nơi Động ẩn náu, buộc lực lượng truy bắt quay ra chiếc xe dân dụng đã được ngụy trang giấu ở ngoài bãi cây rậm đầu làng để nhanh chóng rút lui.

Sau này, đồng bọn của Động đã khai rằng, chuyến tập kích bất ngờ ấy của các trinh sát đã bị chúng phát hiện. Để giải cứu cho "đại ca" mình, đàn em của Động đã bố trí 2 tay súng chĩa thẳng vào chiếc xe, nằm im mật phục. Nếu không may Động bị "hót" ra xe, chúng sẽ xả đạn, đánh tháo.

Xả đạn khiến 5 chiến sĩ công an thiệt mạng trên đường vượt ngục

Tuy xuất quỷ nhập thần nhưng trong một lần gây án, cả Động và Đông đã bị công an tỉnh Quảng Ninh bắt giữ. Như con cọp bị xích xiềng, Động lồng lộn nung nấu trong đầu ý đồ vượt ngục.

Thời kỳ đó, các trại giam cũng không được canh phòng nghiêm ngặt như bây giờ nên chuyện tù nhân trốn trại cũng không phải là hiếm.

Là một đặc công thiện chiến, nhất là trên sông nước, nên y đã tính cho mình phương thức đào tẩu bằng thuyền. Và, lần vượt ngục ấy, tên tướng cướp khét tiếng này đã gây ra tội ác kinh hoàng khiến 5 chiến sĩ công an Quảng Ninh thiệt mạng.

Theo lời kể của các trinh sát tham gia chuyên án tiêu diệt toán cướp này thì Động trốn trại vào năm 1982.

Đêm đó, lợi dụng sự sơ hở của quản giáo, anh em hắn đã cùng tên em họ là Phạm Văn Tú, cũng một kẻ vào tù ra tội, lẩn trốn. Trước khi "tạm biệt trại giam" Động đã không quên đánh cắp vài khẩu súng để phòng khi bất trắc.

Sự lo xa của hắn không thừa, khi đang lẩn trốn trong bãi sú trước cửa sông Bạch Đằng thì công an Quảng Ninh dùng thuyền máy ập đến, truy đuổi. Chẳng nói chẳng rằng, đáp lại những tiếng gọi hàng của công an, Động nện luôn một loạt đạn dài chống trả.

Tiếng thuyền máy, tiếng súng khiến cả một khúc sông hỗn loạn. Động vừa bắn vừa tấp thuyền vào rừng sú gần đó để tìm đường chạy trốn. Trước sự liều lĩnh và manh động ấy, biết chẳng thể quy hàng những tên tội phạm lực lượng truy bắt đã quyết định nổ súng tiêu diệt.

Thế nhưng, quần thảo cả tiếng đồng hồ mà hai bên vẫn bất phân thắng bại. Lựa chiều không thể cầm cự được lâu, Động đã giở ngón nghề đặc công của mình. Không vãi đạn như trước nữa mà hắn vừa bắn nhát gừng vừa bất ngờ đánh thuyền ra khỏi rừng sú.

Tưởng bọn chúng đã hết đạn, lực lượng truy bắt phóng thuyền tiến đến. Khi khoảng cách còn vài chục mét thì bất ngờ Động bắn vài phát vu vơ rồi làm thuyền lật úp. Thấy thuyền của Động lật, lực lượng truy bắt ngỡ tưởng thuyền sóng đánh chìm nên vội vàng tấp đến.

Cảnh giác trước sự mưu mẹo của Động, trước khi tiến đến gần chiếc thuyền thúng đang nằm dập dềnh ấy, lực lượng truy bắt đã liên tiếp xả đạn. Chiếc thuyền nát bươm, từ từ vùi vào những con sóng đục ngầu.

Nghĩ là anh em Động đã dính đạn nên mọi người tiến đến gần để kiểm tra. Vừa đáp thuyền đến nơi, lật thuyền lên, mọi người ngạc nhiên bởi không có dấu hiệu gì cho thấy bọn chúng đã dính đạn.

Khi lực lượng truy bắt còn chưa kịp định thần thì một loạt đạn dài trong bụi sú gần đó đã lạnh lùng vang lên. Loạt đạn tàn khốc ấy đã cướp đi mạng sống của cả 5 chiến sĩ công an dũng cảm.

Thì ra, biết không thể chống chọi tay đôi với lực lượng truy bắt, Động đã nghĩ đế kế sách "ve sầu thoát xác" mà mình học được thời đi bộ đội.

Hắn đánh lật thuyền rồi cùng với mọi người lặn một hơi vào bờ, nơi có những cây sú um tùm ở gần đó để giương súng chờ sẵn. Và, khi những chiến sĩ công an ấy mất cảnh giác, hắn đã ra tay tàn độc.

Nguồn: Đời Sống Pháp Luật

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала