Trường CĐ nghề số 19 - BQP: Quyết toán khống, rút ruột ngân sách hàng chục tỉ đồng

© Ảnh : TNTrường Cao đẳng nghề số 19 - BQP, nơi xảy ra vụ việc.
Trường Cao đẳng nghề số 19 - BQP, nơi xảy ra vụ việc. - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Lợi dụng chính sách hỗ trợ học nghề của Nhà nước đối với bộ đội xuất ngũ (BĐXN), lãnh đạo Trường Cao đẳng nghề số 19 - Bộ Quốc phòng (Thái Bình) đã lập hồ sơ để quyết toán khống hàng nghìn “thẻ học nghề” mà không hề có người học. Chỉ tính riêng trong 2 năm (2014-2015), nhà trường đã “rút ruột” tiền của ngân sách nhà nước hàng chục tỉ đồng.

Sai phạm trên 16 tỉ đồng

Theo Quyết định số 121 ngày 09.10.2009 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư liên tịch số 04 ngày 4.1.2010 của liên Bộ Quốc phòng — Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ BĐXN học nghề, tất cả hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam hoàn thành chế độ phục vụ tại ngũ theo Luật Nghĩa vụ quân sự, có quyết định xuất ngũ và có nhu cầu học nghề tại các trường trong và ngoài quân đội, được cấp "thẻ học nghề" có giá trị tối đa bằng 12 tháng tiền lương tối thiểu tại thời điểm học nghề và có giá trị trong 1 năm kể từ khi cấp thẻ.

Lợi dụng chính sách đó, trường Cao đẳng nghề số 19 đã tổ chức thu mua "thẻ học nghề" của BĐXN với giá từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/thẻ. Sau đó lập danh sách BĐXN học nghề để quyết toán, "rút ruột" tiền của ngân sách nhà nước. Cụ thể, nhà trường đã lập hai danh sách khác nhau để quyết toán khống số tiền nhà nước hỗ trợ BĐXN học nghề. Trong đó, một danh sách số lượng học viên học tập thực tế tại trường, còn một danh sách là tên học viên có "thẻ học nghề" nhưng không đi học, phục vụ mục đích quyết toán tiền hỗ trợ học nghề của BĐXN.

Điển hình là ngày 14.11.2015, trường này đã ban hành Quyết định số 538 về việc công nhận tốt nghiệp đối với 37 học sinh thuộc các lớp sơ cấp nghề khóa 5. Tuy nhiên, trong một văn bản cùng số, cùng ngày, có nội dung giống hệt nhau, cùng do đại tá Trần Đình Lưu (Hiệu trưởng nhà trường) ký, đóng dấu thì số lượng học viên được công nhận tốt nghiệp lại là 320 học sinh, cao gấp nhiều lần so với lượng học viên thực tế đi học và được công nhận tốt nghiệp.

Trao đổi về vấn đề này, Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề số 19 Trần Đình Lưu thừa nhận có việc quyết toán "thẻ học nghề" cho BĐXN vượt xa so với con số thực tế học tập tại trường. Theo ông Lưu, kết luận thanh tra đã chỉ ra nhà trường thu sai quy định đối với "thẻ học nghề" là 16 tỉ đồng (trong 2 năm 2014 và 2015), đồng thời đổ thừa: "Sai phạm đó nhà trường không có ý kiến gì nữa bởi số tiền 16 tỉ đồng này liên quan đến người tiền nhiệm của những năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015".

Tuy nhiên khi được hỏi, Quyết định 538 là do chính đại tá Trần Đình Lưu — Hiệu trưởng đương nhiệm — ký, lúc này ông Lưu mới thừa nhận: "Nội dung hai văn bản đó là có thật, thanh tra Bộ Quốc phòng và hình sự Quân khu 3 đã kết luận là sai phạm rồi", đồng thời thanh minh "mỗi thẻ học nghề chỉ có giá trị trong 1 năm, một số anh em đi làm xa có nhu cầu bảo lưu, nếu không quyết toán, sau này anh em muốn cũng không đi học lại được. Bên cạnh đó, mỗi "thẻ học nghề" chỉ được học một nghề, nhiều BĐXN có nguyện vọng học nhiều nghề khác nhau nên nhà trường tạo điều kiện cho họ" (?!).

Qua tìm hiểu thực tế của Báo Lao Động, danh sách BĐXN đã được nhà trường công nhận tốt nghiệp, quyết toán kinh phí nhà nước hỗ trợ BĐXN phần lớn chưa học một ngày tại trường. Nhiều người tỏ ra bất ngờ và cho biết, sau khi xuất ngũ, họ đã tìm công việc khác để làm chứ không đi học nghề. Kết luận số 3018 ngày 29.5.2017 của Bộ Tư lệnh Quân khu 3 kết luận nội dung tố cáo đối với đại tá Trần Đình Lưu — Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề số 19 — đã nêu rõ: "Năm 2016, thanh tra Bộ Quốc phòng đã tiến hành thanh tra và kết luận một số sai phạm trong việc thanh quyết toán thẻ học nghề là 16 tỉ và đầu tư xây dựng cơ bản là 780 triệu đồng".

Thần tốc bổ nhiệm con rể?

Liên quan đến những sai phạm tại trường Cao đẳng nghề số 19, dư luận cũng xôn xao về chuyện con rể của Hiệu trưởng nhà trường được bổ nhiệm chức vụ Trưởng phòng một cách thần tốc. Theo đó, ông Trần Tuyên (sinh năm 1990, ở Yên Phong, Yên Mô, Ninh Bình) — là con rể của đại tá, Hiệu trưởng Trần Đình Lưu — được nhận vào công tác tại trường từ năm 2013. Đến tháng 8.2015, nhà trường có công văn số 359 đề nghị tạm tuyển anh Tuyên vào đội ngũ cán bộ và xếp chức danh Trưởng khoa điện của trường. Tháng 4.2016, Đảng ủy Quân khu 3 có công văn số 138 đề nghị Thường vụ Quân ủy TƯ tạm tuyển vào đội ngũ cán bộ. Đến tháng 6.2016, Quân khu 3 ban hành Quyết định số 48 về việc tạm tuyển vào đội ngũ cán bộ với ông Trần Tuyên, xếp chức danh Trưởng khoa điện. Và đến 7.2016, nhà trường tổ chức trao quyết định cho anh Tuyên. Ngày 10.4.2017, trường có công văn số 17 đề nghị về việc tuyển dụng cán bộ chính thức và phong quân hàm sĩ quan đối với ông Trần Tuyên.

Tuy nhiên, từ khi được bổ nhiệm chức vụ Trưởng khoa điện, ông Trần Tuyên chưa một ngày nắm quyền tại khoa này. Mọi hoạt động của khoa được giao cho ông Nguyễn Công Thịnh điều hành. Tại kết luận số 3018 ngày 29.5.2017 của Bộ tư lệnh Quân khu 3 chỉ rõ: "Đ/c Trần Tuyên — lao động hợp đồng tạm tuyển vào đội ngũ cán bộ với chức danh được xếp là Trưởng khoa điện nhưng chưa đảm nhiệm thực hiện nhiệm vụ theo đúng chức danh được sắp xếp là sai quy định về công tác cán bộ".

Theo đại tá Nguyễn Trọng Chiều — Bí thư Đảng ủy trường Cao đẳng nghề số 19: "Thẩm quyền nhà trường không được phép bổ nhiệm cán bộ, nhà trường chỉ đề nghị, Quân khu thừa ủy quyền của Bộ quốc phòng ban hành quyết định. Lỗi của đồng chí Tuyên không phải là không điều hành khoa mà do Ban giám hiệu không cho anh Tuyên điều hành. Còn việc đồng chí Tuyên có điều hành khoa tốt hay không thì nhà trường không biết do đồng chí chưa nhận nhiệm vụ".

Nguồn: Lao Động

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала