Việt Nam chờ đợi gì từ chuyến thăm Mỹ của Bộ trưởng Quốc Phòng Ngô Xuân Lịch?

© Sputnik / Григорий Сысоев / Chuyển đến kho ảnhBộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch tại Hội nghị an ninh quốc tế Moskva lần thứ V
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch tại Hội nghị an ninh quốc tế Moskva lần thứ V - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Nhận lời mời của Ngài James Mattis, Bộ trưởng Quốc phòng Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng sẽ thăm chính thức Hoa Kỳ từ ngày 7 đến 10-8.

Chuyến thăm sẽ góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị, tin cậy giữa nhân dân và quân đội hai nước, cũng như triển khai các nội dung hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng đã được lãnh đạo cấp cao hai nước thống nhất, nhằm đưa quan hệ quốc phòng song phương phù hợp với quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam — Hoa Kỳ.

Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh Việt Nam chưa thực sự giành được nhiều lợi thế trong các tranh chấp về vấn đề Biển Đông tại hội nghị các Ngoại trưởng ASEAN diễn ra tại Philippines, còn quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh đang có dấu hiệu căng thẳng liên quan tới hoạt động thăm dò dầu khí ở ngoài khơi Việt Nam.

Chủ đề về Biển Đông chắc chắn là điểm mấu chốt trong chuyến thăm lần này của Bộ trưởng Quốc Phòng Ngô Xuân Lịch.

Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về quốc phòng Việt Nam, từ Học viện Quân sự Úc đưa ra một số phỏng đoán về nội dung thảo luận giữa hai đại diện quốc phòng của Việt Nam và Hoa Kỳ.

"Cuộc họp này sẽ nối tiếp cuộc họp giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Donald Trump hồi tháng Năm", ông Thayer nói.

Đánh giá về mối quan hệ với Trung Quốc, Giáo sư Thayer cho rằng Hoa Kỳ sẽ chỉ tham gia một cách chừng mực, trong bối cảnh Washington đang rất cần sự hỗ trợ của Bắc Kinh trong việc kiềm chế Bắc Hàn.

"Hoa Kỳ đang bận rộn chuyện Bắc Hàn và đang cần Trung Quốc kiểm soát Bắc Hàn, họ không thể đồng thời chống lại Trung Quốc ở Biển Đông".

"Hoa Kỳ sẽ chỉ hỗ trợ Việt Nam bằng cách bán cho Việt Nam các loại vũ khí và công nghệ hàng hải".

Hoa Kỳ trên thực tế "không có gì nhiều để mất cho Hoa Kỳ trong cuộc chơi [Biển Đông] này cả", Giáo sư Thayer giải thích thêm.

Phải nhấn mạnh một điều rằng, Việt Nam thực hiện sách lược mềm dẻo, linh hoạt, mặc dù một số chính trị gia Hoa Kỳ cố ý leo thang căng thẳng và đưa ra những tuyên bố có tính chất kích động. Vào tuần này tạp chí Foreign Policy có một bài viết khẳng định rằng, Trung Quốc đã đe dọa thực hiện hành động quân sự chống Việt Nam nếu Hà Nội không ngừng việc khoan dầu. Tạp chí viết rằng, vấn đề này đã gây ra sự chia rẽ trong Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông David Shear, cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, cựu Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về các nước châu Á và Thái Bình Dương dưới thời Barack Obama, cho rằng, vì tranh chấp với Trung Quốc mà Việt Nam mất hai khu khoan thăm dò dầu khí. Ông chỉ trích chính quyền của Tổng thống Donald Trump không chú ý đến các vấn đề trong khu vực và nói rằng, đây là sự thất bại vì Mỹ không thể thiết lập trong khu vực một trật tự dựa trên các lợi ích của Hoa Kỳ.

Quyết định của phía Việt Nam tạm ngừng hoạt động khoan đã được thông qua trước thềm các hội nghị ASEAN ở Manila: Hội nghị cấp ngoại trưởng và Diễn đàn khu vực Hiệp hội với các đối tác liên kết nước ngoài. Nhiều khả năng, Hà Nội không muốn leo thang căng thẳng trong các cuộc thảo luận về vấn đề Biển Đông.

Chắc chắn, chuyến thăm của vị Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam sẽ tạo bước tiến, giúp quan hệ quân sự Việt- Mỹ có thêm những nền tảng vững chắc, tin cậy và bền vững hơn.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала