Đại án OceanBank và nỗi oan ức mang tên “Thông tư 02”?

© Ảnh : infonetLuật sư Hoàng Huy Được.
Luật sư Hoàng Huy Được. - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Thông tư 02, theo phân tích của Luật sư Hoàng Huy Được, là trái với Bộ luật Dân sự, vậy nhưng nó lại được dùng làm hệ tham chiếu để quy kết các bị cáo vi phạm khoản 3 Điều 165 Bộ luật hình sự.

Tham gia bào chữa cho 4 bị cáo trong vụ án OceanBank gồm: Nguyễn Hoài Nam (nguyên Giám đốc khối nguồn vốn), Nguyễn Thị Nga (nguyên Kế toán trưởng), Nguyễn Văn Đức (nguyên Giám đốc CN Thanh Hóa), và Phan Thị Tú Anh (nguyên Giám đốc CN Quảng Ngãi), Luật sư Hoàng Huy Được (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) kiến nghị HĐXX chỉ xử lý hành chính thay vì xử lý hình sự đối với các thân chủ của ông nói riêng và 34 Giám đốc chi nhánh nói chung.

Các bị cáo này đều bị truy tố chung một tội danh "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" theo khoản 3 Điều 165 Bộ luật hình sự.

Các bị cáo này đều trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến việc chi "chăm sóc khách hàng" của OceanBank giai đoạn 2009-2014, mà theo cáo trạng là chi vượt lãi suất trần 14%/năm theo quy định của Thông tư số 02/2011/TT-NHNN ngày 03/03/2011 (Thông tư 02) của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) quy định mức lãi suất huy động vốn tối đa bằng đồng Việt Nam. Thông tư này do Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến ký thay Thống đốc Nguyễn Văn Giàu.

Sau đó, ngày 07/09/2011, người kế nhiệm của ông Nguyễn Văn Giàu là Thống đốc Nguyễn Văn Bình ký Chỉ thị số 02/CT-NHNN (Chỉ thị 02) về chấn chỉnh việc thực hiện quy định về mức lãi suất huy động bằng VND và USD của các TCTD, Chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.

Mở đầu Chỉ thị 02 có nội dung: "Trong thời gian qua, hầu hết tổ chức tín dụng đã thực hiện lãi suất huy động đồng Việt Nam và lãi suất huy động bằng đô la Mỹ cao hơn mức lãi suất quy định tại Thông tư số 02/2011/TT-NHNN ngày 03/3/2011 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định mức lãi suất huy động vốn tối đa bằng đồng Việt Nam và Thông tư số 14/2011/TT-NHNN ngày 01/6/2011 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định mức lãi suất huy động vốn tối đa bằng đô la Mỹ của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng dưới nhiều hình thức, biện pháp khác nhau, vi phạm nghiêm trọng quy định tại 2 Thông tư nêu trên, tiềm ẩn nguy cơ gây rủi ro cho tổ chức tín dụng."

Như vậy, mặc nhiên NHNN thừa nhận "hầu hết" các tổ chức tín dụng đã thực hiện chi trả lãi suất huy động cao hơn so với mức lãi suất trần 14%/năm được quy định trong Thông tư 02.

Chỉ thị 02 của Thống đốc Bình cũng nêu 3 hình thức xử phạt nếu các tổ chức tín dụng vi phạm Thông tư 02 gồm: Đình chỉ hoặc miễn nhiệm chức vụ của người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng, cấm đảm nhiệm chức vụ người quản lý, người điều hành tại chính tổ chức tín dụng đó trong thời hạn 03 năm kể từ ngày bị đình chỉ, miễn nhiệm; Hạn chế mở rộng phạm vi, quy mô, địa bàn hoạt động của tổ chức tín dụng trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày bị xử lý; Hạn chế hoặc tạm đình chỉ hoạt động huy động và cho vay của đơn vị vi phạm thuộc tổ chức tín dụng đó.

Theo bị cáo Hà Văn Thắm, cựu Chủ tịch OceanBank, Thông tư 02 và Chỉ thị 02 là phi thị trường, đi ngược lại với những cam kết của Nhà nước về một thị trường tự do hóa, trong đó có thị trường vốn.

Nói về tính pháp lý của Thông tư 02, luật sư Hoàng Huy Được cho rằng trước hết cần xác định bối cảnh thị trường lúc đó. Chỉ thị 02 thừa nhận hầu hết các ngân hàng đều vi phạm Thông tư 02, trong đó đương nhiên có OceanBank. Nhưng ít người nói đến trách nhiệm của NHNN trong việc để xảy ra tình trạng gần như toàn bộ hệ thống các tổ chức tín dụng đua nhau huy động vượt trần. Chỉ thị 02 ra đời chỉ 1 tháng sau khi ông Nguyễn Văn Bình nhậm chức Thống đốc thay ông Nguyễn Văn Giàu.

Trên cơ sở thực tế, khi bị thẩm vấn các bị cáo đều tỏ ra rất ấm ức, tủi thân khi nói về tình trạng khách hàng đến OceanBank rút tiền ồ ạt vào thời điểm năm 2011 sau khi Hà Văn Thắm đơn phương ban hành văn bản yêu cầu các chi nhánh trên toàn quốc dừng việc chi lãi ngoài huy động vượt trần. Quyết định này của Hà Văn Thắm là đúng với tinh thần Thông tư 02, nhưng lại "đi ngược dòng" so với dòng chảy của thị trường, dẫn đến tình trạng trao — nhận tiền tay 3 giữa khách hàng và nhân viên ngân hàng khác, ngay tại quầy giao dịch của OceanBank.

Xe của ngân hàng khác đứng đợi sẵn để chở tiền khách rút. OceanBank lúc này không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục chi chăm sóc khách hàng, thay vì ngồi nhìn ngân hàng rơi vào tình trạng mất thanh khoản, ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ.

Điều này đã được các luật sư và bị cáo nói quá nhiều, kể cả việc xác định con số 1.576 tỷ đồng chi chăm sóc khách hàng bị cáo trạng quy kết là thiệt hại của OceanBank, trong khi các luật sư và người trong cuộc lại cho rằng đó là chi phí bắt buộc để đem lại lợi nhuận cho ngân hàng, giống như việc chi hoa hồng môi giới trong hoạt động thương mại theo quy định tại Điều 150 Luật Thương Mại số 36/2005/QH11.

Số tiền 1.576 tỷ đồng này được khối Kế toán không hề che giấu và nó thể hiện ngay trên tài khoản 801 của ngân hàng cũng như trên báo cáo tài chính trong suốt giai đoạn 2009-2014.

Điều này ai cũng thấy, ngoại trừ Trưởng Ban Kiểm soát Bùi Văn Hải. Về việc xác định thiệt hại hay không thiệt hại, các luật sư bào chữa cho Hà Văn Thắm nói rằng với tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng lên đến 62,93% (thực tế là 74% nếu tính cả việc sở hữu gián tiếp), Hà Văn Thắm không "điên" đến mức đưa tiền cho người khác "phá".

Còn luật sư Hoàng Huy Được thì cho rằng cựu Chủ tịch OceanBank không đời nào lại đưa tiền cho người khác "đốt nhà mình". Số tiền này được coi như phần chi tương ứng 1% để đem lại lợi nhuận 4% cho OceanBank. Các bị cáo cũng nói rằng giai đoạn đó, tại các kỳ Đại hội đồng cổ đông, khi bàn đến việc chia cổ tức thì tất cả "vui như hội". Như vậy, con số 1.576 tỷ đồng phải được coi là "hiệu quả" chứ không thể là "hậu quả".

© Ảnh : infonetBị cáo Nguyễn Thị Nga, nguyên Kế toán trưởng OceanBank cho rằng chỉ cần nhìn vào Báo cáo tài chính là ai cũng dễ dàng nhận ra ngân hàng có chi lãi ngoài.
Bị cáo Nguyễn Thị Nga, nguyên Kế toán trưởng OceanBank cho rằng chỉ cần nhìn vào Báo cáo tài chính là ai cũng dễ dàng nhận ra ngân hàng có chi lãi ngoài. - Sputnik Việt Nam
Bị cáo Nguyễn Thị Nga, nguyên Kế toán trưởng OceanBank cho rằng chỉ cần nhìn vào Báo cáo tài chính là ai cũng dễ dàng nhận ra ngân hàng có chi lãi ngoài.

Trở lại với câu chuyện về Thông tư 02 và Chỉ thị 02, trước khi ban hành hai văn bản này, ngày 29/11/2010, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu đã ban hành Quyết định số 2868/QĐ-NHNN quy định về lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam là 9,0%/năm. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2010 và thay thế Quyết định số 2619/QĐ-NHNN ngày 05/11/2010 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam. Như vậy chỉ trong khoản thời gian chưa đầy 1 tháng NHNN đã liên tục có những văn bản khác nhau quy định về lãi suất cơ bản, điều này cho thấy phần nào sự bất định của thị trường tiền tệ lúc bấy giờ.

Và để thống nhất trong việc xét xử các vụ án về lãi suất, Chánh án TAND Tối cao đã ra văn bản số 244 ngày 05/11/2012 hướng dẫn các tòa án địa phương về mức lãi suất cơ bản theo quy định tại Quyết định số 2868 của NHNN để xem xét các vụ việc liên quan đến lãi suất cơ bản.

Còn theo quy định tại Điều 176 Bộ luật Dân sự năm 2005, sau này được thay thế bởi Bộ luật Dân sự 2013, mức lãi suất không vượt quá 150%/năm so với lãi suất cơ bản của ngân hàng. Như vậy, 150%/năm so với mức lãi suất cơ bản 9,0%/năm quy định tại thời điểm xảy ra vụ án (giai đoạn 2009-2014) là 13,5%. Trong khi đó, Thông tư 02 của Thống đốc NHNN lại quy định lãi suất trần 14%/năm.

"Một quyết định của Thống đốc, của một thành viên Chính phủ, của người đứng đầu một cơ quan ngang Bộ thì không thể trái với Luật của Quốc hội. Không thể trái với Điều 176 Bộ luật Dân sự", — Luật sư Hoàng Huy Được nói.

Như vậy, Thông tư 02, theo phân tích của Luật sư Hoàng Huy Được, là trái với Bộ luật Dân sự, vậy nhưng nó lại được dùng làm hệ tham chiếu để quy kết các bị cáo. Do đó, nếu coi Thông tư 02 là cái cớ để quy kết các bị cáo vi phạm khoản 3 Điều 165 Bộ luật hình sự, Viện Kiểm sát đã vi phạm Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Cũng phải nói thêm rằng, ngày 06/06/2011, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu ký ban hành văn bản số 4605 yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc Thông tư 02 đối với mức lãi suất trần không vượt quá 14%/năm.

Cả hai văn bản gồm Văn bản số 4605 ngày 06/06/2011 do Thống đốc Nguyễn Văn Giàu ký và Chỉ thị số 02 do Thống đốc kế nhiệm Nguyễn Văn Bình ký đều thừa nhận thực trạng các tổ chức tín dụng đã và đang huy động vượt trần lãi suất. Một điểm chung nữa của hai văn bản này là đều khẳng định nếu tổ chức tín dụng vi phạm sẽ bị xử lý về mặt hành chính.

"Cả hai Thống đốc của hai nhiệm kỳ đều yêu cầu chấp hành đúng Thông tư 02 và đều yêu cầu xử lý hành chính nếu vi phạm", — Luật sư Hoàng Huy Được nói. — "Nhưng hiện tại, bây giờ ngay tại đây, mấy chục con người của OceanBank đang bị truy cứu về trách nhiệm hình sự thì có quá không khi tôi cho rằng "nói một đằng làm một nẻo"? Tôi thiết nghĩ nếu để giữ uy tín cho các Thống đốc thì nên chăng chỉ xử lý về mặt hành chính đối với tội "Cố ý làm trái". Cách làm như thế là để giữ uy tín cho các Thống đốc".

Để thuyết phục HDXX, luật sư Hoàng Huy Được cho rằng với phiên tòa này, với những bị cáo suốt gần 3 năm qua "ăn không ngon, ngủ không yên", với những gia đình đang đứng trước nguy cơ phải ly tán, với những gia đình đã phải bán đi tất cả tài sản để khắc phục hậu quả, và cả với những bị cáo đã kiệt quệ đến mức không còn tiền để thuê luật sư bào chữa cho mình, chỉ cần xử lý hành chính cũng là đủ sức răn đe, và cũng là đủ để họ có được bài học phải mang theo suốt cuộc đời.

Nguồn: infonet

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала