Báo động chất lượng nhân lực Việt: Thêm 9.000 tiến sĩ hay đào tạo công nhân lành nghề?

© AP Photo / Chitose SuzukiNhà máy Thuong Dinh Shoe tại Hà Nội
Nhà máy Thuong Dinh Shoe tại Hà Nội - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Chỉ 23% lao động Việt Nam có bằng cấp, chứng chỉ - được hiểu là nhóm lao động có trình độ. Hơn 70% số lao động không có chuyên môn là một lỗ hổng, một sự thiếu hụt rất đáng lo ngại trong cơ cấu nhân lực Việt Nam hiện nay.

Cũng vì thế, việc chi 12.000 tỉ đồng đào tạo 9.000 tiến sĩ để nâng tỉ trọng lao động có trình độ sẽ là không thừa, có thể sẽ là vẫn thiếu, nếu việc đào tạo không đi đúng "địa chỉ", đào tạo kiểu phân bổ, cào bằng… Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, thay vì chi hàng nghìn tỉ "đúc" thêm tiến sĩ, có nên dùng nguồn kinh phí này đào tạo cho nhóm nhân lực "khát" nhất hiện nay: Công nhân kỹ thuật?

Cơ cấu trình độ rất bất hợp lý

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ. - Sputnik Việt Nam
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Đào tạo 9.000 tiến sỹ không phải tràn lan
Theo báo cáo "Xu hướng lao động và xã hội Việt Nam giai đoạn 2012-2017" mới công bố của Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐTBXH), dù trong 5 năm qua tỉ lệ thất nghiệp ở Việt Nam gần như ổn định và chỉ tăng nhẹ từ 1,96% lên 2,26% vào quý II/2017; tỉ lệ thiếu việc làm cũng ở mức thấp và có xu hướng giảm từ 2,74% năm 2012 xuống còn 1,62% vào quý II/2017. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất là chất lượng lao động Việt Nam còn thấp, mới chỉ 23% có bằng cấp, chứng chỉ. Cơ cấu lao động theo các cấp trình độ đào tạo còn bất hợp lý, chưa thực sự phù hợp.

Chi tiết hơn, báo cáo chỉ ra trong số lao động có bằng cấp, chứng chỉ thì có hơn 50% thuộc nhóm trình độ cao đẳng và đại học trở lên, trong khi số có chứng chỉ nghề trình độ trung cấp chỉ chiếm 5,42% và chứng chỉ nghề ngắn hạn chiếm 5,6% trong tổng lực lượng lao động. Ngoài ra, số lao động đang làm việc trong khu vực phi chính thức lên tới hơn 18 triệu người, mục tiêu hướng tới việc làm bền vững tại Việt Nam đối diện nhiều rào cản. Ông Đào Quang Vinh — Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, thừa nhận, với cơ cấu và các con số thực tế này, thị trường lao động Việt Nam hiện vẫn còn lạc hậu.

Với tỉ lệ lao động thiếu việc làm có xu hướng giảm và tỉ lệ thất nghiệp khá "ổn định", vấn đề thiếu việc làm không phải là thách thức lớn nhất mà việc tăng năng suất lao động thấp mới là khó khăn lớn nhất hiện nay. Bên cạnh đó, xu hướng già hóa dân số đang tác động mạnh mẽ đến cơ cấu việc làm theo nhóm tuổi ở Việt Nam: Lao động là người cao tuổi làm việc trong nền kinh tế hiện nay ngang bằng với số lao động từ 15-24 tuổi.

Bà Nguyễn Lan Hương — Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho rằng, với 23% lao động được coi là có trình độ thì việc đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ là không thừa, thậm chí thiếu.

Thêm tiến sĩ hay thêm công nhân?

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ - Sputnik Việt Nam
Phát biểu "gây sốt dư luận" của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam
Theo bà Lan Hương, về chương trình đào tạo 9.000 tiến sĩ, đáng lo ngại nhất là có đi đúng quy hoạch hay không? "Đối tượng quy hoạch phải làm kỹ. Về chương trình đào tạo tiến sĩ là tốt, tuy nhiên, tăng về số lượng nhưng ai tham gia? Nếu không có quy hoạch, cứ phân bổ và không lựa chọn đối tượng đào tạo theo địa chỉ, có thể biến tướng. Khúc giáo dục nghề nghiệp cần được tập trung nhiều hơn. Nếu chỉ tập trung đại học, tiến sĩ bậc cao thì mất cân bằng trong khối đã qua đào tạo" — bà Hương nhấn mạnh.

Trao đổi với PV Báo Lao Động về những nguy cơ "biến tướng" đào tạo tiến sĩ, bà Lan Hương cho rằng, đào tạo tiến sĩ phải gắn với quy hoạch: Hiện nay đào tạo mới gắn với người, nên có tình trạng khi đi học quay về cơ quan cũ thì quy hoạch không đúng mong muốn người học. Do đó, chương trình quan trọng này phải biết được ngành nghề tương lai là gì, công tác dự báo tốt… để hiểu rõ chúng ta cần tiến sĩ trong những ngành nào? việc tuyển chọn như thế nào?… Nếu để các đơn vị, các viện, cơ quan nhà nước tham gia đề án 9.000 tiến sĩ này thì sẽ không thiết thực.

Dù chất lượng nhân lực thấp, việc bổ sung thêm 9.000 tiến sĩ vẫn không thừa nhưng cơ cấu nội tại của nhân lực qua đào tạo lại còn nhiều bất cập. Bà Hương lấy ví dụ, cho rằng cơ cấu nhân lực Việt Nam thời kỳ này phải như củ khoai tây chứ không phải mô hình cái nơ như hiện tại. Theo đó, tỉ lệ lao động bậc trung: Cao đẳng, trung cấp, sơ cấp phải nhiều hơn tiến sĩ.

Tại Việt Nam, mô hình nguồn nhân lực năm 2016 cho thấy: Cứ 1 đại học thì có 0,7 trung cấp, sơ cấp và 6,4 không có chuyên môn kỹ thuật. Đây chính là mô hình cái nơ, thắt giữa trong khi giai đoạn này chúng ta cần chỗ thắt đó phình ra. Nghĩa là, thay vì cái nơ, mô hình chuẩn phải là củ khoai tây: Công nhân kỹ thuật bậc trung phải cao hơn cả 2 nhóm còn lại.

Bà Lan Hương dẫn ví dụ cơ cấu nhân lực tại các nước trong khu vực: Với 3 nhóm: Cao đẳng, đại học; công nhân kỹ thuật bậc trung và không chuyên môn kỹ thuật, Thái Lan tương ứng các con số: 1; 4,8; 2. Singapore: 1; 1,8; 0,4. "Tất cả đều hình củ khoai tây, chỉ riêng Việt Nam một kiểu" — bà Hương nói.

Việc hơn 70% nhân lực không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, so với các nước khác: Thái Lan 26%; Malaysia 3%; Singapore 1,3% là rất đáng báo động, và lao động "qua đào tạo" cần được bổ sung thêm. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, thay vì bổ sung thêm 9.000 tiến sĩ, tại sao chúng ta không đầu tư cho nhóm nhân lực mà thị trường "khát" nhất hiện nay: Công nhân kỹ thuật?

Thực tế hiện nay vẫn có hàng trăm nghìn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp, trong khi nhóm lao động có tay nghề bậc trung lại "đắt như tôm tươi". Việc chi hàng chục nghìn tỉ đồng để tăng cường cho nhóm nhân lực không trực tiếp sản xuất có thực sự cần thiết khi mà các trường nghề "khát" kinh phí nâng cao trang thiết bị, máy móc cho thực hành; khi thị trường vẫn thiếu lao động có tay nghề? Câu hỏi này, xin nhường cho các nhà quản lý.

Nguồn: Lao Động

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала