Đề xuất ‘Giáo dục’ thành ‘Záo zụk’: Chữ viết không chỉ là ký tự vô hồn

© Ảnh : Kiến ThứcPGS Bùi Hiền
PGS Bùi Hiền - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Chữ viết không chỉ là các ký hiệu vô hồn ghi lại âm thanh tiếng nói. Một chữ cái giản đơn thôi cũng có tác dụng gợi lại các kết nối văn hoá, giá trị, và trải nghiệm bồi đắp sau hàng trăm nghìn năm của từng cá nhân và dân tộc.

Đề xuất cải cách tiếng Việt của PGS.TS Bùi Hiền là một công trình khoa học đáng trân trọng, vì nó được thực hiện một cách toàn tâm, chỉn chu của một nhà khoa học đang ở độ tuổi, theo tôi suy đoán, chắc không còn đoái hoài danh vọng và tiếng tăm. Tôi thực sự khâm phục tinh thần làm việc của PSG Bùi Hiền. Tuy nhiên, về khía cạnh học thuật, tôi xin chia sẻ ý kiến của mình về công trình nghiên cứu này.

Ngôn ngữ và "tri nhận nghiệm thân"

Cũng như hầu hết sáng chế đều có điểm mạnh và yếu, chữ viết cải cách có nhiều ưu điểm nổi bật, vì nó dễ, ngắn gọn, và giải quyết được rất nhiều mâu thuẫn trong nội hàm chữ Quốc Ngữ — bản chất là một chuỗi ký hiệu do các nhà truyền đạo phương Tây lập ra để thay thế chữ Nôm truyền thống của người Việt.

Trong bài viết nhỏ này, tôi chỉ xin đề cập đến một điểm yếu của đề xuất này mà hầu hết trong những ngày qua chưa ai đề cập đến, đó là việc chữ viết liên quan đến "tri nhận nghiệm thân" (embodied cognition). Tri nhận nghiệm thân, nói một cách đơn giản nhất, là cảm nhận của cơ thể ảnh hưởng đến quá trình hình thành nhận thức.

Triết lý phương Tây có một thời gian dài đi theo học thuyết nhị phân của Descartes, cho rằng tư duy và thân thể là hai phạm trù riêng biệt, không liên quan. Triết lý này nở rộ trong thời điểm cách mạng công nghệ mới hình thành với máy tính và trí khôn nhân tạo. Tư duy thời kỳ này cho rằng suy nghĩ của con người giống như một "phần mềm", hoàn toàn tách biệt không liên quan đến cơ thể con người lúc đó bị coi như là "ổ cứng" — chịu trách nhiệm giúp cho thông tin có chỗ trú chân, chứ không thể tác động đến nội dung của thông tin.

Tư duy này cũng là nền tảng của học thuyết ngôn ngữ, dẫn đầu là nhà nghiên cứu nổi tiếng Noam Chomsky. Ông cho rằng ngôn ngữ viết khởi điểm chỉ là một chuỗi ký hiệu vô nghĩa ghi lại giao tiếp và tư duy của con người.
Tuy nhiên, một học trò của Chomsky là Johnson Lakoff đã làm nên lịch sử khi vào năm 1980, ông cho ra đời cuốn sách kinh điển Metaphors We Live By (Những ẩn dụ làm nên cuộc sống). Dùng tri nhận nghiệm thân, Lakoff chứng minh rằng cơ thể và tư duy liên tục tác động qua lại với nhau, thay đổi ý nghĩa và chức năng của nhau. Các nghiên cứu sau này đồng loạt có cùng kết quả.
Ví dụ nổi tiếng nhất là phép ẩn dụ "tình cảm ấm áp" (Affection is Warm). Phép ẩn dụ này không tự dưng xuất hiện trong ngôn ngữ mà xuất phát từ trải nghiệm của thân thể. Khi chúng ta còn nhỏ, được cha mẹ ôm ấp, bộ não trẻ con kết nối sự yêu thương với hơi ấm từ vòng tay phụ mẫu. Các nơ-ron tạo lập xung điện, hình thành các đường truyền có kết cấu ngày càng mạnh mẽ và sâu sắc hơn giữa hai khái niệm, một trừu tượng (yêu thương) và một trải nghiệm mang tính thân xác (ấm áp).

Ngôn ngữ là quá trình trải nghiệm của thân xác. Trong một thí nghiệm về tri nhận nghiệm thân, hai nhóm người được yêu cầu hồi tưởng lại hai kỷ niệm khác nhau. Nhóm thứ nhất hồi tưởng kỷ niệm bị ghẻ lạnh, hắt hủi. Nhóm thứ hai hồi tưởng kỷ niệm được đón nhận nồng nhiệt. Kết quả, nhóm thứ nhất đánh giá nhiệt độ trong phòng thấp hơn 5 độ C so với nhóm thứ hai. Nghiên cứu này chứng minh ý thức có thể làm đổi thay thực tế, hồi tưởng lại kỷ niệm có thể làm thay đổi nhiệt độ trong phòng.

Không dừng lại ở đó, trải nghiệm thân xác còn ảnh hưởng ngược lại đến cách chúng ta tư duy. Trong một thí nghiệm, hai nhóm người tham gia được yêu cầu cầm hai cốc cà phê khác nhau. Nhóm thứ nhất cầm một cốc cà phê nóng, đúng tiêu chuẩn cà phê phương Tây. Nhóm thứ hai cầm cốc lạnh. Cả hai nhóm được yêu cầu đánh giá một nhóm người chính phủ. Nhóm cầm cốc nóng có đánh giá cao hơn, cho rằng người được đánh giá thân thiện và đáng tin cậy hơn so với nhóm cầm cốc cà phê lạnh. Nghiên cứu này chứng minh trải nghiệm thân xác có thể làm đổi thay ý thức. Khi ta ấm áp thì ta thấy người đời cũng đáng yêu hơn. 

Quay lại ví dụ về phần mềm — tư duy và ổ cứng — cơ thể. Ổ cứng không chỉ giúp thông tin và phần mềm có chỗ cư ngụ, mà còn có thể thay đổi thông tin. Để ổ cứng vào nơi gió mát, phần mềm sẽ hiện trên màn hình thành một cô gái lãng mạn phóng khoáng. Thay đổi phần mềm thành một chàng trai đang thể hiện tình cảm nồng nàn, ổ cứng sẽ tự động nóng lên vài độ.

Nếu cái giá phải trả là sự đứt gãy… 

Vậy tri nhận nghiệm thân có ảnh hưởng thế nào đến đề xuất cải cách chữ viết của tác giả Bùi Hiền? 

Trước tiên hãy quay trở lại lịch sử chữ viết của người Việt cách đây không lâu, khi chúng ta dùng các ký tự tiếng Trung Quốc để phiên âm tiếng Việt. Đây là một hệ thống chữ tượng hình, vì vậy, tri nhận nghiệm thân có tác động sâu sắc hơn nhiều so với hệ thống chữ viết khác. Lấy một ví dụ đơn giản, khi tôi học tiếng Trung, tôi luôn nhớ rằng, một cái cây (chữ mộc, trông giống cái cây) chỉ là một cái cây, nhưng ba cái cây đứng cạnh nhau thì là một khu rừng. Tình yêu không chỉ là cảm giác gái trai mà là tình bạn (chữ hữu) với trái tim yêu thương (chữ tâm) sống chung dưới một mái nhà (chữ mịch) che chở cho nhau khi sóng gió (chữ trảo, móng vuốt)… 

Khi học chữ viết, người dùng ký tự tiếng Trung dần dần hình thành các trải nghiệm cơ thể và trải nghiệm tư duy cùng tần số với ký tự tượng hình. Chữ viết vì vậy ảnh hưởng đến cả triết lý sống qua con đường vô thức: thế nào là hợp tác cùng nhau vào sinh ra tử, thế nào là tình cảm chân thực khi ngóng đợi tin người thân, thế nào tình yêu và ân nghĩa vợ chồng, v.v…

Tôi chỉ có thể hình dung ra sự bàng hoàng mất mát của dân tộc khi chữ quốc ngữ thay thế chữ Nôm. Để đổi lại sự giản tiện, tốc độ phát triển và chế tài chính trị, chúng ta bị đứt đoạn hoàn toàn với khối tri thức và tình cảm khổng lồ của lịch sử. Di chứng còn lại cho đến ngày nay là người Tàu vào đền chùa Việt hiểu lời nhắn nhủ của tổ tiên hơn cả chúng ta. Với chữ Quốc Ngữ, người Việt thời đó bị mất một nguồn tri nhận nghiệm thân do chữ viết gây dựng.

Ví dụ, khi nói về tình yêu, thế hệ cũ sẽ vẫn vô thức bị ảnh hưởng bởi ký tự và các giá trị kết nối "thế nào là yêu" cùng các trải nghiệm thân xác đi cùng chữ "ái". Nhưng thế hệ mới với chữ Quốc Ngữ sẽ không tiếp nối được tư duy đó, triết lý, kết nối đó từ chữ viết, mà phải bồi đắp các tư duy, triết lý và kết nối mới dựa vào các giá trị đạo đức cùng thời điểm. Thời đó quan niệm về tình yêu thế nào thì chữ "yêu" sẽ kích hoạt những giá trị tương đương, khác một phần so với những giá trị mà "ái" trong chữ Hán tượng hình hay chữ Nôm tượng hình kích hoạt. 

Đề xuất cải cách tiếng Việt đương nhiên sẽ không có ảnh hưởng mạnh mẽ như việc chuyển đổi hệ thống ký tự, nhưng nó sẽ làm người dùng phải thay đổi tư duy và đứt đoạn với các tri nhận nghiệm thân đã được bồi đắp từ cả trăm năm nay. Trên mạng lan truyền một ví dụ vừa chính xác, vừa ngộ nghĩnh: "Trục Trặc" sẽ được viết là "cụk cạk". Chữ "c" không chỉ là chữ "c" mà là một ký tự đi liền với rất nhiều kết nối và tri nhận nghiệm thân từ cuộc sống.

Tương tự, khi ta đọc chữ "ty", vốn văn hoá, trí nhớ và các tri nhận nghiệm thân sẽ khiến ta hiểu là "công ty", nhưng khi đọc chữ "ti",  ta hiểu là " ti tiện". Với cách viết mới, khi đọc "kôg ti", các tri nhận nghiệm thân của cá nhân tôi gợi lại là, theo thứ tự: "không", "king kong", "khỉ đột", "ti tiện" hay  "cái ti cái vú". "Công ty" hay "thương nghiêp" hoàn toàn là những tri nhận đến sau.   

Đây chỉ là một ví dụ đơn giản, khoan hãy nói đến những ví dụ phức tạp hơn hay những đứt đoạn có tính tư duy và triết lý cao hơn, có thể vô thức làm bốc hơi nhiều tri nhận và kết nối sâu sắc hơn, tương đương với sự đứt đoạn khi chuyển từ chữ Nôm sang Quốc Ngữ.

Để kết thúc, tôi xin kể lại một câu chuyện khi làm việc tại Trung Đông. Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ là hai quốc gia từng chịu sự đổi thay mãnh liệt của chữ viết. Người Thổ đoạn tuyệt với lịch sử Hồi giáo và cam kết phát triển theo con đường phương Tây nên dùng ký tự latinh thay vì ký tự Ả Rập. Họ thành công, nhưng mất đi một phần khổng lồ các kết nối giá trị từ nhiều trăm năm là lãnh chúa của thế giới Hồi giáo. Người Ai Cập bị Ả Rập hoá, mất toàn bộ ký tự cổ thời Pharaoh, mất toàn bộ văn minh tôn giáo và văn hoá huy hoàng. Khi đến thăm các kim tự tháp, tôi học thuộc lòng bảng chữ cái Ai Cập cổ. Bạn tôi — một giáo sư của trường ĐH nổi tiếng thế giới Azhar nấc lên rằng: Than ôi, người phương Tây giờ hiểu ngôn ngữ tổ tiên chúng tôi hơn cả các con cháu Pharaoh.

Chữ viết không chỉ là các ký hiệu vô hồn ghi lại âm thanh tiếng nói. Một chữ cái giản đơn thôi cũng có tác dụng gợi lại các kết nối văn hoá, giá trị, và trải nghiệm bồi đắp sau hàng trăm nghìn năm của từng cá nhân và dân tộc. Thay đổi chữ viết là thay đổi những kết nối đó. Nếu cái giá phải trả là sự đứt gãy, chúng ta nên hài lòng với cái que đang có dù nó có hơi… cong.

PGS.TS Nguyễn Phương Mai, Đại học Khoa học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan

Nguồn: vietnamnet

 

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала