Việt Nam: Dùng hộ chiếu ngoại giao, công vụ đi nước ngoài vì việc riêng

© Fotolia / DD ImagesHộ chiếu Việt Nam
Hộ chiếu Việt Nam - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Theo Bộ Công an, công tác quản lý hộ chiếu công vụ còn thiếu chặt chẽ, việc thu hồi, quản lý hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ khi hết nhiệm vụ chưa thực hiện được triệt để. Vẫn còn tình trạng không nộp lại hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ hoặc sử dụng hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ đi nước ngoài vì việc riêng.

Quốc kỳ Việt Nam - Sputnik Việt Nam
Bộ Ngoại giao bảo vệ quyền cho các công dân Việt Nam đã bị bắt giữ như thế nào?
Bộ Công an vừa công bố dự thảo đánh giá về tình hình liên quan đến công tác quản lý xuất nhập cảnh, chuẩn bị cho dự án Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Xuất hiện đường dây làm giả giấy tờ

Theo Bộ Công an, lợi dụng sự thông thoáng trong việc giải quyết thủ tục xuất nhập cảnh, thời gian qua, một số đối tượng đã hợp thức hóa hồ sơ, sử dụng giấy tờ giả để làm thủ cấp hộ chiếu. Đáng chú ý đã có những đường dây làm giả giấy tờ; hành vi vi phạm ngày càng tinh vi và thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau.

Mặc dù Bộ Công an là đơn vị chủ trì giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác quản lý xuất nhập cảnh, nhưng việc kiểm soát xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu đường bộ, đường biển đều do Bộ Quốc phòng quản lý. Việc cấp, đổi, bổ sung các loại giấy tờ có giá trị xuất nhập cảnh giữa Bộ Ngoại giao, Bộ Công an còn bất cập, gây khó khăn cho công tác kiểm soát xuất nhập cảnh, việc trao đổi thông tin chưa thông suốt.

"Công tác quản lý hộ chiếu công vụ còn thiếu chặt chẽ, việc thu hồi, quản lý hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ khi hết nhiệm vụ chưa thực hiện được triệt để. Vẫn còn tình trạng không nộp lại hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ hoặc sử dụng hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ đi nước ngoài vì việc riêng"- Bộ Công an đánh giá.

Bộ Công an đã chủ động phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải để nối mạng máy tính giữa Bộ Công an (Cục Quản lý xuất nhập cảnh) với Bộ Ngoại giao (Cục Lãnh sự) và Bộ Quốc phòng (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) phục vụ cho việc tra cứu thông tin, công tác kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu và thống kê nhà nước về xuất nhập cảnh.

Qua đó đã phát hiện xử lý 2.671 vụ với 3.237 đối tượng vi phạm pháp luật về xuất nhập cảnh, phạt tiền là 7,3 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra, xử lý 161 vụ/557 người. Trong đó, có 512 vụ/525 đối tượng giả mạo hồ sơ để xin cấp hộ chiếu; 230 vụ/244 đối tượng sử dụng hộ chiếu giả, thị thực giả; 140/146 đối tượng sử dụng hộ chiếu người khác; 68 vụ/141 đối tượng khai không đúng sự thật để cấp hộ chiếu; 383 vụ/469 đối tượng vi phạm khác;….

Công tác kiểm tra, kiểm soát xuất nhập cảnh tại các cửa sân bay quốc tế đã có nhiều chuyển biến, đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Kịp thời nhập máy, truyền dữ liệu gần 5.000 trường hợp bị dừng xuất cảnh vì nợ thuế đến các cửa khẩu, hơn 1.000 trường hợp bị dừng xuất cảnh do chưa thi hành bản án dân sự. Qua đó góp phần ngăn chặn các đối tướng xuất cảnh để trốn tránh các nghĩa vụ pháp lý phải thực hiện, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Ngăn chặn dùng hộ chiếu ngoại giao, công vụ xuất cảnh làm việc riêng

UBND xã Đông Thọ đã để xảy ra hàng loạt sai phạm trong công tác quản lý thu, chi ngân sách trong 2 năm 2013 - 2014 - Sputnik Việt Nam
Việt Nam: Lấy tiền ngân sách đi… du lịch
Bộ Công an cho biết, việc cấp hộ chiếu phổ thông tuy tạo thuận lợi tối đa cho công dân nhưng lại chỉ căn cứ vào Chứng minh nhân dân. Tuy nhiên, việc này đã phát sinh nhiều vấn đề, nhất là trong điều kiện chất lượng Chứng minh nhân dân kém, dễ bị làm giả, yếu tố bảo mật chưa cao.

Hơn nữa dữ liệu về Chứng minh nhân dân không đầy đủ, tình trạng trùng số diễn ra khá phổ biến, gây khó khăn cho công tác cấp hộ chiếu.

Mặt khác, công tác quản lý, thu hồi Chứng minh nhân dân còn chưa chặt chẽ, nhiều trường hợp đã xin thôi quốc tịch Việt Nam song vẫn không bị thu hồi Chứng minh nhân dân, chưa có sự trao đổi kịp thời giữa Bộ Tư pháp và Bộ Công an.

Chính phủ đã giao cho Bộ Công an nghiên cứu, áp dụng cấp hộ chiếu điện tử nhưng đến nay cơ sở pháp lý để việc cấp hộ chiếu điện tử chưa được quy định trong luật.

Theo quy định của Chính phủ, hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ được cấp cho cán bộ, công chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử ra nước ngoài thực hiện công vụ nhà nước, đồng thời giao cho Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền cử cán bộ, công chức ra nước ngoài có trách nhiệm ban hành quy chế quản lý việc ra nước ngoài của cán bộ, công chức do mình quản lý. Nhưng thực tế nhiều cơ quan chưa ban hành quy chế quản lý, chưa quản lý chặt chẽ hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ của cán bộ, công chức sau khi đi công tác về. Vì vậy nảy sinh tình trạng cán bộ, công chức sử dụng hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ để xuất cảnh về việc riêng.

Bộ Công an kiến nghị Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và giao Bộ công an chịu trách nhiệm chủ trì thực hiện quản lý nhà nước, các bộ liên quan có trách nhiệm phối hợp thực hiện.

"Quy định trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền cử cán bộ, công chức, viên chức ra nước ngoài công tác, nhất là chịu trách nhiệm về việc quản lý cán bộ, công chức, viên chức ở nước ngoài, thu lại hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ khi hết thời gian công tác, nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác"- Bộ Công an kiến nghị.

Nguồn: Dân Trí

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала