Bí thư Trương Quang Nghĩa nói về việc khởi tố ông Đinh La Thăng

© Ảnh : Screenshot/YoutubeÔng Trương Quang Nghĩa thay ông Xuân Anh làm Bí thư Đà Nẵng
Ông Trương Quang Nghĩa thay ông Xuân Anh làm Bí thư Đà Nẵng - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa, nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT, nhiều dự án BOT ra đời là do sự nóng vội của một số địa phương và Bộ GTVT, do “tính hình thức, tính phong trào, tính hình ảnh cá nhân, kể cả có tính lợi ích ở đó nữa”!

Khởi tố ông Đinh La Thăng thể hiện quyết tâm phòng chống tham nhũng

Ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TP.HCM. - Sputnik Việt Nam
“Cú đấm thép” vào nạn tham nhũng và "phát súng" cho những kẻ "chống lưng"
Như tin đã đưa, sáng 12/12, tân Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cùng các thành viên trong Đoàn đại biểu Quốc hội TP đã có buổi tiếp xúc cử tri quận Sơn Trà nhằm báo cáo kết quả kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV. Tại đây, ông đã dành nhiều thời gian nói về công tác phòng chống tham nhũng mà đông đảo cử tri hết sức quan tâm.

Theo ông Trương Quang Nghĩa, việc thực hiện Luật phòng chống tham nhũng vẫn còn nhiều vấn đề phải tiếp tục hoàn thiện, đặc biệt là việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng hiện mới đạt chưa tới 10%. Đây là một hạn chế rất lớn, và chính khả năng thu hồi tài sản tham nhũng cũng phản ảnh tính minh bạch về tài sản cá nhân. Hiện rất khó kiểm soát tài sản cá nhân của cán bộ, công chức.

"Đó cũng là cái gốc gác, cái nguyên nhân dẫn đến tham nhũng nhiều như thế!" — ông Trương Quang Nghĩa nói. Theo ông, hiện luật phòng, chống tham nhũng đang tiếp tục được hoàn thiện dần, nhưng vấn đề quan trọng nhất vẫn là quyết tâm phòng chống tham nhũng trong Đảng và Quốc hội. Bởi tham nhũng là vấn đề "mang tính sống còn đối với chế độ" như Tổng Bí thư đã nói.

"Trong tuần vừa rồi có một vụ án rất lớn đã khởi tố bị can. Đó là vụ ông Đinh La Thăng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên TƯ Đảng, đại biểu Quốc hội. Qua vụ này, tôi nghĩ phần nào đó cử tri cũng thấy được quyết tâm của TƯ Đảng, Bộ Chính trị, Chính phủ và chừng mực nào đó thì cử tri cũng sẽ tin tưởng hơn về quyết tâm của Đảng đối với phòng chống tham nhũng!" — ông Trương Quang Nghĩa nói.

BOT đều vay vốn ngân hàng chứ chưa huy động được nguồn lực xã hội

Ông Đinh La Thăng - Sputnik Việt Nam
"Di sản" của ông Đinh La Thăng khiến hai đời Bộ trưởng Giao thông chịu nhiều áp lực
Ông Trương Quang Nghĩa cũng cho hay, tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, một nội dung khác cũng được các đại biểu hết sức quan tâm là đầu tư các dự án hạ tầng giao thông theo hình thức PPP. Bộ GTVT đã thông qua được 2 dự án rất lớn, rất quan trọng. Thứ nhất là dự án xây dựng một số đoạn (khoảng 640km) của đường cao tốc Bắc — Nam trong giai đoạn trung hạn 2016 — 2020 với hình thức Nhà nước bỏ vốn khoảng hơn 40% (khoảng 55.000 tỉ đồng). Dự án thứ hai là di dân, tái định cư cho dự án xây dựng sân bay Long Thành.

"Trong quá trình nghiên cứu để thông qua các dự án này, các đại biểu Quốc hội cũng rất quan tâm tới các dự án BOT phê duyệt thời gian vừa rồi và cũng đã có thanh tra toàn diện, giám sát của Thường vụ Quốc hội, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước. Hiện nay, Ủy ban Kiểm tra TƯ đang thực hiện giám sát dự án Quốc lộ 1 và cũng sẽ có những vấn đề về BOT được quan tâm làm rõ!" — ông Trương Quang Nghĩa nói.

Ông Nghĩa cho hay, tháng 4/2016, ông được điều động về nhận nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ GTVT; đến tháng 6/2016, ông cùng lãnh đạo Bộ GTVT tổ chức tổng kết 5 năm thực hiện việc đầu tư các dự án hạ tầng giao thông theo hình thức BOT. Qua đó đã rút ra một số đánh giá, nhận xét chung về BOT. Đó là về mặt chủ trương, thực hiện BOT là đúng do nguồn lực của nhà nước hiện còn rất hạn chế, trong khi nguồn lực của xã hội còn rất nhiều.

"Nhưng việc huy động nguồn lực trong thời gian vừa qua có thực sự là huy động nguồn lực của xã hội hay chưa? Nói thực, trong đánh giá chúng tôi đưa ra nhận định là vẫn chưa đạt được mục đích huy động nguồn lực của xã hội. Bởi vì cuối cùng đó đều là các dự án huy động vốn từ ngân hàng chứ không phải là các nguồn lực khác trong dân.

Tiền, vàng trong dân chả thèm gửi vào ngân hàng nữa khi mà ngân hàng chưa đủ để khuyến khích người ta. Với mức lãi vay và cho vay của ngân hàng, nếu các dự án BOT có cơ chế huy động thì tư nhân cũng sẵn sàng tham gia, nhưng thực tế các dự án BOT vừa rồi đều vay ngân hàng nên các rủi ro về tài chính cũng rất lớn!" — ông Trương Quang Nghĩa nói.

Xử lý không khéo các dự án BOT rồi thì rủi ro rất lớn

Phan Văn Khải - Sputnik Việt Nam
Triết lý về BOT của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải 22 năm trước
Điều quan trọng là sau hội nghị nêu trên, theo ông Trương Quang Nghĩa, Bộ GTVT đã quyết định tạm dừng các dự án BOT và đưa ra các tiêu chí để có thể đầu tư các dự án tiếp theo với nguyên tắc "chỉ làm BOT với các dự án mới, không làm các dự án mà người dân đang đi, tức là không được phép tước quyền đi lại của người dân".

"Do vậy, từ tháng 6/2016 đến nay không có một dự án BOT nào khởi công!" - ông Trương Quang Nghĩa cho hay. Theo ông, không phải không có nhà đầu tư, nhưng việc không có thêm các dự án BOT khởi công trong thời gian qua là do các nhà đầu tư đều theo cách thức cũ, đều là các đường nâng cấp, đường tránh, sau đó thu tiền!

Bên cạnh đó, ông chỉ rõ, nhiều dự án BOT ra đời là do sự bức xúc, nóng vội của một số địa phương và cả sự nóng vội từ Bộ GTVT. Cùng với đó là tính hình thức, tính phong trào, tính hình ảnh cá nhân. "Và tôi cũng nói luôn, kể cả có tính lợi ích ở đó nữa. Nên hiện các cơ quan Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra TƯ và giám sát của Quốc hội đang tập trung làm rõ!" — ông Trương Quang Nghĩa nói.

Ông cũng khẳng định với cử tri Đà Nẵng, riêng trong thời gian ông làm Bộ trưởng Bộ GTVT đã thực hiện được hai việc lớn nhất liên quan tới BOT. Đó là dừng lại, rà soát, đánh giá tất cả các dự án BOT và đưa ra mức phí cho phù hợp. Và điều quan trọng nhất là tập trung làm quyết toán các dự án BOT.

"Khi đưa ra được quyết toán sẽ phản ảnh một số vấn đề, chi tiêu ra làm sao, quan hệ như thế nào, dự án đó của ai, của anh, hay của em, hay của ai thì nó lộ hết ra. Và thực sự các chi tiêu đó, sau khi quyết toán thì các số liệu rất phù hợp với kiểm toán nhà nước!" — ông Trương Quang Nghĩa cho hay.

Cử tri Sơn Trà cho rằng việc xử lý vi phạm của ông Huỳnh Đức Thơ chưa nghiêm - Sputnik Việt Nam
"Ông Huỳnh Đức Thơ không xứng đáng làm Chủ tịch Đà Nẵng!"
Theo ông, Chính phủ đang tập trung rà soát, xem xét các giải pháp giải quyết các vấn đề bất cập của BOT. Đặc biệt ông nhấn mạnh: "Đối với BOT thì chúng ta sẽ tiếp tục làm nhưng không phải làm như thời gian vừa rồi. Còn giải quyết hậu quả của vừa rồi như thế nào, cách thức ra sao thì còn phụ thuộc vào rất nhiều vấn đề. Một số địa phương đề nghị nhà nước mua lại. Việc mua lại thì đơn giản quá, nhưng nhà nước có tiền đâu. Vì không có tiền nên mới phải làm BOT!".

Ông Trương Quang Nghĩa nêu rõ, quyết tâm của Chính phủ là phải đưa ra một giải pháp hài hòa. Bởi vì các nhà đầu tư cũng đã bỏ tiền ra rồi, và suy cho cùng, chịu trách nhiệm đầu tiên là Bộ GTVT. Ngoài ra, để thông qua một dự án BOT phải có đến 6 Bộ chấp nhận. Do vậy, giải quyết vấn đề này cũng đòi hỏi phải bài bản, căn cơ hơn, bởi vì cái tính liên quan, tính ảnh hưởng của nó rất lớn.

"Và cũng đã có doanh nghiệp bảo với sức ép như thế này thì họ trả lại dự án cho ngân hàng. Bởi vì ngân hàng bỏ tiền, và ngân hàng lại lấy quyền thu phí để làm thế chấp. Nếu chúng ta xử lý không khéo thì cái rủi ro là rất lớn. Nhưng dứt khoát là phải làm!" — ông Trương Quang Nghĩa nói.

Nguồn: Infonet

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала