BOT miền Tây và lòng dân

© Ảnh : Nguyễn Nhâm/Người đưa tinKẹt xe ngày 8/1 tại BOT Sóc Trăng.
Kẹt xe ngày 8/1 tại BOT Sóc Trăng. - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Sau BOT Cần Thơ – Phụng Hiệp, các trạm BOT khác của miền Tây Nam bộ đang đối mặt làn sóng phản đối của các chủ phương tiện, dù đã giảm giá vé.

Tại An Giang, trưa ngày 10.1.2018, nhiều tài xế khi lưu thông từ An Giang vào quốc lộ 80 đi Kiên Giang và hướng ngược lại, vẫn không mua vé khi qua trạm T2. Nhân viên của trạm này thấy tài xế nào phản ứng liền cho qua. Năm năm trước, tại cuộc họp ngày 1.11.2013, bộ Giao thông vận tải (GTVT) chỉ đặt một trạm thu phí tại Km14+770, còn gọi là trạm T1 (P. Phước Thới, Ô Môn, Cần Thơ), không hề có trạm thứ 2 tại Km50+050 (trạm T2, P. Thới Thuận, Thốt Nốt, Cần Thơ), nhưng khi thu phí lại có thêm trạm T2.

Trạm T2 đã bị người dân và doanh nghiệp phản ứng gay gắt, vì phương tiện tham gia giao thông trên quốc lộ 80 qua đoạn đường quốc lộ 91 khoảng 750m (đây là đoạn trùng giữa quốc lộ 91 và quốc lộ 80), nhưng phải đóng phí như đi trên toàn tuyến là bất hợp lý. Việc đặt thêm trạm T2 không hề tham khảo ý kiến hay thoả thuận với UBND tỉnh An Giang. Thời điểm khánh thành cầu Vàm Cống đã cận kề, trạm T2 sẽ là điểm nóng khi các phương tiện lưu thông qua cầu Vàm Cống.

Ngày 9.1.2018, ông Nguyễn Văn Phương, chủ đầu tư trạm BOT Bạc Liêu (quốc lộ 1) cho biết, bộ GTVT đã ra văn bản thông báo về việc giảm giá vé cho người dân lân cận của BOT Bạc Liêu, bắt đầu từ 0 giờ ngày 10.1.2018. Theo đó, xe buýt thuộc thị trấn Châu Hưng và xã Châu Hưng A được giảm 100% giá vé; riêng các xe không đăng ký kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu được giảm 40%, còn các phương tiện khác giảm 20%. Sau khi giảm, giá vé qua trạm BOT này chỉ còn từ 15.000 — 84.000 đồng, tuỳ theo loại xe. Riêng các loại xe kinh doanh ở vùng lân cận trạm, chỉ còn mức phí từ 20.000 — 112.000 đồng. Dự án BOT Bạc Liêu (xã Châu Hưng A, huyện Vĩnh Lợi), chủ đầu tư không xây dựng tuyến tránh qua TP Bạc Liêu, mà chỉ nâng cấp và mở rộng quốc lộ 1 với chiều dài gần 10km, rộng 20,5m, tổng vốn hơn 600 tỷ đồng. Cuối năm 2016, trạm thu phí đi vào hoạt động, thời hạn thu hoàn vốn khoảng 15 năm.

Sáng 11.1.2018, ông Nguyễn Văn Phương, cũng là chủ tịch công ty BOT quốc lộ 1 Sóc Trăng cho biết, thứ trưởng bộ GTVT Nguyễn Nhật vừa ký công văn hoả tốc về việc giảm mức thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ cho các phương tiện tại Km2123+350 trên quốc lộ 1 thuộc địa phận tỉnh Sóc Trăng. Trước đó, các tài xế cho xe dừng chắn tất cả sáu làn thu phí hướng từ Sóc Trăng đi Cần Thơ và ngược lại, khiến giao thông trên quốc lộ 1 bị tê liệt. Ông Phương hứa sẽ miễn, giảm phí từ đầu tháng 2.2018, nhưng các tài xế đã phản đối. Nói về việc đánh tài xế, ông Phương khẳng định người đánh tài xế không phải là nhân viên của trạm. "Sau khi đánh tài xế, người đó chạy vào nhà điều hành rồi leo rào thoát ra ngoài trốn, nên không biết là ai", ông chủ BOT Sóc Trăng, nói.

Tại Cần Thơ, thứ trưởng Nguyễn Nhật đã đồng ý bốn kiến nghị của UBND TP Cần Thơ về việc miễn giảm 100% phí qua trạm cho các xe không kinh doanh ở quanh trạm gồm phường Ba Láng (quận Cái Răng), xã Tân Phú Thạnh, thị trấn Cái Tắc (Châu Thành A, Hậu Giang), giảm 50% cho ô tô từ mười chỗ trở lên và xe tải trên 1 tấn ở phường Ba Láng, xã Tân Phú Thạnh và thị trấn Cái Tắc, miễn giảm cho 126 xe không chính chủ và các xe khác chưa được xét duyệt trong danh sách trước đây của UBND  tỉnh  Hậu  Giang.

Có mấy vấn đề mà đến nay các trạm BOT chưa trả lời. Đó là: tại sao các địa phương biến thành "con tin" của bộ GTVT, tại sao chỉ bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp BOT, mà không bảo vệ các doanh nghiệp đang chịu thuế khác, tại sao đã đóng phí bảo trì đường bộ mà vẫn phải nộp "mãi lộ" cho BOT… Hiện chính quyền đang lo lắng tình hình an ninh ở các trạm BOT ở vùng này, chỉ cần có xung đột tình hình sẽ rắc rối hơn nhiều.

Nguồn: thegioitiepthi

 

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала