Chưa từng thấy: Bộ GTVT “dọa” hủy hợp đồng BOT

© ẢnhBộ GTVT sẽ hủy hợp đồng với nhà đầu tư BOT Hòa Lạc - Hòa Bình nếu không nộp đủ tiền
Bộ GTVT sẽ hủy hợp đồng với nhà đầu tư BOT Hòa Lạc - Hòa Bình nếu không nộp đủ tiền - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Khi chấm dứt hợp đồng với nhà đầu tư BOT, bản thân Bộ GTVT cũng đối diện với nhiều thiệt hại cả về kinh tế và thời gian.

Xóa bỏ hợp đồng cũng là một sự thua thiệt

Mới đây Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu trong 10 ngày tới, nếu nhà đầu tư BOT QL6 Hòa Lạc — Hòa Bình không lo đủ vốn chủ sở hữu sẽ bị huỷ hợp đồng. Cụ thể, nhà đầu tư còn thiếu 89 tỷ đồng vốn chủ sở hữu nộp vào dự án.

Còn hợp phần tuyến Hòa Lạc — Hòa Bình bị chậm hơn 1 năm, cho nên dù nộp đủ vốn chủ sở hữu nhưng đến 31/8 tới, dự án không hoàn thành cũng sẽ huỷ hợp đồng với nhà đầu tư.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm bệnh nhân điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc. Trung tâm này được hợp nhất từ một bệnh viện, hai trung tâm y tế dự phòng và an toàn vệ sinh thực phẩm - Sputnik Việt Nam
Việt Nam: Hơn 1.000 lãnh đạo y tế “mất chức”
Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 1/2, PGS.TS Nguyễn Quang Toản — Nguyên chủ nhiệm bộ môn đường bộ, Đại học GTVT Hà Nội cho biết: "Về mặt quản lý nhà nước, xóa bỏ hợp đồng cũng là một sự thua thiệt, kể cả về thời gian thực hiện, tiền giải phóng mặt bằng, tiền chuẩn bị đầu tư, quan trọng nhất là thời gian để tìm được nhà đầu tư đồng ý với hợp đồng cũ.

Cho nên, cực chẳng đã mới phải hủy hợp đồng, vì khi bắt đầu làm một hợp đồng khác sẽ phải trao đổi lại về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm, việc mới chỉ dọa nhà đầu tư và vẫn cho đường lùi chỉ có hàm ý còn nước còn tát.

Có thể khi gặp nhiều khó khăn quá, chính nhà đầu tư cũng muốn hủy hợp đồng để thoái thác trách nhiệm. 

Và nếu có xóa bỏ ở đây cũng không phải là hợp đồng BOT mà là xóa bỏ hợp đồng chọn nhà đầu tư, vì BOT phải là triển khai dự án xong mới ký hợp đồng chính thức".

Bên cạnh đó, theo ông Toản, ở đây hai bên đều cần nhau, các nhà đầu tư cũng muốn làm để tìm kiếm lợi nhuận, còn Bộ GTVT lựa chọn được một nhà đầu tư dự án lớn cũng không dễ dàng.

Và hai bên đều có nghĩa vụ và quyền lợi, chủ đầu tư quyền lợi của họ là doanh nghiệp, còn cơ quan quản lý nhà nước quyền lợi là của toàn dân.

"Có thể Bộ GTVT vẫn muốn nhà đầu tư này tiếp tục thực hiện nên mới chỉ dọa như vậy, mà dọa là còn có nhiều ràng buộc trong hợp đồng, còn BOT khi mới bắt đầu triển khai cách đây vài chục năm như tuyến Biên Hòa — Vũng Tàu không có hợp đồng chặt chẽ nên vừa lập dự án xong, chủ đầu tư bỏ luôn mà không xử lý được. 

Khi còn dọa được cũng đồng nghĩa với việc chứng minh chất lượng hợp đồng với nhà đầu tư có giá trị", ông Toản khẳng định.

Bộ GTVT cũng có lỗi

Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Đình Thám — Trưởng Bộ môn công nghệ và quản lý xây dựng, Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết: 

"Khi nhà đầu tư đã ký hợp đồng mà không thực hiện theo đúng cam kết thì phải hủy hợp đồng và bồi thường đúng trách nhiệm, nhưng ở Việt Nam chưa thấy trường hợp nào thực hiện ngay lệnh hủy hợp đồng.

Đúng quy định là cơ quan chủ quản Bộ GTVT phải kiểm tra năng lực tài chính của chủ đầu tư, đủ vốn sở hữu để làm dự án thì mới được duyệt ký hợp đồng. Nhưng hầu hết các dự án BOT, Bộ đều không làm việc này, nên nhiều dự án chủ đầu tư chỉ có 7-10% vốn mà dám đầu tư cả một dự án hàng nghìn tỷ đồng.

Sau đó, họ đi vay ngân hàng đầu tư với lãi suất cao và số tiền đó chuyển sang phí, để cho dân chịu. Đây là chiêu thức mượn mỡ rán bánh, mọi thứ đều do dân chịu, chứ không cần năng lực của nhà đầu tư, như BOT Hòa Lạc — Hòa Bình, chủ đầu tư cũng không đủ tiền nộp 100% vốn chủ sở hữu.

Tinh thần của BOT là huy động vốn của xã hội, tức là doanh nghiệp có vốn thì đầu tư vào, chứ không phải là mượn vốn xây dựng rồi dân chịu.

Khi có đường BOT thì người dân tự nguyện dùng và chấp nhận nộp phí, nhưng nhiều trạm hiện nay là bắt dân phải đi. Ví dụ như thu phí QL6 cao lên để tài xế phải đi cao tốc Hòa Lạc — Hòa Bình, hay thu phí QL5 cao lên để dân phải đi đường cao tốc Hà Nội — Hải Phòng, đó là chiêu thức lùa dân vào để thu tiền.

Nhà 51 Nguyễn Thái Học của Vũ “nhôm” “cấp” cho gia đình ông Hồ Ánh toàn quyền sử dụng, liền kề với các căn nhà của cựu Bí thư Nguyễn Xuân Anh. - Sputnik Việt Nam
Vũ “nhôm” cấp nhà cả cho Thư ký cựu Bí thư Nguyễn Xuân Anh
Theo tôi cần yêu cầu rõ, nếu không thực hiện đúng thì không được tham gia hợp đồng, cắt hợp đồng, thu hồi giấy phép cho đơn vị khác đầu tư, theo Luật xây dựng chứ không phải ghi tên nhận phần rồi làm cho công trình trì hoãn tiến độ hết năm này qua năm khác, gây tổn thất về mặt thời gian cũng như vốn đầu tư của nhà nước, hoặc sang nhượng hợp đồng cho các chủ đầu tư khác. Nhưng ở đây cũng có lỗi của Bộ khi lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực".

Cũng theo ông Thám, nếu dự án BOT có hiệu quả thì không nhà đầu tư này thì nhà đầu tư khác sẽ vào, hiệu quả dự án ảo hay thật mới quan trọng.

Riêng về hậu quả khi hủy hợp đồng với nhà đầu tư, theo vị chuyên gia trên, nếu ký kết với tổng thầu BOT thì họ chịu trách nhiệm thiệt hại của cả dự án, nhưng nếu ký riêng với các nhà đầu tư riêng lẻ thì phức tạp hơn rất nhiều.

Cụ thể, nơi nào đảm bảo đúng cam kết trong hợp đồng thì phải xử lý đúng Luật, bồi thường theo cam kết hợp đồng, còn nhà đầu tư vi phạm thì xử phạt. Có lẽ Bộ GTVT còn chần chừ dự án này vì ở đây có 3 nhà đầu tư và chỉ có duy nhất một nhà đầu tư thiếu vốn chủ sở hữu.

Vì thế, nếu bồi thường cho 2 nhà đầu tư làm đúng có khi còn lớn hơn số tiền truy trách nhiệm từ nhà đầu tư sai.

"Hãy cứ đợi xem sau 10 ngày tới, Bộ sẽ làm gì, sau tuyên án mà chủ đầu tư thực hiện được chứng tỏ có năng lực mà chây ì, còn nếu không làm được thì chỉ là năng lực ảo, mà đã là ảo cứ chạy theo thì chỉ tốn kém hơn", ông Thám nhận định.

 

Nguồn: Báo Đất Việt

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала