Nhật Bản bình luận sức mạnh Cảnh sát Biển Việt Nam

© AP Photo / Eugene Hoshikotàu tuần tra Nhật PS14 Akagi
tàu tuần tra Nhật PS14 Akagi - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam năng lực tốt nhưng còn thiếu phương tiện hiện đại, đặc biệt là tàu tuần tra cao tốc; phía Cảnh sát Biển Nhật Bản (JCG) sẵn sàng hợp tác với Việt Nam, đại diện của JCG tại tỉnh Okinawa mới đây chia sẻ.

"Bốn năm trước tôi đến Đà Nẵng tham gia huấn luyện. Chuyên môn, nghiệp vụ của các bạn rất tốt, từ tìm kiếm cứu nạn tới đẩy đuổi tàu thuyền vi phạm. Tuy nhiên, các bạn cần trang bị tốt hơn, đặc biệt là cần có thêm tàu tuần tra cao tốc, tàu cỡ lớn", ông Masanori Hisaki, Phó chánh văn phòng Cảnh sát Biển thành phố Ishigaki, tỉnh Okinawa, nói ngày 8/2 khi dẫn phóng viên tham quan tàu tuần tra cỡ lớn mang số hiệu PL81.

Một chiếc tàu tuần tra hạng trung của lực lượng Cảnh sát biển Nhật Bản - Sputnik Việt Nam
Thực hư việc Nhật Bản cung cấp thêm tàu tuần tra cho Việt Nam
Trong số các cơ sở tàu tuần tra đơn lẻ của Cảnh sát Biển Nhật Bản, cơ sở trên đảo Ishigaki là lớn nhất, gồm 16 tàu với 670 người, riêng tàu PL81 có 38 người, trong đó có 2 phụ nữ, ông Hisaki giới thiệu.

"Tôi muốn thăm lại Đà Nẵng và đến các cảng khác của Việt Nam để tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm", người đàn ông 50 tuổi nói. Ông tâm sự rằng, chỉ mong biển Hoa Đông, nơi có quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Cảnh sát Biển Nhật Bản đang tuần tra suốt ngày đêm, cũng như biển Đông bớt sóng gió, để ông có thêm thời gian về thăm 3 con trai đang học ở thủ đô Tokyo.

Trước đó, ngày 6/2, tại trụ sở chính của JCG ở Tokyo, ông Hiroaki Ohdachi, Giám đốc Báo chí JCG, nói với phóng viên:

"Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với Việt Nam, cũng như với các nước khác. Chúng tôi muốn các bạn nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ trên biển, trong đó có cứu hộ, cứu nạn". Ông Ohdachi cho biết, JCG có 70 năm kinh nghiệm cứu hộ, mới đây (tháng 10/2017) thành lập Đội Hợp tác lưu động (MCT) chuyên về hợp tác quốc tế, đáp ứng nhu cầu hỗ trợ xây dựng năng lực ngày càng tăng. Các thành viên MCT tinh thông nghiệp vụ (hiện có 7 người) thường xuyên, liên tục ra nước ngoài tham gia hội thảo, huấn luyện, tư vấn… theo yêu cầu của nước chủ nhà.

Trước câu hỏi về tình hình cung cấp ODA để đóng mới 6 tàu tuần tra cho lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam mà phía Nhật Bản công bố trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Nhật Bản hồi năm ngoái, ông Ohdachi nói rằng, hai bên đang làm việc cụ thể về dự án này cũng như các chương trình hợp tác khác. JCG đã và đang cung cấp tàu tuần tra cho một số nước Đông Nam Á khác như Malaysia, Philippines…

Ông Ohdachi cũng trao đổi về hiện trạng và cách đối phó tàu hải cảnh, hải giám, ngư chính cũng như tàu cá nước ngoài, trong đó có tàu Trung Quốc khi họ tiến gần Senkaku/Điếu Ngư, trong đó có việc chia sẻ thông tin giữa JCG và Bộ Quốc phòng Nhật Bản.

Phối hợp đối phó tàu vi phạm

Cảnh sát biển diễn tập với tàu CSB 6001. - Sputnik Việt Nam
Việt Nam diễn tập chung với tàu tuần tra của Nhật Bản
Trước đó, cùng ngày 6/2, một quan chức quốc phòng Nhật Bản (đề nghị không nêu tên) nói với phóng viên rằng, Lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản (JMSDF) triển khai máy bay, tàu khu trục để giám sát biển Hoa Đông, trong đó có Senkaku. Trong trường hợp cần thiết, tàu khu trục và máy bay tuần thám biển P-3C của JMSDF lập tức dùng kênh liên lạc radio mã hóa để chia sẻ thông tin với tàu của JCG về vị trí tàu nước ngoài trên thực địa.

Nếu JCG không thể tự xử lý tình huống trên biển, sau khi được Thủ tướng Nhật Bản chấp thuận, Bộ trưởng Quốc phòng có thể ra lệnh cho một số đơn vị thuộc Lực lượng Phòng vệ  Nhật Bản (SDF) áp dụng các biện pháp cần thiết, bao gồm lên tàu xâm phạm vùng biển để kiểm tra, sử dụng vũ khí nếu bị tấn công…

Vị quan chức quốc phòng thông báo về việc xuất hiện của tàu ngầm, tàu khu trục Trung Quốc tại vùng tiếp giáp của Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng trước. JMSDF thông báo tàu ngầm xuất hiện trong lòng biển ngày 10/11, rồi nổi lên và đi vào vùng biển quốc tế. Sau đó, tàu ngầm này được xác định là tàu ngầm tấn công SSN lớp Shang. Đây là lần đầu tiên Bộ Quốc phòng Nhật Bản khẳng định và thông báo về một tàu ngầm đi ngầm trong vùng tiếp giáp. Ngày 11/2, JMSDF khẳng định, tàu khu trục lớp Jiangkai II của Hải quân Trung Quốc cũng bơi vào vùng tiếp giáp rồi rời đi.

"Mục tiêu chung của JCG là giữ cho đại dương an toàn và thú vị cho các thế hệ tương lai", ông Ohdachi nói. 

Nguồn: Tiền Phong

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала