Chạy được chức rồi, cán bộ chỉ lo chuyện “thu hồi vốn và có lãi”!

© Ảnh : Minh Huy/ZingTổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Những người đi lên bằng lo lót, chạy vạy khi đã yên vị rồi thì sẽ tìm cách "thu hồi vốn và có lãi". Điều này tạo ra một vòng xoáy thương mại chức quyền, làm đảo lộn các giá trị xã hội...

Hội nghị Trung ương 7, khóa XII dự kiến thảo luận Đề án "Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín ngang tầm nhiệm vụ"; "Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội" và "Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp". Đây là 3 nội dung đặc biệt quan trọng, có mối quan hệ mật thiết với nhau.

Ông Trương Phước Ánh — nguyên Đại biểu HĐND TP.Đà Nẵng đã có những chia sẻ đầy trăn trở liên quan đến công tác cán bộ của Đà Nẵng với PV Dân Việt sáng nay (9.5).

Thưa ông, vừa qua Đà Nẵng bị mất nhiều cán bộ vì vi phạm pháp luật. Đà Nẵng nên rút ra những điều gì từ bài học cay đắng này?

— Vừa qua, Đà Nẵng có nhiều cán bộ vướng vào vòng lao lý, đây là một bài học cay đắng cho thành phố. Người dân Đà Nẵng rất buồn. Đà Nẵng được xem là thành phố đáng sống, có nhiều thành tựu trong xây dựng và phát triển trong thời gian qua, những mất mát đó đã ảnh hưởng nhiều đến hình ảnh của thành phố trong mắt bạn bè cả nước, ảnh hưởng đến nhuệ khí cho những bước tiến tiếp theo của thành phố.

Điều dễ nhận thấy nhất ở Đà Nẵng vừa qua là mối quan hệ ngầm giữa chính quyền và doanh nghiệp. Nhiều lãnh đạo của Đà Nẵng không có khả năng miễn nhiễm trước những "viên đạn bọc đường". Khi nắm quyền lực trong tay là anh đã chấp nhận đứng trước những sự công phá liên tục của những cám dỗ kim tiền. Chỉ cần thiếu tỉnh táo môt phút giây thì tay đã nhúng chàm, rồi cứ theo đà trượt và cuối cùng phải trả giá. Quan hệ giữa lãnh đạo chính quyền và doanh nghiệp là quan hệ đồng hành nhưng phải công khai, minh bạch, thực hiện đúng pháp luật.

© Ảnh : danvietHội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7, Khóa XII tập trung vào việc việc xây dựng cán bộ và cải cách tiền lương
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7, Khóa XII tập trung vào việc việc xây dựng cán bộ và cải cách tiền lương - Sputnik Việt Nam
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7, Khóa XII tập trung vào việc việc xây dựng cán bộ và cải cách tiền lương

Điều nữa là sự tuân thủ pháp luật trong quá trình lãnh đạo, điều hành và tác nghiệp, có bản lĩnh từ chối cái sai trước áp lực từ bên ngoài, từ cấp trên, cần thiết thì từ chức để bảo vệ điều mà mình cho là đúng. Không phải cán bộ nào từ đầu đã muốn làm sai. Trong quá trình làm việc, có những sức ép đâu đó có thể là từ bên trên, yêu cầu anh thực hiện hoặc không thực hiện một điều gì đó mà bản thân anh nhận thức rõ điều này là sai trái. Tuy nhiên, tâm lý e ngại cho sự thăng tiến, đề bạt, chỗ ngồi, cuối cùng đành nhắm mắt làm theo. Cái này người ta hay nói là "thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh". Cuối cùng thì cũng sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường.

Qua câu chuyện của Đà Nẵng vừa qua có thể thấy công tác cán bộ có vấn đề. Vậy cần phải làm gì để lựa chọn được những cán bộ tốt, có năng lực?

— Để chọn người có đủ năng lực, phẩm chất tốt vào bộ máy nhà nước trước hết cần phải tạo không gian để có chỗ cho lực lượng này có chỗ đứng. Nói ra điều này không thừa, bởi thời gian gần đây khắp các tỉnh thành có rất nhiều cán bộ tha hóa biến chất nắm chức vụ cao. Nếu không loại trừ những cán bộ này trong một bộ máy thì khó cho cán bộ tốt có thể làm việc, không chừng không chóng thì chầy họ cũng sẽ dần dần bị nhuộm xám hoặc bị đánh bật ra.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị. - Sputnik Việt Nam
Những điểm đặc biệt trong bài phát biểu của Tổng Bí thư tại Hội nghị Trung ương 7
Một vấn nạn nổi lên ở nhiều địa phương trong cả nước chính là những người đi lên bằng lo lót, chạy vạy khi đã yên vị rồi thì sẽ tìm cách "thu hồi vốn và có lãi". Điều này tạo ra một vòng xoáy thương mại chức quyền, làm đảo lộn các giá trị xã hội. Cho nên, cần có nhiều biện pháp thường xuyên, xuyên suốt để chống chạy chức, chạy quyền, làm trong sạch bộ máy, khuyến khích nhân tài.

Ngoài ra, vấn đề thu nhập của cán bộ công chức phải xem xét lại một cách toàn diện, Cán bộ nhà nước cũng là con người, họ cũng có những nhu cầu bình thường trong cuộc sống. Do đó, thu nhập của cán bộ nhà nước phải đảm bảo cho yêu cầu trang trải và tích lũy.

Hiện nay công tác phòng chống tham nhũng đang được Đảng và Nhà nước thực hiện rất quyết liệt. Bên cạnh các biện pháp cứng rắn thì cần có thêm biện pháp gì để ngăn chặn vấn nạn này ngay từ sơ khai thưa ông?

— Cốt lõi của sự tham nhũng chính vì đồng tiền mà ra. Hiện nay có thể nói thu nhập từ lương không đáp ứng được cuộc sống của đa số cán bộ nhà nước. Trong điều kiện nguồn thu của ngân sách hiện nay khó có thể nâng thu nhập của cán bộ lên một cách thỏa đáng. Vì vậy giải pháp đầu tiên cần được tính đến là sắp xếp lại hệ thống bộ máy của cả hệ thống chính trị, kể cả các đoàn thể và khu vực sự nghiệp công lập, theo hướng tinh gọn và hiệu quả.

Tạo điều kiện tham gia của khu vực tư nhân vào việc cung ứng các dịch vụ công, dịch vụ y tế, giáo dục. Nhà nước chỉ làm những việc gì mà khu vực tư nhân không thể làm được hoặc làm không có lãi nên không có động lực. Thực hiện được điều này thì nhà nước có điều kiện để tập trung nguồn lực tài chính cải thiện mạnh mẽ thu nhập của cán bộ, công chức.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại Hội nghị - Sputnik Việt Nam
Hội nghị trung ương 7: Cải cách tiền lương và "cách mạng" con người

Biện pháp ngăn chặn tham nhũng từ sơ khai nữa chính là phải có cách để cán bộ công khai minh bạch các khoản thu nhập, có những quy định bắt buộc phải kê khai, công khai các khoản quà biếu dưới mọi hình thức của lãnh đạo, công chức. Tôn vinh giá trị liêm chính, khuyến khích, tạo điều kiện, phát huy vai trò giám sát của người dân, của các cơ quan báo chí. Thực tế vừa qua cho thấy, công luận và báo chí đã góp phần rất lớn trong việc phanh phui các vụ việc tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm.

Cuối cùng như ông bà ta đã nói "Thượng bất chính, hạ tắc loạn", việc chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy, chú trọng khuyến đức khuyến tài phải được thực hiện từ trên xuống. Mọi biện pháp đề ra sẽ hoàn toàn vô hiệu nếu lãnh đạo cấp cao không thật sự là một tấm gương liêm chính, công tâm, vì dân vì nước. Với sự quyết liệt, không có vùng cấm trong công cuộc chống tham nhũng thời gian qua do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, người dân chúng tôi đã thấy lại niềm tin vào Đảng, Nhà nước.

Nguồn: danviet

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала