Về "âm mưu tấn công" GS Hồ Ngọc Đại

© Ảnh : Mỹ Hà/Dân TríGS Hồ Ngọc Đại
GS Hồ Ngọc Đại - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Tất cả là vì lợi ích của người dân, không tổ chức, cá nhân nào được phép kiếm chác trên lưng những học trò thơ ngây và người dân lao động, theo GDVN.

Ngày 14/9 Báo Giao thông có bài phỏng vấn Giáo sư Hồ Ngọc Đại với tiêu đề "Họ lợi dụng tâm lý đám đông tấn công tôi" [1].

GS Hồ Ngọc Đại - Sputnik Việt Nam
Tay đua số một Việt Nam khiến GS. Hồ Ngọc Đại tự hào hơn cả GS. Ngô Bảo Châu

Thầy Hồ Ngọc Đại được Báo Giao thông dẫn lời, nhận định:

"Chắc chắn đứng sau cơn lốc dư luận này hẳn có âm mưu, bằng cách đánh trúng vào tâm lý đám đông luôn nhạy cảm với cách làm mới, lạ và đặc biệt là liên quan đến giáo dục…

Trong đám đông "nổi giận" ấy tôi phân làm 2 loại. Thứ nhất, những kẻ không đủ trình độ hiểu biết, thứ hai là kẻ có ý đồ xấu, đạo đức xấu.

Cũng chắc hẳn kẻ xấu xa đó muốn làm mọi việc để tôi tức giận. Nhưng tôi không thế sẽ khiến kẻ đó tức và sẽ đau hơn nhiều khi muốn làm hại người khác.

Tôi cũng tin chắc rằng, đằng sau vụ việc này có lợi ích nhóm. Vì chỉ tính riêng chuyện lớp 1 có hơn 1,1 triệu học sinh, nhưng riêng học sinh của tôi (theo chương trình giáo dục công nghệ) đã chiếm tới 800 nghìn.

Nhưng tôi cũng thấy mừng vì chính nhờ "cơn lốc" này mà nhiều người chưa biết về Công nghệ giáo dục của tôi đã mày mò tìm hiểu. Để khi nghe rồi, biết rồi thì họ không "chửi" công nghệ giáo dục của tôi nữa mà thậm chí hưởng ứng với điều này."

© Ảnh : VTV/GDVNẢnh chụp màn hình phóng sự của VTV
Ảnh chụp màn hình phóng sự của VTV - Sputnik Việt Nam
Ảnh chụp màn hình phóng sự của VTV

Ai tạo sóng?

GS Hồ Ngọc Đại - Sputnik Việt Nam
GS Hồ Ngọc Đại: "Ngô Bảo Châu không phải học trò tôi tự hào nhất mà là một cậu sửa xe"
Chúng tôi tôn trọng quan điểm, nhận định của thầy Hồ Ngọc Đại vì mỗi người có một cách nhìn riêng. Ở đây, chúng tôi xin góp vài lời để cùng bạn đọc lý giải xem, liệu có hay không một "âm mưu tấn công" nhằm vào thầy Hồ Ngọc Đại từ một nhóm lợi ích?

Trước hết, xin nhắc lại sự kiện đóng vai trò "mồi lửa" châm ngòi cho những tranh cãi bất tận trên mạng xã hội, và sau đó là trên truyền thông về cách đánh vần theo Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục.

Ngày 25/8, Trường Tiểu học Dương Đông 1, huyện Phú Quốc tỉnh Kiên Giang tổ chức họp phụ huynh. Cô giáo Đỗ Thị Phương Trang, giáo viên chủ nhiệm lớp 1/3 đã hướng dẫn cha mẹ học sinh cách đánh vần theo sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục.

Một vị cha mẹ học sinh đặt câu hỏi: "Đây có phải chương trình mới phải không cô? Có phải của ông Bùi Hiền phải không cô?".

Cô giáo Đỗ Thị Phương Trang trả lời, đây không phải cách đánh vần của Phó giáo sư Bùi Hiền, mà là cách đánh vần theo Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại.

Theo báo cáo của Trường Tiểu học Dương Đông 1, cô giáo Đỗ Thị Phương Trang hướng dẫn không có gì sai theo tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục. [2]

GS Hồ Ngọc Đại - Sputnik Việt Nam
GS.TSKH Hồ Ngọc Đại sợ điều gì nhất?
Tuy nhiên, việc cha mẹ học sinh tải clip này lên mạng internet đã tạo nên một làn sóng tranh luận và chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. 

Như vậy, việc cha mẹ học sinh trong trường hợp trên thấy lạ lẫm với cách đánh vần theo Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục của thầy Hồ Ngọc Đại, thậm chí nhầm lẫn nó với ý tưởng cải cách chữ cái tiếng Việt của Phó giáo sư Bùi Hiền, là một việc ngẫu nhiên.

Chúng tôi không nhìn thấy bất cứ bàn tay nào có thể can thiệp vào việc này. Khi clip được tải lên mạng xã hội Facebook, nó lập tức được chia sẻ chóng mặt.

Lý do là gì thì chính thầy Hồ Ngọc Đại đã giải thích, rằng "tâm lý đám đông luôn nhạy cảm với cách làm mới, lạ và đặc biệt là liên quan đến giáo dục".

Vấn đề đặt ra là, một tài liệu, một phương pháp hay một công trình đã tồn tại suốt 40 năm mà vẫn "mới, lạ" với số đông, nay lại được triển khai đại trà, ồ ạt mà cha mẹ học sinh không hay biết con mình bị "thí điểm", thì phản ứng của họ đâu có gì lạ?

Chỉ có cha mẹ nào dửng dưng khi biết con mình đang bị "thí điểm", mới là chuyện lạ.

tiếng Việt - Sputnik Việt Nam
Vì sao sách Tiếng Việt 1 công nghệ bỗng dưng 'dậy sóng'?
Nếu có tổ chức / cá nhân phải chịu trách nhiệm về việc này, thì đó chính là Bộ Giáo dục và Đào tạo, Vụ Giáo dục tiểu học và người đã giúp thầy Hồ Ngọc Đại "lách luật".

Trong làn sóng phản ứng, chỉ trích ấy, có rất nhiều người gán ghép công trình của thầy Hồ Ngọc Đại với thầy Bùi Hiền;

Nhiều tài khoản Facebook cắt ghép và chế thành các clip để thu hút lượt xem, cái có thể mang lại cho chủ tài khoản một khoản tiền quảng cáo không nhỏ.

Cũng phải nói một cách sòng phẳng, những phát biểu đầy đủ của thầy Hồ Ngọc Đại với VTC14 ngày 28/8 được nhà báo kênh này chia sẻ trên Facebook càng khiến nhiều người hiểu lầm thầy hơn, khi các bậc cha mẹ nghe thầy nói, họ biết gì mà dạy?

Từ thời Bình dân học vụ, người biết chữ dạy người chưa biết chữ, trong nhà ông bà, cha mẹ kèm cặp con em mình học hành là lẽ thường tình.

Giáo dục thế hệ trẻ là trách nhiệm của gia đình — nhà trường — xã hội. Bỗng dưng nay không ít cha mẹ học sinh bị chính Vụ Giáo dục tiểu học "tước" mất cái quyền ấy, vì con em họ "thí điểm" mà họ đâu hay biết?

Cha không bảo được con, ông không dạy được cháu cách đánh vần tiếng mẹ đẻ, họ bức xúc là điều dễ hiểu.

Ngày 8/9, thầy Hồ Ngọc Đại có cuộc chia sẻ trực tiếp với báo giới hơn 3 giờ đồng hồ, các tờ báo này đã tường thuật trực tiếp trên tài khoản mạng xã hội của mình và video vẫn đang được chia sẻ trên mạng internet.

Học sinh người Việt - Sputnik Việt Nam
Xôn xao vì cách dạy đánh vần “lạ” cho học sinh lớp 1 (Video)
Bên cạnh những câu chuyện rất hấp dẫn về đổi mới giáo dục và tư tưởng công nghệ giáo dục khai phóng của thầy Hồ Ngọc Đại, thầy còn có những phát biểu coi thường tất cả các nhà khoa học khác còn lại, rằng họ không biết gì.

Điều này có thể nhận được sự cổ vũ của một nhóm người, nhưng cũng gây ra sự phản cảm đối với không ít người khác. 

Bậc thánh nhân như Khổng Tử, cũng luôn tự răn mình: "Tam nhân đồng hành, tất hữu ngã sư" (trong 3 người đi cùng nhau tất có một người là thầy ta).

Thầy Hồ Ngọc Đại lại đang tự cho thấy điều ngược lại.

Theo thiển ý của chúng tôi, chính cách tranh luận vượt ra ngoài các luận chứng khoa học với thái độ phủ đầu người khác như vậy, có dẫn đến tranh cãi, phản cảm cũng là điều dễ hiểu.

Trước những lời lẽ chỉ trích vượt quá chuẩn mực và sự gán ghép cố tình hoặc do không hiểu công trình của 2 nhà khoa học này, chúng tôi cũng có lời góp ý trong bài Đừng xúc phạm thầy Hồ Ngọc Đại và thầy Bùi Hiền.

Nhưng tất nhiên, không ai có thể ngăn được cơn lốc ấy trừ thời gian, khi tính nóng của sự kiện giảm dần và dư luận mạng xã hội lại chú ý vào một vấn đề khác.

Nhóm "lợi ích nhân dân"

tiếng Việt - Sputnik Việt Nam
'Công nghệ giáo dục' và cuộc chiến giữa 'hai phe'
Thầy Hồ Ngọc Đại suy luận rằng, đằng sau những ồn ào xung quanh cách đánh vần theo Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục này có "lợi ích nhóm".

Phó giáo sư Nguyễn Lân Hiếu cũng chung nhận định này, thầy còn "quyết lôi ra ánh sáng nhóm lợi ích định xóa sổ công nghệ giáo dục để độc quyền bán sách giáo khoa".

Chúng tôi đã có mấy lời trao đổi với thầy Lân Hiếu qua bài viết Về lợi ích nhóm đằng sau tranh luận xung quanh Giáo sư Hồ Ngọc Đại.

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin có đôi lời trao đổi tiếp về nhận định của thầy Hồ Ngọc Đại, rằng: "Cơn bão tấn công tôi xuất phát từ lợi ích nhóm"

Vậy trong lĩnh vực phát hành sách giáo khoa và tài liệu sử dụng tương đương sách giáo khoa, có những nhóm lợi ích nào?

Trước khi xảy ra những ồn ào này, chúng tôi đã từng có bài phân tích: Miếng bánh sách giáo khoa và thế chân vạc "chia 3 thiên hạ";

Trong đó sách công nghệ giáo dục của thầy Hồ Ngọc Đại sau khi được chèn vào dự án VNEN, đã nhanh chóng phổ biến ra cả nước, tồn tại song song với bộ sách giáo khoa 2000.

Thời ông Ngô Trần Ái còn lãnh đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, thì 3 nhóm này chung sống hòa bình, nước sông không phạm nước giếng, bởi suy cho cùng cả 3 đều cùng "1 chủ".

Nhà xuất bản Giáo dục VN - Sputnik Việt Nam
Thất bại những dự án giáo dục tiền tấn: Ai đã bị xử lý?
Nhưng khi ông Ngô Trần Ái nghỉ quản lý Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, lập công ty riêng viết sách giáo khoa cạnh tranh lại với cơ quan cũ, mới hình thành 2 nhóm lợi ích khác nhau thực sự.

46/56 thành viên ban phát triển chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đầu quân cho VEPIC — công ty tư nhân ông Ngô Trần Ái thành lập, trong đó có Tổng chủ biên và một số chủ biên.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có loạt bài phanh phui sự việc này, cho dù những người trong cuộc im lặng.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đã lên tiếng, không có chuyện "chỉ định thầu" bộ sách giáo khoa mới cho đơn vị nào. Vậy thì còn "nhóm lợi ích" nào có thể "tấn công" thầy Hồ Ngọc Đại?

Hơn nữa, nếu như nhóm làm sách giáo khoa 2000 có đầy đủ sách từ lớp 1 đến lớp 12, thì Công nghệ giáo dục của thầy Hồ Ngọc Đại mới dừng ở Tiếng Việt lớp 1 triển khai đại trà nhờ "lách luật" và một số tài liệu khác đang "thí điểm".

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam - Sputnik Việt Nam
"Chính phủ chưa có chủ trương cải cách tiếng Việt"
Nhưng riêng Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, theo thầy Hồ Ngọc Đại, cả nước có 1,1 triệu học sinh thì thầy Đại đã chiếm hơn 800 nghìn cháu (mà theo chúng tôi, là nhờ có Vụ Giáo dục tiểu học). [3] 

Vậy là độc quyền sách giáo khoa và tài liệu tương đương sách giáo khoa, chỉ đang dịch chuyển từ nhóm này qua nhóm khác, hình thức này qua hình thức khác mà thôi.

Những phân tích của chúng tôi về cách thí điểm ồ ạt vô nguyên tắc, cách đặt vấn đề của chúng tôi rằng tại sao Bộ trưởng, Thứ trưởng lại giúp thầy Hồ Ngọc Đại "lách luật", ai hưởng lợi trong đường dây bán sách giáo khoa độc quyền khép kín, hoàn toàn xuất phát từ lợi ích của nhân dân.

Cũng giống như chúng tôi đã rất nhiều lần phân tích về các dự án thay sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kiến nghị Quốc hội giám sát hoạt động này, tất cả là vì lợi ích của người dân, không tổ chức, cá nhân nào được phép kiếm chác trên lưng những học trò thơ ngây và người dân lao động.

Ai hưởng lợi?

Thứ nhất, Báo Giao thông đặt câu hỏi với thầy Hồ Ngọc Đại:

Liên quan đến câu chuyện bản quyền sách giáo khoa, cũng như việc in ấn và phát hành sách, nhất là với sách giáo khoa Công nghệ giáo dục khá chuyên biệt này, nhiều người cho rằng ông có lợi ích trong đó? 

Thầy Đại cho biết:

"Việc năm học nào cũng phải in sách mới cho trẻ, trẻ không dùng lại sách thừa từ anh chị đi trước, đó là quan điểm của tôi. 

Trước đây, tôi từng đề nghị Thủ tướng Phan Văn Khải tặng sách cho toàn bộ học sinh lớp 1.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phát biểu tiếp thu ý kiến. - Sputnik Việt Nam
Bộ Giáo dục khẳng định đủ tiền để miễn học phí cho học sinh cấp 2
Bởi, bước vào lớp 1 là khởi đầu quan trọng đối với trẻ, cần dành cho trẻ những gì tốt nhất, mới nhất ví như quần áo mới, đồ dùng học tập mới trong đó là bút mới, cặp mới, sách mới… Trẻ xứng đáng được hưởng điều đó.

Có người cho rằng, đó là sự lãng phí, nhưng sâu xa họ không hiểu rằng những điều đơn giản thế thôi nhưng lại vun vén cho tâm hồn trẻ niềm hạnh phúc và niềm hạnh phúc ấy sẽ tiếp tục nảy nở đâm chồi trong suốt quãng đời tiếp theo của trẻ.

Chính vì vậy, năm nào tôi cũng yêu cầu học sinh phải được dùng sách mới là vì ý nghĩa đó chứ không phải vì in sách mới để có tiền. Bởi, tôi cũng không hưởng lợi từ điều đó. Điều tôi quan tâm nhất là trẻ đến trường có hạnh phúc, có vui vẻ hay không." [1]

Chúng tôi nhận thấy, lập luận của thầy Hồ Ngọc Đại tự nó đã mâu thuẫn nhau: in sách mới hàng năm là để tặng trẻ em, nhưng thực tế Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục cha mẹ các cháu đều phải bỏ tiền mua.

Có cháu mới sắp "tốt nghiệp" mẫu giáo 5 tuổi, bố mẹ chúng đã phải đăng ký với nhà trường, nếu không muốn sang năm không có Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục để học.

Thứ hai, thầy Hồ Ngọc Đại nói với Báo Trí thức trẻ: "Sách công nghệ giáo dục của tôi chỉ có một cuốn, không có sách bổ trợ." [4]

Thế nhưng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam lại thông qua các sở, phòng giáo dục và đào tạo địa phương, các trường tiểu học để tiếp thị trọn gói 3 cuốn Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục và 15-18 cuốn khác cùng đồ dùng ăn theo.

Chúng tôi đã đặt câu hỏi, rằng thầy Hồ Ngọc Đại có phải cổ đông sáng lập Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển trường phổ thông công nghệ giáo dục — đơn vị phân phối độc quyền Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục và các tài liệu ăn theo, hay không?

Nếu có, thì hiện nay thầy Hồ Ngọc Đại đang nắm bao nhiêu cổ phần? 

Những câu hỏi cụ thể như thế này chúng tôi từng đặt ra với thầy Nguyễn Minh Thuyết, thầy Hồ Ngọc Đại, thầy Phạm Vũ Luận, thầy Nguyễn Vinh Hiển, thầy Lê Tiến Thành, thầy Phạm Ngọc Định…và cả các chuyên viên của Vụ Giáo dục tiểu học, nhưng không bao giờ nhận được câu trả lời.

Học sinh - Sputnik Việt Nam
Cám dỗ nào khiến công chức giáo dục Hà Giang - Sơn La "ngã ngựa"
Trên mặt các báo, chỉ thấy các câu chuyện hấp dẫn về Trường Thực nghiệm trong những bài phỏng vấn thầy Hồ Ngọc Đại, tuyệt nhiên không thấy Giáo sư nhắc gì tới chuyện "lách luật" năm nào. 

Thầy Hồ Ngọc Đại "thấy mừng vì chính nhờ "cơn lốc" này mà nhiều người chưa biết về Công nghệ giáo dục của tôi đã mày mò tìm hiểu. Để khi nghe rồi, biết rồi thì họ không "chửi" công nghệ giáo dục của tôi nữa mà thậm chí hưởng ứng với điều này.".

Nhưng rất nhiều bậc cha mẹ học sinh cũng đang "băn khoăn", không biết khi nào con em họ mới thoát kiếp "thí điểm", không biết đến bao giờ người dân lao động mới thoát cảnh năm nào cũng phải bỏ tiền mua sách mới cho con.

Nguồn:

[1]http://www.baogiaothong.vn/gs-ho-ngoc-dai-ho-loi-dung-tam-ly-dam-dong-tan-cong-toi-d271782.html

[2]https://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/c-k-q-deu-doc-la-co-la-voi-phu-huynh-khong-la-voi-bo-giao-duc/779947.antd

[3]http://daknong.edu.vn/wp-content/uploads/2016/09/4304_BGDDT_GDTH.pdf

[4]https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/gs-ho-ngoc-dai-con-bao-tan-cong-toi-xuat-phat-tu-loi-ich-nhom-811133.vov

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала