Đường sắt Cát Linh – Hà Đông:Chạy thử thành công, không nên vui quá sớm

© Ảnh : Báo Giao thôngThi công cầm chừng tại ga Láng thuộc tuyến Cát Linh - Hà Đông.
Thi công cầm chừng tại ga Láng thuộc tuyến Cát Linh - Hà Đông. - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Dù mới chỉ chạy thử nghiệm thành công, còn chưa đưa vào vận hành chính thức, đặc biệt là bài toán về hiệu quả kinh tế chưa được chứng minh nên nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, chưa nên mừng sớm với đường sắt Cát Linh – Hà Đông danviet cho biết.

Giá vé dự kiến 10.000 đồng/lượt

Ngày 20.9, dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh — Hà Đông đã chính thức bước vào giai đoạn vận hành thử liên động với 5 đoàn tàu. Dự kiến, sau 3 đến 6 tháng vận hành thử, các khâu cuối cùng sẽ được tổng thầu căn chỉnh, trước khi được Bộ GTVT nghiệm thu, tiếp nhận để bàn giao cho TP Hà Nội quản lý khai thác thương mại.

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh — Hà Đông có chiều dài hơn 13km, điểm đầu tại ga Cát Linh, điểm cuối tại ga Yên Nghĩa. Trên tuyến có 12 nhà ga trên cao và khu depot dưới mặt đất có đường ray đôi khổ 1.435mm. Dự án có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn 4 toa. Tần suất khai thác 3-5 phút/chuyến, tương lai 2 phút/chuyến. Dự án thiết kế tốc độ 80km/h, nhưng trước mắt khai thác tốc độ 35km/h. Dự án cung cấp 10.000 thẻ vé điện tử có giá trị sử dụng một lần hoặc nhiều lần. Dự kiến giá vé khoảng 10.000 đồng/lượt.

Dự án này sẽ có 681 nhân sự tham gia vào việc vừa đào tạo tại hiện trường vừa tiếp nhận dự án để sau này quản lý, vận hành và khai thác.

Ngay sau khi đưa vào chạy thử nghiệp trong ngày 20.9, một số người được tham gia đi thử trên tàu đã chia sẻ: "Cảm giác như đi tàu Shinkansen ở Nhật ngay tại Hà Nội".  Quả thực, ở Việt Nam cho tới thời điểm hiện tại thì đường sắt trên cao Cát Linh — Hà Đông cũng chính là dự án đầu tiên đã hoàn thành để đưa vào chạy thử nghiệm nên khó tránh khỏi những "tò mò" muốn đi thử của người dân.

Tuy nhiên, liệu có đáng để vui mừng đến thế nếu như nhìn lại toàn bộ quá trình thực hiện dự án này?

Một dự án lập nhiều kỷ lục

Trả lời báo chí trước đó, ông Vũ Hồng Trường — Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đường sắt Hà Nội là đơn vị sẽ tiếp nhận, vận hành khai thác tuyến đường sắt Cát Linh — Hà Đông còn tự tinh khẳng định: Từ buýt thường lên buýt nhanh BRT rồi đường sắt trên cao là bước tiến của văn minh nhân loại.

Ông Trường cũng cho biết, đã khảo sát phản ứng của hành khách về tuyến đường sắt trên cao, trong đó 98% những người được hỏi cho biết biết về dự án, 95% người dân nói sẽ đi thử xem sao.

Cũng theo ông Trường, về giá vé, theo khảo sát, người dân chấp nhận vé lượt cao hơn so với buýt thông thường từ 33-35%, theo khảo sát thì người dân thích sử dụng vé tháng và chấp nhận cao hơn giá vé tháng của xe buýt.

Ông Trường cho rằng, vé được trợ giá, nhưng sẽ cao hơn giá vé của các phương tiện công cộng khác. Tuy nhiên, vé tàu Cát Linh — Hà Đông sẽ phải đảm bảo hợp lý để thu hút được người sử dụng xe cá nhân đi đường sắt đô thị.

Thực tế cho thấy, nhìn lại quá trình xây dựng dự án này có rất nhiều con số đã đưa vào kỷ lục như đội vốn hơn 300 triệu USD, chậm tiến độ gần 10 năm và thi công gây ách tắc giao thông, thậm chí để xảy ra cả những vụ tai nạn giao thông đầy tắc trách.

Cụ thể, dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh — Hà Đông được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt đầu tư vào năm 2008 với tổng mức đầu tư là 552,8 triệu USD (tương đương 8.769 tỷ đồng), trong đó vốn vay Trung Quốc là 419 triệu USD và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 198,42 triệu USD. Đến tháng 2.2016, Bộ GTVT đã điều chỉnh lên 868,04 triệu USD.

Trao đổi với Dân Việt, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng: "Dự án Cát Linh — Hà Đông tàu chạy được là may vì công nghệ rất cũ, thế giới chẳng còn ai làm. Đội vốn và chậm như thế thì không thể coi đó là dự án thành công được. Thành công ban đầu là chạy được, nhưng dự án là phải có lãi nên tới đây có bao nhiêu người Hà Nội sử dụng phương tiện này và lãi bao nhiêu mới là quan trọng".

Ông Lê Đăng Doanh cũng băn khoăn, người dân Hà Nội gửi xe máy, xe đạp ở đâu, trèo lên ai đón, kết nối xe buýt thế nào hay đi tàu rồi lại phải đi xe ôm về nhà, vào cơ quan. Người dân Hà Nội có nhiều phụ nữ đi siêu thị, đi mua sắm tay xách nách mang, kéo va li đi bộ làm sao được… "Nên xem xét trên góc độ người sử dụng có thuận lợi hay không. Thử nghiệm chạy được là tốt rồi còn thành công thì đánh giá quá sớm", ông Doanh nhấn mạnh.

Cùng chung nhận định trên, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, đây là dự án điển hình về chậm tiến độ kéo dài, gây ách tắc cho giao thông thủ đô và thậm chí là còn gây tai nạn giao thông. Đặc biệt,  dự án này đội vốn lớn và hiện tại kiểm toán sẽ vào cuộc thì số lượng đội vốn có thể còn lớn hơn con số  gần 400 triệu USD.

"Đây là một dự án quá đặc biệt trong các dự án xây dựng của Việt Nam. Dự án cao tốc trên cao lúc mới xây dựng có nhiều người muốn trải nghiệm, cũng có thể chỉ là sự hiếu kỳ của người dân muốn thử nghiệm và ngắm cảnh khi đi trên cao mà thôi", ông Thịnh nói.

Ông Thịnh cũng cho rằng, đây là dự án chẳng có gì đáng vui mừng, hiện tại chưa hoàn tất để đưa vào vận hành chính thức. Khi vận hành mà Nhà nước phải tiếp tục bù lỗ giá vé thì mục tiêu của dự án đã không thành công, bao gồm cả mục tiêu phục vụ cho người dân và chi phí đầu tư đều không đạt được. Xây dựng một dự án mà người dân lại không đi thì thật đáng buồn dù chúng ta không hi vọng sẽ xảy ra như thế.

"Mục tiêu dự án là giải tỏa ách tắc và góp phần phát triển kinh tế của thủ đô chính điều nhiều người mong muốn, nhưng việc kết nối với các loại hình giao thông khác và tổ chức vận hành sẽ là những việc cần được các cơ quan quản lý làm thật tốt trong thời gian tới", ông Thịnh nói.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала