Ai sẽ là người tiên phong để Việt Nam viết nên câu chuyện thần kỳ?

© Ảnh : baodautuTrần Ngọc Thơ
Trần Ngọc Thơ - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Những doanh nghiệp tiên phong, dám đương đầu với những tập đoàn đa quốc gia hùng mạnh có thể là niềm cảm hứng cho những điều kỳ diệu. Lúc này, họ đang rất cần một Chính phủ tiên phong, theo baodautu.

Nhìn lại năm 2018 tốt lành

Năm 2018 tốt lành qua đi cùng với việc Chính phủ hoàn thành toàn bộ 12 chỉ tiêu kế hoạch, trong đó có 9 chỉ tiêu vượt mức. GDP cả năm 2018 tăng 7,08%, mức tăng cao nhất gần thập niên qua. Tăng trưởng lại diễn khá đồng đều ở ba khu vực của nền kinh tế là nông, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp, xây dựng; và dịch vụ. CPI bình quân năm 2018 tăng 3,54% so với bình quân năm 2017, dưới mục tiêu 4% khống chế của Quốc hội. Quy mô nền kinh tế năm 2018 theo giá hiện hành đạt 5.535,3 ngàn tỷ đồng. GDP bình quân đầu người ước tính đạt 58,5 triệu đồng, tương đương 2.587 USD, tăng 198 USD so với năm 2017.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2018 đạt 1.856,6 tỷ đồng, tương đương 33,5% GDP, tăng 11,2% so với năm 2017; trong đó, đáng lưu ý là khu vực ngoài nhà nước (khu vực tư nhân và dân cư) vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao và chiếm tỷ trọng lớn nhất. Xuất siêu năm 2018 đạt khoảng 7,2 tỷ USD, tương đương 2,95% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.

Điểm sáng trong các con số trên là tốc độ tăng trưởng tín dụng chỉ khoảng 14%, dưới mục tiêu 17% đặt ra trước đó. Mặt bằng lãi suất không có những biến động lớn và tỷ giá hối đoái cũng được kiểm soát khá tốt để không tạo ra những cú sốc lớn trong niềm tin của thị trường.

Cùng với đó, các con số cho thấy chất lượng tăng trưởng bắt đầu có dấu hiệu cải thiện. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP đạt 43,50%. Còn tính trung bình giai đoạn 2016 — 2018 thì đạt 43,29%, cao hơn nhiều so với mức trung bình 33,58% giai đoạn 2011 — 2015.

Năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt 102 triệu đồng/lao động; năng suất lao động năm 2018 tăng 5,93% so với năm 2017. Mức tăng này là khá cao so với mức tăng 5,29% của năm 2016 và xấp xỉ mức tăng 6,02% của năm 2017.

Mặt khác, chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (hệ số ICOR) giảm từ mức 6,42 năm 2016 xuống 6,11 năm 2017 và 5,97 năm 2018. Trung bình giai đoạn 2016 — 2018, hệ số ICOR là 6,17, thấp hơn so với con số 6,25 của giai đoạn 2011-2015 (theo số liệu của Tổng cục Thống kê).

Các số liệu trong tăng trưởng kinh tế phần nào đã dẫn đến mức tổng thu ngân sách năm 2018 tăng 10,4% so với thực hiện năm 2017. Cân đối ngân sách nhà nước các cấp được đảm bảo với bội chi năm 2018 vẫn nằm trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định (3,67% GDP thực hiện so với dự toán 3,7% GDP). Dự kiến nợ công năm 2018 không vượt quá 61,4% GDP và nợ Chính phủ không vượt quá 52,1% GDP (so với mức trần khống chế của Quốc hội lần lượt là 65% và 54% GDP).

Năm 2018 chứng kiến nhiều biến động, thậm chí nhiều thời điểm có những cú sốc mạnh trên thị trường chứng khoán do tác động của nhiều yếu tố, nhất là các cú sốc nước ngoài. Chẳng hạn, việc Fed liên tục tăng lãi suất, căng thẳng thương mại Mỹ — Trung và việc Trung Quốc liên tục phá giá đồng nhân dân tệ. Mặc dù vậy, thị trường chứng khoán vẫn cho thấy là kênh dẫn vốn khá tốt với tổng mức huy động đạt hơn 246.000 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2017.

Pizza và bia - Sputnik Việt Nam
Người Việt thiệt hại do bia, rượu khoảng 1,3 - 3,3% GDP?

Hướng đến tương lai và những điều còn trăn trở

Các thành quả đáng khích lệ trên, dù rất đáng trân trọng, nhưng chuyện gì đi qua cũng đã qua. Những chủ quan và thỏa mãn có thể phải trả giá rất đắt trong tương lai. Lịch sử các cuộc khủng hoảng kinh tế và suy thoái trên thế giới đều có đặc điểm chung là chúng chỉ được nhận biết sau đó khoảng một năm, cho dù các số liệu trước đó đều rất đẹp và không cho thấy bất kỳ một dấu hiệu cảnh báo nào.

Lường trước các bất định này, Chính phủ cùng với các bộ, ngành đã chuẩn bị các kịch bản ứng phó với những bất lợi (và cả thuận lợi). Hàng loạt giải pháp cũng đã được Chính phủ và các bộ, ngành chuẩn bị và công bố. Tuy nhiên, có quá nhiều kịch bản và giải pháp ứng phó có phải là điều tốt? Không khéo, chúng trở thành hình thức. Rủi ro từ căn bệnh hình thức này là không thể nhận diện đâu là trọng tâm của các rủi ro và có khả năng dẫn đến thiệt hại lớn nhất, nhất là với những biến cố mà xác suất xảy ra vô cùng thấp. Đây là những sự kiện mà lý trí con người thường cho rằng không nên phóng đại vì nó làm giảm niềm tin trong xu thế đang có nhiều hứng khởi. Tuy nhiên, ngay lúc đó, nó lại tạo ra nguy cơ lớn nhất.

Trong một dịp trao đổi với báo chí những ngày đầu năm 2019, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, "chúng ta hoàn toàn tự tin mạnh mẽ để tiến về phía trước, không ngại bất cứ điều gì; chỉ sợ rằng chúng ta suy nghĩ không tới hoặc nếu đã suy nghĩ tới rồi, nhưng không thực hiện quyết liệt, hiệu quả; đấy mới là mối nguy".

Luận điểm trên rất đáng lưu ý. Ông lo lắng, hoặc chúng ta suy nghĩ không tới, hoặc suy nghĩ tới nhưng làm không được. Nhưng nền kinh tế vô cùng phức tạp đến mức không có bất kỳ mô hình dự báo hay công cụ nào có thể suy nghĩ tới để nhận biết được nó. Chỉ tính trên bề mặt các chỉ số kinh tế vĩ mô đã đạt được, nếu nhìn nhận thấu đáo, bản thân chúng cũng xuất hiện không ít những nghịch lý cần phải được phân tích thấu đáo. Liệu chúng ta đã làm được như vậy?

Thậm chí, ngay cả khi các con số này đều kết nối hoàn hảo với nhau, thì cũng không ai nhận biết được dưới nhiều tầng sâu của nền kinh tế thực điều gì đang và sẽ xảy ra. Một cách thật tự nhiên, cách đặt vấn đề về nền kinh tế là hãy xem chúng như luôn ở trạng thái nhiễu loạn liên tục để tiến về các điểm cân bằng mới. Lấy ví dụ, chúng ta không nên lấy thành tích năm 2018 có đến 131.000 doanh nghiệp thành lập để làm điều gì đó quá đỗi tự hào.

Ngược lại, có đến hơn 63.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động thì cũng không thể lấy đó làm điều gì quá bi quan. Có thể những sự thành lập mới hay giải thể và ngừng hoạt động đó đến từ việc thế giới ngày hôm nay đang thay đổi quá nhanh chóng. Các đổi mới sáng tạo ngày nay nhanh đến mức, mọi thứ đều mau chóng trở thành lỗi thời.

Câu hỏi nên đặt ra là tại sao không phải năm 2018 là vài ba trăm ngàn doanh nghiệp mới thành lập trước các cơ hội đó mà chỉ có 131.000? Rủi ro lớn nhất trong quá trình tiến đến các điểm cân bằng là bộ máy quan liêu hành chính và sự can thiệp không đúng cách của nhà nước vào thị trường.

Rất may là chúng ta có động lực khi nhìn vào thành quả bóng đá nước nhà trong gần hai năm qua để tự tin mình hoàn toàn có thể làm được những điều thần kỳ trong kinh tế. Những ẩn dụ trong bóng đá giúp chúng ta dễ tỉnh ngộ và đồng thuận với nhau hơn về nhiều vấn đề. Chẳng hạn, chỉ cần một mắt xích trục trặc, có khả năng toàn hệ thống cũng sẽ theo đó bị tổn thương nghiêm trọng. Câu hỏi khó nhất là, mắt xích nào có khả năng dẫn đến thiệt hại nhanh nhất và lớn nhất?

Cho dù điều gì xảy ra thì chúng ta vẫn phải kiên trì trên con đường dài hạn hướng đến những điều thần kỳ để thay đổi vận mệnh của một quốc gia theo các kế hoạch cải cách toàn diện đã được chỉ ra trong các nghị quyết của Đảng, Chính phủ và Quốc hội. Mặt khác, tất cả cũng không nên quên tự nhắc mình rằng, lúc nào và đâu đó cũng có khả năng sẽ là rủi ro đến nhanh nhất với thiệt hại lớn nhất. Các vấn đề này cần phải tranh luận với nhau cho ra lẽ và thật nghiêm túc về mọi khía cạnh. Từ những điều tốt cho đến những dấu hiệu nhỏ về bất ổn đều có thể xảy ra trong tương lai.

Hẳn là, ở những giờ phút hứng khởi này, mọi người rất ngại nếu ai đó dám đặt các vấn đề nhạy cảm. Chẳng hạn, tại sao năm nay hàng loạt ngân hàng lại có được lãi khủng? Một số ngân hàng thương mại nhà nước có lợi nhuận lên đến cả ngàn tỷ đồng, trong khi chuẩn mực an toàn vốn vẫn chưa đạt chuẩn quốc tế Basel II, thì liệu đó có phải là điều gì đáng khích lệ hay đó là một trò chơi mạo hiểm mà nhờ may mắn mới vượt qua được.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, những mất cân đối nghiêm trọng nhất của nền kinh tế thực đều có khởi đầu từ những bất ổn trong hệ thống tài chính — ngân hàng. Hoặc trong các lĩnh vực kinh tế — xã hội, liệu các dữ liệu niềm tin, thái độ lạc quan của người dân, doanh nghiệp vào đất nước có phải đã nói thực hết những điều sâu thẳm nhất trong suy tư và cuộc sống của họ?

nông nghiệp - Sputnik Việt Nam
Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp tích cực hơn nữa vào các hoạt động của FAO

Ai sẽ là người tiên phong?

Những thành quả tốt lành trong năm 2018 và giai đoạn 2016 — 2018 thật đáng khích lệ. Nhưng ta đang so sánh với ai? Ước mơ thần kỳ thì không thể so sánh với châu Á mà phải xa hơn nữa. Người Việt giờ cũng đã bắt đầu tự tin với giấc mơ bóng đá dự World Cup. Nhưng điều gì đang là cản trở lớn nhất đối với giấc mơ kinh tế? Có khả năng ai cũng dễ dàng chỉ ra những rào cản này. Nhưng có phải ai cũng dám thoải mái đề cập đến tận cùng các vấn đề nhạy cảm. Ai sẽ là người tiên phong? Nếu nói mà còn rụt rè thì đừng mơ đến hành động và những điều thần kỳ.

Điều may mắn là trong lúc này, người dân Việt đã bắt đầu thấy nhen lên lòng tự  hào với việc đặt niềm tin vào những doanh nghiệp tiên phong trên một số lĩnh vực công nghiệp xương sống của quốc gia. Đó có thể là niềm cảm hứng cho hàng loạt những điều kỳ diệu bất tận sau đó. Họ là những người Việt có trí tuệ ngang tầm thời đại. Họ rất dũng cảm, dám nghĩ, dám làm mọi điều, thậm chí họ còn đang bị dè bỉu. Bất chấp tất cả, họ dám đương đầu với các tập đoàn đa quốc gia hùng mạnh nhất thế giới.

Ắt hẳn trong lúc này, họ đang rất cần một Chính phủ tiên phong. Khi một doanh nghiệp dám tiên phong vào những lĩnh vực mà các công ty đa quốc gia đang thống trị mà không gặp phải bất kỳ trở ngại nào từ trong nước thì cũng chính ngay lúc đó, họ nhìn thấy một Chính phủ tiên phong đang nâng họ bay vượt lên đẳng cấp quốc tế. Cũng chỉ có như thế chúng ta mới dám mơ viết nên những câu chuyện thần kỳ.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала