Tăng giá điện có phải là nguyên nhân chính khiến hóa đơn điện tăng?

© Ảnh : congthuong.vnNhững thắc mắc của người dân về giá điện sẽ được giải đáp thỏa đáng
Những thắc mắc của người dân về giá điện sẽ được giải đáp thỏa đáng - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Khi so sánh tiền điện trên hóa đơn, người tiêu dùng cần so sánh số tiền phải trả cho cùng 1 lượng điện tiêu thụ ở thời điểm trước khi tăng giá 8,36% và sau khi tăng giá 8,36, theo Bnews.

Nhiều ngày qua, dư luận xôn xao và bức xúc về chuyện hóa đơn tiền điện tháng 4 tăng cao bất thường. Nhiều ý kiến người dân và cả các chuyên gia tính toán, hóa đơn tiền điện đã cao hơn tháng trước đó hơn 30%, thậm chí 50% hay cao hơn nữa. Vậy phải hiểu và tính toán giá điện như thế nào cho đúng?

 Tất cả do tăng giá điện 8,36%?

Giá điện đã chính thức tăng 8,36% từ ngày 20/3 vừa qua. Nhiều ý kiến dư luận đang hiểu rằng, việc tăng giá điện 8,36% cùng với cách tính giá điện theo bậc thang đã khiến cho hóa đơn tiền điện tháng vừa rồi tăng cao một cách bất thường.

EVN cho biết lãi 2.600 tỷ đồng trong năm 2016 nhưng vẫn lỗ ở lĩnh vực sản xuất và kinh doanh điện. - Sputnik Việt Nam
EVN thừa nhận hóa đơn tiền điện tăng ít nhất 35%

Tuy nhiên, để tính toán hóa đơn tiền điện một cách khách quan, khi so sánh tiền điện trên hóa đơn, người tiêu dùng cần so sánh số tiền phải trả cho cùng 1 lượng điện tiêu thụ ở thời điểm trước khi tăng giá 8,36% và sau khi tăng giá 8,36%.

Ví dụ ở mức tiêu dùng 400kWh, nếu tính theo giá cũ thì tổng số tiền phải trả là 922.625 đồng. Nếu tính theo giá mới là 999.900 đồng. Như vậy, giá mới tăng so với giá cũ là 77.275 đồng. Con số này tương ứng với mức 8,375%.

Tương tự, dùng biểu giá điện để tính với hộ gia đình dùng tới 2.000kWh, số tiền phải trả theo mức giá cũ là 5.676.385 đồng; số tiền phải trả theo giá mới là 6.151.420 đồng. Tổng số tiền tăng lên do điều chỉnh giá là 475.035 đồng. Con số này tương ứng với 8,369%.

Với 4.000kWh, các con số tương tự sẽ là mức giá cũ 11.618.585 đồng, giá mới 12.590.820 đồng, chênh lệch khoảng 8,368%. Với 6.000kWh, giá cũ là 17.560.785 đồng, giá mới là 19.030.220 đồng, chênh lệch 8,36%.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), một nguyên nhân nữa khiến hóa đơn tiền điện tăng cao là do thời tiết nắng nóng khiến khách hàng sử dụng điện nhiều hơn trong tháng 4, so với tháng liền kề trước đó.

Thêm nữa, số ngày sử dụng và ghi chỉ số điện của kỳ hóa đơn vừa qua là 31 ngày, trong khi tháng trước đó chỉ có 28 ngày. Ba ngày tăng thêm này là nguyên nhân khiến điện năng sử dụng tháng 4 của khách hàng tăng thêm 10%.

Về cơ sở tăng giá điện, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, giá điện tăng 8,36% trên cơ sở kết quả kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2017 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Công nhân điện lực  - Sputnik Việt Nam
Kêu "lỗ nặng nề" nhưng lại gửi 42.000 tỷ đồng không kỳ hạn ở ngân hàng: EVN lên tiếng trần tình

Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát các thông số đầu vào ở tất cả khâu, phân bổ chênh lệch tỷ giá còn treo... để tính toán giá điện 2019.

"Phương án giá điện đã được xây dựng theo nhiều kịch bản khác nhau; trong đó, có kịch bản tăng 8,36%. Mức điều chỉnh này cũng đã nhận được sự đồng ý về chủ trương của Chính phủ” ông Tuấn cho biết thêm.

Như vậy, rõ ràng, hóa đơn tiền điện tăng cao thời gian qua không phải hoàn toàn đến từ việc giá điện tăng 8,36% và cách tính giá điện theo bậc thang.

Báo cáo của EVN cho hay, theo dõi số liệu sản lượng điện cung cấp từ EVN tại thành phố Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh cho thấy, trong giai đoạn cuối tháng 3/2019, đầu tháng 4/2019, việc tiêu thụ điện tại địa bàn tăng tương ứng từ 47 triệu kWh/ngày lên đến gần 58kWh/ngày tại Hà Nội và 71 triệu kWh/ngày đến trên 83 triệu kWh/ngày tại Tp. Hồ Chí Minh.

EVN dự báo, trong các tháng 5, 6, 7 tiếp theo, nắng nóng vẫn tiếp tục kéo dài và có thể còn nóng hơn nữa, khi đó, nhu cầu sử dụng điện cũng như sản lượng điện tiêu thụ sẽ tiếp tục tăng.

Do đó, để giảm chi phí tiền điện phải trả của khách hàng cũng như góp phần giảm áp lực cung cấp điện lên toàn hệ thống giúp vận hành hệ thống điện ổn định, an toàn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam khuyến nghị các khách hàng sử dụng điện an toàn, hiệu quả bằng cách tắt bớt các thiết bị không cần thiết; sử dụng đồ điện hợp lý và áp dụng các giải pháp tiết kiệm điện triệt để trong sinh hoạt cũng như trong các hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội.

Kỹ sư kiểm tra điện - Sputnik Việt Nam
Giá điện tăng vọt, EVN có minh bạch?

 Biểu giá theo bậc sẽ khuyến khích tiết kiệm điện

Nhiều ý kiến cho rằng việc áp dụng biểu giá điện 6 bậc lũy kế hiện nay còn nhiều điểm không phù hợp với thực tế do vậy cần phải điều chỉnh. Tuy nhiên, theo PGS.TS. Bùi Xuân Hồi, Bộ môn Kinh tế Công nghiệp, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, thực tế biểu giá này đã được áp dụng từ rất lâu nhưng chắc chắn chưa khi nào chúng ta truyền thông thật sâu sắc về biểu giá bậc thang để người tiêu dùng có những hiểu biết. Từ đó, hiệu ứng giá thực sự có hiệu quả trong mục tiêu sử dụng hiệu quả và tiết kiệm điện năng, hoặc đơn giản hơn để trả lời các câu hỏi vì sao dùng càng nhiều lại càng đắt cũng như hóa đơn tiền điện tăng cao sau kỳ điều chỉnh giá.

PGS. TS. Bùi Xuân Hồi cho hay, điện cũng được làm ra từ những tài nguyên thiên nhiên như nước, nhiên liệu hóa thạch nên không có một quốc gia nào khuyến khích người dân dùng nhiều điện, thay vào đó là khẩu hiệu Tiết kiệm năng lượng luôn được nhắc tới. Chính vì vậy, càng dùng nhiều sẽ càng chịu giá cao cũng là một biện pháp để hạn chế hành vi dùng nhiều điện.

Người dân càng dùng nhiều sẽ phải trả nhiều tiền hơn vì chi phí họ gây ra cho hệ thống điện nhiều hơn do sự có mặt của họ vào thời kỳ cao điểm.

PGS. TS. Bùi Xuân Hồi đưa ra ví dụ, vào chiều tối, gần như hộ gia đình nào cũng nấu cơm, bật ti vi và đẩy phụ tải vào thời điểm này lên cao, gọi là thời kỳ cao điểm. Để đáp ứng được sự gia tăng phụ tải, hệ thống buộc phải huy động các nhà máy có chi phí cao hơn. Do vậy phụ tải sinh hoạt càng tăng (dùng càng nhiều) thì càng phải huy động nhà máy có chi phí cao để đáp ứng (chi phí càng cao). Đó là logic của biểu giá sinh hoạt bậc thang: “Dùng càng nhiều càng đắt”.

Ngoài ra, với logic dùng càng nhiều giá càng cao, khi nắng nóng tiêu dùng điện tăng đột biến, hóa đơn tiền điện cao sẽ như một thông điệp cho người tiêu dùng rằng cần sử dụng hiệu quả và tiết kiệm điện năng.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, không những các nước trên thế giới, mà đa số các nước trong khu vực đều áp dụng giá điện bậc thang. Nếu chúng ta chỉ áp dụng 1 bậc giá thôi thì mức giá điện ở bậc 1, bậc 2 sẽ cao hơn nhiều và người nghèo, người sử dụng ít điện sẽ bị ảnh hưởng lớn. Do vậy, nếu sử dụng biểu giá điện ít bậc hơn, người bị ảnh hưởng lớn nhất sẽ là những người sử dụng ít điện. Vì thế, cần duy trì biểu giá điện bậc thang.

Thời gian tới, Cục sẽ chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam nghiên cứu kiểm tra kỹ hơn về cơ cấu sử dụng điện của khách hàng để cải cách biểu giá điện bậc thang sao cho phù hợp nhất với thực tế sử dụng điện của khách hàng hiện nay./.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала