Vì sao Việt Nam không nên phá giá đồng tiền quốc gia?

© Depositphotos.com / Jamwayđồng Việt Nam
đồng Việt Nam - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Bắc Kinh chọn phá giá đồng tiền quốc gia là con dao hai lưỡi. Việt Nam vốn có quan hệ thương mại, xuất nhập khẩu với Trung Quốc rất lớn, việc điều chỉnh giá nhân dân tệ của nước này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình thương mại giữa hai nước.

Trung Quốc hạ giá nhân dân tệ nhằm đối phó Mỹ

Quyết định phá giá đồng tiền quốc gia, Trung Quốc khẳng định đòn trả đũa vì Tổng thống Trump tuyên bố áp thuế bổ sung 10% đối với hơn 300 tỷ hàng hóa của nước này.

Đồng đô la - Sputnik Việt Nam
Vé một chiều: đồng USD đang bị tước mất vị thế đồng tiền dự trữ quốc tế

Trong bối cảnh tăng cường xung đột thương mại Hoa Kỳ- Trung Quốc, đồng nhân dân tệ đã xuống ngưỡng 7CNY/USD khiến thị trường ngoại hối có nhiều biến động mạnh.

Theo báo cáo của Công ty chứng khoán VCBS, động thái phá giá đồng tiền quốc gia của Bắc Kinh nhằm hướng đến mục tiêu giúp hàng hòa Trung Quốc rẻ hơn, từ đó tăng lợi tế xuất khẩu và tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Tất nhiên, nỗ lực này sẽ giảm đáng kể tác động tiêu cực từ các biện pháp thuế quan của Mỹ áp lên hàng hóa của quốc gia này. Tuy nhiên, theo quan điểm của nhiều chuyên gia, đây là chính sách mạo hiểm và là “con dao hai lưỡi” khi các khoản nợ tính bằng USD cũng sẽ có nguy cơ tăng tương ứng.

Biến động bất ổn gia tăng trên thị trường khiến hàng loạt quốc gia đều gấp rút, khẩn trương tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của mình. Đặc biệt, nhiều nước châu Á muốn phá giá đồng tiền quốc gia để tăng lợi nhuận.

Ngân hàng Nhà nước có nên phá giá VNĐ?

Với Việt Nam, khi nhân dân tệ giảm giá đồng nghĩa hàng hóa Trung Quốc sẽ “rẻ hơn tương đối” và tạo được áp lực cạnh tranh lớn đối với hàng Việt Nam. Hà Nội được đánh giá sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển dòng vốn đầu tư. Dù lạc quan về triển vọng kinh tế dài hạn, VCBS cũng lưu ý quốc gia này vẫn chỉ đang trong giai đoạn đầu tiếp xúc với sự dịch chuyển chuỗi sản xuất toàn cầu, nền kinh tế dễ bị tổn thương, do vậy, khó đạt mức tăng trưởng đột phá trong tương lai.

Nhân dân tệ - Sputnik Việt Nam
Cuộc chiến tiền tệ Mỹ-Trung khiến Việt Nam phải lo lắng?

BVSC đưa ra báo cáo cũng cho biết, nhân dân tệ là một trong những phương tiện giao dịch thương mại đầu tư lớn nhất của Việt Nam (cùng với USD, EUR, JPY, SGD…), vậy nên việc Bắc Kinh phá giá đồng tiền nội của mình tác động không nhỏ đến chính sách điều chỉnh tỷ giá của Việt Nam.

Công ty chứng khoán Bảo Việt cũng nhận định, trong ngắn hạn, VNĐ sẽ ít nhiều chịu ảnh hưởng từ “cuộc chiến tiền tệ” Mỹ-Trung nhưng tỷ giá VNĐ/USD tính đến cuối tháng 7 này gần như tương tương so với cùng kỳ năm ngoái nên Ngân hàng Nhà nước vẫn đang có nhiều phương án dự trù để ứng phó trước tình hình mới của đồng nhân dân tệ.

“Dù có thể chịu sức ép giảm giá theo NDT, nhưng Ngân hàng Nhà nước sẽ có các giải pháp điều hành, không để VND giảm giá quá sâu (trên 3%)”, BVSC nhận định.

Cũng theo nhiều nhà kinh tế, không nên giảm giá mạnh đồng Việt Nam, vì điều này giúp hàng xuất khẩu có lợi thế, nhưng hàng nhập khẩu lại trở nên đắt đỏ. Các khoản nợ nước ngoài tính bằng USD theo đó cũng sẽ tăng mạnh. Giới đầu tư khi mua USD chuyển lợi nhuận về nước cũng chịu thiệt hại nếu VNĐ giảm.

Ý kiến chuyên gia về vấn đề điều chỉnh tỷ giá VNĐ

Chuyên gia kinh tế, GS.TS Trần Ngọc Thơ, ĐH Kinh tế TP.HCM khẳng định:

“Phá giá tiền tệ để cạnh tranh là cuộc đua xuống đáy mà VN cần tuyệt đối né tránh. Bởi quốc gia nào cũng phá giá thì chỉ có thể tạo ra một hành tinh khác để xuất khẩu hàng hóa. Trong khi đó, các yếu tố tâm lý sẽ tạo ra các bất ổn lớn trên thị trường ngoại hối và tài chính. Nó sẽ tác động rất xấu đến ổn định vĩ mô và môi trường kinh doanh”, ông phân tích trên báo Tuổi Trẻ.

Theo ông, cuộc chiến tỷ giá là vô cùng khó đoán và có tác động tâm lý dây chuyền rất mạnh. Ông khuyến cáo nhiều doanh nghiệp Việt Nam cần phải theo dõi sát sao, chủ động ứng phó với những diễn biến bất ngờ trong hoạch định chính sách của chính quyền Tổng thống Trump.

Asian Development Bank (ADB) - Sputnik Việt Nam
Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á năm 2019

Liên quan đến sức ép điều chỉnh giá VNĐ theo đà giảm của NDT, TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc nhận định, việc Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hạ lãi suất khiến áp lực mất giá của VNĐ giảm đi đáng kể.

Dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn liên tục đổ về Việt Nam. Lượng cung ứng ngoại tệ trên thị trường vẫn đảm bảo, việc điều chỉnh tỷ giá (dao động trong biên độ 3%) mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra không gặp phải thách thức lớn.

TS. Cân Văn Lực- chuyên gia kinh tế đánh giá: tác động của việc hạ giá nhân dân tệ đến thương mại hai nước Việt Nam - Trung Quốc là không quá đáng lo. Ông phân tích:

“Tuy kim ngạch xuất - nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc lớn nhưng đồng tiền thanh toán cơ bản vẫn là USD, chỉ có một số nhỏ hợp đồng kinh tế giao dịch bằng đồng NDT, mà với hợp đồng này về cơ bản hai bên đã chốt giá với nhau trước đó”, VOV dẫn lời cho biết.

TS Lực cũng cho rằng, cần đánh giá tác động tâm lý của diễn biến bất thường này lên các nhà đầu tư, người dân và doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh rủi ro tăng cao như hiện nay. Từ đó đưa ra được nhiều chính sách tốt, phù hợp với tình hình hiện tại.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng lại đánh giá, nếu đồng tiền Trung Quốc giảm quá mạnh, nhiều công ty Việt Nam nhìn thấy biên lợi nhuận cao sẽ chuyển sang mua hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc thay vì tập trung đầu tư máy móc công nghệ để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.

“Khi chiến tranh thương mại leo thang và kéo dài, tỉ giá NDT/USD giảm mạnh, tác động lớn đến kinh tế Việt Nam. Bởi hàng hóa Trung Quốc sẽ cạnh tranh lớn hơn cũng như tạo nên sức ép tỉ giá đồng Việt Nam và USD”, ông khuyến cáo.

Cùng băn khoăn về vấn đề này, trên báo Đầu Tư, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch CTCP Đầu tư và thương mại TNG cũng nhìn nhận, khi giá cả hàng hóa Trung Quốc trở nên rất rẻ, cần phải chú ý đến nguy cơ gian lận thương mại. Cơ quan chức năng cần kiên quyết xử lý hành vi đội lốt xuất xứ hàng hóa để tránh thuế quan:

“Tôi tin, cơ quan chức năng Việt Nam đủ nguồn lực và khả năng để giám sát và xử lý được vấn đề này. Đây thực sự là vấn đề các doanh nghiệp chân chính, sản xuất minh bạch quan tâm và lo lắng, vì thời gian qua, chúng ta có thể thấy rõ thái độ cứng rắn của Mỹ về vấn đề thương mại và Mỹ không ngại sử dụng các biện pháp trừng phạt lên các quốc gia vi phạm”.

PGS.TS Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp, Viện Nghiên cứu thương mại, Bộ Công thương nhận định, dường như xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nay đã lan sang thành “chiến tranh công nghệ” và “cuộc chiến tiền tệ”.

Đồng nhân dân tệ - Sputnik Việt Nam
Trung Quốc phá giá nhân dân tệ: Việt Nam không quá lo

Chuyên gia này nhận định, Việt Nam với độ mở của nền kinh tế lớn, sẽ chịu rất nhiều ảnh hưởng:

“Trung Quốc hiện đang là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, nếu NDT phá giá thì việc xuất khẩu sang thị trường này sẽ khó khăn hơn và nhiều doanh nghiệp xuất khẩu có thể đối diện với nguy cơ thua lỗ. Đây là điều doanh nghiệp cần phải tính toán kỹ lưỡng và cân nhắc chuyển hướng sang thị trường khác mà Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là thị trường thuộc khối Liên minh kinh tế Á – Âu”.

Vị PGS.TS, nghiên cứu viên cao cấp này khuyến cáo, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải luôn theo dõi sát sao diễn biến tình hình, xu hướng điều chỉnh đồng tiền của các cường quốc, đặc biệt là đồng NDT và USD để đảm bảo quan hệ tỷ giá giữa các đồng tiền này với VNĐ không tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

Việt Nam cương quyết chống gian lận thương mại

Hôm 8/8, bà Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định:

“Việt Nam kiên quyết phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm mọi hành vi gian lận thương mại, gian luận xuất xứ trên thị trường Việt Nam cũng như trong hoạt động xuất khẩu, nhằm bảo vệ chính đáng của doanh nghiệp và người tiêu dùng ở Việt Nam”.

Theo đó, nhiều cơ quan chức năng của Việt Nam đã tăng cường kiểm tra, phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp không minh bạch về xuất xứ hàng hóa, gian lận thương mại trong hoạt động xuất nhập khẩu và đầu tư.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала