Ai bảo kê cho VN Pharma?

© Ảnh : Thành Chung - TTXVN Bị cáo Nguyễn Minh Hùng (trái) và bị cáo Võ Mạnh Cường tại phiên xét xử.
 Bị cáo Nguyễn Minh Hùng (trái) và bị cáo Võ Mạnh Cường tại phiên xét xử.  - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Liên quan đến vụ buôn bán thuốc chống ung thư giả của VN Pharma, hôm nay TAND TP.HCM đã tiến hành xét xử sơ thẩm lần hai. Có hay không mối liên hệ giữa Nguyễn Minh Hùng, VN Pharma với Cục quản lý Dược và cụ thể là Thứ trưởng Trương Quốc Cường?

Xử sơ thẩm lần hai vụ VN Pharma buôn thuốc chống ung thư giả

Sáng 24.9, TAND TP.HCM mở phiên tòa sơ thẩm lần hai xét xử vụ mua bán thuốc chống ung thư giả xảy ra tại Công ty Cổ phần VN Pharma. Trước đó, các bị cáo trong vụ án này đã được thay đổi tội danh từ “Buôn lậu” sang “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh”.

Các bị cáo liên quan vụ án bao gồm: Nguyễn Minh Hùng (sinh năm 1978, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty VN Pharma), Võ Mạnh Cường (sinh năm 1978, nguyên Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại hàng hải Quốc tế H&C) cùng 10 đồng phạm khác bị truy tố về tội “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” quy định tại Điều 157- Bộ luật Hình sự 1999 với khung hình phạt 20 năm tù hoặc tù chung thân, thậm chí là mức án cao nhất - tử hình.

 Nguyễn Minh Hùng Tổng Giám đốc Công ty VN Pharma - Sputnik Việt Nam
‘Án tử’ vụ VN Pharma: Quan lớn ngành Dược, Bộ Y tế liên quan thế nào?

TAND TP.HCM đã triệu tập gần 200 người gồm có người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng, thành viên Hội đồng Giám định Bộ Y tế, Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM, Cục Quản lý Dược- Bộ Y tế. Ngoài ra, HĐXX còn triệu tập 9 thành viên Hội đồng Giám định Bộ Y tế. Trong những người bị triệu tập có ông Nguyễn Tấn Đạt (Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược), bà Tăng Thị Diệu Linh (cán bộ Công ty CP Dược phẩm Trung ương 1 - Công Pharbaco) và ông Trương Quốc Cường (hiện là Thứ trưởng Bộ Y tế và thời điểm xảy xa vụ án ông Cường là Cục trưởng Cục Quản lý Dược).

Tuy nhiên, hôm nay, 24.9, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường lại xin Tòa cho vắng mặt, không đến phiên xét xử. Theo đại diện của Viện Kiểm sát, sự vắng mặt của vị Thứ trưởng không ảnh hưởng đến vụ án nên nếu trong quá trình xét xử, thấy cần thiết, HĐXX sẽ triệu tập bổ sung.

Sau khi kết thúc phần thủ tục, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM (VKSND TP.HCM) công bố bản cáo trạng số 53 ngày 30.6.2019 của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao liên quan vụ án buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh xảy ra tại VN Pharma. Phiên tòa dự kiến kéo dài đến hết ngày 30.9.

Trước đó, Thanh tra Chính phủ kết luận, trách nhiệm liên quan đến những sai phạm này thuộc lãnh đạo Bộ Y tế, Cục quản lý Dược thời điểm năm 2009 và giai đoạn 2011-2014. Tức, người chịu trách nhiệm chính trong giai đoạn để xảy ra vi phạm chính là ông Trương Quốc Cường, hiện đang đảm trách vị trí Thứ trưởng Bộ Y tế, giai đoạn đó là Cục trưởng Cục Quản lý Dược. Ông Cường là người trực tiếp ký công văn 22113/QLD-KD ngày 30.12.2013 cho Công ty Cổ phần VN Pharma được nhập 200.000 hộp thuốc ung thư H-Capita 500mg do công ty Helix Canada sản xuất, thông qua Công ty Austin Hong Kong phân phối và đã có 9.300 hộp thuốc H-Capita được tuồn về Việt Nam.

VN Pharma dễ dàng trúng thầu thuốc ung thư giả vào các bệnh viện tại TP.HCM?

VN Pharma được thành lập vào cuối năm 2011. Bị cáo Nguyễn Minh Hùng khai, năm 2012, ông nhận thấy thị trường Việt Nam có nhu cầu rất lớn về thuốc chữa bệnh ung thư nên đã bàn với Võ Mạnh Cường lên phương án nhập khẩu thuốc ung thư là H-Capita 500 mg về Việt Nam. Do phía công ty ở Canada không cung cấp đủ một số giấy tờ về tiêu chuẩn nên Hùng chỉ đạo cấp dưới giả mạo những tài liệu này. Theo đó, VN Pharma đã tiến hành làm giả giấy chứng nhận lưu hành tự do (FSC), giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP) của Canada, làm giả con dấu hợp pháp hóa Lãnh sự của Đại sứ quán Việt Nam tại Canada, đóng dấu công ty Helix Canada giả vào hồ sơ để đề phụ lục hợp đồng mua bán với Công ty Austin Hong Kong. Mục đích là để nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita vào Việt Nam. Trong quá trình điều tra, Viện khoa học hình sự Bộ Công an giám định và kết luận “con dấu hợp pháp hóa lãnh sự của Đại sứ quán Việt Nam tại Canada và chữ ký tên Tham tán Nguyễn Văn Quyền là giả”.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu. - Sputnik Việt Nam
Bộ trưởng Bộ Y tế lên tiếng vụ VN Pharma

Cụ thể, riêng đối với “Tiêu chuẩn và phương pháp kiểm nghiệm thuốc” được quy định tại Thông tư 47/2010 của Bộ Y tế là một tài liệu hết sức quan trọng nhưng do bị cáo Võ Mạnh Cường không cung cấp được nên Nguyễn Minh Hùng đi thuê người viết (bị cáo Phạm Văn Thông, dược sĩ) và làm giả tài liệu này. Ngôn ngữ sử dụng trong bản tiêu chuẩn là tiếng anh và có hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt mang tên nhà sản xuất là Công ty Helix Canada. Giá thỏa thuận là 2000 USD. Đồng thời, Hùng còn chỉ đạo cấp dưới tự thiết kế hai bộ nhãn hàng hóa dự kiến sẽ lưu hành tại Việt Nam để hợp thức hóa đầy đủ hồ sơ pháp lý cho thuốc H-Capita.

Sau khi hồ sơ pháp lý giả mạo được hoàn thiện, Hùng chỉ đạo cấp dưới thành lập đơn hàng số 225/2013, đề nghị Cục Quản lý Dược cấp phép nhập khẩu 200.000 hộp thuốc H-Capita Caplet thông qua nhà cung cấp là Công ty Austin Hong Kong. Trong khi đí, giấy phép hoạt động về thuốc và nguyên liệu thuốc tại Việt Nam đã hết hạn từ ngày 6.10.2013).

Căn cứ hồ sơ pháp lý giả mạo do VN Pharma cấp, Cục Quản lý Dược Bộ Y tế đã thành lập Tổ Giám định đơn hàng 225 gồm 10 thành viên dày dạn kinh nghiệm và đều là các chuyên gia hàng đầu về Dược của Việt Nam nhưng lại không phát hiện được và đánh giá “hồ sơ đã đạt yêu cầu”. Cục trưởng Cục Quản lý Dược Bộ Y tế thời điểm đó là ông Trương Quốc Cường ký cấp phép nhập khẩu đơn hàng này.

Sau khi dùng bộ hồ sơ pháp lý giả và dễ dàng “qua mắt” những chuyên gia, lãnh đạo hàng đầu của Cục Quản lý Dược, Bô Y tế, Nguyễn Minh Hùng thống nhất với Cường làm giả hợp đồng mua bán thuốc H- Capita thông qua qua Austin Hong Kong để nhập khẩu 9.300 hộp thuốc chống ung thư H-Capita chuyên đặc trị ung thứ vú, ung thư đại trực tràng.

Đáng chú ý, Hùng liên danh với Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương 1 Pharbaco dự thầu và trúng thầu tại Sở Y tế TP.HCM, cung cấp hơn 471.000 viên thuốc (tương tương 15.709 hộp) đến các bệnh viện, cơ sở y tế của TP.HCM.

Khi mới nhập thuốc về Việt Nam, Cơ quan chức năng đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn nên chưa tiêu thụ được. Việc bị phát hiện, ngăn chặn là ngoài ý muốn chủ quan của các bị cáo. Sau khi vụ án bị khởi tố, các bị cáo đã tìm cách đối phó, tiêu hủy tài liệu, chứng cứ, gây khó khăn, cản trở hoạt động điều tra. Vì vậy, theo Cơ quan điều tra, cần phải xử lý nghiêm các bị cáo theo quy định của pháp luật.

UBND TP.HCM liên quan gì vụ mua bán thuốc chống ung thư giả của VN Pharma?

Thanh tra Chính phủ khẳng định: “Ngày 22.12.2012, Sở Y tế TP.HCM có văn bản số 7860 gửi UBND TP.HCM “về công tác đấu thầu mua thuốc y tế cho ngành y tế TP.HCM năm 2013”. Trong đó, đề nghị UBND TP.HCM cho phép các cơ sở y tế công lập tự tổ chức đấu thầu mua thuốc theo Thông tư 01/2012 của liên Bộ Y tế - Tài chính về hướng dẫn đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế. Sau khi trung tâm mua sắm thành lập, thì sẽ đấu thầu tập trung từ năm 2014”, Thanh Niên dẫn kết luận cho hay.

Bộ Y tế - Sputnik Việt Nam
Nóng: Sẽ có lãnh đạo Bộ Y tế bị kỷ luật vụ VN Pharma?

Lý do được chỉ rõ như sau: Theo Thông tư 01/2012 liên Bộ Y tế - Tài chính nêu rõ tại khoản 1, Điều 26 thì Bộ Y tế công bố các mặt hàng thuốc biệt dược, thuốc tương đương điều trị với thuốc biệt dược gốc, nhưng đến cuối năm 2012 vẫn chưa công bố, vì vậy việc mua sắm tập trung các mặt hàng này theo lộ trình của Sở Y tế chưa thể thực hiện được. Ngoài ra, thời gian tối thiểu để chuẩn bị tổng hợp đấu thầu, sử dụng thuốc của các cơ sở y tế (danh mục, số lượng thuốc cần dùng năm kế hoạch), tổ chức thẩm định, trình duyệt, chấm, xét lựa chọn nhà thầu cho lần đấu thầu tập trung phải mất 6 tháng. Vậy nên, việc có kế hoạch đấu thầu tập trung trong tháng 6.2013 là “rất khó khăn” và “sẽ ảnh hưởng đến việc cung ứng thuốc phục vụ khám chữa bệnh của bệnh nhân”.

Thêm vào đó, tại thời điểm ngày 16.1.2013, Sở Tài chính TP.HCM có tờ trình 538 gửi UBND.TP.HCM kiến nghị công tác đấu thầu mua thuốc cho ngành y tế thành phố. Sở Tài chính đề xuất:

“Trong khi chờ TP.HCM thành lập Trung tâm mua sắm tập trung, trước mắt trình UBND TP.HCM cho phép các cơ sở y tế công lập tự tổ chức công tác đấu thầu theo Thông tư 01/20012 của liên Bộ Y tế - Tài chính”.

Sau khi xem xét các đề nghị của Sở Y tế và Sở Tài chính TP.HCM, ngày 6.2.2013 UBND TP.HCM có văn bản số 689 cho phép cơ sở y tế tự tổ chức đấu thầu mua thuốc năm 2013 theo nhu cầu của từng đơn vị.

Ngoài ra, UBND thành phố còn giao Sở Y tế thẩm định kế hoạch đấu thầu mua thuốc của các cơ sở Y tế công lập, quận, huyện, và trình UBND TP.HCM xem xét, phê duyệt.

Sở Y tế TP.HCM có tờ trình số 2741 ngày 3.5.2013 báo cáo kết quả thẩm định kế hoạch đấu thầu mua thuốc năm 2013 của các đơn vị y tế công lập TP.HCM, chru đầu tư là các cơ sở y tế trực thuộc “tự tổ chức đấu thầu”.

Đến 11 tháng 5.2013, UBND thành phố lại ra thông báo số 325 nêu rõ: “Việc mua sắm thuốc và vật tư y tế tiêu hao năm 2014 giao Sở Y tế và các bệnh viện công lập khẩn trương lập danh mục, số lượng sử dụng”. Nhưng sau đó, Văn phòng UBND TP.HCM lại có thông báo số 3570 đính chính thông báo 325 “việc mua sắm thuốc và vật tư y tế tiêu hao năm 2014” thành “việc mua sắm thuốc và vật tư y tế tiêu hao năm 2013”.

Đáng chú ý là việc dù Sở Y tế và Sở Tài chính đã kiến nghị UBND TP.HCM cho các cơ sở y tế công lập đấu thầu mua thuốc năm 2013, nhưng UBND thành phố ngày 15.4.2013 lại ra văn bản số 1742 cho phép các cơ sở y tế mua thuốc bổ sung sử dụng đến 30.6.2013 bằng cách “gia hạn hợp đồng trúng thầu năm 2012”.

Dù ở thời điểm này, thời gian ký hợp đồng mua thuốc còn hơn 2 tháng. Nhưng cũng từ đây, các bệnh viện cứ gia hạn hợp đồng và mua sắm trực tiếp cho đến hết tháng 3.2014.

Những câu hỏi cần thiết được trả lời chính là: “Vì sao Lãnh đạo nào ở UBND TP.HCM lại cho phép các cơ sở y tế tự gia hạn hợp đồng trúng thầu năm 2012, và điều này gây thiệt hại ra sao? Việc mua thuốc không qua đấu thầu tại TP.HCM liên quan gì đến VN Pharma?”.

H-Capita không phải thuốc chữa bệnh cho người

Sau khi lô hàng 9.300 hộp thuốc H-Capita được nhập trót lọt vào Việt Nam, giá thực tế của lô thuốc là 251.100 USD (hơn 5,3 tỷ đồng) nhưng VN Pharma khai báo giá trị hơn 14,6 tỷ đồng.

Vụ VN Pharma. Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 8/2017 - Sputnik Việt Nam
Nên miễn tội cho người đưa hối lộ vụ VN Pharma

Theo kết quả điều tra, giai đoạn từ giữa năm 2013 đến 19.9.2014, Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường đặt mua thuốc H-Capita 500mg Caplet chứa hoạt chất Capecitabine chuyên đặc trị ung thư vú, ung thư đại tràng dán nhãn do Công ty Helix Pharmaceuticals Inc. Canada sản xuất để đưa về thị trường Việt Nam và đấu thầu cung cấp cho các bệnh viện với giá 0,9 USD một viên.

Đáng chú ý, kết quả điều tra ban đầu khẳng định thuốc không có nguồn gốc sản xuất tại Canada. Bởi trên các thùng hàng thuốc có dán tem kiểm tra an ninh tại một sân bay của Ấn Độ và dán tem vận chuyển từ Ấn Độ về Singapore, phù hợp với văn bản trả lời ủy thác của Singapore. Và qua kiểm tra, mã vạch, mã số in trên vỏ hộp thuốc không được đăng ký bởi quốc gia nào. Còn về chất lượng lô thuốc, kết luận giám định của Bộ Y tế thể hiện lô thuốc H-Capita 500mg nói trên chứa 97,5% hoạt chất capecitabine là thuốc kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người.

Theo điều 2 Luật Dược năm 2005, Nghị định số 08 cấp ngày 10.1.2013 của Chính phủ Việt Nam quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, Nghị định số 185 ngày 15.11.2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tài liệu điều tra, các cơ quan tố tụng có đủ căn cứ kết luận toàn bộ 9.300 hộp thuốc H-Capita giả về nguồn gốc xuất xứ nơi sản xuất, giả về chất lượng (không sử dụng để chữa bệnh cho người).

Kết luận Giám định số 31 ngày 22.4.2015 của Hội đồng Giám định Bộ Y tế khẳng định:

“Lô thuốc có nhãn mác thuốc H-Capita 500mg Caplet có chứa 97,5% hoạt chất Capecitabine là thuốc kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người”, TTXVN trích thẩm định của Bộ Y tế.

Bị cáo Nguyễn Minh Hùng khóc nức nở - Sputnik Việt Nam
Bán thuốc chống ung thư giả, cựu tổng giám đốc VN Pharma đối diện án tử hình

Các cơ quan chức năng xác định, “đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng , phức tạp, xảy ra trên lĩnh vực dược phẩm, y tế, liên quan trực tiếp đến tính mạng, an toàn, sức khỏe của người dân, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm”.

Đáng chú ý, táng tận lương tâm hơn, những bị cáo trong vụ án phần lớn là những người làm việc, hành nghề trên lĩnh vực buôn bán nhập khẩu thuốc chữa bệnh có nhận thức, hiểu biết trên lĩnh vực này nhưng đã lợi dụng pháp nhân là công ty kinh doanh dược phẩm, thực hiện hành vi phạm tội với thủ đoạn tinh vi để buôn bán, nhập khẩu thuốc chữa bệnh giả nguồn gốc, xuất xứ, kém chất lượng về Việt Nam với mục đích tiêu thụ để kiếm lời.  

Kết luận điều tra xác định: “Hành vi phạm tội của các bị cáo đã xâm phạm đến trật tự quản lý nhà nước trên cả lĩnh vực kinh tế và y tế, đe dọa sức khỏe, tính mạng người bệnh khi sử dụng thuốc giả nguồn gốc, kém chất lượng”.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала