Cát Linh-Hà Đông mãi không xong: Bộ GTVT có kiện Tổng thầu EPC Trung Quốc?

© Ảnh : Thành Long/Người đưa tinDự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông
Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Cát Linh- Hà Đông là bài học đau xót. Trách nhiệm của Bộ GTVT ở đâu? Dự án bị đội vốn, chậm tiến độ chủ yếu là do sai lầm khi chọn nhà thầu Trung Quốc, chưa hề có kinh nghiệm xây dựng đường sắt.

Vì vay tiền của Trung Quốc, nên họ được chỉ định thầu, giám sát và đến giờ thì ta phải gánh chịu hậu quả- TS Lê Đăng Doanh thẳng thắn.

Thêm vào đó, Bộ GTVT cũng vừa chỉ ra nguyên nhân vì sao Cát Linh- Hà Đông còn 1% mà mãi vẫn chưa xong. Đó là do Tổng thầu Trung Quốc chưa cung cấp đủ tài liệu, hồ sơ để nghiệm thu dự án.

Nguyên nhân dự án đường sắt đô thị trên cao Cát Linh- Hà Đông mãi không xong

Trao đổi với báo giới trong chiều 25.9, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, dự án đường sắt đô thị trên cao Cát Linh- Hà Đông chỉ còn khoảng 1% hạng mục cần xây dựng phần lớn là hoàn thiện mỹ quan, song để hoàn thành khối lượng công việc còn lại không hề đơn giản, thậm chí còn mất rất nhiều thời gian.

đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông - Sputnik Việt Nam
Đường sắt Cát Linh-Hà Đông: Bao giờ đưa vào hoạt động?

Nguyên nhân chính được đại diện Bộ GTVT đưa ra cho sự chậm trễ này chính là việc Tổng thầu EPC Trung Quốc chưa cung cấp trang thiết bị vật tư như xe cẩu, xe tải, xe công vụ kèm dụng cụ chuyên dụng để tiến hành thi công, lắp đặt các thiết bị còn thiếu. Ngoài ra, phía Tập đoàn Cục 6 đường sắt Đường sắt Trung Quốc (Tổng thầu EPC) vẫn chưa tiến hành thay thế các thiết bị có sai sót, hư hỏng do vận chuyển như một số máy móc phụ trợ của hạng mục thông tin, bán vé tự động, máy móc dụng cụ cho sửa chữa, duy tu bảo dưỡng đoàn tàu.

Thêm vào đó, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng cho hay, Tổng thầu EPC chưa cung cấp đầy đủ các hồ sơ, tài liệu của nhiều hạng mục dự án để phía Việt Nam nghiệm thu. Đây là lý do chính khiến dự án chưa thể được đưa vào vận hành, khai thác thương mại.

Đại diện Bộ GTVT khẳng định, để hoàn thành dự án, Tổng thầu cần phải thực hiện nốt các thử nghiệm cũng  như các bước đánh giá phục vụ nghiệm thu nhiều hạng mục thiết bị. Vận hành thử toàn hệ thống để kiểm chứng hoạt động của thiết bị và đánh giá độ sẵn sàng của hệ thống, nhân sự vận hành.

Bộ GTVT có khởi kiện Tổng thầu EPC Trung Quốc

Trả lời báo chí trước câu hỏi liệu Bộ GTVT có dự định khỏi kiện Tổng thầu Trung Quốc vì lý do chậm trễ tiến độ dự án hay không, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông tuyên bố, Bộ chưa cân nhắc đến vấn đề này vì trong số các nguyên nhân dẫn đến chậm trễ là do công tác giải phóng mặt bằng của thành phố Hà Nội. Đến năm 2014, Tổng thầu Trung Quốc mới tiếp nhận mặt bằng để thi công, trong khi đáng lẽ họ phải được bàn giao trước đó vài năm.

"Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu Tổng thầu khẩn trương, tập trung thực hiện với yêu cầu chất lượng, an toàn là trên hết, không thể làm vội mà để xảy ra sai sót, đặc biệt là các thử nghiệm, đánh giá an toàn đoàn tàu, hệ thống điều khiển chạy tàu tự động", Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết.

Tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông. - Sputnik Việt Nam
Báo cáo Ban Bí thư vụ đường sắt Cát Linh-Hà Đông biết lỗ vẫn làm

Tổng thầu Trung Quốc cũng thông tin, sở dĩ công trình chưa được khai thác theo kế hoạch là do những vướng mắc trong việc hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu các hạng mục, cũng như toàn bộ dự án. Vấn đề này có nguyên nhân chính là do những khác biệt trong quy trình, thủ tục nghiệm thu giữa hai quốc gia.

Hiện tại, dự án đang được liên danh nhà thầu quốc tế Apave-Certifier-Tricc (Pháp) đánh giá kiểm định chất lượng, tính an toàn và được Cục Đăng kiểm kiểm tra an toàn kỹ thuật. Tiếp đến, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước sẽ kiểm tra, đánh giá tổng thể lần cuối trước khi chính thức đưa vào khai thác.

Phát biểu về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam phát biểu với báo Đất Việt về khả năng mời trọng tài thuộc nước thứ ba đứng ra phân giải, hay thậm chí khởi kiện EPC ra tòa án quốc tế.

“Dự án sai thì đã sai. Để tránh rơi vào mớ bùng nhùng "sai thì cứ sửa, sửa rồi cứ sai", điều quan trọng nhất lúc này là phải xem dự án ách tắc ở khâu nào, khơi thông nó để đưa vào vận hành; còn ai sai thì xử sau và sai đến đâu, xử lý đến đó, tránh bên nọ đổ cho bên kia. Trường hợp không đàm phán xong các vướng mắc về hợp đồng thì mời trọng tài thuộc nước thứ ba đứng ra phân giải, thậm chí khởi kiện ra tòa quốc tế. Lúc đó mới có phương án giải quyết”, ông nói.

Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh còn đặt vấn đề về năng lực đạo đức của cán bộ trong khâu quản lý dự án.

“Nếu là người rõ ràng, rành mạch, biết chuyện sẽ xảy ra thế nào thì không ai làm như vậy. Giao dự án vào tay những người nắm giữ vị trí mà trách nhiệm của vị trí ấy như thế nào, thực hiện ra sao họ cũng không để ý, cơ quan cấp trên giao cho dưới là xong, dưới làm thế nào là việc của bên dưới. Cơ quan cấp trên thiếu trách nhiệm, cơ quan thực hiện cũng không có trách nhiệm thì làm sao có được một dự án hiệu quả. Chất lượng cán bộ quyết định mọi thành bại, cán bộ thiếu phẩm chất đạo đức, lương tâm, thiếu năng lực, trách nhiệm... nên mới xảy ra chuyện dự án đội vốn khủng, chậm tiến độ bao nhiêu năm. Đó là chưa kể dư luận bấy lâu nay vẫn câu hỏi về chuyện có hay không việc lại quả, hoa hồng khi đặt bút ký hợp đồng xây dựng dự án này”, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam khẳng định.

Động cơ phía sau việc Bộ GTVT “biết lỗ nhưng vẫn làm” Cát Linh- Hà Đông

Dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông bắt đầu được triển khai từ tháng 10 năm 2011, với tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng. Toàn bộ tuyến đường có chiều dài hơn 13 km, với 12 nhà ga đi trên cao. Dự án đã chính thức vận hành thử liên động toàn hệ thống vào tháng 9 năm 2018. Tuy nhiên, cho đến nay công trình này vẫn chưa được đưa vào khai thác thương mại.

Trong phiên họp Chính phủ gần đây, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ trưởng Giao thông Vận tải phải báo cáo Chính phủ về tiến độ chạy thử và vận hành dự án trước ngày 30 tháng 9; chủ động xử lý dứt điểm hoặc đề xuất cấp trên xử lý (nếu vượt thẩm quyền) với dự án, không để tình trạng chậm trễ tiến độ đường sắt Cát Linh - Hà Đông kéo dài, gây mất lòng tin trong nhân dân.

Vận hành thử liên động tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông. - Sputnik Việt Nam
Cát Linh-Hà Đông: Bộ GTVT khó hy vọng ở Tổng thầu Trung Quốc

Thêm vào đó, Kiểm toán Nhà nước cũng xác định, việc đội vốn, chậm tiến độ kéo dài, lỗi phần lớn do Tổng thầu EPC Trung Quốc, nhưng để xảy ra nhiều sai sót trong thẩm định, đấu thầu, phê duyệt điều chỉnh có trách nhiệm rất lớn của Bộ GTVT.

“Đặc biệt, Bộ GTVT phải kiểm điểm trách nhiệm liên quan đến việc phê duyệt điều chỉnh dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 8.769,97 tỉ đồng lên 18.001,59 tỉ đồng (vượt 10.000 tỉ đồng), tại Quyết định 513/QĐ-BGTVT ngày 23.2.2016, khi chưa báo cáo Thủ tướng để xem xét và xin chủ trương của Quốc hội về điều chỉnh dự án đầu tư”, Kiểm toán Nhà nước kết luận.

Phát biểu về dự án- “bảo tàng kinh nghiệm” Cát Linh- Hà Đông, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài Chính) phát biểu thẳng thắn:

“Phải nói đây là một ung nhọt, vấn nạn trong đầu tư công của Việt Nam. Dự án triển khai không theo quy trình thủ tục, đội vốn lên kinh khủng, thời gian kéo dài, sinh ra nhiều hệ luỵ, gây bức xúc trong nhân dân”, VTC dẫn lời ông Long nói.

Vị chuyên gia phân tích, những thiệt hại về kinh tế dễ dàng thấy được, còn những ảnh hưởng vô cùng lớn về mặt xã hội thì khó mà đo đếm được, nhất là vấn đề ùn tắc giao thông, giảm sút niềm tin của người dân vào cơ quan quản lý hay uy tín hình ảnh quốc gia trong mắt bạn bè quốc tế.

“Dự án không chỉ đội vốn lớn mà đội cả thời gian hoàn thành, đến nay cũng chưa rõ khi nào mới về đích nên tác động tiêu cực lớn cả về mặt kinh tế và xã hội. Thiệt hại tiền bạc thì ai cũng thấy nhưng còn có những thiệt hại lớn hơn, không đong đếm được bằng tiền”, PGS.TS Ngô Trí Long khẳng định.

Cũng bình luận về cái 1% mà Bộ GTVT đưa ra về những hạng mục xây dựng như mái che cầu thang cuốn, hệ thống cảnh quan cây xanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài Chính) cho rằng “còn 1% chưa hoàn thành nhưng cũng có thể 1% này sẽ không bao giờ hoàn thành vì hiện nay để đánh giá an toàn dự án là rất khó”.

Nói về trách nhiệm của Bộ GTVT, PGS.TS Ngô Trí Long phân tích khiếm khuyết của dự án người ta cũng đã chỉ ra rất rõ ràng nhưng vấn đề đặt ra là phải quy trách nhiệm và có biện pháp xử lý đáp ứng được nguyện vọng, mong mỏi của nhân dân.

“Dự án chậm tiến độ, trách nhiệm chủ yếu là của nhà thầu chính - Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc - Tổng thầu EPC. Tuy nhiên, họ chỉ là nhà thầu, tức là người làm thuê. Vậy trách nhiệm chủ đầu tư - Ban quản lý dự án đường sắt, Bộ Giao thông Vận tải ở đâu? Tại sao tổng thầu EPC liên tục trễ hẹn mà chúng ta lại chỉ chấp nhận không có bất cứ động thái cứng rắn nào?”, vị chuyên gia đặt vấn đề.

Về trách nhiệm của Bộ GTVT và những người liên quan dù biết dự án Cát Linh- Hà Đông “lỗ mà vẫn làm”, PGS.TS Ngô Trí Long nhận định cần phải có một cuộc thanh tra để tìm hiểu nguyên nhân, đồng thời chỉ rõ trách nhiệm các bên, từng cá nhân, chứ không thể xuề xòa “đánh trống bỏ rùi”.

“Khi biết đánh giá không hiệu quả mà vẫn quyết làm bằng mọi giá vậy mục đích để làm gì? Liệu có tư lợi không? Xác định động cơ thì khó nhưng cần làm rõ xem những người có tiếng nói quyết định có bị mua chuộc không?”, ông Long thắc mắc.

Cát Linh- Hà Đông: Vay vốn Trung Quốc nên ta phải gánh mọi hậu quả?

Đánh giá về dự án đường sắt đô thị trên cao Cát Linh- Hà Đông, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương nhìn nhận, đây là bài học rất đau xót và chúng ta cần phải hết sức thận trọng trong việc vay vốn Trung Quốc.

“Đường sắt Cát Linh – Hà Đông bị đội vốn, chậm tiến độ kéo dài như vậy chủ yếu do sai lầm khi chọn nhà thầu Trung Quốc chưa bao giờ xây dựng đường sắt. Vì chúng ta vay vốn của Trung Quốc nên họ được quyền chỉ định nhà thầu, chỉ định giám sát và đến bây giờ thì hậu quả ta phải gánh chịu”.

Theo nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, cần phải quy trách nhiệm rõ ràng những người liên quan đến dự án.

“Dự án triển khai đã nhiều năm, qua nhiều đời lãnh đạo, những người chịu trách nhiệm các nhà thầu này cũng đã nhiều người nghỉ hưu. Nhưng tôi nghĩ ngay những người nghỉ mà chịu trách nhiệm như vậy thì cũng cần đưa ra quy trách nhiệm và xử lý thích hợp theo pháp luật”, ông Doanh khẳng định.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông - Sputnik Việt Nam
Dự án Cát Linh-Hà Đông: Thi công xong nhưng chưa thể bàn giao
Theo TS.Lê Đăng Doanh, nếu nhà thầu Trung Quốc cố tình kéo dài tiến độ, lần lữa không hoàn thành công trình thì phải bị phạt nặng hay tính đến phương án khởi kiện ra tòa án quốc tế.

“Tôi nghĩ không thể nhân nhượng mãi, kéo dài mãi, với một chất lượng kém như vậy. Và cũng cần phải mời giám định quốc tế đến để xem xét nghiệm thu, trước khi chúng ta chấp nhận dự án này”.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng khẳng định, từ trước đến nay, đã có nhiều bài học từ các nước trong khu vực. Tuy nhiên, khi đối tác Trung Quốc chậm, hoãn, giãn tiến độ dự án hay thay đổi điều kiện, Thái Lan hay Indonesia đều dừng ngay dự án chứ không để dây dưa kéo dài mãi.

“Khi thực hiện đầu tư các dự án lớn, có hai yếu tố cần cân nhắc, đó là đối tác có đủ tin cậy thực hiện các điều khoản hợp đồng, thứ hai là các điều khoản hợp đồng phải rất rõ ràng, tính hiệu lực cao”, TS. Trần Đình Thiên nêu những điều kiện tiên quyết mà lẽ ra khi làm các đại dự án chúng ta phải cân nhắc đến.

Theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước, Bộ GTVT có trách nhiệm liên quan đến việc sử dụng vốn vay Trung Quốc tại dự án đường sắt Cát Linh Hà Đông chưa hiệu quả do phối hợp giải quyết những vướng mắc cơ chế tài chính dự án chậm. Tính đến thời điểm hiện tại, dự án đã ký kết 3 hiệp định vay khoảng 669,6 triệu USD từ Trung Quốc.

“Việc vay vốn Trung Quốc trước mắt giải quyết được các vướng mắc về vốn cho dự án nhưng phía Việt Nam cũng phải chấp nhận những ràng buộc, bất lợi như phải chỉ định nhà thầu Trung Quốc thực hiện khối lượng công việc có giá trị khoảng 13.751 tỉ đồng, chiếm 77% tổng vốn đầu tư dự án”, Kiểm toán Nhà nước nêu rõ.

Ngày 30/5/2008, Chính phủ Việt Nam đã ký kết với Chính phủ Trung Quốc vay vốn tài trợ theo Hiệp định khung giữa hai quốc gia để thi công chỉ 13 km đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông. Đáng chú ý, Bộ GTVT khi ấy là đơn vị thẩm định, phê duyệt cho Tổng thầu EPC (Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc) - đơn vị mà chính Bộ này cũng lên tiếng thừa nhận, chưa bao giờ thi công đường sắt, trúng thầu.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала