Bao giờ Cát Linh – Hà Đông chạy thật?

© Ảnh : Huy Hùng - TTXVNĐoàn công tác đi thử tàu trên tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.
Đoàn công tác đi thử tàu trên tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Chúng tôi đã chờ đợi kiên trì và bây giờ đã quá mức kiên trì chờ đợi rồi. Phải làm, không lý sự nhiều- đó là trao đổi thẳng thắn của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng với Giám đốc dự án Tổng Thầu Trung Quốc khi thị sát dự án đường sắt Cát Linh- Hà Đông.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra đường sắt Cát Linh- Hà Đông

Sáng 1.10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác Chính phủ thị sát một số dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn Hà Nội, trong dó có tuyến đường sắt Cát Linh- Hà Đông. Cùng đi với Phó Thủ tướng có Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể và ông Nguyễn Đức Chung- Chủ tịch UBND TP. Hà Nội.

Ngày 30/5/2008, Chính phủ Việt Nam đã ký kết với Chính phủ Trung Quốc vay vốn tài trợ theo Hiệp định khung giữa hai quốc gia để thi công chỉ 13 km đường sắt trên cao Cát Linh- Hà Đông.

Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông - Sputnik Việt Nam
Cát Linh-Hà Đông mãi không xong: Bộ GTVT có kiện Tổng thầu EPC Trung Quốc?

Đáng chú ý, Bộ GTVT khi ấy là đơn vị thẩm định, phê duyệt cho Tổng thầu EPC (Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc) - đơn vị mà chính Bộ này cũng lên tiếng thừa nhận, chưa bao giờ thi công đường sắt, trúng thầu.

Phát biểu sáng nay khi cùng Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra dự án, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, đoàn tàu Cát Linh – Hà Đông dự kiến chạy thương mại từ tháng 9.2017. Hà Nội đã phải làm thủ tục vay lãi để chuẩn bị công tác vận hành, quản lý, bảo trì, bảo dưỡng, khoảng 1000 người đã được tuyển dụng, tham gia công tác đào tạo để phục vụ vận hành dự án.

“2 năm qua, chúng tôi đào tạo xong rồi nhưng dự án chậm tiến độ, hiện một số công nhân đã bỏ đi, trong khi đó từ năm 2018 thành phố mỗi năm trả lãi gần 300 tỷ đồng”, VnExpress dẫn lời Chủ tịch Hà Nội khẳng định.

Về trách nhiệm của Bộ GTVT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể lên tiếng thừa nhận, so với yêu cầu, dự án đã “lỗi hẹn” đến 3-4 năm khiến Hà Nội phải “nuôi bộ máy” rất tốn kém. Vị tư lệnh ngành vẫn tái khẳng định dự án đã hoàn thành đến 99% khối lượng công việc, phần còn lại không nhiều, chủ yếu là khâu dự phòng.

Theo lý giải của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, trước khi đưa dự án Cát Linh – Hà Đông vào vận hành thương mại, các cơ quan phải tập trung vào nhóm công việc ưu tiên là đảm bảo an toàn, bổ sung biển báo giao thông để khi hệ thống lái tự động trục trặc thì lái thủ công vận hành vẫn kịp thời, ổn định. Thêm vào đó, thông số bán vé tự động tại các ga chưa tương thích nên nhà thầu phải nghiên cứu không để xảy ra ách tắc. Theo lãnh đạo ngành GTVT, các bên liên quan cũng phải chứng minh đảm bảo an toàn thiết bị đối với 13 đoàn tàu và hệ thống điều khiển tự động ở các trạm ga.

“Ngoài công tác nghiệm thu, chúng tôi còn thuê tư vấn kiểm định độc lập, khi nào an toàn mới chứng nhận. Không chứng nhận được an toàn hệ thống thì không thể vận hành”, Bộ trưởng Thể phát biểu.

Đồng thời, ông Thể đề nghị Tổng thầu Trung Quốc, Ban Quản lý dự án, Thành phố Hà Nọi và các cơ quan tư vấn kiểm định cùng thống nhất giải quyết những vấn đề còn tồn tại.

“Các bên phối hợp để cố gắng trong 1 đến 1,5 tháng nữa có thể vận hành thương mại từng phần. Bộ cũng đã đề nghị Chính phủ điều chỉnh một số cơ chế, chính sách giúp dự án vận hành sớm”, lãnh đạo ngành GTVT cam kết.

Phó Thủ tướng Việt Nam làm việc với Tổng thầu Trung Quốc

Sau khi tiến hành thị sát nhà ga, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã lên tàu đi thử để kiểm tra việc vận hành, lưu thông toàn tuyến.

Đại diện Chính phủ Việt Nam rất chu đáo, sau khi gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhân ngày Quốc khánh Trung Quốc, ông Trịnh Đình Dũng đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với ông Đường Hồng- Giám đốc Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông về tiến độ đảm bảo đưa vào vận hành thương mại cũng như cam kết chất lượng dự án.

“Bao giờ Tổng thầu thực hiện được các yêu cầu của chủ đầu tư, tư vấn để hoàn thành dự án và đưa vào khai thác?”, Dân Trí dẫn câu hỏi đầu tiên của Phó Thủ tướng với Giám đốc Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông.

đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông - Sputnik Việt Nam
Đường sắt Cát Linh-Hà Đông: Bao giờ đưa vào hoạt động?

Trả lời lãnh đạo Chính phủ Việt Nam, ông Đường Hồng khẳng định đường sắt Cát Linh – Hà Đông là dự án đầu tiên thực hiện ở Việt Nam. Hà Nội cũng lần đầu tiên có đường sắt trên cao nên các trình tự trong quá trình thực hiện dự án còn nhiều vướng mắc, nhiều cái mới mẻ, các bên cũng chưa có kinh nghiệm thực hiện.

“Tất cả những hồ sơ liên quan, những yêu cầu của tư vấn chúng tôi đều cung cấp để phục vụ đánh giá dự án. Nếu cần cung cấp hồ sơ, cần giải trình, tài liệu, chúng tôi đều đáp ứng và đang đợi ý kiến cuối cùng của tư vấn độc lập”, ông Đường Hồng cho hay.

Lắng nghe phát biểu của đại diện Tổng thầu EPC, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói nhà thầu Trung Quốc phải để ý, tôn trọng cái chung:

“Quan trọng nhất là phải nghe tư vấn độc lập, họ là tư vấn quốc tế nên đơn vị thực hiện dự án phải tôn trọng cái chung”. Ông Đường Hồng cũng cam kết: “Chúng tôi rất phối hợp, phối hợp toàn diện và chặt chẽ với đơn vị tư vấn”.

Tuy nhiên, sau rất nhiều lần lỗi hẹn, dự án Cát Linh – Hà Đông lẽ ra phải chính thức đi vào hoạt động (sau 6 tháng thử nghiệm vận hành thử liên động toàn hệ thống vào tháng 9.2018) vào tháng 4.2019 vừa qua, nhưng mọi kế hoạch đều bị “đổ bể”. Chỉ 1% khối lượng mà Bộ trưởng Thể báo cáo trước Quốc Hội, cử tri, chính phủ vẫn là sự cản trở tiến độ hoàn thành của dự án.

“Nhưng vấn đề phải sớm, phải nhanh!”, Phó Thủ Tướng Việt Nam thúc giục.

Tuy nhiên, Giám đốc Dự án thông tin, việc đánh giá đang gặp phải một số vướng mắc vì đơn vị đánh giá an toàn hệ thống tàu vào dự án hơi muộn. Theo quy định, đơn vị đánh giá phải vào dự án ngay từ thời điểm xây dựng, khởi công dự án, nhưng tư vấn vào dự án năm 2016 và lúc tất này tất cả các hạng mục hầu như đã cơ bản hoàn thành.

“Khi họ vào dự án và yêu cầu chúng tôi cung cấp một số hồ sơ, nhưng có những hồ sơ thời gian đã qua rồi nên hoặc là có hoặc không bổ sung được. Vướng ở đó, chủ yếu là về hồ sơ”, ông Đường Hồng lên tiếng giải thích.

Bao giờ Cát Linh – Hà Đông chạy thật?

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu, khi bàn giao dự án, hồ sơ tài liệu phải đủ đại diện của 3 bên: Chủ đầu tư dự án – Bộ GTVT, Tổng thầu EPC Trung Quốc, và bên quản lý, vận hành, khai thác – TP.Hà Nội, đồng thời phải có sự chứng kiến của đơn vị tư vấn giám sát.

“Yêu cầu an toàn phải là số 1. Dự án phải đẩy nhanh lên, như thế này là quá chậm so với chờ đợi của người dân. Phải hợp tác có trách nhiệm cùng với các bên”, Phó Thủ tướng Việt Nam nhấn mạnh.

Đại diện Tổng thầu Trung Quốc Đường Hồng lý giải:

“Chúng tôi cũng rất sốt ruột! Chúng tôi ở đây càng kéo dài thời gian thì lợi nhuận cũng như thành quả càng kém, vì vậy chúng tôi cũng muốn hoàn thành nhanh để bàn giao, để giảm chi phí cho nhà thầu”.

Tuy nhiên, báo chí truyền thông và các cơ quan liên quan vừa qua cũng nhiều lần khẳng định, Tổng Thầu Trung Quốc triển khai dự án chậm là do thiếu và yếu về kinh nghiệm làm đường sắt trên cao. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng bày tỏ nghi ngại, liệu Dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông có phải dự án đầu tiên mà Tổng thầu Trung Quốc thực hiện hay không, đồng thời ông yêu cầu nhà thầu phải tập trung, khẩn trương hoàn thành dự án.

Tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông. - Sputnik Việt Nam
Báo cáo Ban Bí thư vụ đường sắt Cát Linh-Hà Đông biết lỗ vẫn làm

Lên tiếng về kinh nghiệm tiến hành các dự án tương tự như Cát Linh – Hà Đông, ông Đường Hồng khẳng định, Tổng thầu đã đảm trách rất nhiều dự án như vậy ở Trung Quốc, kể cả đường sắt cao tốc cũng làm rất nhiều.

“Ngoài xã hội cứ nói nhà thầu chúng tôi không có kinh nghiệm, nhưng thông tin đó không có cơ sở”, ông Đường Hồng phân trần.

Đại diện Chính phủ Việt Nam lập tức đặt vấn đề:

“Các ông hứa bao giờ làm xong?”.

Giám đốc Dự án Đường Hồng lại không trả lời thẳng được câu hỏi này, không thể đưa ra một con số cuối cùng, đẩy phía trách nhiệm sang chủ đầu tư (Bộ GTVT):

“Bao giờ đưa vào vận hành khai thác chính thức thì không phải do nhà thầu chúng tôi quyết định mà do chủ đầu tư quyết định”, ông Đường Hồng đáp lại.

Phó Thủ tướng Việt Nam vẫn tiếp tục buộc Tổng Thầu Trung Quốc phải có đáp án khi nào dự án Cát Linh – Hà Đông đủ điều kiện để chủ đầu tư chấp thuận đưa vào khai thác. Về việc này, Tổng thầu Trung Quốc cho hay:

“Công trình đã hoàn thành 100%, hồ sơ đã trình và bàn giao, chúng tôi đang chờ ý kiến đánh giá cuối cùng của tư vấn độc lập”, Giám đốc Dự án khẳng định.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lên tiếng bảy tỏ mối quan tâm không chỉ riêng của ông, của Chính phủ, Nhà nước, mà đây còn là ý kiến của người dân:

“Chúng tôi đã chờ đợi kiên trì và bây giờ đã quá mức kiên trì chờ đợi rồi. Phải nhanh, phải đảm bảo an toàn tuyệt đối”, ông Trịnh Đình Dũng thẳng thắn.

Lãnh đạo dự án thuộc Tổng thầu Trung Quốc bổ sung thêm:

“Chúng tôi cũng rất mong muốn điều đó và càng nhanh càng tốt. Chậm trễ rất ảnh hưởng tới hình tượng và hình ảnh của chúng tôi”.

Chốt lại cuộc trao đổi cởi mở, đi thẳng vào vấn đề với Tổng thầu Trung Quốc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định:

“Muốn vậy thì phải làm, không lý sự nhiều!”.

Cát Linh – Hà Đông là bài học quá đắt không chỉ riêng cho Bộ GTVT. Tổng mức đầu tư ban đầu năm 2008 là hơn 550 triệu USD (trong đó vốn vay ưu đãi của Trung Quốc là 419 triệu USD). Đến nay, tổng mức vốn đã vọt lên 891,9 triệu USD.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông - Sputnik Việt Nam
Dự án Cát Linh-Hà Đông: Thi công xong nhưng chưa thể bàn giao

Theo tính toán, với số lượng vay phát sinh như trên, dự án đang phải trả lãi, gốc phát sinh cho China EximBank là 14,4 triệu USD/năm, trả nợ cho Trung Quốc khoảng 650 tỷ đồng vốn vay. Nếu cộng cả 2 khoản vay, mỗi ngày, phía Việt Nam đang phải trả cả lãi lẫn gốc khoảng 2,4 tỷ đồng. Như vậy, nếu chậm 1 năm chúng ta phải trả tới 876 tỷ đồng.

Ngày 5/6 Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thừa nhận vì việc chọn tổng thầu Trung Quốc nằm trong Hiệp định ký vốn vay nên Việt Nam không có quyền lựa chọn:

“Theo thông lệ quốc tế, nước tiếp nhận ODA có toàn quyền quản lý sử dụng ODA cho dù các danh mục dự án ODA phải có sự thoả thuận, đồng ý của nước viện trợ. Nước viện trợ không trực tiếp điều hành dự án nhưng họ có thể tham gia gián tiếp dưới hình thức nhà thầu hoặc hỗ trợ chuyên gia. Thế cho nên mới có đàm phán cấp nhà nước giữa hai bên”, Bộ trưởng Thể lý giải.

Bao giờ Cát Linh – Hà Đông chạy thật? Câu trả lời vẫn chưa được đưa ra chính xác, thời điểm cuối cùng cũng chưa được ấn định. Nhưng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam, các Bộ, ban, ngành liên quan, chắc chắn, Tổng thầu Trung Quốc sẽ không còn nhiều lý do và thời gian để “lý sự”.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала