Việt Nam không thể “gác tranh chấp, cùng khai thác” với Trung Quốc

© Ảnh : PixabayBiển Đông
Biển Đông - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Vì chủ quyền, quyền chủ quyền đối với lãnh thổ Việt Nam là quyền thiêng liêng nhất của Việt Nam, và vì Trung Quốc cố tạo ra những “vùng tranh chấp” để xâm lấn biển đảo, nên Việt Nam không thể “gác tranh chấp, cùng khai thác” với Trung Quốc.

Tờ báo Anh Express vừa có bài bình luận về những căng thẳng gần đây giữa Việt Nam và Trung Quốc trên Biển Đông. Theo truyền thông Trung Quốc, giàn khoan cao 10 tầng, mang tên Haiyang Shiyou 982 (Hải Dương Thạch Du 982), đã được vận chuyển đến thành phố cảng phía đông bắc Dailan. Vị trí chính xác của giàn khoan không được tiết lộ, nhưng các báo cáo chỉ ra rằng nó nằm cách 1 giờ bay trực thăng từ Sanya (Tam Á, thành phố cực nam của đảo Hải Nam, Trung Quốc). Báo chí phương Tây có bình luận Bắc Kinh muốn gây chuyện với Hà Nội khi triển khai giàn khoan dầu mới.

Xung quanh đề tài “Bắc Kinh lại chọc giận Việt Nam” và vấn đề “Gác tranh chấp, cùng khai thác” trên Biển Đông chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chuyên gia về những vấn đề chính trị và quân sự quốc tế Nguyễn Minh Tâm.

Tờ “The Express” có phải muốn “đổ dầu vào lửa” khi tình hình ở Biển Đông đang căng thẳng?

Sputnik:. Thưa ông Nguyễn Minh Tâm, ông có đánh giá gì về thông tin mà Tờ báo Anh Express đưa tin về giàn khoan mang tên Haiyang Shiyou 982 (Hải Dương Thạch Du 982)?

Ông Nguyễn Minh Tâm, Chuyên gia về những vấn đề chính trị và quân sự quốc tế:

Thông tin từ tờ báo Anh “The Express” khá mù mờ.

Tờ báo mô tả giàn khoan Haiyang Shiyou 982 đã được vận chuyển đến thành phố cảng Đông Bắc (Trung Quốc?) Dailan (Đại Liên?). Tiếp theo, tờ báo viết rằng theo các báo cáo (không rõ xuất xứ từ đâu) thì vị trí triển khai giàn khoan này ở cách thành phố Tam Á (Sanya) khoảng 1 giờ bay trực thăng. Nghĩa là vào khoảng từ 250km đến 350km tùy theo tính năng của từng loại máy bay  trực thăng. Nhưng cái gọi là “thông tin từ báo cáo ấy là không thể viết cho rõ rằng khoảng cách “1 giờ bay trực thăng” ấy là theo hướng nào ? Phía Tây Nam Tam Á ? Phía Nam Tam Á ? Hay phía Đông Nam Tam Á ?

Khai thác dầu mỏ và khí đốt  - Sputnik Việt Nam
Biển Đông: Bắc Kinh lại chọc giận Việt Nam

Đó là chưa kể các nguồn tin từ nhiều phía đều không thể tìm được bất kỳ một thông tin nào về cái gọi nào là “Haiyang Shiyou 982”. Điều đó đặt ra dấu hỏi về tính xác thực của thông tin mà “The Express” đăng tải. Thêm nữa, những thông tin này lại được gắn với sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou 981 ở vị trí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở ngoài khơi Quảng Ngãi cách đây 3 năm cho thấy dụng ý của phóng viên tờ “The Express” khi cho đăng bài này đã muốn “đổ dầu vào lửa” khi tình hình ở Biển Đông đang căng thẳng.

Giả sử 350 km (1 giờ bay trực thăng) là khoảng cách tối đa mà giàn khoan Haiyang Shiyou 982 được cho là đang triển khai thì ít nhất, nó cũng nằm trong phạm vi EEZ của Trung Quốc có chiều rộng 200 hải lý tính từ bờ đảo Hải Nam. Trừ trường hợp nó đươc triển khai ở phía Tây Nam căn cứ Tam Á với khoảng cách kể trên, bởi đó là vùng chống lấn chủ quyền giữa Việt Nam và trung Quốc ở cửa vịnh bắc Bộ, nơi mà hai bên còn đang trong quá trình đàm phán để phân định. Trong thời gian gần đây đã từng có nhiều thông tin sai lệch về sự xuất hiện của các phương tiện hàng hải Trung Quốc ở Biển Đông. Tiêu biểu nhất là trường hợp Trung Quốc triển khai giàn khoan Nam Hải 09 ở Vịnh bắc Bộ. Nhiều tờ báo Mỹ và phương Tây cũng như mấy tờ báo lá cải của tổ chức phản động Việt Tân rêu rao rằng giàn khoang Nam Hải 09 đã được Trung Quốc đưa vào lãnh hải Việt Nam. Trong khi đó thì trên thực tế, giàn khoan này hoạt động ở phía Đông đường phân giới Vịnh Bắc Bộ (được Việt Nam và Trung Quốc ký kết hiệp ước phân định năm 2000) tới 5 hải lý. Do đó, nếu giàn khoan Hayiang Shiyou 982 xâm phạm vùng EEZ của Việt Nam thì phía Việt Nam sẽ có các biện pháp phù hợp để bảo vệ chủ quyền của mình. Còn nếu giàn khoan đó hoạt động ngoài vùng EEZ của Việt Nam thì ai đó cứ lên tiếng quan ngại, còn Việt Nam thì không!

Việt Nam không xâm lẫn một tấc biển của Trung Quốc và cũng yêu cầu Trung Quốc làm như vậy

Sputnik: Nhiều chuyên gia lên tiếng cho rằng Trung Quốc phẫn nộ trước sự can thiệp của nước ngoài đến quyền lợi của họ và cố gắng gây áp lực để Việt Nam ngừng liên doanh với những đối tác để cùng khai thác tài nguyên dầu khí trên Biển Đông. Ông có bình luận gì về vấn đề này?

Tàu của hải cảnh Trung Quốc - Sputnik Việt Nam
Trung Quốc muốn làm bá chủ ở Biển Đông?
Ông Nguyễn Minh Tâm: Sự phẫn nộ của Trung Quốc là vô cớ và vô lý! Trước hết, UNCLOS-1982 chỉ quy định cho mỗi quốc gia ven biển cũng như các quốc gia quần đảo được phép có vùng đặc quyền kinh tế EEZ rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Và đường cơ sở ấy cũng được UNCLOS-1982 quy định là các đoạn thẳng nối các mũi đất (bán đảo) nhô ra biển cũng như các đảo ven bờ với nhau. Trên khu vực Tây Bắc Biển Đông thì đảo Hải Nam là thực thể địa lý được phép tính làm một trong các yếu tố tạo nên đường cơ sở để xác định EEZ của Trung Quốc. Còn quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép thì không được coi là thực thể địa lý để xác định đường cơ sở bởi phán quyết ngày 12-7-2016 của Tòa trọng tài quốc tế La Haye (PCA) rằng đó là các thực thể địa lý hoang dã, vốn không đủ điều kiện để cư trú và vốn không có người ở nên không được phép hưởng các vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế. Vì vậy, những yêu sách của Trung Quốc về “vùng nước lịch sử”, đòi hỏi chủ quyền tới hơn 85% diện tích Biển Đông qua cái gọi là “đường 9 đoạn” hay “đường lưỡi bò” là hoàn toàn phi pháp, là sự vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.

Thứ hai, đúng là Trung Quốc đang gây áp lực lớn đối với Việt nam khi Việt Nam đang hợp tác với nhiều tập đoàn, công ty dầu khí của nước ngoài để khai thác tài nguyên ở vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Tuy nhiên, Việt Nam chỉ đồng ý liên doanh với các đối tác nước ngoài cùng khai thác trên vùng biển mà UNCLOS-1982 quy định thuộc chủ quyền của Việt Nam. Việt Nam không xâm lẫn một tấc biển của Trung Quốc và cũng yêu cầu Trung Quốc làm như vậy. Nếu Trung Quốc cứ khăng khăng bám vào chủ thuyết về “vùng nước lịch sử” (đường lưỡi bò) để đòi hỏi quyền lợi phi pháp, xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của các nước khác ven Biển Đông, trong đó có Việt Nam, thì họ sẽ bị cả thế giới phản đối và trở nên cô lập. Trong thế giới hiện đại, mọi sự ứng xử theo lối dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế đều là sự vi phạm nghiêm trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc 1946 mà Trung Quốc hiện đang là thành viên của tổ chức này.

Trung Quốc đã làm gia tăng căng thẳng và thổi bùng không khí đối đầu ở Biển Đông

Sputnik: Vừa qua  dư luận và báo chí xôn xao vụ tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan bị các tàu Trung Quốc bao quanh khi nó vào Biển Đông. Theo ông thì hành động này của Trung Quốc có thể dẫn tới điều gì, nếu sự kiện trên đã diễn ra trên thực tế?

David Goldfein - Sputnik Việt Nam
Vụ Bãi Tư Chính: Mỹ sẽ giúp Việt Nam ngăn chặn Trung Quốc trên Biển Đông?
Ông Nguyễn Minh Tâm: Việc tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan vào Biển Đông, theo quan điểm của tôi, cũng chỉ là một sự cảnh báo về “lằn ranh đỏ” của Mỹ đối với Trung Quốc. Với lý do để bảo đảm an toàn giao thông hàng hải và hàng không ở Biển Đông, các tàu sân bay Mỹ có quyền đi tới các vùng biển quốc tế trên Biển Đông, tức là các vùng biển nằm ngoài phạm vi chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào ven Biển Đông mà không cần được “cấp phép”. Việc các phương tiện quân sự của các nước di chuyển trên các vùng biển quốc tế là hoàn toàn tuân thủ quy định của UNCLOS-1982. Chỉ có điều đáng chú ý là Phán quyết ngày 12-7-1982 của Tòa Trọng tài quốc tế La Haye đã không công nhận các đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ có người ở. Do đó, không một thực tế địa lý nào ở các quần đảo này được hưởng quy chế 12 hải ý lãnh hải, lại càng không được hưởng quy chế vùng đặc quyền kinh tế EEZ. Do đó, tàu chiến Mỹ có thể di chuyển đến cách các thực thể địa lý này ở khoảng cách dưới 1 hải lý mà không vi phạm công pháp quốc tế. Do đó, việc Trung Quốc cho các tàu biển có vũ trang và không vũ trang của mình bao vây tàu sân bay của Mỹ là một việc làm không cần thiết. Nó chỉ làm gia tăng sự căng thẳng và thổi bùng không khí đối đầu ở Biển Đông, không có lợi cho hòa bình và an ninh trong khu vực cũng như trên toàn cầu.

Việt Nam không thể “gác tranh chấp, cùng khai thác” với Trung Quốc

Sputnik:  Hiện nay Việt Nam đang có dự án hợp tác thăm dò và khai thác với những nước nào trên Biển Đông?

Ông Nguyễn Minh Tâm: Từ những năm 1980, Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ với Liên Xô trong việc khai thác tài nguyên cũng như bảo đảm an toàn hàng hải và hàng không trên vùng chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Trong đó, Tập đoàn VietsovPetro là liên doanh khai thác dầu khí quy mô lớn đầu tiên của Việt Nam hợp tác với nước ngoài.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam - Sputnik Việt Nam
Việt Nam nói Trung Quốc phải tôn trọng lợi ích của Hà Nội ở Biển Đông

Đến nay, Việt Nam đã triển khai nhiều hợp đồng khai thác dầu khí ở Biển Đông với nhiều quốc gia trên thế giới như Nga (Rosneft, Gasprom), Mỹ (Exxon Mobil), Anh (BP), Pháp (Total), Hà Lan (Shell), Malaysia (Petronas), Tây Ban Nha, Na Uy, Venezuela, Ấn Độ .v.v… Tất cả các lô phân vùng khai thác dầu khí trên Biển Đông của Việt Nam liên doanh với các nước ngoài đều nằm trong vùng EEZ của Việt Nam được UNCLOS-1982 công nhận.

Chừng nào Trung Quốc còn chưa từ bỏ yêu sách vô lý và phi pháp về “đường lưỡi bò” cũng như chưa chịu ngồi đàm phán về việc trao trả quần đảo Hoàng Sa cho Việt Nam thì chừng đó, Việt Nam chưa thể liên doanh với Trung Quốc về khai thác tài nguyên ở Biển Đông. Vì chủ quyền, quyền chủ quyền đối với lãnh thổ Việt Nam là quyền thiêng liêng nhất của Việt Nam, và vì Trung Quốc cố tạo ra những “vùng tranh chấp” để xâm lấn biển đảo, nên Việt Nam không thể “gác tranh chấp, cùng khai thác” với Trung Quốc.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала