Thủ tướng Hun Sen thăm Việt Nam: Campuchia mãi biết ơn Đội quân Nhà Phật

© Ảnh : Thống Nhất - TTXVN Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen tại Trụ sở Chính phủ.
 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen tại Trụ sở Chính phủ. - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Đất nước nào đã giúp nhân dân Campuchia, nhất là trong sứ mệnh giải phóng khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot? Đó chính là nhân dân và Quân đội Việt Nam- Đội quân Nhà Phật. Nếu không có sự giúp đỡ của Việt Nam thì Campuchia không có ngày nay.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen bắt đầu thăm chính thức Việt Nam

Ngày 4.10, Thủ tướng Samdech Akka Moha Sena Padei Techo Hun Sen dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Vương quốc Campuchia thăm chính thức Việt Nam từ ngày 4 đến 5.10, theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Lễ đón trọng thể Thủ tướng Campuchia Hun Sen được  tổ chức tại Phủ Chủ tịch sáng 4.10.

Đáng chú ý, chuyến thăm của ông Hun Sen diễn ra chỉ một tuần sau khi Việt Nam và Campuchia tổ chức kỷ niệm 30 năm ngày quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia (ngày 26.9.1989-26.9.2019).

Đồng chí Trần Quốc Vượng Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng trao Huân chương Sao vàng của Chủ tịch nước cho Lực lượng chuyên gia Việt Nam giúp Cách mạng Campuchia. - Sputnik Việt Nam
Lực lượng chuyên gia Việt Nam giúp cách mạng Campuchia được vinh danh

Đây cũng là chuyến thăm chính thức Việt Nam lần thứ hai trong vòng một năm của Thủ tướng Hun Sen sau nhiệm kỳ VI của Chính phủ Campuchia được thành lập vào thời điểm tháng 9.2018.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen sẽ tham dự Hội nghị tổng kết công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam- Campuchia giai đoạn 2006-2019 và Lễ ký hai văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả phân giới cắm mốc đạt được cho đến thời điểm này vào ngày 5.10 tại Hà Nội.

Thành phần Đoàn cấp cao Campuchia thăm chính thức Việt Nam cùng Thủ tướng Hun Sen gồm có: Thống tướng Tea Banh- Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng; ông Prak Sokhonn- Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế; Var Kim Hong- Bộ trưởng Cao cấp phụ trách công tác biên giới; Bộ trưởng Thương mại Pan Sorasak; Bộ trưởng Mỏ và Năng lượng Suy Sem; Bộ trưởng Du lịch Thong Khon; Bộ trưởng bên cạnh Thủ tướng, Tổng Thư ký Hội đồng Phát triển Campuchia (CDC) Sok Chendasophea; Bộ trưởng bên cạnh Thủ tướng Sry Thamarong; Bộ trưởng bên cạnh Thủ tướng Kao Kimhourn; Bộ trưởng bên cạnh Thủ tướng  Keo Baphnom; Quốc vụ khanh, Bộ Nội vụ Sak Setha; Quốc vụ khanh, Bộ Kinh tế và Tài chính Chou Vichith; Đại diện lâm thời Đại sứ quán Vương quốc Campuchia tại Việt Nam Op Sophy; các tỉnh trưởng giáp biên giới với Việt Nam; các doanh nghiệp, theo cổng thông tin điện tử chính phủ Việt Nam cho biết.

Quan hệ Việt Nam- Campuchia ngày càng phát triển tốt đẹp

Bộ Ngoại giao đánh giá: “Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen diễn ra trong bối cảnh quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và Campuchia không ngừng được vun đắp, phát triển kể từ khi chính thức được thiết lập cách đây hơn 50 năm, Việt Nam và Campuchia đang đẩy mạnh quan hệ theo phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”.

Việt Nam và Campuchia thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 24.6.1967 trên nền tảng hai nước láng giềng có mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống.

Lãnh đạo và nhân dân hai nước qua nhiều thế hệ đã dày công vun đắp, duy trì và phát triển dù phải hy sinh bản thân mình. Bên cạnh đó, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước cũng đang trên đà phát triển tốt đẹp.

Ông Hun Sen - Sputnik Việt Nam
Campuchia đề cao vai trò của Việt Nam trong chiến thắng chế độ diệt chủng

Thời gian qua, quan hệ song phương Việt Nam-Campuchia có nhiều tiến triển tích cực. Hoạt động trao đổi đoàn giữa hai bên được duy trì ở cả cấp cao và các bộ, ngành, địa phương, củng cố thêm sự tin cậy giữa lãnh đạo và nhân dân hai nước.

Đáng chú ý, sau khi Quốc hội khóa VI và Chính phủ mới của Campuchia được thành lập, hai bên đã có nhiều chuyến thăm hữu nghị cấp Nhà nước, nhiều Đoàn cấp cao quan trọng đặc biệt là chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thăm Campuchia từ 25 đến 26.2.2019, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân cũng thăm Campuchia trong thời gian dự Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 28 (APPF 28) tại quốc gia này vào tháng 1/2019.

Trước đó, Việt Nam đã đón Quốc vương Campuchia sang thăm và nghỉ dưỡng từ 19-21.12.2018. Chuyến thăm chính thức và dự tang lễ cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh của Thủ tướng Hun Sen diễn ra từ ngày 203.5.2019. Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin thăm chính thức (28-30.5.2019); Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Prak Sokhonn thăm chính thức từ 26-27.11.2018; tổ chức Hội nghị Hợp tác và Phát triển các tỉnh biên giới Việt Nam-Campuchia lần thứ 10 từ 9-10.1.2019; kỷ niệm 40 năm Ngày Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cùng quân, dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (ngày 4.1.2019).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và người đồng cấp Hun Sen vẫn thường xuyên gặp gỡ tại các diễn đàn đa phương. Đặc biệt, hai bên đã tổ chức Kỳ họp lần thứ 17 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Campuchia về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học và kỹ thuật vào tháng 8.2019.

Những thành tựu quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Campuchia

Về kinh tế: Kim ngạch thương mại Việt Nam - Campuchia duy trì đã tăng trưởng đều đặn qua từng năm và đánh dấu mức tăng trưởng vượt bậc vào năm 2018 vừa qua với hơn 4,7 tỷ USD, tăng 24% so với thời điểm năm 2017, trong 8 tháng đầu năm 2019, kim ngạch hai nước đã đạt hơn 3 tỷ USD.

Được biết, Việt Nam và Campuchia đã tiến hành ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, các thỏa thuận về thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước trong giai đoạn 2019-2020, chiến lược hợp tác giao thông vận tải tầm nhìn đến năm 2030, Hiệp định sửa đổi Hiệp định vận tải đường bộ, sửa đổi Hiệp định vận tải đường thủy.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi đến kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV. - Sputnik Việt Nam
Từ phản ứng gay gắt trước phát biểu Việt Nam “xâm lược” Campuchia đến chuyện bảo kê xăng giả của Trịnh Sướng

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có trên 200 dự án đầu tư vào Campuchia với tổng trị giá vốn đăng ký là trên 3 tỷ USD hướng đến một số lĩnh vực như viễn thông, tài chính, ngân hàng, năng lượng, trồng cao su…

Hàng loạt thương hiệu lớn của Việt Nam đã tham gia đầu tư kinh doanh sản xuất ở Campuchia như Miliket, Vifon, Bitis, Bình Điền, Acecook, các ngân hàng lớn (BIDV, SHB, Agribank, Sacombank, MB), doanh nghiệp, tập đoàn của Việt Nam (Viettel, Cao su, Điện lực..).

Đáng chú ý, theo Vietnam+/TTXVN cho hay: “Việt Nam viện trợ không hoàn lại cho Campuchia hằng năm với một số dự án hợp tác tiêu biểu giữa hai nước như Nhà làm việc của Ban Thư ký Quốc hội Campuchia; Trung tâm cai nghiện tự nguyện tại tỉnh Sihanouk; tăng cường năng lực cho các đài phát thanh, truyền hình Campuchia; Trường Trung học Phổ thông ở tỉnh Mondullkiri, chợ biên giới kiểu mẫu tại xã Đa, tỉnh Tbong Khmum”, đây là những minh chứng thực tế nhất khẳng định quan hệ hữu nghị, truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Campuchia.

Về lĩnh vực an ninh quốc phòng: Hai nước đã thực hiện triển khai Kế hoạch hợp tác an ninh-quốc phòng hằng năm. Việt Nam và Campuchia đã tiến hành Đối thoại Chính sách quốc phòng thường niên, trao đổi thường xuyên các chuyến thăm cấp cao quốc phòng, giữa các quân khu, quân chủng, đơn vị quân đội, phối hợp tốt trong công tác tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh ở Campuchia, tổ chức Giao lưu hữu nghị biên giới Việt Nam-Campuchia; tuần tra chung trên biển lần thứ 56 giữa Vùng 5 Hải Quân và Căn cứ Biển Campuchia.

Hợp tác an ninh được đẩy mạnh, hai quốc gia tăng cường phối hợp trong công tác phòng chống tội phạm, góp phần gìn giữ ổn định, an ninh trật tự khu vực biên giới giữa hai nước.

Hợp tác an ninh được đẩy mạnh, hai bên tăng cường phối hợp trong công tác phòng chống các loại tội phạm, giữ ổn định an ninh trật tự khu vực biên giới.

Trong quan hệ đa phương, hai nước phối hợp chặt chẽ với nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực như ASEAN, Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM), Liên hợp quốc, Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV), Hợp tác bốn nước Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam (CLMV), Chiến lược Hợp tác kinh tế ba dòng sông Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS)…

Cụ thể nhất, Việt Nam ủng hộ Campuchia ứng cử là thành viên Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên Hợp Quốc (ECOSOC) nhiệm kỳ 2017 -2019. Bên cạnh đó, Campuchia ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2014-2016, ECOSOC nhiệm kỳ 2016-2018, Hội đồng Điều hành liên minh bưu chính thế giới (IPU) nhiệm kỳ 2017-2020, Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC) nhiệm kỳ 2017-2021, Ủy ban Liên Hiệp Quốc về Luật Thương mại Quốc tế (UNCITRAL) nhiệm kỳ 2019-2025, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021, nhất trí phối hợp trong năm 2020 khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò là Chủ tịch ASEAN và Campuchia tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu (ASEM 13).

Về giáo dục: Hàng năm, Việt Nam cung cấp trung bình 100 suất học bổng theo diện Hiệp định và hàng trăm suất học bổng trên các lĩnh vực cho phía Campuchia. Về y tế: Người dân Campuchia được tạo điều kiện sang Việt Nam khám chữa bệnh với mức chi phí y tế tương đồng với công dân Việt Nam.

Về du lịch: Việt Nam là nước thứ hai có lượng khách du lịch đến Campuchia lớn nhất. Năm 2017 có khoảng 800 ngàn du khách Việt Nam đi thăm quốc gia này, năm 2018 đã tăng thêm 35 ngàn lượt du khách với tổng số 835 ngàn người Việt sang Campuchia tham quan, nghỉ ngơi.

Campuchia không quên sự giúp đỡ của Việt Nam chống Pol Pot

Chính phủ và người dân Campuchia, trong 30 năm qua kể từ thời điểm quân tình nguyện Việt Nam rút khỏi Campuchia, đều ghi nhớ và nhắc đến sự giúp đỡ vô tư, trong sáng, chí tình, chí nghĩa của Việt Nam, ngay cả Thủ tướng Hun Sen cũng gọi quân tình nguyện Việt Nam và những gì nhân dân Việt Nam đã làm đối với đất nước này là “Đội quân nhà Phật”. Nhiều chuyên gia đánh giá, Quân tình nguyện Việt Nam đã làm hồi sinh dân tộc Campuchia, giúp họ từng bước khắc phục những hậu quả khủng khiếp, sự tàn phá mà chế độ diệt chủng Pol Pot để lại.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long  - Sputnik Việt Nam
Ông Lý Hiển Long thừa nhận tuyên bố Việt Nam "xâm lược Campuchia" là "cơn ác mộng"

Thủ tướng Campuchia Hun Sen chính là người hiểu rõ tinh thần chính nghĩa của Việt Nam khi quyết định đưa quân tình nguyện vào Campuchia vào ngày 1.7.1979 bất chấp muôn trùng khó khăn bủa vây trong nước và tình hình quốc tế hết sức phức tạp và nhạy cảm vào thời điểm đó trong cuộc chiến chống chế độ Pol Pot.

Trong bộ phim tài liệu lịch sử "Marching towards national salvation" (Hành trình cứu nước) sản xuất năm 2017, Thủ tướng Hun Sen kể lại rằng trước tình hình đó, ông đã quyết định chạy sang Việt Nam đề nghị giúp đỡ tổ chức phong trào kháng chiến giải phóng đất nước. Khi ấy, ông được biết thông tin một số người dân Campuchia cũng đã rời quê hương sang Việt Nam lánh nạn. Ông tin Việt Nam vì đây là nước láng giềng đã từng đồng cam cộng khổ, kề vai sát cánh với Campuchia trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung giành độc lập.

“Chúng ta có thể hỏi rằng trên thế giới này, có đất nước nào đã giúp nhân dân Campuchia, đặc biệt là giải phóng khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot và ngăn cản sự quay lại của chúng? Câu trả lời chính là nhân dân và quân đội Việt Nam. Nhân dân Campuchia có niềm tin, chỉ có tiên, có Phật mới cứu giúp được những phận người khi gặp khó khăn khốn cùng. Đúng vào lúc người dân Campuchia sắp chết, chỉ còn biết chắp tay khẩn cầu tiên, Phật tới cứu thì bộ đội tình nguyện Việt Nam xuất hiện. Bộ đội Việt Nam chính là đội quân nhà Phật”, Thủ tướng Hun Sen đã khẳng định như vậy khi dự Lễ khánh thành Khu di tích lịch sử địa điểm thành lập Đoàn 125 tại Đồng Nai, tháng 1-2012.

Cùng với hoạt động quân sự, Việt Nam đã cử nhiều chuyên gia giúp Campuchia xây dựng chính quyền cơ sở, hỗ trợ vật chất, giúp phục hồi kinh tế từ đống đổ nát do chế độ diệt chủng để lại. Trò chuyện với hai nhà báo Harish C.Mehta và Julie B.Mehta, Thủ tướng Hun Sen cho biết, các chuyên gia Việt Nam “giúp chúng tôi ý kiến và để cho những người Campuchia chúng tôi tự đưa ra các quyết định”.

“Các cố vấn nước ngoài tới Campuchia-nếu chúng tôi không nghe họ-họ sẽ đe dọa cắt viện trợ chúng tôi… Họ đối xử giống như những người làm chủ Campuchia. Họ nói Việt Nam chiếm đóng Campuchia, nhưng trong thực tế, Việt Nam đã làm nhiều điều tốt cho chúng tôi. Việt Nam quảng đại với chúng tôi. Vai trò quan trọng nhất của Việt Nam là ngăn chặn chế độ Pol Pot quay trở lại. Còn về mặt chính trị do chính người Campuchia đưa ra các quyết định”, ông Hun Sen khẳng định.

“Nếu không có sự giúp đỡ của Việt Nam thì Campuchia không có ngày nay”, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã nhiều lần khẳng định như vậy đối với sự hy sinh xương máu của Việt Nam để cứu giúp một dân tộc đang trong loạn lạc bởi chính sách diệt chủng.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen - Sputnik Việt Nam
Việt Nam – Campuchia tăng cường hợp tác về thông tin và truyền thông
Vào hồi tháng 5.2019, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Campuchia (CPP), Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên, Đại biểu Quốc hội, ông Hun Many, con trai của Thủ tướng Hun Sen đã một lần nữa nhấn mạnh, Việt Nam đã giúp đỡ Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng cách đây 40 năm.

Ông Hun Many kể về Việt Nam như “một vị cứu tinh” khi cả thế giới nhắm mắt làm ngơ suốt 3 năm 8 tháng 20 ngày, người dân Campuchia phải sống dưới “địa ngục trần gian” của chế độ Pol Pot. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Campuchia phủ nhận hoàn toàn quan điểm lệch lạc rằng, Việt Nam đưa quân tình nguyện sang để chiếm đóng Campuchia.

“Thế giới không nên quên người dân Campuchia đã phải chịu đựng những gì. Trong khoảng thời gian 3 năm 8 tháng 20 ngày, vì thế giới nhắm mắt làm ngơ với chúng tôi nên 3 triệu người vô tội đã chết dưới tay Khmer Đỏ. Trong khi tất cả đều đang chơi trò chính trị, người Campuchia đã cầu mong không quan trọng đó là ai và sự giúp đỡ đến từ đâu, chỉ cần chúng tôi được cứu khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ. Và rồi cuối cùng, chỉ có nước láng giềng Việt Nam chìa tay ra giúp đỡ”, VOV dẫn lời con trai của Thủ tướng Hun Sen nhấn được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Campuchia. Quan trọng nhất là tăng cường tinh thần đoàn kết, thấu hiểu lẫn nhau, góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định và đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.

Chuyến thăm lần này của Thủ tướng Campuchia Hun Sen được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Campuchia. Quan trọng nhất là tăng cường tinh thần đoàn kết, thấu hiểu lẫn nhau, góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định và đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала