Nhà sư gạ chat sex xin hoàn tục: Phải làm rõ tài sản, không để đại đức thành đại gia

© Ảnh : CTVNhà sư Thích Thanh Toàn tại cuộc họp ngày 5-10
Nhà sư Thích Thanh Toàn tại cuộc họp ngày 5-10 - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Ai cũng như đại đức Thích Thanh Toàn thì xã hội loạn mất. Sau khi có hành vi phạm giới tà dâm, gạ chat sex nữ phóng viên, nhà sư này xin xả giới hoàn tục và giữ lại toàn bộ tài sản trang trại, đất đai, xe hơi. Hết ‘đại đức’, ta sẽ thành ‘đại gia’?

Nhà sư Thích Thanh Toàn xin xả giới, hoàn tục

Giáo hội Phật giáo tỉnh Vĩnh Phúc mới đây đã lên tiếng về việc nhà sư Thích Thanh Toàn xin xả giới hoàn tục, đồng thời xem xét để ông Toàn giữ lại các tài sản cá nhân.

Cụ thể, ngày 4.10 vừa qua, đại đức Thích Thanh Toàn (trụ trì chùa Nga Hoàng, xã Hợp Châu, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc), người gây chấn động dư luận, bôi nhọ uy tín của Tăng đoàn, Giáo hội với những bằng chứng, cáo buộc gạ tình một nữ phóng viên báo Phụ nữ TP.HCM, đã làm tờ trình xin xả giới và hoàn tục gửi tới Ban Trị sự Giáo Hội Phật giáo tỉnh Vĩnh Phúc.

Tờ trình xin xả giới và hoàn tục của ông Toàn viết:

“Tên con là Đại đức: Thích Thanh Toàn (thế danh: Lê Hữu Long) sinh ngày 09.02.1976 tại Quảng Trị- trụ trì chùa Nga Hoàng, xã Hợp Châu, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Con kính bạch Quý Ban một việc như sau: Trong thời gian qua, con đã làm một số việc ảnh hưởng đến Giáo hội và con cảm thấy không xứng đáng làm một người đệ tử xuất gia. Nay con làm đơn này xin xả giới và hoàn tục, đồng thời con cũng xin giao chùa nga Hoàng, xã Hợp Châu huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc cho Giáo Hội Phật giáo tỉnh Vĩnh Phúc quản lý. Kính mong Quý Ban xem xét chấp thuận cho con theo nguyện vọng”.

Chùa Nga Hoàng nơi Đại đức Thích Thanh Toàn làm trụ trì. - Sputnik Việt Nam
Đình chỉ chức trụ trì, phạt sám hội đại tăng nhà sư gạ nữ phóng viên chat sex

Sáng 7.10, liên quan đến vụ việc này, Giáo hội Phật giáo tỉnh Vĩnh Phúc đã thông báo về việc chấp thuận nguyện vọng xin xả giới, hoàn tục và giữ tài sản riêng của sư Toàn. Thời gian tới, Giáo hội Phật giáo tỉnh Vĩnh Phúc sẽ phối hợp với chính quyền địa phương và đương sự để xác minh nguồn gốc tài sản.

Phát biểu về vấn đề này, Phó trưởng ban kiểm chánh thư ký Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc, đại đức Thích Tâm Vượng cho biết, Ban Thường trực Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Vĩnh Phúc đã có kết luận ngày 5.10 với đại đức Thích Thanh Toàn- trụ trì chùa Nga Hoàng.

Theo thông tin mà đại đức Thích Tâm Vượng chia sẻ, Ban Thường trực Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Vĩnh Phúc đã đồng ý với các thỉnh nguyện xin xả giới hoàn tục và xin được giữ tài sản riêng thuộc sở hữu cá nhân của đại đức Thích Thanh Toàn trình bày tại cuộc họp chiều 5.10.

“Quyết định gồm các nội dung: Miễn nhiệm trụ trì chùa Nga Hoàng đối với thầy Thích Thanh Toàn và thu hồi quyết định và giấy tờ liên quan tới chùa Nga Hoàng. Trong quyết định còn hai nội dung nữa: Theo nguyện của thầy Toàn xin xả giới, các thầy cần một buổi để thầy Toàn xả giới và một nội dung liên quan tài sản bàn giao, các thầy phải làm việc một buổi với chính quyền, thầy Thanh Toàn để xác định những tài sản của cơ sở tôn giáo chùa Nga Hoàng. Chỉ đến khi thầy Toàn bàn giao chính thức, có văn bản giấy tờ, có sự chứng kiến của chính quyền thì lúc bấy giờ mọi việc mới giải quyết xong”, TPO dẫn lời Đại đức Thích Tâm Vượng khẳng định.

Phó trưởng ban kiểm chánh thư ký Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định, Thầy Thích Thanh Toàn đã sám hối trước mặt các Chư Tăng hôm 5.10. Còn quy trình xả giới thì đó là hội nghị nội bộ.

Sẽ xác minh nguồn gốc tài sản

Kết luận của Ban Thường trực Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Vĩnh Phúc ngày 5.10 đối với Đại đức Thích Thanh Toàn- trụ trì chùa Nga Hoàng như sau:

“Trước sự thành tâm sám hối Đại Tăng tại phiên họp, Ban Trị sự PG tỉnh chấp nhận theo nguyện vọng xin xả giới hoàn tục tại tờ trình cùng ngày của Đại đức Thích Thanh Toàn”.

Toàn cảnh chùa Nga Hoàng.  - Sputnik Việt Nam
Ghê tởm: Sư thầy đòi quan hệ tình dục, chat sex với nữ phóng viên

Đồng thời, Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Quyết định bãi miễn chức vụ trụ trì, thu hồi Quyết định số 89/QĐ-BTS ngày 17/04/2008 và khuôn dấu chùa Nga Hoàng xã Hợp Châu huyện Tam Đảo tỉnh Vĩnh Phúc.

Riêng đối với nguyện vọng không được ghi trong tờ trình ngày 5.10 của Đại đức Thích Thanh Toàn về việc xin giữ lại toàn bộ tài sản sở hữu cá nhân, Đại đức Thích Tâm Vượng khẳng định Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc đồng ý với thỉnh nguyện này.

Tuy nhiên, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh sẽ tiến hành làm việc với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cùng đương sự để xác minh làm rõ nguồn gốc tài sản liên quan đến cá nhân đương sự và chùa Nga Hoàng theo quy định Pháp luật Việt Nam.

Chùa Nga Hoàng sẽ do Ban Trị sự Phật Giáo tỉnh sẽ điều hành cho tới khi có tân trụ trì mới.

Tranh cãi về quyền xin giữ tài sản cá nhân của nhà sư Thích Thanh Toàn

Sau khi Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc đồng thuận cho đại đức Thích Thanh Toàn giữ nguyên số tài sản mà ông này đứng tên sở hữu cá nhân như trang trại, nhà đất, xe hơi, dư luận tỏ ra vô cùng bức xúc.

Về vấn đề này, trao đổi với Tuổi Trẻ, Đại đức Thích Tâm Vượng khẳng định trước hết vẫn phải tuân thủ luật pháp Việt Nam: “Muốn hay không thì chúng tôi cũng phải làm theo đường ray, đi theo xa lộ của pháp luật Việt Nam. Tài sản đối với người tu hành có 2 loại. Một là tài sản thuộc cơ sở tôn giáo, hai là tài sản thuộc sở hữu cá nhân. Đành rằng những tài sản mang tên chủ sở hữu là thế danh của thầy Toàn được phật tử cúng dường, biếu tặng trong thời gian thầy Toàn làm trụ trì chùa Nga Hoàng nhưng vẫn phải tuân thủ pháp luật hiện hành”.

quan hệ tình dục - Sputnik Việt Nam
Vụ sư trụ trì tiến sĩ Phật học bị bắt vì hiếp dâm: Bé gái 14 tuổi khai gì?

Vị này cũng lý giải trường hợp nào Giáo hội không có quyền thu hồi tài sản thuộc sở hữu cá nhân của nhà sư Thích Thanh Toàn:

“Nếu phật tử cúng pho tượng ngọc trị giá hàng tỉ đồng cho thầy Toàn đặt ở chùa Nga Hoàng thì pho tượng vẫn là tài sản của chùa Nga Hoàng, thầy Toàn không được mang đi. Nhưng nếu phật tử biếu cho thầy cái xe máy, ôtô, thầy Toàn đi đăng ký với thế danh của thầy thì đó là tài sản cá nhân của thầy được pháp luật bảo hộ. Giáo hội không thể thu hồi tài sản thuộc sở hữu cá nhân của thầy Toàn”, Phó trưởng ban kiểm chánh thư ký Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc phân tích.

Đáng chú ý, về thông tin, nhà sư Toàn còn sở hữu trang trại hàng ngàn mét vuông, Đại đức Thích Tâm Vượng cho biết:

“Dẫu đất đai có lên tới 2.000-3.000m2 mà không nằm trong sổ đỏ của chùa Nga Hoàng, do thầy Toàn mua bán hợp pháp thì đương nhiên thầy Toàn được quyền sở hữu”.

Về câu hỏi, trên tinh thần của Phật Pháp, thì nhà sư Thích Thanh Toàn có nên nhận lại những tài sản đó không, Đại đức Thích Tâm Vượng tái khẳng định Giáo hội không thể can thiệp, nếu đó là tài sản riêng, thầy Toàn muốn nhận hay hiến tặng thì đó là “quyền công dân” của thầy Toàn.

“Người ta đã xả giới, ra đời thì người ta cũng cần phải có cái nguồn để sinh sống. Tài sản đó thầy cũng có ăn trộm ăn cắp đâu”, đại đức Thích Tâm Vượng khẳng định.

Vụ sư Thích Thanh Toàn: Kẽ hở để “đại đức” thành “đại gia”

Liên quan đến vấn đề này, Nội quy Ban Tăng sự Trung ương khóa VIII (nhiệm kỳ 2017-2022) được Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự thay mặt Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ấn ký Quyết định số 185/QĐ-HĐTS ban hành vào ngày 18.9.2018, gồm 15 chương, 85 điều. Trong đó điều Điều 29 về Định đoạt tài sản Tự viện quy định:

“Chỉ có Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự tỉnh mới có quyền định đoạt tài sản của Tự viện; Trụ trì, hoặc Ban Hộ tự (Tự viện chưa có Trụ trì) không có quyền định đoạt tài sản Tự viện; Các tài sản Tự viện do cá nhân Trụ trì đứng tên theo giấy khai sinh sau khi được Giáo hội bổ nhiệm trụ trì, những tài sản đó thuộc tài sản của Tự viện;  Các tài sản khác do cá nhân Trụ trì sản xuất, kinh doanh hợp pháp, người khác tặng, cho hợp pháp theo pháp luật Nhà nước trước khi được Giáo hội bổ nhiệm trụ trì, không bị chi phối bởi điều 27, 28 Nội quy này”, VOV trích dẫn cho biết.

Như vậy, nếu nhà sư Thích Thanh Toàn chứng minh được những tài sản cá nhân kia là do tự minh kinh doanh, sản xuất hợp pháp, hay do người khác tặng thì không ai lên tiếng làm gì, đó đương nhiên là tài sản của ông Thích Thanh Toàn.

Tuy nhiên, xét dưới góc độ quy định của Giáo hội, điều này hoàn toàn đúng. Thế nhưng, rõ ràng những quy định trên đang tạo kẽ hở cho những kẻ cơ hội, những kẻ xấu đội lốt “nhà sư” có thể dễ dàng trục lợi cá nhân.

Lâu nay, doanh thu trong mỗi nhà chùa vẫn là một ẩn số. Nhiều Phật tử, khi đi chùa, sẵn sàng bỏ công sức, tiền bạc, để làm công đức, giải hạn, làm việc thiện, mong tâm tư an lành, vạn sự hanh thông, tuy nhiên, có không ít cơ sở thờ tự đã lợi dụng tín ngưỡng, niềm tin của người dân để kinh doanh, trục lợi, những ngôi chùa tâm linh thành nơi “buôn thần, bán Phật”. Điển hình như vụ chùa Ba Vàng ở Quảng Ninh thời gian qua đã làm nóng dư luận.

Tình yêu - Sputnik Việt Nam
Sư thầy quan hệ với nhiều nữ Phật tử ngay tại Chùa : Nhiều bằng chứng sư thầy tà dâm

Có những chùa chỉ trong mỗi dịp cúng dâng sao giải hạn đầu năm mới, có thể có doanh thu lên đến vài trăm tỷ. Mỗi ngày có đến hàng ngàn, thậm chí cao điểm cả vạn người đến nộp tiền dâng sao giải hạn, cầu an cho gia đình, với giá trung bình mỗi sao xấu 150.000 đồng/sao, cầu an 150.000-300.000 đồng/nhà, một nhà có một vài sao xấu và cúng cầu an, tính sơ sơ cũng nộp vào chùa từ 500.000-1.000.000 đồng.

Với những khoản thu khổng lồ, khó lòng đo đếm tường tận ở các ngôi chùa hiện nay, không bàn xét về những cơ sở thờ tự đúng nghĩa, đàng hoàng, trụ trì là những người chân tu, còn có bao nhiêu ngôi chùa hiện đang để những kẻ xấu mang danh người tu hành, đi tu chỉ để trục lợi, kiếm tiền, vun vén cho bản thân, thì những khoản tiền cúng dường kia rồi sẽ đi về đâu và vào túi ai?

Riêng đối với nhà sư Thích Thanh Toàn, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Vĩnh Phúc cùng các ban ngành cần xác định rõ những tài sản ông ta đứng tên sở hữu có được trong thời điểm nào. Nếu trong thời gian ông này tu hành, thì những tài sản này dù là ông ta được cho, biếu, tặng hay dùng tiền cá nhân để mua bán, trao đổi thì cũng cần xác định rõ những nguồn này ở đâu, do đâu mà có.

Những vụ việc như của đại đức Thích Thanh Toàn hay một số vụ tranh chấp tài sản trong chùa thời gian qua đặt ra vấn đề, để quản lý tốt hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, lấy lại được sự trang nghiêm nơi cửa Phật, Nhà nước cần có những quy định cụ thể về việc quản lý chi tiêu, công đức trong các ngôi chùa cũng như việc sở hữu tài sản của các cá nhân trong thời gian tu hành; đồng thời xử nghiêm theo pháp luật các hành vi sai phạm.

Thêm vào đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng nên xem xét, có cần cân nhắc, điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi những quy định trong Hiến chương và Nội quy của Giáo hội để phù hợp với tình hình thực tế hay không. Bởi chỉ có làm chặt chẽ, kết hợp giữa cả lý và tình, pháp luật và Giáo pháp thì mới ngăn được những kẻ lợi dụng tôn giáo tín ngưỡng để trục lợi, biến đền, chùa, cửa Phật, cơ sở thờ tự thành nơi “buôn thần bán thánh”, kiếm lời cho bản thân và gia đình, coi thường pháp luật và làm ảnh hưởng đến uy tín của Giáo hội.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала