Việt Nam-Nga-ASEAN, BRI lợi ích và hệ luỵ qua đánh giá của chuyên gia Hà Nội

© Ảnh : GD&TĐGS.TS Phạm Quang Minh
GS.TS Phạm Quang Minh - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Hội nghị Cấp cao ASEAN 35 vừa kết thúc tại Bangkok, chốt lại với lễ chuyển giao “cây búa” biểu tượng Chủ tịch Hiệp hội cho Việt Nam. Trong cuộc đàm đạo với nhà báo Sputnik, GS-TS Phạm Quang Minh, chuyên gia nổi tiếng của Việt Nam về quan hệ quốc tế đã nêu mấy ý kiến nhận xét xoay quanh sự kiện này.

- Trong thế giới biến đổi hiện nay, để giữ vững chủ quyền quốc gia và tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế, Việt Nam luôn phải khéo léo điều hoà quan hệ với mấy nước lớn như Nga-Trung Quốc-Mỹ. Mà quan hệ của những nước này với nhau và với Việt Nam đều có những đặc thù riêng. Liệu có điểm nào chung hay khác biệt nổi bật trong cái nhìn của các nước này về vị thế của Việt Nam?

GS-TS Phạm Quang Minh: Một điểm chung tự nhiên dễ thấy là Nga-Trung Quốc-Mỹ đều là nước lớn, có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Chiếu theo cách đánh giá ở Việt Nam có mấy thứ bậc quan hệ như sau: quan hệ đặc biệt (Lào, Campuchia); đối tác chiến lược (Trung Quốc và Nga); đối tác toàn diện (Mỹ); với các nước lớn (cả ba nước này); nhóm các nước bạn bè truyền thống (Nga, Trung Quốc); nước láng giềng (trong ba nước chỉ có Trung Quốc là láng giềng). Như vậy Trung Quốc là nước hội đủ tất cả các tiêu chí (đối tác chiến lược, bạn bè truyền thống, nước lớn, láng giềng), đứng đầu về mức tổng hợp quan hệ. Tuy nhiên hai nước Nga và Mỹ cũng không kém phần quan trọng. Bởi nếu xét dưới góc độ quyền lực hiện đại thì Hoa Kỳ là siêu cường, về sức mạnh và tầm ảnh hưởng trên toàn cầu đứng trên hai nước kia. Trung Quốc thuộc hàng mới trỗi dậy, phát triển rất mạnh nhưng là nền kinh tế hàng thứ hai thế giới, về tầm ảnh hưởng thì đứng sau Mỹ.

Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh trả lời phỏng vấn tại Summit ASEAN 35 - Sputnik Việt Nam
Bộ trưởng Công Thương VN nói với Sputnik: Triển vọng hợp tác trong khuôn khổ FTA Việt Nam-EAEU và ASEAN

Mặt khác, xét theo góc độ hệ thống chính trị và các giá trị thì Nga và Trung Quốc lại nhiều điểm tương đồng với Việt Nam – đó là nền chính trị do một đảng lãnh đạo, từng có quá khứ cùng ý thức hệ. Việt Nam-Nga-Trung Quốc hiện nay đều chuyển đổi mô hình chính trị sang hướng dân chủ hơn, có sự tham gia nhiều hơn của người dân, về kinh tế chuyển đổi từ tập trung kế hoạch hóa sang kinh tế thị trường ở những mức độ và tốc độ khác nhau.

Tóm lại, trong khi quan hệ song phương với nhau của ba nước này ở hiện trạng khác nhau, nhưng cả Nga-Trung Quốc-Mỹ đều duy trì bang giao với Việt Nam, trong đó điểm khác biệt nổi bật có tính lịch sử là Trung Quốc và Nga (Liên Xô trước đây) là những đồng minh hỗ trợ Việt Nam nhiều trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc chống xâm lược, còn Mỹ từng là đối thủ và kẻ thù của Việt Nam.

Điểm giống nhau căn bản là bây giờ cả ba nước đều nhìn thấy ở Việt Nam một đối tác có trọng lượng, đang phát triển nhanh dựa trên cơ sở lợi ích quốc gia độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, hướng tới xây dựng khu vực hòa bình thịnh vượng, lấy nguyên tắc bình đẳng trong quan hệ quốc tế và cơ sở ngoại giao để giải quyết các vấn đề bằng con đường hòa bình chứ không sử dụng vũ lực và tôn trọng luật pháp quốc tế.

Từ thực tế ứng xử để tồn tại và phát triển, nếu chỉ nhìn lại quá trình quan hệ với ba nước lớn kể trên cũng đủ thấy Việt Nam luôn luôn phải khéo léo linh hoạt trong bang giao quốc tế.

- Việt Nam bắt đầu đảm trách cương vị Chủ tịch ASEAN. Không có gì bí mật là phía Nga trông đợi nhiều vào sự hỗ trợ của Việt Nam để tiếp cận liên kết mạnh hơn sâu hơn với Hiệp hội này. Còn từ phía Việt Nam, khi tham dự Diễn đàn Kinh tế Đông EEF 2019 ở Vladivostok (Nga), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tuyên bố “Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối cho EAEU mà đặc biệt là Nga đến với các nước Đông Nam Á”. Và tại sàn hội nghị Cấp cao ASEAN 35 ở Bangkok, Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh cũng nhắc lại ý tưởng đó và hy vọng Nga sẽ có đóng góp xứng đáng vào đà phát triển của ASEAN. Vậy trong giai đoạn mới, ở cương vị mới, Việt Nam sẽ có động thái gì chăng để thực hiện lời hứa hỗ trợ đối tác chiến lược Nga?

GS-TS Phạm Quang Minh: Quả thật năm 2020 sẽ là năm rất hệ trọng trong các vấn đề ngoại giao của đất nước, khi mà Việt Nam cùng lúc đảm đương hai chức vụ - Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực của HĐBA LHQ. Trách nhiệm lớn, nhưng rõ ràng uy tín và vị thế của Việt Nam sẽ được nâng cao trên bình diện toàn cầu và khu vực. Vì thế có thể nói không riêng LB Nga mà còn nhiều nước khác trông cậy vào vai trò và kết quả hoạt động của Việt Nam, người ta sẽ chú mục xem Việt Nam làm được những gì, thực thi trọng trách như thế nào.

Hội nghị Cấp cao ASEAN-Ấn Độ lần thứ 16 với phần tham gia của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi - Sputnik Việt Nam
Vấn đề Biển Đông qua hai Hội nghị Cấp cao ASEAN-Ấn Độ và ASEAN-Trung Quốc

Nếu nhìn lại lịch sử thì thấy niềm hy vọng và tin tưởng dành cho Việt Nam là có cơ sở thuyết phục. Bởi lần trước, năm 2010 Việt Nam đã từng đảm trách tốt vị trí Chủ tịch ASEAN hay 2008-2009 là Ủy viên không thường trực của HĐBA. Cả hai dịp đó Việt Nam đều hoàn thành rất tốt chức trách của mình. Việt Nam đã làm Chủ tịch ASEAN 2010 thành công nổi bật, nâng cao vị thế của ASEAN, thiết lập cơ chế mới là Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng mở rộng (ADMM+), quyết định mở rộng Cấp cao Đông Á (EAS) kết nạp thêm Mỹ và Nga, gìn giữ hòa bình trong khu vực, đưa nội dung có thể nói là “nóng bỏng” lúc bấy giờ  - vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông – vào chương trình nghị sự của ASEAN, dù trước đó khi Thái Lan làm Chủ tịch Hiệp hội năm 2009  thì nội dung này bị gạt ra ngoài; …những hoạt động này thể hiện rằng Việt Nam có khả năng và tầm nhìn chiến lược không bó hẹp trong phạm vi khu vực..

Vì thế, theo tôi, những trông đợi và hy vọng của Nga nói riêng hay các nước trong cộng đồng quốc tế nói chung là hợp lý và có căn cứ. Tuy nhiên, việc Việt Nam với đặc thù coi trọng ơn nghĩa của mình có thể giúp đối tác chiến lược Nga những gì trong quan hệ với các nước ASEAN thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nguyên tắc then chốt và bất di bất dịch của ASEAN là đồng thuận. Nhận bàn giao chức trách Chủ tịch Hiệp hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã công bố chủ đề Năm ASEAN 2020 là “Gắn kết và chủ động hội nhập”. Như vậy, với thiện chí và cố gắng của Việt Nam để duy trì đồng thuận, củng cố gắn kết, còn đòi hỏi sự chủ động hội nhập của Nga vào tiến trình của khu vực này. Giả sử có ý kiến không thuận, có thành viên nào đó không mặn mà với nguyện vọng liên kết của Nga, thì cả Hà Nội và Matxcơva phải chứng minh được rằng sự đóng góp của Nga đem lại lợi ích gì cho ASEAN. Cũng không thể bỏ qua yếu tố diễn biến khu vực và quốc tế. Nếu xu hướng hội nhập liên kết được đẩy mạnh, lấn át xu hướng bảo hộ chống toàn cầu hóa, thì rõ ràng giao lưu gắn kết của Nga với ASEAN sẽ thuận lợi dễ dàng hơn.

© Ảnh : Thống Nhất – TTXVN Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN 35 và tiếp nhận vai trò Chủ tịch ASEAN của Việt Nam năm 2020.
Việt Nam-Nga-ASEAN, BRI lợi ích và hệ luỵ qua đánh giá của chuyên gia Hà Nội  - Sputnik Việt Nam
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN 35 và tiếp nhận vai trò Chủ tịch ASEAN của Việt Nam năm 2020.

Nhưng tôi tin là khả năng tán thành sẽ cao, vì riêng với Việt Nam, xu hướng hội nhập-đổi mới sẽ được duy trì và thúc đẩy, còn bản thân Nga không có mắc mớ gì trong quan hệ với các nước tại khu vực, không có tranh chấp, không có xung đột, còn tâm thế chung của ASEAN là hoan nghênh mở rộng quan hệ hợp tác với các nước bên ngoài để nâng tầm vị thế của Hiệp hội Đông Nam Á.

- Làm Chủ tịch ASEAN, Việt Nam sẽ khai thác lợi thế vốn có của chính mình và Hiệp hội Đông Nam Á như thế nào trong bối cảnh triển khai kế hoạch “Vành đai-Con đường” (BRI) của Trung Quốc tại khu vực, cụ thể là trên bình diện cơ sở hạ tầng?

GS-TS Phạm Quang Minh: Lợi thế nổi bật của Việt Nam là vị trí địa chính trị quan trọng, nằm trên trục đường giao thông Biển Đông nhộn nhịp nhất thế giới; tình hình chính trị nói chung ổn định; đạt thành công chuyển đổi mô hình kinh tế từ kế hoạch hoá sang kinh tế thị trường. Những đặc điểm này của nước Việt Nam mới rất hấp dẫn sự chú ý của nhiều nước.

Thượng đỉnh ASEAN - Sputnik Việt Nam
Trước thềm thượng đỉnh ASEAN: Sáng kiến “Vành đai-Con đường” và phản ứng của một số nước Đông Nam Á

Về sáng kiến “Vành đai-Con đường” của Trung Quốc thì ngay từ trước khi là Chủ tịch ASEAN nhiệm kỳ mới, Việt Nam đã cần cân nhắc và thận trọng khi đối mặt với “sự tấn công quyến rũ” của nước lớn láng giềng phía Bắc. Địa hình Việt Nam nằm trong phạm vi “Vành đai Con đường” cả trên bộ và trên biển, Hải Phòng là một cảng nằm trên cái gọi là “Con đường tơ lụa trên biển”, các cửa khẩu khác của Việt Nam từ Lào Cai đến Lạng Sơn cũng trong “Vành đai Con đường” này. Quan điểm chính thức của Việt Nam là ủng hộ sự phát triển của các nước trong BRI. Tuy nhiên ở đây hàm chứa áp lực rất lớn với Việt Nam. BRI có thể mang lại thuận lợi ưu điểm như cải thiện cơ sở vật chất hạ tầng. Nhưng kèm theo là những vấn đề liên quan đến nợ, dù là tín dụng với điều kiện ưu đãi vẫn là gánh nặng kinh tế, trong khi hiện tại kinh tế Việt Nam chưa phải là rất vững mạnh. Một hệ luỵ nữa là vấn đề lao động người Trung Quốc như đã xảy ra ở Campuchia, Lào, Sri Lanca…, khi xuất hiện lực lượng người Trung Quốc tham gia dự án BRI khổng lồ mà đó đây dường như thấp thoáng hình ảnh chính sách tản dân của Bắc Kinh. Điểm nữa không thể không tính đến là môi trường, khi kiến thiết cảng, sân bay, đường xá…trên qui mô như “Vành đai-Con đường” chắc hẳn dù trực tiếp hay gián tiếp đều gây tác động đến môi trường. Rồi chất lượng công trình. Và sáng kiến BRI cũng tác động đến chế độ luật pháp của những nước tham gia, cụ thể là luật lao động, chính sách với di dân…Tất cả những điểm trên khiến không riêng Việt Nam phải thận trọng khi tham gia BRI. Được biết, chống BRI mạnh nhất là Ấn Độ, và ngay cả Nhật Bản và Australia là những nước có nền kinh tế phát triển đều nhìn thấy trở ngại hệ luỵ không thuận nếu dự phần vào BRI. Thái độ đó cũng là hợp lô-gic khi đứng trước “sự tấn công quyến rũ” đồng thời dễ là “bẫy nợ”. Cái khó của Việt Nam là sát cạnh Trung Quốc, có quan hệ chính trị gần gũi, cho nên tham gia-không tham gia là chuyện khó xử, cần cân nhắc kỹ và cố gắng đảm bảo để tránh khả năng ảnh hưởng đến hợp tác hai bên đồng thời không bị phụ thuộc vào nguồn vốn và nhất là phụ thuộc chính trị. Thêm nữa là trách nhiệm lớn với ASEAN khi Việt Nam giữ cương vị Chủ tịch Hiệp hội này, - GS-TS Phạm Quang Minh kết luận.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала