Cát Linh- Hà Đông: Công nghệ Trung Quốc, nhưng vận hành theo chuẩn thế giới

© Ảnh : Ngô Nhưng/Người lao độngBộ Giao thông Vận tải thúc tổng thầu Trung Quốc hoàn thành công việc để đưa dự án vào vận hành nhưng chưa biết thời gian cụ thể
Bộ Giao thông Vận tải thúc tổng thầu Trung Quốc hoàn thành công việc để đưa dự án vào vận hành nhưng chưa biết thời gian cụ thể - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Tổng Giám đốc Công ty Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) Vũ Hồng Trường khẳng định, theo đánh giá của nhà tư vấn Pháp, dù đường sắt Cát Linh- Hà Đông sử dụng công nghệ của Trung Quốc nhưng có tiêu chuẩn kỹ thuật của châu Âu và thế giới.

Đường sắt Cát Linh- Hà Đông: Công nghệ Trung Quốc, tiêu chuẩn châu Âu?

“Hiện nhà tư vấn Pháp đang đánh giá thẩm định các tiêu chuẩn của đường sắt Cát Linh- Hà Đông”, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Một thành viên (MTV) Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) Vũ Hồng Trường cho biết đồng thời khẳn định, theo nhà tư vấn Pháp, “dù sử dụng công nghệ Trung Quốc, tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông vẫn đạt tiêu chuẩn kỹ thuật tương thích với tiêu chuẩn châu Âu”.

Sáng 29.11, phát biểu tại Hội nghị An toàn giao thông năm 2019, ông Vũ Hồng Trường cho biết hiện tại nhà tư vấn Pháp đang thực hiện quá trình đánh giá chứng nhận an toàn tuyến Cát Linh-Hà Đông. Các chuyên gia cơ bản đánh giá theo đúng tiêu chuẩn thế giới đã cam kết gồm quy trình vận hành và bảo dưỡng, biểu đồ chạy tàu, quy trình xử lý sự cố, nhiệm vụ các chức danh...

“Việc quản lý vận hành tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông theo đúng tiêu chuẩn thế giới đảm bảo rằng tuyến vận hành an toàn ở mức độ rất cao. Do các tiêu chuẩn này đã được kiểm nghiệm rất lâu dài tại các nước có hệ thống đường sắt phát triển, chứng minh tính chính xác của tiêu chuẩn”, ông Trường nhận xét.

Ông khẳng định, tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông dự kiến sẽ được đưa vào vận hành thương mại từ cuối năm 2019. Công ty Metro Hà Nội sẽ vận hành khai thác công trình sau khi Bộ Giao thông Vận tải nghiệm thu hoàn tất. Trước khi đưa vào khai thác, cần đảm bảo an toàn trong mọi khâu vận hành.

Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông - Sputnik Việt Nam
Thủ tướng chỉ đạo xử lý sai phạm dự án Cát Linh-Hà Đông

Theo ông Trường, sau thời gian vận hành thử toàn hệ thống, về cơ bản nhân sự Việt Nam đã đáp ứng công việc được giao, trực tiếp vận hành 11 chuyên ngành, các chuyên gia nước ngoài chỉ giám sát.

“Lúc đầu cũng có chút lo lắng, nhưng qua thực tế vận hành thử thấy cán bộ công nhân viên đã sẵn sàng tiếp nhận vận hành”, ông Trường chia sẻ.

Theo ông, Cát Linh- Hà Đông là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Việt Nam vận hành nên kinh nghiệm quản lý còn hạn chế. Mặc dù công tác đào tạo đội ngũ nhân sự đã được thực hiện, nhưng không tránh khỏi gặp phải những tình huống khó khăn trong thực tế.

Do đó, để đảm bảo an toàn, Việt Nam đã thuê chuyên gia nước ngoài giám sát vận hành và chuyển giao công nghệ trong một năm đầu khai thác.

Để chuẩn bị trước cho việc vận hành tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông, Công ty Metro Hà Nội đã đào tạo gần 1.000 nhân viên và lái tàu. Tuy nhiên, do sự chậm trễ trong vận hành dự án nên chỉ 1 năm vừa qua đã có tới 28% công nhân bỏ việc.

“Số lao động bỏ việc chủ yếu là lao động phổ thông, làm những công việc đơn giản. Tuy nhiên, khi số này bỏ đi thì đơn vị lại tuyển người mới vào đào tạo, đảm bảo tham gia vận hành dự án. Số lao động trình độ kỹ thuật được cử đi đào tạo trở về vẫn làm việc và tiếp cận cận công việc vận hành dự án bình thường”, lãnh đạo Metro Hà Nội cho biết.

Đến thời điểm hiện tại, dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh-Hà Đông đã hoàn thành 99% hạng mục nhưng vì một số lý do vẫn chưa thể đưa vào vận hành thương mại. Vật tư, thiết bị đã chuyển về đến công trường đạt khoảng 99% và lắp đặt đạt 97% khối lượng thiết bị. Việc vận hành, chạy thử đã được thực hiện ở 13/13 đoàn tàu.

Đường sắt Cát Linh-Hà Đông - Sputnik Việt Nam
Đường sắt Cát Linh-Hà Đông sẽ dài hơn thêm 20km

Theo Bộ Giao thông Vận tải, nguyên nhân chính của việc chậm trễ là do chưa tập trung đủ hồ sơ để vận hành khai thác thương mại. Bộ Giao thông Vận tải vẫn đang tiếp tục yêu cầu Tổng thầu thực hiện đúng hồ sơ thiết kế dự án được duyệt nhằm đáp ứng các yêu cầu đánh giá an toàn hệ thống theo yêu cầu của Đơn vị tư vấn ACT (Pháp).

Ngoài ra, ông Vũ Hồng Trường còn thông tin, Hà Nội hiện quy hoạch 10 tuyến đường sắt đô thị, 3 tuyến tàu điện một ray và 8 tuyến xe buýt nhanh BRT. Hiện đã có 4 đoạn tuyến được phê duyệt và đang triển khai xây dựng.s

Ngoài ra, hai tuyến nghiên cứu kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP). Tuyến số 6 (Nội Bài- Hà Đông- Ngọc Hồi) đã báo cáo dự án theo hình thức PPP và đáng chú ý, có Công ty Cổ phần Tập đoàn Vinggroup đang đề xuất đăng ký đầu tư.

Cát Linh- Hà Đông: Vẫn là 1% và chưa biết bao giờ chạy thật

Ngày 29.11, thông tin từ Bộ GTVT cho biết, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành 99% khối lượng xây lắp, riêng vật tư, thiết bị đã chuyển về đến công trường đạt khoảng 99% và lắp đặt đạt 98% khối lượng thiết bị, đã vận hành, chạy thử 13/13 đoàn tàu, nhưng 1% khối lượng còn lại liên quan đến công tác nghiệm thu vẫn chưa hoàn tất.

Dự án đường sắt đô thị trên cao Cát Linh - Hà Đông được Chính phủ Việt Nam ký kết với Chính phủ Trung Quốc thực hiện bằng vốn vay Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA). Thỏa thuận này có tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD vào năm 2008. Trong đó, vốn vay Trung Quốc là 419 triệu USD, vốn đối ứng Việt Nam là 133,86 triệu USD. Tuy nhiên, tổng mức đầu tư được điều chỉnh tăng lên 868 triệu USD (18.000 tỷ đồng).

Đoàn công tác đi thử tàu trên tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. - Sputnik Việt Nam
Bao giờ Cát Linh – Hà Đông chạy thật?

Đã 4 lần lỗi hẹn so với thời gian trên, dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông vẫn chưa được hoàn thành. Trong số nhiều nguyên nhân được đưa ra, Bộ Giao thông vận tải thừa nhận có lỗi chủ quan là thiết kế cơ sở ban đầu của dự án còn sơ sài, chưa lường hết được quy mô, tính chất, công năng nên phải điều chỉnh tại bước thiết kế kỹ thuật.

Trong khi đó, tổng thầu EPC là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc chưa có kinh nghiệm trong triển khai thực hiện dự án tổng thể theo hình thức hợp đồng EPC, chưa thực hiện theo đúng cam kết về tiến độ, thiếu kinh nghiệm trong việc thiết kế. Ông Đường Hồng, Giám đốc dự án, cho biết, do yếu tố khác biệt về quy định giữa Việt Nam và Trung Quốc về tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình, quy phạm trong thiết kế, thi công và dự toán, nên khó thống nhất trong điều hành, tổ chức thi công, dẫn đến công tác quản lý điều hành còn nhiều bất cập. Công tác giải ngân của hiệp định vay bổ sung cũng gặp nhiều vướng mắc do các bên chưa thống nhất được ý kiến pháp lý. Các quy định và chế tài xử lý đối với hợp đồng EPC còn chưa đầy đủ.

Theo trần trình của Bộ Giao thông Vận tải: “Dự án chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư ngoài trách nhiệm chính thuộc phía tổng thầu thì chủ đầu tư, Ban quản lý dự án đường sắt chịu trách nhiệm trong công tác quản lý điều hành dự án".

Trước khi được vận hành, dự án phải được đánh giá an toàn thi công, lắp đặt thiết bị và vận hành toàn bộ hệ thống bởi liên danh nhà thầu quốc tế Apave-Certifier-Tricc (Pháp) và Cục Đăng kiểm. Sau đó, dự án còn phải được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước kiểm tra, đánh giá tổng thể lần cuối. Tuy nhiên, hiện nay mặc dù đã thi công xong phần hạ tầng và các đoàn tàu đã hoàn thành chạy kỹ thuật, tuy nhiên do chưa hoàn thành được những nội dung trên nên dự án chưa thể hoạt động thương mại.

Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải nói gì về việc Cát Linh- Hà Đông chậm tiến độ?

Sáng 29.11, tại thủ đô Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hoàng Trung Hải cùng các đại biểu Quốc hội thành phố thuộc đơn vị bầu cử số 3 đã tiếp xúc cử tri quận Thanh Xuân sau kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV và trước kỳ họp thứ mười một của HĐND thành phố Hà Nội khóa XV.

Tại buổi tiếp xúc cử tri này, ĐBQH Hoàng Văn Cường đã báo cáo trước cử tri về kết quả giải quyết những kiến nghị của cử tri ở kỳ tiếp xúc trước. Trước đó, trên nghị trường Quốc hội, rất nhiều đại biểu đã bày tỏ sự bức xúc trước việc dự án đường sắt Cát Linh- Hà Đông liên tục chậm tiến độ, đội vốn, trong đó có ông Hoàng văn Cường. Vị ĐBQH nhấn mạnh, đây là dự án điển hình với các cơ sở pháp lý, thiết kế dự án chưa rõ ràng đã làm tăng vốn, đồng thời không có ràng buộc chặt chẽ để nhà thầu thực hiện các yêu cầu của nhà đầu tư?

“Chúng ta biết rằng hiện nay 99% hạng mục đầu tư của dự án đã hoàn thành nhưng khâu mấu chốt nhất là những vấn đề liên quan đến kiểm định về an toàn. Nếu kiểm định an toàn không được xác nhận thì dự án vẫn treo đấy. Theo báo cáo mới nhất của Bộ GT-VT đây là vấn đề tồn tại do nhà thầu Trung Quốc chưa cung cấp được các văn bản chứng chỉ chứng nhận về sự an toàn, từ toa xe đến các hạng mục công trình. Chính vì thế cơ quan kiểm định an toàn quốc tế mà chúng ta thuê chưa thể đưa ra chứng nhận do kiểm định”, ĐB Cường chỉ rõ.

Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông - Sputnik Việt Nam
Cát Linh-Hà Đông mãi không xong: Bộ GTVT có kiện Tổng thầu EPC Trung Quốc?
Trong buổi tiếp xúc cử tri này, ông Cường báo cáo, suốt thời gian qua, dù Bộ GTVT và các bên liên quan đã quyết liệt chỉ đạo, nhưng dự án vẫn triển khai rất chậm. Đến nay dự án vẫn chưa thể hoàn thành và có nguy cơ kéo dài do tổng thầu vẫn chưa nghiêm túc thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải. Các khó khăn vướng mắc đã được Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Trung Quốc để hỗ trợ chỉ đạo, có các giải pháp giải quyết các công việc còn lại trong thời gian tới, nhằm đưa dự án vào vận hành khai khác trong thời gian sớm nhất.

“Dự án Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư có trách nhiệm chính thuộc phía Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc (đơn vị tổng thầu). Ngoài ra, Ban Quản lý dự án Đường sắt là đại diện Chủ đầu tư chịu trách nhiệm trực tiếp trong công tác quản lý, điều hành, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán. Bộ Giao thông Vận tải, các cơ quan tham mưu của bộ chịu trách nhiệm là cơ quan chủ quản, phê duyệt dự án. UBND thành phố Hà Nội (chủ đầu tư hợp phần giải phóng mặt bằng) chịu trách nhiệm về việc chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng”, TTXVN dẫn Báo cáo kiến nghị trả lời cử tri sau kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội khẳng định.

Lên tiếng về những khó khăn còn tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện và vận hành dự án đường sắt Cát Linh- Hà Đông, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP.Hà Nội Hoàng Trung Hải đã nhận lỗi với cử tri vì “chưa đáp ứng tốt nhu cầu của người dân và sự phát triển của đô thị.

“Nếu không có tuyến tàu điện ngầm, tuyến đường sắt trên cao thì không có cách nào giải thoát được vấn đề ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, cơ chế, pháp lý để triển khai, đẩy nhanh các dự án này cũng còn nhiều vướng mắc”, Bí thư Hoàng Trung Hải cho biết.

Trước đó, trong cuộc họp Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp cơ quan liên quan xem xét đưa vào sử dụng nếu đảm bảo tuyệt đối an toàn. Những sai phạm phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала