VTV chính thức xin lỗi vì gọi người bán hàng rong là “sống ký sinh trùng”

© Ảnh : Kim Thu - TTXVNNgười bán hàng dưới trời nắng nóng trên đường Tràng Thi.
Người bán hàng dưới trời nắng nóng trên đường Tràng Thi. - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Sau vụ việc BTV Anh Quang của Đài Truyền hình Quốc gia Việt Nam (VTV) nói người bán hàng rong là “sống ký sinh trùng” trong bản tin Tài chính - Kinh doanh sáng 17/8, cơ quan này đã chính thức lên tiếng xin lỗi.

Dư luận tỏ ra bất bình vì phát ngôn ví những người bán hàng rong là ký sinh trùng của VTV không chỉ chưa chính xác về mặt ngôn ngữ mà còn mang nghĩa tiêu cực. Thực tế, bộ phận người dân bán hàng rong không đáng bị miệt thị như thế. Họ đã tự lao động kiếm sống chứ không ăn bám ai nên không thể gọi là ký sinh trùng.

VTV xin lỗi vụ nói người bán hàng rong là “sống ký sinh trùng”

Vụ việc biên tập viên (BTV) Anh Quang của Đài Truyền hình Quốc gia Việt Nam (VTV) dùng cụm từ “sống ký sinh trùng” để chỉ một bộ phận những người bán hàng rong của đất nước gây nên làn sóng phản ứng trái chiều dữ dội trong những ngày qua.

Liên quan đến sự cố “lỡ lời” này, trên bản tin Tài chính - Kinh doanh sáng 19/8, Đài truyền hình Việt Nam (VTV) đã chính thức lên tiếng xin lỗi.

Cụ thể, sáng nay, trong khuôn khổ bản tin Tài chính - kinh doanh, biên tập viên của VTV đã lên tiếng xin lỗi những người bán hàng rong và khán giả truyền hình Việt Nam vì đã để xảy ra “lỗi tác nghiệp nghiêm trọng”.

“Trong bản tin Tài chính - Kinh doanh sáng 17/8 trên VTV1, chúng tôi đã phát sóng phóng sự chia sẻ những khó khăn của người bán hàng rong tại TP.HCM trong mùa dịch Covid-19. Do sơ suất trong quá trình biên tập và lên sóng trực tiếp, biên tập viên dẫn chương trình của chúng tôi đã sử dụng từ ngữ không phù hợp và ngoài ý muốn khiến khán giả hiểu sai nội dung muốn truyền tải, trong khi toàn bộ phóng sự là góc nhìn chia sẻ và cảm thông với những gánh hàng rong đang phải vật lộn mưu sinh thời Covid-19, BTV Thu Hương cho biết.

Theo đó, BTV Thu Hương đã gửi lời xin lỗi chân thành đến những người bán hàng rong và quý vị khán giả về lỗi tác nghiệp nghiêm trọng này”.

“Thay mặt ban biên tập chương trình, chúng tôi xin được gửi lời xin lỗi chân thành đến những người bán hàng rong và quý vị khán giả về lỗi tác nghiệp nghiêm trọng này”, BTV Thu Hương bày tỏ.

Trước đó, khán giả truyền hình và dư luận xã hội tỏ ra bức xúc khi nam BTV của bản tin Tài chính – Kinh doanh phát sóng sáng 17/8 trên VTV1 đã ví những gánh hàng rong là “ký sinh trùng trên đường phố”.

Sau khi xuất hiện luồng ý kiến trái chiều, biên tập viên Anh Quang đã dùng tài khoản cá nhân Facebook là Wang Phố Cổ để xin lỗi khán giả vì “nói nhịu”, nhưng nhiều người cho rằng đây không phải lỗi của riêng cá nhân anh.

VTV đã dùng sai cụm từ? “Ký sinh trùng” hay “ký sinh” đều không chuẩn?

Ngay sau khi bản tin Tài chính – Kinh doanh sáng 17/8 với phát ngôn “sống ký sinh trùng” gây tranh cãi, khán giả xem truyền hình cũng như cộng đồng mạng Việt Nam nhanh chóng có những phản hồi, bình luận xung quanh cụm từ của BTV Anh Quang.

Trước luồng phản ứng gay gắt, cụm từ của BTV Anh Quang trong bản tin này sau đó trên trang web của VTV đã được chỉnh sửa lại thành “ký sinh”.

Nhóm bảo vệ lao về phía nhóm phóng viên của VTV Cần Thơ - Sputnik Việt Nam
Vụ phóng viên VTV bị bảo vệ chợ dọa đánh: Người trong cuộc lên tiếng
Tuy nhiên, đứng ở góc độ nghiên cứu ngôn ngữ Tiếng Việt, nhiều học giả thể hiện quan điểm không đồng tình.

PGS.TS Phạm Tất Thắng (Viện Ngôn ngữ học) cho rằng, việc sử dụng cụm từ “ký sinh trùng” hay “ký sinh đều không đúng và khó có thể chấp nhận được trong văn cảnh bản tin của VTV.

“Dùng những từ này về mặt nghĩa đen, hay nghĩa bóng đều không được”, PGS-TS Phạm Tất Thắng nhìn nhận. Việc này giống như sự xúc phạm đến những người bán hàng rong. Họ cũng là những người bỏ sức lao động ra, chứ không sống dựa vào mồ hôi nước mắt của người khác”, Thanh Niên dẫn lời nhà nghiên cứu ngôn ngữ Phạm Tất Thắng bày tỏ.

Về việc sử dụng hai cụm từ trên, nhà phê bình Văn học Phạm Xuân Nguyên cho biết, việc ví những gánh hàng rong như những ký sinh trùng cho thấy sắc thái khinh miệt.

“Đối tượng được nói đến không chỉ là một sự vật trừu tượng mà là thân phận của những con người. Bởi vậy, khi dùng câu chữ nào đều phải rất cân nhắc”, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên lưu ý.

Cũng đồng tình với quan điểm này, trên Facebook cá nhân, nhà nghiên cứu ngôn ngữ Hoàng Tuấn Công dẫn định nghĩa từ cuốn Từ điển tiếng Việt do GS Hoàng Phê chủ biên (bản Vietlex) giải nghĩa “ký sinh” là “sống trên cơ thể sinh vật khác, bằng cách hút chất dinh dưỡng từ cơ thể sinh vật ấy”.

Theo vị chuyên gia này, trong tự nhiên, “ký sinh” được hiểu theo nghĩa bóng là “ăn bám”. Mà ăn bám là cách mô tả theo nghĩa đen: “bám” vào ký chủ để “ăn”, tức hút dinh dưỡng (như tầm gửi) hoặc hút máu (như bọ chét, giun sán...).

Theo đó, cũng như nhà phê bình Văn học Phạm Xuân Nguyên nói, nhiều người cho rằng cách dùng từ “ký sinh trùng” hay “ký sinh” đều có sắc thái miệt thị.

“Cũng có thể, BTV này đã thuận miệng buông thêm (không phải "đọc nhịu") tiếng “trùng” vào sau “ký sinh". Nhưng trong trường hợp này VTV vẫn sai. Vì dù vô tình hay hữu ý, thì cách ví von này cũng vẫn vang lên như một sự miệt thị, xem thường những người bán hàng rong nghèo khổ”, nhà nghiên cứu thẳng thắn.

Trên thực tế, nhiều người cho rằng, bộ phận người dân bán hàng rong không đáng bị miệt thị như thế. Họ đã tự lao động kiếm sống chứ không ăn bám ai nên không thể gọi là ký sinh trùng.

Rõ ràng, bán hàng rong là một hình thức kinh doanh nhỏ phục vụ cho nhu cầu của một nhóm khách hàng trong xã hội, không nên coi nhẹ, càng không thể khinh thường hay miệt thị.

Xúc phạm người bán hàng rong, không đúng với quan điểm của Đảng

Liên quan đến sự cố trong chương trình trên của VTV, nhà báo Hoàng Hải Vân viết trên Facebook cá nhân cho rằng đây không thể coi là “tai nạn nghề nghiệp” của cá nhân biên tập viên, mà là của VTV. Do đó, VTV cần nhận trách nhiệm.

Quả bóng chính thức của World Cup 2018 - Sputnik Việt Nam
Vì sao ông Vượng chi 115 tỷ “cứu” VTV và vai trò thật của bộ ba quyền lực

GS.TS Nguyễn Văn Hiệp - viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, trao đổi với Tuổi Trẻ đã phân tích ở nhiều góc độ. Theo đó, thứ nhất về mặt ngữ pháp, biên tập viên Anh Quang nói “người gánh hàng rong sống ký sinh trùng trên đường phố” là sai về ngữ pháp.

“Sống" là động từ, "ký sinh trùng" là danh từ, nếu ai đó thực sự sống ký sinh vào người khác, thì về mặt ngữ pháp có thể nói “sống như ký sinh trùng”, còn nói “sống ký sinh trùng” thì không đúng về ngữ pháp”, GS.TS Nguyễn Văn Hiệp chỉ rõ.

Thứ hai, quan trọng nhất, là BTV đã sai về mặt dùng từ, cụ thể là sai về ý nghĩa của từ.

“Ký sinh trùng trong bản tin này được biên tập viên dùng với cách nói ẩn dụ. Nhưng đáng tiếc họ đã chọn từ không đúng. Người bán hàng rong bỏ sức lao động để kiếm sống sao có thể nói họ ký sinh trên đường phố”, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học khẳng định.

Theo nhà nghiên cứu, từ ký sinh trùng còn có nghĩa biểu cảm mang hàm ý tiêu cực. Nói đến một người sống ký sinh vào người khác, ý là chê trách người đó. Nói như thế là xúc phạm những người bán hàng rong, cũng như không đúng với quan điểm của Đảng và Nhà nước về các loại hình kinh tế.

Sự cố BTV Anh Quang của VTV nói gánh hàng rong là “sống ký sinh trùng”

Như đã nêu, hôm 17/8, nhiều khán giả xem bản tin Tài chính - Kinh doanh phát trên VTV1 lúc 7h sáng đã phản ứng vì BTV Anh Quang gọi những người bán hàng rong là “sống ký sinh trùng”.

Cụ thể trong phần giới thiệu phóng sự, biên tập viên Anh Quang dùng lời dẫn như sau:

"Dịch Covid-19 đã khiến cho những con phố du lịch hay là chủ yếu phục vụ khách nước ngoài tại TP.HCM trở nên tiêu điều. Và khi những con phố không còn sức sống, những gánh hàng rong, vốn được xem là sống ký sinh trùng trên những con phố này sẽ tồn tại ra sao?”, trích phóng sự của VTV.

Sau khi chương trình phát sóng, rất nhiều khán giả khi xem bản tin này cũng như một bộ phận dư luận xã hội đã phản ứng với cách biên tập viên so sánh những người bán hàng rong “sống ký sinh” trên những con phố.

Trên trang Facebook cá nhân của mình BTV Anh Quang với nick name Wang Phố Cổ đã gửi lời xin lỗi tới khán giả.

“Trong lúc dẫn bản tin sáng nay về câu chuyện mưu sinh của các gánh hàng rong tại TP.HCM thời dịch Covid-19, do sơ suất, tôi đã đọc nhịu một câu dẫn, khiến khán giả xem truyền hình bị hiểu sai nội dung muốn truyền tải, gây ra những sự phản cảm không đáng có”, BTV Anh Quang cho biết.

Đồng thời, BTV Anh Quang cũng đây hoàn toàn là sai sót của cá nhân trong quá trình truyền tải thông tin tới khán giả, trong khi nội dung của phóng sự là góc nhìn chia sẻ, đồng cảm với những người bán hàng rong vất vả mưu sinh, chứ không có bất kỳ một ý coi thường nào.

“Hiện cá nhân tôi đã viết bản tường trình và nhận các hình thức xử lý kỷ luật của cơ quan”, BTV Anh Quang cho biết.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала