Mỹ không từ bỏ Biển Đông dù Trump hay Biden là Tổng thống

© Sputnik / Alexandr VilfBiển Đông
Biển Đông - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Mỹ sẽ không thay đổi quan điểm về Biển Đông dù Trump hay Biden đắc cử Tổng thống? Chính sách của Mỹ đối với vấn đề Biển Đông vẫn sẽ được duy trì dù ai làm Tổng thống. Đó là quan điểm của nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh.

Các đại biểu dự Hội thảo về Biển Đông lần thứ 12 đều cho rằng, ASEAN cần phải cùng đoàn kết, giữ vị thế trung tâm, kiên quyết phản đối hành vi “phô trương cơ bắp” và tham vọng bá quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Cần nỗ lực phối hợp, thống nhất giữa các bên “cùng nhìn về một hướng” để đấu tranh trước Bắc Kinh ở Biển Đông.

Vấn đề Biển Đông dưới thời Trump và Biden có gì đặc biệt?

Phát biểu bên lề Hội thảo khoa học Quốc tế về Biển Đông lần thứ 12 mang chủ đề “Duy trì hòa bình và hợp tác trong bối cảnh có nhiều biến động” do Học viện Ngoại giao (DAV), Quỹ hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông (FESS) và Hội Luật gia Việt Nam (VLA) cùng phối hợp tổ chức, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh đã có những chia sẻ quan trọng về vấn đề Biển Đông hiện nay trong bối cảnh toàn cầu và khu vực có nhiều thách thức.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 chủ trì buổi họp báo. - Sputnik Việt Nam
Biden hay Trump làm Tổng thống, Mỹ vẫn là “bạn tốt” của Việt Nam

Tham gia phát biểu tại Hội thảo, Đại sứ Phạm Quang Vinh cho rằng, việc báo chí truyền thông đưa tin đại diện Đảng Dân Chủ Joe Biden giành được đủ số phiếu đại cử tri cần thiết và có thể trở thành Tân Tổng thống Hoa Kỳ vẫn cần chờ thời gian xác nhận chính thức.

Tuy nhiên, theo nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, đến nay có thể khẳng định, dù Tổng thống mới của Mỹ là ai đi chăng nữa cũng sẽ phải tiếp tục duy trì các chính sách đảm bảo lợi ích của Hoa Kỳ trong các vấn đề toàn cầu hiện nay.

Đại sứ Phạm Quang Vinh đánh giá, Châu Á-Thái Bình Dương là khu vực địa chiến lược quan trọng hàng đầu với những nền kinh tế và các quốc gia phát triển hết sức năng động được coi là động lực của nền kinh tế thế giới.

Chính vì thế, nhà ngoại giao Việt Nam cho rằng, nước Mỹ dù dưới nhiệm kỳ của Tổng thống nào vẫn phải hết sức coi trọng và gắn kết chặt chẽ với các khu vực.

Ở một khía cạnh khác, Đại sứ Phạm Quang Vinh cũng nhìn nhận, khu vực châu Á -Thái Bình Dương hiện nay cũng đang là nơi đang xảy ra cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung.

Ảnh ghép Donald Trump và Joe Biden - Sputnik Việt Nam
Trump hay Biden. Tại sao bầu cử ở Hoa Kỳ lần này sẽ kéo dài

Điều này, theo ông Phạm Quang Vinh cũng dẫn đến việc Mỹ có những thay đổi về nhận thức đối với Trung Quốc.

“Bản thân Trung Quốc cũng không còn “ẩn mình chờ thời” nữa mà cũng đang tiến hành các hình thức cạnh tranh khác với Mỹ”, Đại sứ Phạm Quang Vinh nhấn mạnh.

Đối với vấn đề, liệu có sự khác biệt nào trong chính sách về Biển Đông giữa đương kim Tổng thống hiện nay là ông Donald Trump với đại diện Đảng Dân chủ Mỹ Joe Biden hay không, theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, nếu thắng cử, Tổng thống Trump nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở.

Cụ thể, nhà ngoại giao phân tích, ông Trump sẽ giữ quan điểm về Biển Đông kèm theo một loạt sáng kiến gắn kết với ASEAN cùng các đối tác trong khu vực, trong đó có Nhật Bản, Ấn Độ và Australia để tạo ra các không gian vừa hợp tác vừa xây dựng những chuẩn mực ứng xử trong khu vực, đảm bảo lợi ích của Washington ở đây.

Tập trận quân sự Nhật Bản và Mỹ - Sputnik Việt Nam
Mỹ chuẩn bị cho cuộc thách thức quân sự với Trung Quốc trên Biển Đông

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung chắc chắn sẽ được duy trì nhưng có thể sẽ giảm nhiệt sau khi leo thang suốt 6 tháng qua do tác động của đại dịch Covid-19 cũng như kết quả chưa “hạ hồi” của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020.

Trong khi đó, nếu đánh giá vấn đề theo quan điểm của Đảng Dân chủ - tức ông Biden lên nắm quyền và trở thành ông chủ Nhà Trắng, theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, có thể nhận định, nhiều khả năng ông Biden sẽ quay trở lại chính sách ngoại giao truyền thống vốn “dễ đoán định hơn”.

Đại sứ Phạm Quang Vinh cho rằng, có một điều dễ nhận thấy là ông Biden chắc chắn sẽ phải tham gia nhiều hơn vào các thể chế đa phương cũng như thúc đẩy những giá trị về dân chủ, nhân quyền, môi trường, biến đổi khí hậu toàn cầu.

Theo vị chuyên gia, đồng thời, ông Biden cũng sẽ phải đối mặt với 2 thách thức trong chính sách về Biển Đông.

“Một là di sản của cựu Tổng thống Obama và của chính ông Biden liên quan đến chính sách tái cân bằng trong khu vực và thứ hai là những gì Tổng thống Trump đang thực hiện trong thời gian qua thông qua chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, Đại sứ Phạm Quang Vinh chỉ rõ.

Nhà ngoại giao Việt Nam đánh giá, cả hai mô hình nói trên có sự song trùng, nhất là việc gắn kết những lợi ích của Mỹ trong khu vực cũng như việc Mỹ thúc đẩy quản trị khu vực dựa trên luật lệ quốc tế vừa có lợi cho Mỹ nhưng cũng vừa tranh thủ được sự ủng hộ của các nước nhằm cạnh tranh với Trung Quốc.

Mỹ không thay đổi chính sách về Biển Đông

Phát biểu làm sâu sắc thêm quan điểm của mình tại Hội nghị Biển Đông lần thứ 12 này, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh cho hay, câu chuyện Biển Đông đối với Mỹ là hết sức quan trọng.

“Dù Tổng thống sắp tới là ông Trump hay ông Biden cũng không thể bỏ qua, đó là phải đảm bảo được hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải tại đây”, Đại sứ Phạm Quang Vinh nhấn mạnh.

Ngoài ra, vị chuyên gia cũng đề cập yếu tố quan trọng khác là chính quyền Mỹ cũng cần xây dựng được một trật tự dựa trên luật lệ quốc tế, hợp tác với các đối tác trong khu vực, nhất là ASEAN.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Hoa Kỳ tại điểm cầu Hà Nội. - Sputnik Việt Nam
Khẩu chiến Mỹ- Trung. Việt Nam và ASEAN ủng hộ Hoa Kỳ duy trì hòa bình ở Biển Đông

Đại sứ Phạm Quang Vinh phân tích, mặc dù mỗi thời tổng thống Mỹ có thể có cách tiếp cận khác đi đối với tình hình Biển Đông dựa trên cách tiếp cận song phương hay đa phương, nhưng có thể nhận thấy, trong thời gian qua, Mỹ vẫn tìm cách gắn kết chặt chẽ hơn với các quốc gia trong khu vực đồng thời tăng cường sự hiện diện cả về quân sự, kinh tế, an ninh trong khu vực để đảm bảo lợi ích của Hoa Kỳ.

“Mỹ dù muốn dù không vẫn phải tạo ra không gian hợp tác với các nước và các đối tác trong khu vực, và như vậy, họ vẫn phải tiếp tục coi trọng ASEAN”, Đại sứ Phạm Quang Vinh nói.

Cũng theo vị chuyên gia, cuối cùng, Washington sẽ vẫn quan tâm đặc biệt đến vấn đề tôn trọng và tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 giữa các bên liên quan.

Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao nêu rõ, mặc dù chưa tham gia UNCLOS nhưng Mỹ vẫn luôn ủng hộ mạnh mẽ các quốc gia tham gia công ước này.

“Hơn thế nữa, dù lưỡng đảng lớn tại Mỹ đang chia rẽ sâu sắc trong rất nhiều vấn đề, họ vẫn nhất quán trong vấn đề Biển Đông, đặc biệt là trong việc ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế về vụ kiện của Philippine ngày 12/7/2016, cũng như bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò phi lý của Trung Quốc”, ông Phạm Quang Vinh cho hay.

Thà không có COC còn hơn là một bộ quy tắc ứng xử tồi

Trong phiên thảo luận thứ nhất về chủ đề “Biển Đông trong bối cảnh nhiều biến động”, đánh giá phân tích về bối cảnh hiện nay, nhiều ý kiến đề cập đến vấn đề hành xử của các nước lớn trên Biển Đông, nhất là thái độ của Trung Quốc đối với những hành động đơn phương ở khu vực tranh chấp.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Hoa Kỳ. - Sputnik Việt Nam
Ngừng gây căng thẳng ở Biển Đông: Mỹ không thừa nhận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc

Thực tế, là một trong các bên có chung tranh chấp lãnh thổ, hải đảo ở Biển Đông, các nước hướng đến đối thoại để giải quyết những bất đồng, tranh chấp trên biển đồng thời rất cần Trung Quốc tham gia, chia sẻ nỗ lực chung cho hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn ở khu vực.

Biển Đông là vùng biển chiến lược, tuyến hàng hải vô cùng quan trọng, chiếm tới 40% lưu thông thương mại toàn cầu. Đại sứ Phạm Quang Vinh và nhiều đại biểu cùng nhất quán quan điểm rằng, điều kiện cơ bản nhất để đạt được mục tiêu “an ninh, hòa bình, ổn định ở Biển Đông” là các nước đồng thuận trong việc nhấn mạnh ý nghĩa luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước luật Biển (UNCLOS) 1982, tức nguyên tắc hành xử là tôn trọng một trật tự thế giới dựa trên luật lệ, ứng xử “thượng tôn pháp luật quốc tế”, đảm bảo lợi ích giữa các bên.

Các ý kiến cũng cho rằng cần thúc đẩy đối thoại nhiều chiều với Trung Quốc nhằm  tháo gỡ những mâu thuẫn, căng thẳng cho những hành động làm gia tăng phức tạp tại Biển Đông của nước này.

Bắc Kinh đã xâm phạm các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, tuyên bố chủ quyền trái luật pháp với đường lưỡi bò chiếm trọn Biển Đông, coi Biển Đông là “ao làng”, là “sân nhà”, đơn phương giải thích sai luật, để từng bước hiện thực hoá yêu sách chủ quyền ở các vùng biển tranh chấp.

Như trong phần phát biểu của mình hôm qua 16/11, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cũng thẳng thắn, việc đơn phương diễn giải luật pháp quốc tế không phù hợp với chuẩn mực và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế đã làm suy giảm ý nghĩa sự toàn vẹn giá trị thống nhất và phổ quát của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

USS Montgomery (LCS 8) USS và Gabrielle Giffords (LCS 10) tàu chiến duyên hải ở Biển Đông vào ngày 28 tháng 1 năm 2020. - Sputnik Việt Nam
Trung Quốc tố Mỹ gây bất ổn tình hình biển Đông

Nhà ngoại giao Việt Nam cũng khẳng định, vấn đề Biển Đông chính là “phép thử” đối với khả năng duy trì đối thoại, hợp tác vì lợi ích chung của khu vực và quốc tế, phép thử với sự minh bạch và phù hợp của chính sách cũng như hành động trên thực tế của các nước, theo chuẩn mực quốc tế.

Biển Đông cũng chính là phép thử trong chuẩn mực ứng xử giữa các nước, nhất là giữa các nước lớn với nhau và tác động của nó đối với cục diện thế giới trong những năm tới, phép thử với thượng tôn pháp luật và khả năng định hướng hành xử của các quốc gia theo luật pháp quốc tế.

Các đại biểu nhất trí rằng, việc thúc đẩy đối thoại trước hết là giữa ASEAN với Trung Quốc trong việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Nguyên tắc được nhấn mạnh trong quá trình đàm phán, xây dựng COC là phải dựa trên Công ước luật Biển.

Về vấn đề này, Đại sứ Phạm Quang Vinh cho rằng, luật pháp quốc tế và những nguyên tắc của ASEAN đã được các nước tôn trọng và ủng hộ thì Trung Quốc cũng tôn trọng và ủng hộ. Việc đạt được yêu cầu “căn cứ trên UNCLOS 1982” khi xây dựng Bộ quy tắc ứng xử là rất hệ trọng.

“Nếu Trung Quốc cũng dựa trên luật lệ, các nước khác cũng dựa trên luật lệ, sẽ có rất nhiều cơ hội cho hoà bình, hợp tác, thịnh vượng trong khu vực, và đặc biệt là xây dựng lòng tin - cái thiếu nhất hiện nay”, Đại sứ Phạm Quang Vinh thẳng thắn.

Trong khi đó, Chuẩn Đô đốc Juergen Ehle, Cố vấn Quân sự Cấp cao về Hành động Đối ngoại của Liên minh Châu Âu (EEAS) nhấn mạnh, EU ủng hộ sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông bảo đảm công bằng, hài hòa lợi ích cho tất cả các quốc gia.

“EU là một tổ chức đa phương nên ủng hộ giải pháp đa phương trong các vấn đề quốc tế”, ông Jurgen Ehle cho biết.

UNCLOS là văn bản đặt ra cơ sở pháp lý cho mọi hoạt động trên biển và các quốc gia dù có biển hay không có biển, dù có nằm bên bờ Biển Đông hay không thì cũng phải tuân thủ.

“Chúng tôi ủng hộ việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử COC nhưng quan trọng, đó phải là kết quả của đàm phán thực chất trên nguyên tắc tuân thủ UNCLOS, đảm bảo hài hoà lợi ích của các quốc gia. Nếu được như như vậy thì tốt, còn không thì thà không có COC còn hơn là chỉ có một bộ quy tắc ứng xử tồi”, Chuẩn Đô đốc Juergen Ehle cho hay.
ASEAN cần phối hợp đấu tranh trước Trung Quốc

Phó Đô đốc, cựu Tư lệnh Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản Yoji Koda cho biết, tình hình Biển Đông gần đây trở nên ngày càng căng thẳng.

máy bay ném bom H-6K - Sputnik Việt Nam
Trung Quốc bắn tên lửa ở Biển Đông: Dọa Mỹ, bắt nạt Việt Nam và các nước láng giềng

Theo vị chuyên gia, nguyên nhân chính của thực trạng này là do các hành vi của Bắc Kinh. Trung Quốc luôn tuyên bố chủ quyền đối với Biển Đông và tự xem đây là “lợi ích cốt lõi” của quốc gia, dân tộc.

Chuyên gia Nhật Bản cho rằng, bên cạnh chiến lược ứng phó của các nước Đông Nam Á trước các hành vi của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước bị xâm phạm, Mỹ cũng đang có lập trường mạnh mẽ đối với Trung Quốc.

“Washington đã điều động các nhóm tác chiến tàu sân bay đến Biển Đông để thể hiện sự phản đối với Bắc Kinh. Nếu không có các nhóm tác chiến tàu sân bay, các nhóm tàu chiến viễn chinh hoặc các lực lượng khác cũng có thể được Mỹ điều động đến vùng biển này để ứng phó Trung Quốc. Nhật Bản và Australia cũng đang có các động thái tương tự với Mỹ vì có cùng mục tiêu”, Phó Đô đốc, cựu Tư lệnh Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản Yoji Koda nói.

Bình luận về thách thức lớn nhất đối với Biển Đông hiện nay, ông Koda cho rằng đó chính là những hành vi gây hấn “thích thể hiện”, “thích phô trương” của Trung Quốc nhằm khẳng định chủ quyền, lợi ích và thiết lập quyền kiểm soát toàn diện.

Chuyên gia Nhật đánh giá, dù bị cộng đồng quốc tế lên án nhưng Trung Quốc không hề điều chỉnh hành vi thái độ của mình mà chỉ một mực muốn “làm bá chủ” ở Biển Đông và thể hiện sự thống trị trong khu vực.

Điều đáng cân nhắc là, Trung Quốc có quan hệ kinh tế thiết yếu và quan trọng, nhiều quốc gia hiện đang phụ thuộc nghiêm trọng vào Bắc Kinh khiến rất dễ ảnh hưởng đến chính sách của các bên.

USS Nimitz, USS Ronald Reagan và USS Theodore Roosevelt  - Sputnik Việt Nam
Chê Mỹ tới tấp nhưng lính Trung Quốc vẫn sợ phải đụng độ ở Biển Đông

Phó Đô đốc, cựu Tư lệnh Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản Yoji Koda nhấn mạnh, trong các tình huống khác nhau, điều cốt lõi nhất đối với khu vực ASEAN và cộng đồng quốc tế chính là việc phối hợp, cùng nỗ lực nhìn về một hướng.

“Để đảm bảo hòa bình ở Biển Đông, chúng ta cần phối hợp hành động phù hợp với Bắc Kinh. Thêm vào đó, cũng cần nỗ lực phối hợp cùng sự hiện diện của một số bên khác như Mỹ”, ông Koda nhấn mạnh.

Trong khi đó, Luật sư, chuyên gia Hoàng Việt nhận định, hiện nay, dù còn có nhiều điểm khác biệt, nhưng ở Hội nghị cấp cao ASEAN 36 (tháng 6/2020), Việt Nam vẫn thành công trong việc thuyết phục các bên ra một lập trường chung về Biển Đông, trong đó đề cập tới Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982.

“Dù giữa đại dịch Covid-19, có rất nhiều thứ chưa được như mong muốn, nhưng Việt Nam đã nỗ lực hết sức trong thúc đẩy một nhận thức chung của ASEAN về Biển Đông, nhấn mạnh đoàn kết nội khối và việc giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN tại khu vực”, ông Hoàng Việt cho biết.

Đại sứ Phạm Quang Vinh cũng cho hay, tại Hội thảo về Biển Đông lần này, nhiều diễn giả đề cập đến vai trò của ASEAN, trong đó ASEAN phải bám sát vào những nguyên tắc mà mình đã đề ra, dựa vào luật pháp quốc tế và UNCLOS, tham vấn của ASEAN với tất cả các nước có liên quan trong và ngoài khu vực.

Cuộc tập trận của quân đội Hoa Kỳ ở Biển Đông. - Sputnik Việt Nam
Ý kiến chuyên gia: bất đồng ở Biển Đông biến thành xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc

Theo đó, quan điểm này của ASEAN đã được các nước trong và ngoài khu vực ủng hộ, nên lúc này ASEAN phải kiên trì quan điểm đó, hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải là điều tất cả các nước phải có trách nhiệm đóng góp.

“ASEAN phải đoàn kết và phát huy vai trò trung tâm của mình trong khu vực, dù cạnh tranh nước lớn, dù Biển Đông có phức tạp hay không, ASEAN cần môi trường hòa bình, ổn định nơi đây”, Đại sứ Phạm Quang Vinh nêu rõ.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала