Vietnam Airlines xin lỗi vụ lây Covid-19 ra cộng đồng. Bộ trưởng Thể nói gì?

© Thống Nhất – TTXVNThủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2020
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2020 - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Vietnam Airlines vừa chính thức lên tiếng xin lỗi về trường hợp nam tiếp viên D.V.H của hãng để lây nhiễm virus corona ra cộng đồng do không tuân thủ quy định cách ly. Hãng cam kết phối hợp điều tra xử lý tất cả các cá nhân, tổ chức tùy mức độ sai phạm theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định việc xử lý các cá nhân của Vietnam Airlines hoặc người trực tiếp vi phạm thuộc thẩm quyền của Ủy ban Nhân dân TP.HCM. Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải sẽ “phối hợp”.

Vietnam Airlines xin lỗi vì trường hợp tiếp viên để lây nhiễm Covid-19

Trong thông cáo báo chí phát đi chiều 2/12, Vietnam Airlines đã chính thức lên tiếng xin lỗi vì để xảy ra trường hợp tiếp viên làm lây nhiễm Covid-19.

Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam – Vietnam Airlines cho biết, theo hướng dẫn tại văn bản số 3951/CV-BCĐ của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 về việc áp dụng các biện pháp cách ly đối với tổ bay của các hãng hàng không, trong đó có Vietnam Airlines, tiếp viên D.V.H của hãng sau khi hoàn thành thời gian cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm đã có kết quả xét nghiệm đủ 2 lần âm tính và được phép về nơi cư trú để tiếp tục cách ly theo quy định.

Vietnam Airlines khẳng định, hãng luôn quán triệt việc tuân thủ các quy định cách ly tập trung và cách ly tại nơi cư trú đến từng cán bộ nhân viên.

Mặc dù vậy, theo Vietnam Airlines, do công tác quản lý, giám sát của Ban quản lý khu cách ly tập trung Đoàn tiếp viên Vietnam Airlines phía Nam cũng như ý thức chủ quan cá nhân, tiếp viên D.V.H đã vi phạm quy định cách ly là tiếp xúc với đồng nghiệp, bạn bè, người thân trong quá trình cách ly tập trung cũng như tại nơi cư trú, đã lây nhiễm virus cho người khác.

Các biện pháp bảo mật chống coronavirus ở Việt Nam. - Sputnik Việt Nam
Việt Nam lần đầu tiên ghi nhận ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng sau 88 ngày

Đại diện Vietnam Airlines khẳng định, hãng luôn xác định an toàn phòng chống dịch cho hành khách, cán bộ, nhân viên, phi công, tiếp viên và cộng đồng là ưu tiên số 1.

“Hãng đang tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan để điều tra, xử lý tất cả các cá nhân, tổ chức căn cứ trên mức độ sai phạm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, hãng hàng không Quốc gia Việt Nam cho biết.

Ngoài ra, hãng cũng phối hợp với Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và các bộ, ngành liên quan để thắt chặt, nâng cao quy trình phòng chống dịch cho tổ bay sau khi thực hiện các chuyến bay quốc tế về Việt Nam, nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.

Vietnam Airlines cho biết, trước đó, nhằm hỗ trợ công tác tổ chức cách ly tại Hà Nội, TP.HCM và các vùng lân cận trong mùa dịch, vào tháng 6/2020, hãng đã chủ động đầu tư, trang bị cơ sở hạ tầng để thành lập một trung tâm cách ly tại Hà Nội và 2 trung tâm cách ly tại TP.HCM để phục vụ cách ly cán bộ, nhân viên, phi công, tiếp viên khi thực hiện nhiệm vụ có nguy cơ lây nhiễm Sars-CoV-2.

Các trung tâm cách ly này đều đã nhận được sự chấp thuận thành lập từ UBND, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Hà Nội và TP.HCM, dựa trên cơ sở thẩm định, đánh giá của các Sở Y tế, các Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội và TP.HCM.

Tính đến thời điểm hiện tại, các trung tâm này đã phục vụ gần 10.000 lượt cán bộ, nhân viên, phi công và tiếp viên của Vietnam Airlines sau khi thực hiện nhiệm vụ.

Vietnam Airlines đề xuất tăng số lần xét nghiệm lên 4-5 lần

Theo quy định hiện hành, việc cách ly của tổ bay thực hiện các chuyến bay quốc tế tuân theo hướng dẫn của Công văn 3588/CV-BCĐ do Ban Chỉ đạo phòng quốc gia phòng chống dịch Covid-19 ban hành tháng 7/2020.

Cụ thể, các tiếp viên được cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm theo quy định cùng với toàn bộ các thành viên tổ bay và hành khách trên chuyến bay.

© Đinh Hằng - TTXVNNhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm người dân trong khu vực Lô E, Lò Gốm (Phường 7, Quận 6)
Vietnam Airlines xin lỗi vụ lây Covid-19 ra cộng đồng. Bộ trưởng Thể nói gì? - Sputnik Việt Nam
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm người dân trong khu vực Lô E, Lò Gốm (Phường 7, Quận 6)

Nếu tất cả hành khách và các thành viên tổ bay có kết quả xét nghiệm âm tính 2 lần thì các thành viên còn lại của tổ bay được phép rời khỏi khu cách ly và tiếp tục thực hiện cách ly y tế tại nhà, nơi cư trú theo hướng dẫn của Bộ Y tế cho đến khi thực hiện nhiệm vụ quốc tế tiếp theo (phải thực hiện xét nghiệm 24 giờ trước chuyến bay quốc tế tiếp theo).

“Trước đây khi chưa có trường hợp bệnh nhân 1342 thì ai cũng tin rằng sau 2 lần âm tính là khá đảm bảo rồi. Sau vụ bệnh nhân 1342, chúng tôi kiến nghị trong thời gian cách ly tập trung phải xét nghiệm 3-4 lần thay vì 2 lần như hiện nay. Còn việc thay đổi quy trình cách ly sẽ do Ban chỉ đạo quốc gia quyết định”, một đại diện Vietnam Airlines thông tin cho biết hôm 1/12.

Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam cũng đã đề xuất lên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 tăng số lần xét nghiệm từ 2 lên 4 - 5 lần đối với toàn bộ phi hành đoàn (nếu tất cả kết quả đều cho âm tính mới được từ khu cách ly tập trung về cách ly tại nơi cư trú) để đảm bảo an toàn chặt chẽ, tương ứng với số ngày cách ly tại khu vực cách ly tập trung sẽ tăng từ 4 - 5 ngày hiện tại lên 14 ngày.

“Việc tăng số lần xét nghiệm được kỳ vọng sẽ giúp rà soát kỹ hơn nguy cơ lây nhiễm của tổ bay”, phía Vietnam Airlines nhấn mạnh.

Vietnam Airlines cho biết, nhằm đảm bảo chặt chẽ trong quá trình giám sát với tiếp viên, phi công sau khi rời khu cách ly về địa bàn cư trú, hãng sẽ tích cực phối hợp với chính quyền các địa phương để có biện pháp giám sát song song, tránh tình trạng lỏng lẻo trong giám sát dẫn đến nguy cơ vi phạm trong cách ly tại nơi cư trú.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói vụ xử lý sai phạm của Vietnam Airlines

Phát biểu trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 sáng nay ngày 2/12, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) Nguyễn Văn Thể đã có phần báo cáo với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc phối hợp với các cơ quan liên quan làm rõ trách nhiệm trong việc để dịch bệnh Covid-19 lây lan ra cộng đồng như vừa qua.

Báo cáo về việc phối hợp giải quyết xử lý các trường hợp cá nhân tổ chức liên quan đến vi phạm quy định phòng chống dịch Covid-19 tại khu cách ly tập trung của Vietnam Airlines ở quận Tân Bình, TP.HCM, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, việc xử lý thuộc thẩm quyền của chính quyền thành phố Hồ Chí Minh.

Lãnh đạo Bộ GTVT cho hay, cơ quan chức năng liên quan hiện đang xem xét về mặt pháp lý để tiến hành xử phạt. Theo đó, một số biện pháp xử lý được đề xuất như cảnh cáo, kỷ luật các tổ chức như Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam – Vietnam Airlines không đảm bảo quy định của nhà nước về công tác phòng chống dịch.

“Anh em tham mưu là bộ có thể cảnh cáo, kỷ luật các tổ chức như Vietnam Airlines hoặc các đơn vị tổ chức cách ly không đảm bảo quy định”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay.

Người đứng đầu Bộ GTVT cũng khẳng định, việc xử lý các cá nhân của Vietnam Airlines hoặc cá nhân trực tiếp vi phạm thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân TP.HCM.

“Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với thành phố trong vấn đề này”, ông Nguyễn Văn Thể khẳng định.

Thủ tướng chỉ đạo làm rõ và xử nghiêm sai phạm vụ lây nhiễm Covid-19 ra cộng đồng

Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng khẳng định, vi phạm của bệnh nhân 1342 và Vietnam Airlines là rất nghiêm trọng.

Bệnh nhân 1342 sau khi về cách ly tại nhà, còn ở chung với 3 người khác, vẫn đi học tại Đại học Hutech Tp.HCM và đi đến nhiều địa điểm khác trong thành phố.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu - Sputnik Việt Nam
Việt Nam dừng các chuyến bay thương mại, yêu cầu xử nghiêm vụ lây Covid-19 ra cộng đồng
“Bệnh nhân 1342 có 2 vi phạm nghiêm trọng, một là ngay trong khu cách ly tập trung đã vi phạm tiếp xúc với bệnh nhân khác và lây, thứ hai cách ly tại nhà, quy định không được tiếp xúc thì lại tiếp xúc người khác. Đây là vi phạm rất nghiêm trọng”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chỉ rõ.

Trong khi đó, khu cách ly do Vietnam Airlines quản lý cũng không tuân thủ các quy định về cách ly y tế, phòng chống Covid-19 tại cơ sở cách ly tập trung. Quy định của Bộ Y tế là khi phát hiện bệnh nhân dương tính, lập tức đối tượng tiếp xúc phải cách ly tập trung 14 ngày, nhưng thực tế lại cho về.

“Kể cả khi cho về rồi cũng không tiến hành kêu gọi cách ly tập trung, như vậy đây là một trong những vi phạm nghiêm trọng”, Bộ trưởng Y tế nhắc nhở.

Trước đó, như hôm qua Sputnik Việt Nam đã thông tin, phát biểu tại buổi họp Chính phủ về các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 sau khi TP.HCM liên tiếp ghi nhận các ca lây nhiễm coronavirus trong cộng đồng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đích thân ông đã phải gọi điện thoại cho lãnh đạo TP.HCM và Bộ Y tế yêu cầu có biện pháp mạnh hơn, khẩn trương ứng phó với tình hình dịch bệnh hiện tại.

“Tôi yêu cầu phải làm rõ trách nhiệm về việc lây nhiễm này, ở bộ phận nào, cá nhân nào trong thực hiện quy trình cách ly. Cơ quan nào chịu trách nhiệm”, Thủ tướng tỏ ra bức xúc và yêu cầu trước hết, TP.HCM phải thực hiện cấp bách, thần tốc việc điều tra, truy vết, cách ly mọi đối tượng F1, F2, không để dịch thành vòng tuần hoàn thứ ba lây ra cộng đồng.

Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chủ trì chỉ đạo kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, xác định đây là vi phạm nghiêm trọng, cần phải có biện pháp xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân liên quan vì vi phạm quy định cách ly phòng chống dịch bệnh.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bộ Y tế, Thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm giám sát việc này, không thể không xử lý để ngăn ngừa, giáo dục chung.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала