Tướng Vịnh: Việt Nam không bỏ Biển Đông, giữ “hòa thuận” với Trung Quốc, Lào, Campuchia

© Ảnh : Dương Giang - TTXVNThượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Trưởng ADSOM Việt Nam phát biểu báo cáo kết quả Hội nghị ADSOM Việt Nam.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Trưởng ADSOM Việt Nam phát biểu báo cáo kết quả Hội nghị ADSOM Việt Nam.  - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Hôm nay, Việt Nam kỷ niệm 76 năm ngày Thành lập Quân đội nhân dân. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khi nói về chính sách, chiến lược đối ngoại quốc phòng trong tình hình mới khẳng định, Việt Nam chủ động đưa ra “luật chơi”, các nước lớn phải tôn trọng luật lệ ở ASEAN.

Việt Nam rất coi trọng quan hệ “hòa thuận” với các nước láng giềng như Lào, Campuchia, Trung Quốc, “bạn bè cũ” như Nga, Cuba, hay các đối tác mới như Nhật, Hàn Quốc – các quốc gia phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế.

Về Biển Đông, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh thừa nhận còn nhiều thách thức, khó khăn, nhạy cảm, nhưng Việt Nam không bao giờ buông, từ bỏ chủ quyền. Hà Nội vẫn đấu tranh theo luật pháp quốc tế.

Tướng Nguyễn Chí Vịnh: Không đơn vị nào của quân đội “đóng băng” vì Covid-19

Công tác đối ngoại, đường lối, chính sách ngoại giao quốc phòng của Việt Nam vẫn luôn được đánh giá cao. Được Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp chỉ đạo, nhất là về mặt tư tưởng, tinh thần, được sự quản lý, hỗ trợ của Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, những người làm đối ngoại về an ninh – quân sự của Việt Nam năm vừa qua tiếp tục nỗ lực, đạt những thành tựu đáng khen ngợi, bảo vệ nền độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia – dân tộc của Việt Nam, vừa góp phần duy trì ổn định, thúc đẩy hòa bình khu vực và thế giới.

Hội nghị Quan chức Quốc phòng cấp cao ASEAN (ADSOM) tại điểm cầu Hà Nội. - Sputnik Việt Nam
Tướng Nguyễn Chí Vịnh: Đảm bảo lợi ích cao nhất của 10 nước ASEAN trong hợp tác quốc phòng

Nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có cuộc trao đổi chi tiết với nhiều điểm quan trọng về hoạt động đối ngoại quốc phòng của Việt Nam trong thời gian qua.

Bàn về những biến động, khó khăn thách thức trong năm 2020, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết, đây là năm cuối nhiệm kỳ. Thuận lợi cơ bản trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng quân sự đó là đã có đà trong 4 năm đầu nhiệm kỳ.

Tướng Vịnh nêu rõ, trong 4 năm đó, Quân đội đã có được sự lãnh đạo rất thường xuyên, chặt chẽ của Đảng, sự hỗ trợ, điều hành của Chính phủ và đạt nhiều thành tích.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nếu nhìn khái quát thì cũng như những ngành khác, năm 2020 là năm đầy khó khăn, thách thức với quân sự quốc phòng, không chỉ do đại dịch Covid-19, nhưng đại dịch Covid-19 là đặc điểm quan trọng nhất, làm cho thế giới ngưng trệ, không một lĩnh vực, châu lục hay quốc gia nào tránh được ảnh hưởng.

“Xét trên bình diện quốc gia, Việt Nam đã chống chọi rất tốt với dịch Covid-19. Đến nay, đất nước ta về cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19 nhưng quân đội vẫn đặt ra những nhiệm vụ nặng nề”, Tướng Vịnh nói.

Cụ thể, đối với lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam, đó là nhiệm vụ tham gia phòng, chống dịch SARS-CoV-2 với những chức năng, nhiệm vụ đặc thù như khử trùng tiêu độc, canh gác biên giới, chống xuất nhập cảnh lậu, đảm bảo cho những khu cách ly với số lượng hàng trăm nghìn người, các hoạt động về quân y, hỗ trợ.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ cho các sĩ quan đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc - Sputnik Việt Nam
Tướng Nguyễn Chí Vịnh: Không nước nào có thể buộc Việt Nam chọn phe

Cùng với đó, không được quên phải thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự quốc phòng, và không được để nhiệm vụ này bị cản trở do dịch bệnh. Nhiệm vụ đầu tiên là bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ bình yên cho đất nước.

“Chúng ta đã bảo vệ chặt chẽ chủ quyền biên giới, biển đảo, vùng trời để đất nước bình an, hòa bình, tập trung chống dịch Covid-19 cũng như duy trì phát triển kinh tế”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nêu rõ.

Cùng với đó, dù có dịch Covid-19 nhưng nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu không được buông lơi bất kỳ giây phút nào. Đặc thù của Quân đội là sự sinh hoạt tập thể.

“Môi trường như thế rất dễ bị lây nhiễm nhưng chúng ta đã đảm bảo các đơn vị tổ chức huấn luyện sẵn sàng chiến đấu rất tốt, không bị dịch Covid-19 cản trở”, Tướng Vịnh nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đánh giá, năm 2020 toàn quân đã đảm bảo thực hiện nhiệm vụ trên tất cả các lĩnh vực, không để một đơn vị nào ngưng trệ, hay như người ta gọi là “đóng băng” hoạt động do dịch bệnh.

Bảo vệ chủ quyền Biển Đông, “hòa thuận” với láng giềng Trung Quốc, Lào, Campuchia

Khái quát những kết quả nổi bật của quốc phòng Việt Nam những năm qua, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết, công tác đối ngoại quốc phòng là một bộ phận của đối ngoại Nhà nước.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ADSOM Việt Nam chủ trì hội nghị. - Sputnik Việt Nam
Tướng Nguyễn Chí Vịnh nói về vấn đề Biển Đông

Đặc trưng của đối ngoại quốc phòng là xây dựng lòng tin. Lực lượng quân sự là lực lượng chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc, nhưng trong thời bình thì đây lại là lực lượng rất đặc biệt bảo vệ hòa bình, tình hữu nghị giữa các quốc gia bằng sự hợp tác, cam kết không sử dụng vũ lực trong mọi vấn đề trong quan hệ quốc tế.

Chính vì đặc trưng đó, mà theo đồng chí Nguyễn Chí Vịnh, những năm gần đây không chỉ Việt Nam mà tất cả các nước trên thế giới rất quan tâm đến lĩnh vực đối ngoại quốc phòng.

Trong văn kiện của Đảng đã nêu rõ là phải bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa,” cụ thể là bảo vệ bằng biện pháp hòa bình trong thời bình. Trong nội hàm bảo vệ Tổ quốc, ngoài bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ chế độ, bảo vệ nhân dân còn có bảo vệ hòa bình, do đó Quân đội phải tham gia tích cực vào hoạt động đối ngoại.

Tướng Vịnh bổ sung thêm, trong hoạt động đối ngoại, đầu tiên là quan tâm tới quan hệ với các nước láng giềng như Lào, Campuchia, Trung Quốc để có mối quan hệ thuận hòa, đặc biệt là đường biên giới ổn định, hòa bình.

“Nếu biên giới không ổn định, hòa bình thì đất nước không thể phát triển. Chúng ta đã duy trì được điều đó ở đường biên giới trên bộ, trên Vịnh Bắc Bộ, đó chính là phên dậu, động lực, cơ sở để đất nước ổn định, hợp tác, phát triển”, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam chia sẻ.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh tiếp bà Bonnie Glick, Phó Tổng Giám đốc toàn cầu Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ. - Sputnik Việt Nam
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói về hợp tác Việt-Mỹ trong khắc phục hậu quả chiến tranh
Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam thừa nhận, ở Biển Đông “còn nhiều khó khăn, thách thức”, nhưng nhìn khái quát lại Việt Nam vẫn giữ được những gì đang giữ.

“Chúng ta không buông, không dừng công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền chính đáng theo luật pháp quốc tế và của Việt Nam. Bên cạnh đó, các hoạt động lao động hòa bình trên biển như dầu khí, đánh cá, nghiên cứu biển, giao thông, du lịch vẫn được phát triển”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh.

Đại diện Bộ Quốc phòng cũng bày tỏ, trong quan hệ với các nước lớn cũng như các nước có lợi ích liên quan, đến nay Việt Nam đã có quan hệ về mặt quốc phòng quân sự với hơn 80 quốc gia trên thế giới.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng khẳng định, quan hệ đối ngoại quốc phòng song phương của Việt Nam dựa trên nguyên tắc là phải có nội dung thực chất, đem lại hiệu quả thiết thực cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Lần đầu tiên cán bộ Nhà nước Việt Nam thi được vào cơ quan Liên Hợp Quốc

Về quan hệ đa phương, trong những năm qua hợp tác quốc phòng có những bước tiến vượt bậc. Hoạt động quốc phòng quân sự của Việt Nam trong ASEAN rất nổi bật.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh - Sputnik Việt Nam
Tướng Nguyễn Chí Vịnh: "Việt Nam nói là làm!"

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh, không chỉ dừng ở ASEAN, năm 2019, Việt Nam chính thức ký hợp tác và là thành viên đối tác của Liên minh châu Âu (EU) về mặt quốc phòng quân sự.

Năm 2020, Việt Nam đã ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), hợp tác kinh tế, đầu tư với những điều kiện rất thuận lợi cho phát triển kinh tế đất nước.

Bên cạnh hợp tác với Liên minh châu Âu, Việt Nam tăng cường hoạt động ở môi trường Liên hợp quốc, cụ thể là đưa lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam tham gia thực hiện nhiệm vụ tại địa bàn châu Phi.

Đặc biệt hơn, năm 2020 là năm đặc biệt khi lần đầu tiên Việt Nam có hai sĩ quan trúng tuyển vào cơ quan tham mưu chiến lược của Liên hợp quốc tại trụ sở Liên Hợp Quốc.

“Đây cũng là lần đầu tiên cán bộ Nhà nước của Việt Nam thi được vào cơ quan Liên hợp quốc. Điều này rất thuận lợi cho chúng ta trong việc triển khai các hoạt động, song quan trọng hơn là đã thể hiện đánh giá tích cực của Liên hợp quốc về vai trò của Việt Nam”, tướng Vịnh nhấn mạnh.

Ngoài ra, Thượng tướng cho hay, năm 2020 cũng có thể nói là năm tỏa sáng của các nữ sĩ quan Việt Nam. Hiện tỷ lệ nữ quân nhân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc của Việt Nam đạt khoảng 17%, cao nhất trong tất cả các nước trên thế giới.

Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh chào xã giao Thượng tướng Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe), Ủy viên Quân ủy Trung ương, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc. - Sputnik Việt Nam
Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh gặp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc

Ông nhấn mạnh, Liên Hợp Quốc phân công nhiệm vụ không có sự phân biệt giữa nam và nữ, không có sự đánh giá ưu tiên cho nữ, song tất cả những nữ sĩ quan gìn giữ hòa bình của Việt Nam đều được đánh giá hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ.

Tướng Vịnh nhắc lại việc một nữ quân nhân của Việt Nam (Trung tá Nguyễn Thị Liên đã tự may khẩu trang tặng miễn phí cho toàn bộ nhân viên Sở Chỉ huy Phái bộ Gìn giữ hòa bình LHQ và một số người dân Trung Phi) được Tổng Thư ký Liên hợp quốc tặng Bằng khen vì những đóng góp trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại địa bàn phái bộ.

“Liên hợp quốc đánh giá rất cao ý tưởng, tinh thần trách nhiệm, khả năng truyền cảm hứng của nữ sĩ quan ấy với cộng đồng”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh biểu dương.
Để các nước lớn phải “chịu thua một tiếng”

Bàn về vấn đề năm 2020 Việt Nam đảm nhận vai trò kép là Ủy viên không Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Chủ tịch ASEAN, cũng là năm Việt Nam chủ trì nhiều hoạt động đối ngoại quốc phòng quan trọng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết, trước khi chuẩn bị bước vào năm 2020, Chính phủ đã chỉ đạo tất cả các ngành chuẩn bị đầy đủ kế hoạch cho các hoạt động trong năm kép này, trong đó có mảng quân sự quốc phòng.

“Đã có nhiều kế hoạch hứa hẹn với những nội dung đặt ra yêu cầu rất cao nhằm tạo nên sự bứt phá về mặt vị thế của đất nước cũng như tiếng nói trên trường quốc tế, tuy nhiên ngay đầu năm chúng ta bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, phải tính toán lại toàn bộ nội dung công việc”, tướng Vịnh tỏ ra tiếc nuối.

Theo đại diện ban lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt Nam, ngay từ khi có dịch Covid-19, Bộ Quốc phòng đã xác định phải chuyển toàn bộ các hoạt động sang thích ứng với tình hình dịch bệnh kéo dài, như họp trực tuyến, điều chỉnh lại các kế hoạch.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - Sputnik Việt Nam
Tướng Nguyễn Chí Vịnh nói về giao lưu quốc phòng biên giới Việt-Trung

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng xác định dù có dịch bệnh nhưng vẫn giữ nguyên các nội dung hợp tác quốc tế về đối ngoại với cả ASEAN và Liên hợp quốc, duy trì tốt hoạt động gìn giữ hòa bình, không rút quân.

Đến nay, thời điểm gần cuối năm 2020, có thể nói tất cả những hoạt động về đối ngoại quân sự quốc phòng do Việt Nam chuẩn bị đều được hoàn thành tốt về mặt nội dung.

Gần đây nhất  từ 9-12/12, Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) với sự tham gia của 10 nước ASEAN, 8 nước đối tác và 5 nước khách mời (EU, Canada, Pháp, Anh, Đức) đều là những nước lớn. Hội nghị có sự tham gia của Bộ trưởng Quốc phòng tất cả các nước, dù trong điều kiện khó khăn về sự chênh lệch múi giờ.

Theo đồng chí Nguyễn Chí Vịnh, những nội dung được thảo luận tại Hội nghị rất bổ ích cho Việt Nam trong bảo vệ chủ quyền, nâng cao vị thế đất nước nhưng cũng tạo được sự đồng thuận của tất cả các nước.

“Điều này là vô cùng khó trong bối cảnh sự cọ xát chiến lược cạnh tranh giữa các nước lớn đang rất gay gắt”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nêu rõ.

Đáng chú ý, theo Thứ trưởng Quốc phòng, để đi đến thỏa thuận giữa các nước lớn về những vấn đề Việt Nam nêu ra là không hề dễ dàng, song Việt Nam đã làm được. Đặc biệt, Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung của ADMM+ về tầm nhìn chiến lược an ninh.

“Đây là lần đầu tiên sau 7 năm Hội nghị ADMM+ ra được tuyên bố chung với những nội dung như vấn đề Biển Đông, cam kết không sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế, không làm phức tạp thêm tình hình, tôn trọng thể chế chính trị của nhau vv…”, đồng chí Nguyễn Chí Vịnh chia sẻ.

Ông cho biết thêm, điều này là điều kiện thuận lợi, đồng thời cũng là dấu ấn góp phần khẳng định vị thế đất nước, vị trí địa chính trị và nỗ lực của Việt Nam trong những năm qua để các nước lớn chấp nhận thỏa thuận. Khẳng định, “Hà Nội không đứng ngoài sân chơi”.

“Cái chính là vị thế đất nước, vị trí địa chính trị, những nỗ lực của đất nước ta trong những năm vừa qua, để các nước lớn phải chấp nhận là người ta phải chịu thua một tiếng, để không đứng ngoài sân chơi của Hà Nội”, Tướng Vịnh chia sẻ.

Cùng với đó, hoạt động gìn giữ hòa bình của Việt Nam được Liên hợp quốc đánh giá cao với sự tham gia của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 ở Nam Sudan và rất nhiều sĩ quan ở các phái bộ tại Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan.

Thứ trưởng Bộ ngoại giao Lê Hoài Trung thông báo về việc Việt Nam đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 - Sputnik Việt Nam
Việt Nam đã sẵn sàng làm Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc

Chia sẻ thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh cho biết, với đặc thù công tác, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 của Việt Nam vừa phải đảm bảo không bị lây nhiễm, đồng thời vẫn duy trì hoạt động khám chữa bệnh cho các bệnh nhân cách ly nghi mắc Covid-19.

Một vấn đề nữa trong đối ngoại là việc giao lưu. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh lý giải, trong bối cảnh dịch bệnh do coronavirus, ngoài các cuộc họp trực tuyến thì làm thế nào để duy trì giao lưu, đặc biệt là tiếp xúc ở khu vực biên giới để giữ quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng.

Ông nhấn mạnh, phải làm sao để dù “khóa chặt” biên giới nhưng vẫn giữ được hòa khí, không để xảy ra lây nhiễm giữa hai bên cũng là một vấn đề khó khăn.

“Đó là những điều chúng ta vượt qua trong bối cảnh dịch Covid-19 mà tôi nghĩ đã đóng góp phần nào cho vai trò chủ nhà của Việt Nam năm 2020 trong ASEAN”, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam nhấn mạnh.
Việt Nam chủ động “ra luật chơi”, không trông chờ nước lớn

Đánh giá về tình hình an ninh, quốc phòng khu vực và thế giới năm 2021 sắp tới, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng tình hình năm sau vẫn theo xu hướng của những năm vừa qua, đó là sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng căng thẳng hơn và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Ông phân tích, sự cạnh tranh chiến lược ngày càng “đổ về” châu Á-Thái Bình Dương nhiều hơn.

“Đứng trong vòng xoáy đó, tôi nghĩ chúng ta phải tích cực đẩy mạnh quan hệ quốc phòng. Vì sao? Vì chúng ta phải chủ động đưa ra “luật chơi,” không ngồi chờ động thái từ các nước, nhất là các nước lớn, họ chơi trước. Đặc biệt, các nước lớn khi tham gia phải tôn trọng luật lệ ở khu vực ASEAN”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh bày tỏ.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen - Sputnik Việt Nam
Công lao to lớn. Thủ tướng Campuchia nói về Quân tình nguyện Việt Nam
Ngoài việc phát triển quan hệ đa phương như đã đề cập, Việt Nam rất coi trọng quan hệ song phương, nhất là với những nước láng giềng như Lào, Campuchia, Trung Quốc, những nước bạn bè cũ như Nga, Cuba, những nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc.

“Đó là những mối quan hệ, những quốc gia phục vụ rất đắc lực cho sự phát triển kinh tế. Hợp tác quốc phòng cần được đẩy mạnh để tăng sự tin cậy, phát triển kinh tế-xã hội đất nước trên cơ sở hợp tác quốc tế”, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam nêu rõ.

Ngoài ra, theo đồng chí Nguyễn Chí Vịnh, một lĩnh vực nữa mà đối ngoại quốc phòng phải cố gắng hơn là khắc phục hậu quả chiến tranh. Đây là nhiệm vụ của toàn xã hội và cả hệ thống chính trị, do Chính phủ điều hành nhưng giao cho Bộ Quốc phòng chủ trì.

Theo tướng Vịnh, trong hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh, hợp tác quốc tế rất quan trọng để huy động nguồn lực về tài chính, công nghệ, truyền thông, để thực hiện. Đó là những việc năm 2021 cần tiếp tục tập trung và đẩy mạnh hơn nữa.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала