Việt Nam dự kiến thử nghiệm vắc-xin Covid-19 thứ hai trong tháng 1/2021

© AP Photo / Peter HamlinThuốc chủng ngừa coronavirus COVID-19
Thuốc chủng ngừa coronavirus COVID-19 - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Vắc-xin ngừa Covid-19 thứ 2 của Việt Nam dự kiến sẽ đưa vào thử nghiệm trên người tình nguyện sớm hơn dự kiến ban đầu gần 2 tháng. Nếu kết quả của ba giai đoạn đều tốt, vắc-xin này sẽ ra mắt thị trường vào cuối năm 2021.

Bộ Y tế: Vắc-xin Covivac được đánh giá rất khả quan

Sau khi nghiên cứu thành công trên động vật, Viện Vắc-xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) đề nghị Bộ Y tế cho phép thử nghiệm vắc-xin Covid-19 Covivac trên người tình nguyện dự kiến vào tháng 1/2021, sớm hơn gần 2 tháng so với kế hoạch ban đầu. Như vậy, sau Nanocovax, đây là vắc-xin phòng Covid-19 thứ 2 của Việt Nam sẵn sàng thử nghiệm trên người.

Tiêm mũi vaccine đầu tiên ngừa COVID-19 Nano Covax nhóm liều 50mcg cho tình nguyện viên nữ - Sputnik Việt Nam
Ba tình nguyện viên đầu tiên tiêm thử nghiệm vắc-xin Nanocovax nhóm liều 50 mcg

Tiến sĩ Dương Hữu Thái, Viện trưởng Viện Vắc-xin và Sinh phẩm y tế cho biết Covivac đã được đánh giá có tính an toàn, khả năng miễn dịch hiệu lực bảo vệ trên động vật. Theo kế hoạch, IVAC sẽ phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (NIHE), Đại học Y Hà Nội để thử nghiệm lâm sàng.

Trước đó, IVAC đã bắt đầu nghiên cứu vắc-xin Covivac từ tháng 5/2020, sử dụng công nghệ nuôi cấy trên trứng gà có phôi, quy trình sản xuất tương tự sản xuất vắc-xin cúm đại dịch A/H5N1 đã được thiết lập.

Vắc-xin sẽ được chia ra nhiều hàm lượng liều khác nhau ứng với liều tiêm khác nhau và được thử với nhiều nhóm đối tượng, qua ba giai đoạn. Dự kiến liều lượng tiêm cho mỗi đối tượng là 1 mcg, 3 mcg và mỗi đối tượng tiêm 2 mũi cách nhau 28 ngày. Quá trình đó, IVAC cùng các đơn vị của Bộ Y tế sẽ theo dõi tình hình của các tình nguyện viên, diễn ra thuận lợi sẽ tiến hành các bước tiếp theo.

Các tình nguyện viên tham gia thử nghiệm giai đoạn 1 có độ tuổi từ 18 đến 59, khỏe mạnh, không mắc bệnh nền và được sàng lọc kỹ, cùng những tiêu chí đặc thù khác. Giai đoạn 1 sẽ kết thúc vào tháng 4/2020.

Nếu kết quả của ba giai đoạn đều tốt, vắc-xin Covid-19 thứ hai của Việt Nam sẽ ra mắt thị trường vào cuối năm 2021.

Tiến sĩ Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) cho biết vắc-xin Covivac đã được đánh giá tại Hoa Kỳ và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương với kết quả rất khả quan. Từ kết quả này, nhà sản xuất và Bộ Y tế đã dự định đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm trên người sớm hơn so với kế hoạch ban đầu.

Việt Nam hiện có 4 đơn vị tham gia nghiên cứu, sản xuất vắc-xin Covid-19, gồm: Công ty TNHH MTV Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH); Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vắc-xin và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC); Viện Vắc-xin và Sinh phẩm y tế và Công ty TNHH Công nghệ sinh học Dược Nanogen.

Trong đó, Công ty Nanogen đã tiêm thử nghiệm vắc-xin Nanocovax trên người từ ngày 17/12/2020. Các tình nguyện viên đã tiêm vắc-xin liều 25 mcg và 50 mcg. Hiện sức khoẻ người tình nguyện sau tiêm đều khỏe mạnh và không xuất hiện triệu chứng bất thường.

Chính phủ không để ai bị bỏ rơi do chi phí vắc-xin cao vượt khả năng chi trả của người dân

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương vào cuối tháng 12 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông tin Việt Nam bắt đầu tiến hành những thử nghiệm lâm sàng về vắc-xin Covid-19 trên người, qua đó cho thấy nền y học của nước nhà không thua kém nhiều nước trên thế giới, kể cả các nước phát triển.

Công ty Cổ phần VinaTex Hồng Lĩnh tại cụm công nghiệp Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) sản xuất và tiêu thụ trên 3.500 tấn sản phẩm sợi tại thị trường trong nước và xuất khẩu.  - Sputnik Việt Nam
Việt Nam trong năm 2020: Vừa chống COVID-19 thành công vừa phát triển

Thủ tướng cũng cho biết hiện chúng ta đã kiểm soát được sự lây lan của Covid-19 trong cộng đồng và phải nỗ lực để không cho dịch tái bùng phát. Hiện vắc-xin phòng Covid-19 đang tiến triển tốt. Chính phủ nỗ lực để không ai bị bỏ rơi do chi phí vắc-xin cao vượt khả năng chi trả của người dân.

Theo người đứng đầu Chính phủ, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp tại nhiều nước Đông Nam Á như Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Singapore. Trong đó, tại những địa bàn biên giới các tỉnh Tây Nam, nơi giáp với Campuchia, tình hình rất khó kiểm soát.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương, cơ quan chức năng tăng cường quản lý biên giới ở mức cao nhất; phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép, ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала