Việt Nam mua sắm vũ khí của Ấn Độ với mục đích gì?

© AFP 2023 / RaveendranTên lửa BrahMos
Tên lửa BrahMos  - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Việc Việt Nam mua sắm vũ khí chỉ nhằm tăng cường năng lực phòng thủ của Việt Nam và trong một giới hạn nhất định, nên không thể là mối đe dọa gây bất ổn trong vấn đề bảo đảm an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng.

Hồi cuối tháng 12/2020 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Ấn Độ Modi đồng chủ trì Hội đàm cấp cao trực tuyến Việt Nam - Ấn Độ.

Ngày 7/1, tờ Times of India  cho biết, chính phủ Ấn Độ đã lập danh sách những quốc gia "thân thiện" mà nước này có thể bán tên lửa diệt hạm BrahMos, tên lửa phòng không tầm trung Akash và nhiều khí tài quân sự khác. Trong danh sách này có Việt Nam.

Chiến đấu cơ phản lực Su-30MK2 của Không quân Việt Nam - Sputnik Việt Nam
Vũ khí trang bị hiện đại của quân đội Việt Nam: máy bay chiến đấu và tàu chiến

Hôm 14/1, tại cuộc họp báo thường kỳ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã bình luận thông tin Ấn Độ bán tên lửa cho Việt Nam và nhấn mạnh

"Trong cuộc điện đàm gần đây giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, hai bên trao đổi rất nhiều vấn đề liên quan đến các biện pháp thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, cũng như vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Ấn Độ chỉ là một trong những mảng hợp tác giữa hai nước”.

Vì sao Việt Nam phải bình luận về vấn đề này? Quan hệ hợp tác Việt - Ấn như thế nào và có tác động gì tới khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng? Phóng viên Sputnik đã tìm hiểu vấn đề này.

Quan hệ Việt Nam và Ấn Độ không nhằm tạo liên minh quân sự

Nhìn lại trang sử quan hệ Việt Nam -Ấn Độ thì chúng ta thấy rằng, Việt Nam và Ấn Độ có quan hệ ngoại giao ở cấp cao nhất từ gần 50 năm trước. Và hiện nay hai nước đang là đối tác chiến lược toàn diện của nhau. Sau hơn 10 năm triển khai hiệp định, Việt Nam và Ấn Độ đã có những bước tiến dài, sâu rộng và quan trọng trong việc thắt chặt quan hệ giữa hai nước, hai dân tộc đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlan Neru khởi xướng xây dựng.

“Việt Nam và Ấn Độ không chỉ có quan hệ về hợp tác quân sự-quốc phòng mà còn trải rộng trên nhiều bình diện khác như hợp tác về công nghiệp và năng lượng, nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm, y tế và chăm sóc sức khỏe, giao lưu văn hóa và tôn giáo .v.v…”, - Chuyên gia quan hệ quốc tế Nguyễn Minh Hoàng nói với Sputnik.

Sau cuộc hội đàm ngày 21-12-2020 giữa Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, hai bên đã ra bản Tuyên bố tầm nhìn chung về hòa bình, thịnh vượng và người dân nhằm định hướng phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Ấn Độ - Việt Nam trong tương lai. Trong đó có nêu rõ quan hệ Việt Nam và Ấn Độ không nhằm tạo liên minh quân sự mà nhằm mục đích “đóng góp vào sự phát triển của mỗi nước và hướng tới xây dựng một khu vực hòa bình, ổn định, đảm bảo an ninh, tự do, rộng mở, bao trùm và dựa trên luật pháp quốc tế”.

Hệ thống tên lửa phòng không S-300 - Sputnik Việt Nam
Vũ khí hiện đại của quân đội Việt Nam. Những gì trong trang bị của lực lượng lục quân?

Trả lời câu hỏi của phóng viên Sputnik về chủ đề tên lửa diệt hạm BrahMos và việc mua những vũ khí khác của Ấn Độ có phải là đề tài nhạy cảm hay không mà phát ngôn viên Bộ ngoại giao Việt Nam phải lên tiếng, chuyên gia quan hệ quốc tế Nguyễn Minh Hoàng nói:

“Tuyên bố tầm nhìn chung có đề cập đến việc “thúc đẩy các chương trình trao đổi quân sự, đào tạo và nâng cao năng lực cho ba quân chủng và cảnh sát biển; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng sử dụng các gói tín dụng quốc phòng của Ấn Độ dành cho Việt Nam”. Nhưng bên cạnh đó, bản Tuyên bố còn đề cập đến sự “hợp tác chặt chẽ hơn trong lĩnh vực an ninh thông qua các cơ chế đối thoại sẵn có nhằm ứng phó với các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống về hàng hải và trong không gian mạng, khủng bố, thiên tai, an ninh y tế, an ninh nguồn nước, tội phạm xuyên quốc gia”. Tuyên bố này cũng nhấn mạnh đến việc tăng cường hợp tác về kinh tế, thương mại, phòng chống thiên tai, khai thác năng lượng sạch, giao lưu văn hóa, hợp tác về y học cổ truyền.

Vì vậy, vấn đề hợp tác quân sự quốc phòng và an ninh giữa Việt Nam và Ấn Độ là bình thường trong quan hệ quốc tế và hoàn toàn phù hợp với lập trường “bốn không” của Việt Nam về đối ngoại quốc phòng đã được khẳng định trong “Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019 và do đó, không phải là vấn đề nhạy cảm.

Sở dĩ trong phát biểu của mình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam phải nói rõ quan điểm thống nhất chung của hai thủ tướng Việt Nam và Ấn Độ vì đã có một số hãng thông tấn nước ngoài và một số trang mạng đã đưa tin sai lệch về mối quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ, thậm chí là lợi dụng mâu thuẫn Ấn Độ với Trung Quốc để xuyên tạc bản chất hòa bình, hữu nghị và hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Ấn Độ”.

Việt Nam không chỉ mua vũ khí của Ấn Độ để tăng cường năng lực phòng thủ quốc gia

Cách đây 3 năm, khi Ấn Độ tích cực chào bán hệ thống tên lửa đất đối không tầm trung Akash cho Việt Nam, phía Trung Quốc đã có bình luận rằng,  việc New Delhi muốn thúc đẩy quan hệ quân sự với Hà Nội nhằm cân bằng lại với Bắc Kinh sẽ gây “bất ổn” trong vùng. Hoàn Cầu Thời báo đã viết:

“Nếu Chính phủ Ấn Độ thực sự coi việc tăng cường quan hệ quân sự với Việt Nam là một dàn xếp có tính chiến lược và thậm chí trả đũa lại chính phủ Trung Quốc, thì họ sẽ chỉ gây ra tình trạng bất ổn ở trong khu vực và Trung Quốc sẽ không khoanh tay ngồi yên”.

Vậy, nếu Việt Nam mua tên lửa diệt hạm BrahMos, tên lửa phòng không tầm trung Akash của Ấn Độ thì việc này sẽ ảnh hưởng như thế nào nào tới cục diện và an ninh khu vực?

Tên lửa phòng không Ấn Độ Akash - Sputnik Việt Nam
Việt Nam có chọn Akash-NG của Ấn Độ?

Trả lời phỏng vấn của Sputnik, chuyên gia quan hệ quốc tế Nguyễn Minh Hoàng bình luận:

“Những lời bình luận nói trên của tờ Hoàn Cầu thời báo hoàn toàn mang tính chủ quan, suy diễn, áp đặt, khiên cưỡng và là sự can thiệp thô bạo vào quan hệ song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ cũng như công việc nội bộ của Việt nam và Ấn Độ. Như “Sách trắng quốc phòng Việt Nam năm 2019” đã nêu rõ: Lập trường của Việt Nam là không tham gia liên minh quân sự, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự tại việt Nam, không cho nước ngoài lợi dụng Việt Nam để chống lại nước thứ ba và không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Còn việc Việt Nam hợp tác với các đối tác để mua sắm trang bị quốc phòng là nhằm tăng cường năng lực phòng thủ quốc gia chứ không phải nhằm mục đích tấn công bất ký nước nào. Và việc mua sắm vũ khí nào, mua sắm của ai là quyền độc lập, tự chủ và tự quyết của Việt Nam, không một quốc gia nào có quyền can thiệp”.

Cần nhấn mạnh một điều rằng, Việt Nam không chỉ mua vũ khí của Ấn Độ mà còn mua vũ khí của Liên bang Nga, của Israel và một số quốc gia khác. Việc mua sắm đó chỉ nhằm tăng cường năng lực phòng thủ của Việt Nam và trong một giới hạn nhất định nên không thể là mối đe dọa gây bất ổn trong vấn đề bảo đảm an ninh ở khu vực, nhất là bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải và hàng không trên khu vực Biển Đông cũng như đối với các nước láng giềng của Việt Nam.

Hợp tác quốc phòng – an ninh Việt Nam - Ấn Độ - nhân tố quan trọng đối với ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Như trong bản Tuyên bố tầm nhìn chung Việt Nam - Ấn Độ được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Narendra Modi thông qua đã chỉ rõ: Quan hệ hợp tác quốc phòng và an ninh giữa Việt Nam và Ấn Độ “sẽ là nhân tố quan trọng đối với ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.

Tàu của hải cảnh Trung Quốc - Sputnik Việt Nam
Việt Nam lên tiếng về việc hải cảnh Trung Quốc có thể sử dụng vũ khí chống tàu nước ngoài

Theo đó, các chương trình trao đổi quân sự, đào tạo và nâng cao năng lực cho ba quân chủng và cảnh sát biển sẽ được thúc đẩy; các gói tín dụng trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng của Ấn Độ dành cho Việt Nam sẽ được tăng cường sử dụng. Các hoạt động giao lưu quốc phòng thông qua các hoạt động tương hỗ hậu cần, các chuyến thăm thường xuyên của tàu hải quân, diễn tập chung, trao đổi về khoa học và công nghệ quân sự, chia sẻ thông tin và hợp tác trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc sẽ được tăng cường thể chế hóa.

“Tiếp theo, hai bên còn hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong lĩnh vực an ninh thông qua các cơ chế đối thoại sẵn có nhằm ứng phó với các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống về hàng hải và trong không gian mạng, khủng bố, thiên tai, an ninh y tế, an ninh nguồn nước, tội phạm xuyên quốc gia..., gồm cả thông qua tăng cường hợp tác pháp luật và tư pháp khi cần thiết.

Ngoài ra, Việt Nam và Ấn Độ còn khẳng định quyết tâm chống khủng bố dưới mọi hình thức và biểu hiện, bao gồm cả khủng bố xuyên biên giới, các mạng lưới tài trợ và bao che cho khủng bố, cụ thể hoá bằng việc tăng cường phối hợp trong các nỗ lực song phương, khu vực và toàn cầu; đồng thời, cam kết sẽ đẩy mạnh nỗ lực chung để xây dựng đồng thuận cho việc sớm thông qua Công ước Toàn diện về Chống Khủng bố Quốc tế (CCIT)”, - Chuyên gia Nguyễn Minh Hoàng chia sẻ thông tin với Sputnik.

Theo đánh giá chung, với tính chất chiến lược toàn diện, sâu rộng nói trên, quan hệ hợp tác quốc phòng và an ninh giữa Việt Nam và Ấn Độ sẽ góp phần quan trọng vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông, đồng thời, có tác dụng thúc đẩy việc phi quân sự hoá và kiềm chế trong hành động của các bên tuyên bố chủ quyền và tất cả quốc gia khác, tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định trong khu vực liên vùng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng..

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала