Việt Nam đứng trước cơ hội vàng sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội

© Depositphotos.com / Underworld1Cờ Việt Nam và Đảng Cộng sản
Cờ Việt Nam và Đảng Cộng sản - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
HÀ NỘI (Sputnik) - Trong 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn, từ diễn biến phức tạp của tình hình chính trị, kinh tế thế giới đến cuộc khủng hoảng Covid-19, song dưới sự lãnh đạo, dẫn dắt của Đảng, Nhà nước, đất nước đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng, toàn diện nhiều lĩnh vực.

Thành tựu ấn tượng trên mọi mặt

Về kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức khá cao. Giai đoạn 2011 - 2015, GDP đạt bình quân 5,9%/năm, giai đoạn 2016 - 2019 tăng lên 6,8%/năm.

Lá cờ việt nam - Sputnik Việt Nam
Bất chấp Covid: Việt Nam hái “trái ngọt” sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII
Năm 2020, dưới ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, khi hầu hết trung tâm kinh tế của thế giới tăng trưởng âm, GDP Việt Nam vẫn tăng 2,91%, thuộc nhóm cao nhất thế giới. Tính chung cả thời kỳ Chiến lược, GDP của Việt Nam tăng khoảng 5,9%/năm, thuộc nhóm tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới, theo Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển Kinh tế - Xã hội 10 năm 2011 - 2020 tháng 10/2020 trình Đại hội Đảng XIII.

Chất lượng tăng trưởng cải thiện từ phụ thuộc vào khai thác tài nguyên sang ứng dụng khoa học, công nghệ. Năng suất lao động bình quân tăng từ 4,3%/năm trong 5 năm đầu thực hiện Chiến lược lên 5,8% trong 5 năm gần đây. Nhờ thực hiện chủ động, đồng bộ, chặt chẽ các chính sách, kinh tế vĩ mô của Việt Nam ổn định vững chắc hơn, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện. Như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định:

“Chúng ta đã cùng nhau tạo ra hơn 1.200 tỷ USD GDP trong gần 5 năm, trên một nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định”. Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định. Vốn tín dụng cho nền kinh tế được đảm bảo.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá tăng gần 3,5 lần, từ 157,1 tỷ USD năm 2010 lên 543,9 tỷ USD năm 2020. Xuất khẩu tăng bình quân khoảng 14%/năm, là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, Việt Nam cũng mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, góp phần nâng cao năng lực xuất khẩu và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cụ thể, xuất siêu liên tục từ 2016-2020, cán cân thanh toán quốc tế thặng dư, dự trữ ngoại hối tăng từ 12,4-90 tỷ USD, tương ứng với các năm 2010, 2020.

Quy mô GDP tăng gần 3 lần

Việt Nam đạt kết quả tích cực trong việc thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt kết quả tích cực. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hoàn thiện theo hướng hiện đại, với trọng tâm là tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, thông thoáng.

Quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên. Từ năm 2010 đến 2020, quy mô GDP Việt Nam tăng gần 3 lần, từ 116 tỷ USD lên khoảng 343 tỷ USD. GDP bình quân đầu người tăng từ 1.331 USD năm 2010 lên khoảng 3.521 USD năm 2020. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết:

“Năm 2020, nền kinh tế Việt Nam nằm trong top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và đứng thứ 4 ASEAN, GDP bình quân đầu người đứng thứ 6 ASEAN”.

Tính tự chủ và khả năng chống chịu của nền kinh tế Việt Nam đã cải thiện. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát nghiêm trọng, Việt Nam đã thực hiện thành công “mục tiêu kép”: vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì, phát triển các hoạt động kinh tế, xã hội. Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) - bà  Virginia B. Foote - nhận định:

“Việt Nam đã đạt ‘thành công hiếm có’ trong việc ứng phó với ‘chủng virus khủng khiếp' SARS-CoV-2”.

Về nguồn nhân lực, Việt Nam đã chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, gắn với nhu cầu thị trường. Theo World Bank, từ 2010 - 2020, Chỉ số vốn nhân lực của Việt Nam tăng từ 0,66 lên 0,69, tiếp tục cao hơn mức trung bình của các nước cùng mức thu nhập. Theo UNDP, Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam năm 2019 là 0,63, xếp thứ 118/189 nước, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng chỉ số HDI cao nhất thế giới.

Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai nhiệm vụ năm 2021 - Sputnik Việt Nam
'Make in Vietnam' sẽ đưa ngành ICT tăng trưởng gấp 2-4 lần GDP

Về văn hóa - xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tiếp tục được nâng lên rõ rệt. Phát triển văn hoá, xây dựng con người Việt Nam đạt kết quả tích cực. Tỉ lệ hộ nghèo cả nước giảm nhanh, từ 14,2% năm 2010 xuống dưới 3% vào năm 2020.

Việt Nam đang triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 sau khi hoàn thành trước thời hạn nhiều mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong các lĩnh vực giảm nghèo, y tế, dân số, giáo dục. Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai được chú trọng, tăng cường. Hệ thống pháp luật, cải cách hành chính được hoàn thiện, đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Ngoài ra, Quốc phòng, an ninh cũng được đảm bảo. Việt Nam tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, thực chất hơn, đối ngoại đa phương gặt hái nhiều thành công. Đến năm 2020, Việt Nam đã ký 15 Hiệp định FTA, và 3 FTA thế hệ mới (EVFTA, RCEP và UKVFTA), có 16 đối tác chiến lược, 11 đối tác chiến lược toàn diện. Vị thế và uy tín trên trường quốc tế được nâng cao.

Hạn chế và bài học rút ra

Tuy nhiên, bên cạnh các thành công, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn mặt hạn chế, yếu kém.

Lao động được đào tạo nghề may tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. - Sputnik Việt Nam
Kinh tế Việt Nam có thể gặp những thách thức gì trong năm 2021?
Kết quả phát triển kinh tế - xã hội vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và thiếu bền vững. Mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt được. Tăng trưởng kinh tế thấp hơn mục tiêu Chiến lược đề ra (7 - 8%/năm), năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao. Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm. Các đột phá chiến lược chưa có bứt phá.

Trong bối cảnh khó đoán định của giai đoạn tới, Việt Nam cần nhận diện rõ các cơ hội và thách thức đan xen từ trong và ngoài nước, dự báo các kịch bản và đưa ra các chính sách, chủ trương kịp thời, đúng đắn. Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh TS. Võ Trí Thành nói với Sputnik:

“Sau 10 năm thực hiện Chiến lược, có thể rút ra một số bài học. Một là, cần duy trì ổn định nền kinh tế vĩ mô, tránh chủ quan cho rằng Việt Nam ở nhóm tăng trưởng cao nhất thì nhiều vấn đề về cơ cấu đã được hóa giải. Bài học là sau khi gia nhập WTO (2006), tâm lý hứng khởi đã dẫn đến việc nhìn nhận chưa đúng, sát tình hình thực tế lúc bấy giờ. Điều này khiến cho việc ban hành các chính sách chưa phù hợp, đặc biệt là khả năng đối phó với các cuộc khủng hoảng kinh tế diễn ra sau đó. Hai là, đổi mới tư duy và thể chế chính sách đã giúp Việt Nam phản ứng tốt trước các ‘cú sốc’ kinh tế như: khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đại dịch Covid-19 hay các cuộc khủng hoảng kinh tế xuất phát từ thiên tai, chính trị trong nước”.

Ông Thành nhận định diễn biến dịch Covid-19 còn tiềm ẩn những yếu tố khó lường, song đồng thời cũng có thể nắm lấy các cơ hội mà nó mang lại.

“Ba là, đại dịch Covid-19 cho thấy lợi thế của chuyển đổi số và công nghệ thông tin. Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để bứt phá và tăng tốc nhờ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo (công nghệ 5G, chuyển đổi số, công nghệ nano…). Bốn là, cuối cùng là về con người. Chúng ta nói nhiều về nhân lực chất lượng cao nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa tận dụng tốt lợi thế của ‘dân số vàng’".

Sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển Kinh tế - Xã hội 2011 - 2020, Việt Nam đứng trước thời cơ mới với nhiều thách thức, khó khăn, đòi hỏi toàn bộ hệ thống chính trị và người dân phải tiếp tục đồng lòng đổi mới và chuyển mình mạnh mẽ. Với niềm tin và tinh thần quyết tâm cao, Việt Nam hướng tới thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 với chủ đề “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hoá, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала