Việt Nam được kêu gọi cảnh giác với chủng virus cúm gia cầm lây sang người

© Sputnik / Kirill Braga / Chuyển đến kho ảnhСon gà
Сon gà  - Sputnik Việt Nam, 1920, 03.03.2021
Đăng ký
FAO và WHO kêu gọi Việt Nam cảnh giác với chủng virus cúm A H5N8 lây từ gia cầm sang người. Đây là lần đầu tiên thế giới ghi nhận chủng cúm A H5N8 (độc lực cao) lây lan từ gà, vịt, gia cầm sang người.

FAO, WHO và Bộ Y tế Việt Nam cũng đưa ra một số khuyến cáo các biện pháp phòng tránh chống lây nhiễm virus cúm gia cầm sang người.

Việt Nam cần cảnh giác với virus cúm A H5N8

Ngày 3/3, sau khi nắm được các báo cáo ban đầu về quá trình lây nhiễm chủng cúm A H5N8 từ gia cầm sang người, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) cùng với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo Việt Nam cần cảnh giác cao độ với chủng cúm gia cầm này.

Nhân viên y tế trước khi bắt đầu kiểm tra hành khách tại sân bay Sheremetyevo. - Sputnik Việt Nam, 1920, 13.03.2020
Cúm gia cầm, cúm lợn và dịch cúm mới. Đại dịch trong quá khứ đã dạy ta những gì?

Trong thông cáo phát đi của Bộ Y tế Việt Nam cũng nêu rõ, Tổ chức FAO và WHO “kêu gọi Chính phủ Việt Nam và cộng đồng” cần cảnh giác với khả năng lây nhiễm cúm A H5N8 từ gia cầm sang người.

Đáng chú ý, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) hôm nay có thông báo cho biết, tại Nga đã ghi nhận 7 trường hợp công nhân ở trang trại nuôi gà nhiễm virus cúm A H5N8.

Các tổ chức quốc tế lưu ý, đây là nhóm virus cúm A độc lực cao, do đó, cần phải đặc biệt nâng cao cảnh giác.

Dẫn thông tin từ FAO và WHO, Bộ Y tế cho biết, đây là những báo cáo đầu tiên về sự lây nhiễm virus H5N8 từ gia cầm sang người dù chủng virus này đã được phát hiện lưu hành trên gia cầm và chim hoang dã từ năm 2016.

Đặc biệt, đáng lo ngại hơn, theo Tổ chức Y tế thế giới lưu ý, những trường hợp mắc H5N8 tại Nga đều không biểu hiện triệu chứng. Đồng nghĩa với việc tất cả 7 bệnh nhân này đều mắc cúm A H5N8 mà không có triệu chứng.

Tuy nhiên, theo các tổ chức quốc tế, tính đến nay, vẫn chưa có bằng chứng chứng minh virus H5N8 gây bệnh nặng ở người hay lây truyền từ người sang người. Do đó, những trường hợp bệnh được phát hiện vừa qua được cho là do gia cầm mắc bệnh rồi lây nhiễm sang người trong quá trình tiếp xúc.

Ngoài Liên Bang Nga, hiện một số khu vực tại châu Âu, Trung Quốc, Trung Đông và Bắc Phi cũng đã ghi nhận sự xuất hiện của chủng H5N8 trên gia cầm. Các chủng cúm gia cầm độc lực cao khác được phát hiện trước đó như H5N1, H5N6, H7N9 đã lây truyền từ động vật (gia cầm) sang người.

WHO và FAO khuyến cáo gì với Việt Nam liên quan chủng virus H5N8?

Phát biểu trước diễn biến mới sự lây nhiễm virus cúm A H5N8 từ gia cầm sang người, TS.Pawin Padungtod, Điều phối viên Kỹ thuật Cấp cao, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) tại Việt Nam cung cấp thêm nhiều thông tin đáng chú ý.

Theo đó, về mặt kỹ thuật, virus H5N8 có chung đặc điểm kháng nguyên với virus H5N6 đang lưu hành tại Việt Nam. Do vậy, theo chuyên gia của FAO, các vaccine cúm gia cầm hiện tại được sử dụng tại Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục có tác dụng với chủng cúm H5N8 này.

Con gà - Sputnik Việt Nam, 1920, 10.02.2020
Trung Quốc thông báo trường hợp bộc phát cúm gia cầm

Liên quan đến vấn đề lây nhiễm virus H5N8, TS. Satoko Otsu, Điều phối viên Nhóm các bệnh truyền nhiễm và Tình trạng Y tế Khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới cho biết, mặc dù nguy cơ lây nhiễm virus H5N8 sang người ở Việt Nam là thấp, nhưng cần đặc biệt cảnh giác.

“Dù nguy cơ thấp song chúng ta vẫn phải cảnh giác và tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân để phòng chống bệnh cúm gia cầm”, TS. Satoko Otsu nhấn mạnh.

Vị chuyên gia bổ sung thêm, cơ chế lây nhiễm virus cúm gia cầm H5N8 sang người chủ yếu qua tiếp xúc trực tiếp với gia cầm sống hoặc chết bị nhiễm bệnh, do đó, Điều phối viên Nhóm các bệnh truyền nhiễm và Tình trạng Y tế Khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam khuyến cáo nên tiếp tục giám sát phối hợp cả ở lĩnh vực y tế và thú y.

“Tại Việt Nam, cộng đồng có thể tham gia phòng, chống dịch bằng cách báo cáo các trường hợp gia cầm bị bệnh hoặc chết càng sớm càng tốt và đảm bảo thực hành các biện pháp phòng bệnh cá nhân”, ông Otsu lưu ý.

Cách phòng tránh lây nhiễm virus cúm gia cầm H5N8 như thế nào?

Theo khuyến cáo mới nhất được đưa ra, để phòng tránh lây nhiễm cúm gia cầm H5N8, FAO và WHO khuyến cáo người chăn nuôi Việt Nam nói riêng cũng như trên thế giới nói chung cần thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp.

Theo đó, cần tăng cường các biện pháp an toàn sinh học tại khu vực nuôi, tuân thủ đúng lịch tiêm phòng cho gia cầm, báo cáo kịp thời các trường hợp gia cầm chết bất thường và đặc biệt là không cho khách vào khu vực nuôi.

Dịch cúm gia cầm A/H5N1 - Sputnik Việt Nam, 1920, 04.02.2020
Chưa hết coronavirus, Việt Nam còn phải đối mặt với cúm gia cầm

FAO và WHO cũng lưu ý với nhóm người liên quan đến quá trình buôn bán gia cầm chỉ thu mua gia cầm từ các nguồn rõ ràng, được bán ở những khu vực cho phép, đảm bảo trong chợ.

Các tổ chức quốc tế đặc biệt lưu ý không bán gia cầm bên ngoài chợ. Cùng với đó, phải luôn rửa tay bằng nước sạch và xà phòng sau khi tiếp xúc với gia cẩm. FAO và WHO cũng lưu ý, cần dùng giày dép riêng khi vào các khu vực chăn nuôi gia cầm, đồng thời, luôn rửa sạch giày dép khi rời khỏi chợ buôn bán gia cầm.

Đối với cộng đồng, Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị thường xuyên rửa tay trước khi chế biến thực phẩm, trong quá trình nấu ăn và sau khi tiếp xúc với động vật.

Cần nấu chín kỹ thức ăn, đặc biệt là thịt, gia cầm và trứng. Rửa sạch, làm vệ sinh tất cả các bề mặt và dụng cụ được sử dụng để chế biến.

“Không ăn tiết canh gia cầm. Tránh tiếp xúc động vật ốm hoặc chết”, WHO nhấn mạnh.

Trong trường hợp tiếp xúc với gia cầm có khả năng bị nhiễm thì phải báo với cơ sở y tế gần nhất khi xuất hiện các triệu chứng viêm đường hô hấp. Cùng với đó, nếu gia cầm ốm hay chết bất thường cũng phải nhanh chóng báo cáo cho cơ quan thú y địa phương.

Bộ Y tế cho hay, trước H5N8, Việt Nam đã ghi nhận các ca nhiễm virus cúm A độc lực cao từ gia cầm sang người như H5N1, H5N6 và H7N9. Trong đó, đáng chú ý là cúm H5N1 đã khiến 64 người tử vong kể từ khi được phát hiện tại vào năm 2003.

Từ năm 2014 đến nay, Việt Nam không ghi nhận thêm trường hợp tử vong nào nhưng các ổ, đốm dịch cúm gia cầm vẫn được phát hiện rải rác. Giới chức trách địa phương thường xuyên phải tiêu hủy nhiều đàn gà, vịt, chim do lo ngại dịch cúm gia cầm lây lan.

Được biết, tại Việt Nam, chương trình giám sát của Cục Thú y chưa phát hiện chủng H5N8 lưu hành. Tuy nhiên, trước diễn biến tình hình dịch hiện tại, Cục Thú y khẳng định sẽ tăng cường xét nghiệm trong chương trình giám sát cúm gia cầm quốc gia.

Không để cúm gia cầm lây sang người ở Việt Nam

Đầu tháng 2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) phối hợp cùng với Bộ Y tế triển khai nhiều quyết sách, hoạt động phòng chống các chủng cúm gia cầm có khả năng lây lan từ động vật sang người ở Việt Nam.

Cúm gia cầm - Sputnik Việt Nam, 1920, 06.02.2018
Công điện khẩn: Chặn cúm gia cầm Trung Quốc vào Việt Nam

Cụ thể, trong công điện số 163 được Thủ tướng ban hành hôm 8/2, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải tập trung triển khai quyết liệt đồng bộ các giải pháp kiểm soát phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm và chủng virus cúm A lây từ gia cầm sang người.

Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp cho biết, từ đầu năm, cả nước có 40 ổ dịch cúm gia cầm ở 14 tỉnh thành phố, nguy cơ dịch cúm A H5N1 và H5N6 bùng phát và lây lan trên phạm vi rộng còn cao.

Các địa phương ghi nhận ổ dịch cúm gia cầm H5N6 gồm các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Nghệ An, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tiền Giang và Hà Tĩnh.

Có hai ổ dịch cúm gia cầm H5N1 được nhà chức trách phát hiện ở các tỉnh Đồng Tháp, Cà Mau thời gian qua.

Trước tình hình này, Thủ tướng yêu cầu cần khẩn trương kiểm soát dịch bệnh cúm gia cầm A H5N1, A H5N6 đang xảy ra tại địa phương, đồng thời chủ động ngăn chặn chủng virus xâm nhập từ nước ngoài vào Việt Nam.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các địa phương khẩn trương bố trí nguồn lực để tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm, không lơ là, chủ quan.

Cùng với đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho Bộ Nông nghiệp cùng với Bộ Y tế, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương bố trí nguồn lực, kinh phí để chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và sự lưu hành vi rút cúm A H5N1.

“Phải bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đáng chú ý, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ NN&PTNT cùng với Bộ Y tế triển khai hoạt động phòng, chống các chủng virus cúm gia cầm có khả năng lây sang người.

Сon gà  - Sputnik Việt Nam, 1920, 02.02.2020
Không chỉ coronavirus mới, ở Trung Quốc lại bùng phát bệnh cúm gia cầm

Việt Nam cũng tổ chức đánh giá hiệu lực các loại vaccine cúm gia cầm hiện có, vaccine cúm gia cầm nhập khẩu để kịp thời có khuyến cáo, hướng dẫn sử dụng khi cần.

Thủ tướng cũng yêu cầu cần ngăn chặn một số nguy cơ xuất hiện một số chủng virus cúm gia cầm như A H7N9, A H5N2, A H5N8 xâm nhập vào Việt Nam thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh, thành phố khác có tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu.

Bộ Y tế cũng tăng cường giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm cúm H5N1 hoặc các chủng cúm gia cầm khác trên người, chủ động phát hiện sớm, cách ly, khoanh vùng, kiểm soát triệt để, không để dịch bùng phát lây lan trong bối cảnh Việt Nam vẫn phải đẩy mạnh công tác phòng chống dịch Covid-19.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала