Gạo ‘ngon nhất thế giới’ của Việt Nam bị đăng ký thương hiệu ở Mỹ: Bài học cay đắng

© Ảnh : Lê Sen - TTXVNNông dân xã Thạnh Lộc (Châu Thành, Kiên Giang) thu hoạch lúa đông xuân.
Nông dân xã Thạnh Lộc (Châu Thành, Kiên Giang) thu hoạch lúa đông xuân. - Sputnik Việt Nam, 1920, 21.04.2021
Đăng ký
Gạo ST24, ST25 nổi tiếng ngon nhất thế giới của Việt Nam đã bị 4 doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bảo hộ thương hiệu ở Mỹ. Đây là bài học rất lớn cho chính các doanh nghiệp Việt Nam.

Cha đẻ của gạo ST25, Anh hùng lao động Hồ Quang Cua cũng lần đầu tiên lên tiếng về việc đem gạo Việt Nam ngon nhất thế giới đi thi và việc gạo Việt bị đăng ký thương hiệu ở Mỹ.

Gạo Việt Nam bị doanh nghiệp nước ngoài đăng ký thương hiệu ở Mỹ

Gạo ST24, gạo ST25 – được đánh giá là ngon nhất thế giới của Việt Nam đã bị 4 doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Mỹ.

Gạo - Sputnik Việt Nam, 1920, 14.04.2021
Gạo Việt Nam đứng đầu thế giới

Về vấn đề gạo Việt Nam đã bị các doanh nghiệp nước ngoài “hớt tay trên”, nhanh chân đăng ký bảo hộ thương hiệu của Hoa Kỳ, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) xác nhận. Ông Phú cho biết nắm được thông tin qua phản ánh của đại diện doanh nghiệp.

Sự việc này đặt ra vấn đề về bảo vệ thương hiệu không chỉ ở Việt Nam mà còn ở cả những thị trường xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam.

Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công Thương Vũ Bá Phú cũng thông tin thêm cho biết, nếu gạo ST24, ST25 bị doanh nghiệp đăng ký bản quyền tại Mỹ thì khi Việt Nam xuất khẩu 2 loại gạo này sang Hoa Kỳ sẽ buộc phải thông qua doanh nghiệp chủ sở hữu thương hiệu ST24, ST25 ở nước sở tại nếu không sẽ vi phạm luật sở hữu trí tuệ.

“Nếu họ đã đăng ký thành công, doanh nghiệp Việt Nam có thể thuê luật sư đòi lại. Với những trường hợp bị đăng ký mất bản quyền thương hiệu như ST24, ST25, cơ quan chức năng cũng khó có thể can thiệp mà chỉ có thể cung cấp thông tin”, ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.

Với việc gạo “ngon nhất thế giới” của Việt Nam bị 4 doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bảo hộ thương hiệu ở Mỹ, vậy là sau nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Ma Thuột, Việt Nam mất thêm một thương hiệu nông sản ngay trên sân chơi quốc tế.

Ông Hồ Quang Cua, Anh hùng Lao động, đại diện nhóm tác giả giống lúa ST25 xác nhận với Người Lao động, việc đã nắm được thông tin doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bảo hộ thương hiệu đối với gạo Việt Nam ở Mỹ nhưng không thể làm gì được vì “không rành quy định về sở hữu trí tuệ ở nước ngoài”.

Ông Hồ Quang Cua cho biết, bản thân ông (trong vai trò là một nhà khoa học) chỉ tập trung vào chuyên môn của mình về chọn tạo giống. Ông thừa nhận, những vấn đề liên quan đến bảo hộ bản quyền, chống hàng giả rất phức tạp.

“Công tác này để cho người khác làm. Tại Mỹ, việc đăng ký thương hiệu rất dễ dàng theo kiểu “ai nhanh chân hơn sẽ thắng” mà không biết rõ nguồn gốc đó ở đâu, ai làm ra. Họ quy định rất dễ dàng. Điều này cũng đã xảy ra tại Việt Nam chúng ta như với nước mắm, hồ tiêu... trước đây. Tôi cho rằng, giá trị thật bao giờ cũng thắng. Họ không làm ra, không sản xuất, không có cánh đồng canh tác nào mà nói là của họ thì khó nghe lắm”, ông Cua cho biết.

Ngay tại Việt Nam việc chống gạo ST25 giả cũng hết sức mệt mỏi.

“Ở thị trường Mỹ, ngay cuối năm 2019, khi gạo ST25 giành giải nhất cuộc thi “Gạo ngon nhất thế giới năm 2019" đã có đơn vị rao bán gạo ST25 rồi”, Anh hùng Lao động Hồ Thanh Cua cho hay.

Về vấn đề này, ông Hồ Quang Trí, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí, công ty hiện đang sở hữu bản quyền lúa giống ST25 thông tin cho biết, việc 4 doanh nghiệp tại Mỹ đăng ký bản quyền gạo ST24, ST25 không ảnh hưởng đến chủ sở hữu giống lúa ST24, ST25 và không có ai cấp độc quyền sản phẩm gạo cả.

Ông Trí nêu vấn đề, tại sao có đến 4 doanh nghiệp cũng đăng ký sở hữu thương hiệu gạo ST24, ST25 bởi doanh nghiệp nào cũng đăng ký được, kể cả ở Mỹ hay Việt Nam miễn đáp ứng đủ hồ sơ.

“Thương hiệu gạo ST24, ST25 được đăng ký bảo hộ thương hiệu đó phải gắn liền với tên của doanh nghiệp”, Giám đốc Hồ Quang Trí cho hay.

Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí cũng nhấn mạnh, lúa ST24, ST25 được trồng trên 80.000 ha trong vụ đông xuân này. Chính vì vậy sẽ có hàng trăm ngàn tấn gạo ST24, ST25 ra thị trường là điều rất bình thường.

Gạo Việt Nam bị doanh nghiệp nước ngoài đăng ký thương hiệu là “bài học đau lòng”

Trao đổi về vấn đề gạo nổi tiếng của Việt Nam bị các doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bảo hộ thương hiệu, một lãnh đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), vốn là chuyên gia trong ngành sản xuất gạo cho biết, bản thân ông không bất ngờ với thông tin này.

Gạo - Sputnik Việt Nam, 1920, 08.12.2020
Ngớ ngẩn: Tranh cãi vụ đem gạo Việt Nam ngon nhất thế giới đi thi rồi chỉ đạt giải nhì

Theo vị chuyên gia, “không bất ngờ” vì không có luật nào cấm một doanh nghiệp (của bất cứ quốc gia nào trên thế giới) đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm nào đó tại Mỹ nếu sản phẩm đó chưa được doanh nghiệp (kể cả của nước sản xuất) bảo hộ tại thị trường này.

Vị lãnh đạo chia sẻ, điều đáng buồn là doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn quá chậm chạp trong việc đăng ký bảo hộ bản quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm của mình ở thị trường nước ngoài.

“Việc này cũng đã xảy ra rất nhiều lần trong quá khứ chứ không riêng gì ST24, ST25”, đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết.

Trong khi đó, ông Phạm Minh Thiện, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cỏ May (Đồng Tháp) cũng chia sẻ câu chuyện bảo hộ nhãn hiệu của mình khi khảo sát để xuất khẩu gạo của công ty vào thị trường Mỹ với Kinh tế Sài gòn cho biết, vấn đề bảo hộ nhãn hiệu các loại hàng hóa Việt Nam là bài toán khó.

Ông Phạm Minh Thiện bày tỏ, với kinh nghiệm của bản thân, ông đã gặp nhiều sản phẩm gạo “Made in Thailand” nhưng lại ghi tên “đặc Việt Nam” như gạo thơm Ba con nai, gạo Ba miền, rồi lại còn in cả hình bản đồ Việt Nam lên bao bì. Tổng Giám đốc Công ty Cỏ May cho biết, người Thái họ cũng rất khéo léo khi giải thích rằng họ phải dán nhãn sản phẩm bằng tiếng Việt để có thể bán cho người Việt.

“Đến nay, việc bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài vẫn là chủ đề khiến nhiều doanh nghiệp, trong đó có ngành gạo, “đau đầu”, ông Thiện chia sẻ.

Bình luận kỹ hơn về vấn đề này, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú cho rằng, điều đau lòng là khi sự việc đã xảy ra rồi, cơ quan chức năng hoàn toàn không thể hỗ trợ gì được cho doanh nghiệp trong việc đòi lại thương hiệu đã bị đăng ký bảo hộ tại các nước trên thế giới.

Được Ngân hàng CSXH cho vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, gia đình chị Hà Thị Thảo, dân tộc Thái ở thôn Phan Thượng, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) đầu tư máy xay xát gạo, chăn nuôi gia súc, gia cầm, gia đình có việc làm và thu nhập ổn định - Sputnik Việt Nam, 1920, 07.09.2020
90% người Việt ăn gạo bẩn: Bôi nhọ và làm giảm uy tín gạo Việt Nam

Ông Phú nhấn mạnh, điều quan trọng là cùng với quá trình xây dựng thương hiệu, doanh nghiệp cần có chiến lược trong việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở những thị trường trọng điểm, tùy theo khả năng tài chính và chiến lược phát triển thị trường của mình.

“Chúng tôi có mạng lưới tham tán thương mại, luật sư trong lĩnh vực này để hỗ trợ cho doanh nghiệp về quy trình đăng ký sở hữu trí tuệ ở các thị trường xuất khẩu nhưng không thể làm thay cho doanh nghiệp, không thể giúp doanh nghiệp đi đòi lại thương hiệu đã mất", ông Phú cho biết.

Đại diện Bộ Công Thương cũng nêu rõ, việc theo đuổi các vụ kiện liên quan đến bản quyền sở hữu trí tuệ là đặc biệt tốn kém, cả về thời gian và chi phí nên doanh nghiệp cần phải chủ động bảo vệ mình trước.

Ông Vũ Bá Phú lấy dẫn chứng một doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm ghế, gối có trụ sở chính tại Hà Nội, hễ có sản phẩm mới nào ra mắt thị trường là doanh nghiệp này đăng ký bảo hộ ở 60 quốc gia trên thế giới rồi sau đó mới tìm nhà phân phối sau.

“Đây là một cách làm đón đầu thị trường cũng như bảo vệ chính tài sản của doanh nghiệp mình”, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại Bộ Công Thương lưu ý.

Tất cả vì nền nông nghiệp Việt Nam

Trước đó, chia sẻ trên trang cá nhân về vấn đề “đưa gạo ngon nhất đi thi rồi chỉ xếp nhì thế giới”, Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua cho biết, ông đành phải lên tiếng nhắc lại chuyện cũ vì tầm ảnh hưởng của vấn đề, cũng như sự tác động đến nhiều người, một công việc mang tính chuyên môn, nếu hiểu sai có thể để lại “di hại” rất lớn về sau.

Các thành viên hợp tác xã liên kết trong sản xuất, phát triển chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao. - Sputnik Việt Nam, 1920, 27.07.2020
Việt Nam vượt Thái Lan về xuất khẩu gạo: Tại sao không?

Khẳng định rất mệt mỏi, đau đầu vì những ngôn từ trên mạng, ông Cua chọn cách im lặng, tập trung vào công tác chuyên môn nghiên cứu. Anh hùng Hồ Quang Cua nêu rõ, ông là người chủ động hoàn toàn trong việc đưa giống dự thi quốc tế trên cơ sở kết quả thi trong nước và do có sự đồng thuận với Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cũng đã ký giấy ủy nhiệm cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam đem gạo ST25 dự thi quốc tế.

Cha đẻ của “gạo ngon nhất Việt Nam nhấn mạnh, “ngày nào còn sống ông vẫn đem gạo ST24 và ST25 đi thi để khẳng định vị thế và thương hiệu gạo Việt Nam. Ông Cua cho hay, là nhà khoa học, ông làm công việc này theo chuyên môn và cũng không làm khác được, đồng thời, cũng phản bác chuyện dùng “quan điểm cá nhân” để thóa mạ người khác.

“Hòa nhã, khiêm cung, biết người biết ta sẽ tạo được tình thân, cùng đồng tâm hiệp lực để xây dựng kinh tế nông nghiệp Việt Nam, nếu chỉ lên giọng bề trên hết chửi chính sách, lại miệt thị cá nhân thì làm sao hiệp lực cho nước Việt Nam phát triển”, ông Hồ Quang Cua đúc kết.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала