Khi “ve chai, đồng nát” lên đời 4.0

© Sputnik / Lê AnhVECA - Ứng dụng ve chai công nghệ
VECA - Ứng dụng ve chai công nghệ - Sputnik Việt Nam, 1920, 22.04.2021
Đăng ký
HÀ NỘI (Sputnik) - Trong thời đại 4.0, không ai xa lạ với “xe ôm công nghệ” Grab, GoJek, giao đồ ăn online như Now, Grabfood... nhưng phân loại rác tại nguồn hay độc đáo hơn là thu mua phế liệu được “cập nhật” cho kịp xu thế như thế nào?

Biến rác thành nguồn tài nguyên vô giá, nâng cao nhận thức cho người dân về phân loại rác tại nguồn hay tạo sinh kế từ vật liệu phế thải cho các nhóm yếu thế thông qua ứng dụng công nghệ hiện đang là hành động thiết thực mà Việt Nam đang thúc đẩy. 

Thu mua ve chai thời công nghệ 

Ra mắt vào 10/4/2021, ứng dụng thu mua ve chai “VECA” (viết tắt của từ “ve chai”) cài đặt trên điện thoại di động là giải pháp giúp kết nối người bán và người thu mua ve chai, giúp người bán có thể chủ động thời gian, và người mua cũng có thể thu mua thuận tiện và tiết kiệm thời gian, công sức hơn. Dự án khởi nghiệp này là kết quả của hai người trẻ thuộc thế hệ 8X, ông Bùi Thế Bảo và bà Phạm Minh Trang với kỳ vọng xây dựng một hệ sinh thái tái chế. Chia sẻ với báo chí, ông Bùi Thế Bảo, một trong hai người đồng sáng lập ra ứng dụng VECA, cho biết:

“Với kinh nghiệm làm ở vị trí HSE (Health - Safety - Environment Manager) ở một số công ty ngành giấy và nhôm, tôi thấy những thiếu sót trong khâu quản lý nguyên liệu thải, gây ra lãng phí và tạo áp lực lên hệ thống xử lý môi trường”.

Trong khi đó, bà Phạm Thị Minh Trang, đồng sáng lập VECA lại có cái nhìn khác từ thực tế.

"Ở góc độ của một thị dân, làm việc nhiều với in ấn, giấy các loại, tôi thấy vô nghĩa khi hàng ngày nhìn túi phân loại rác có thể tái chế của nhà mình bị trộn lẫn với rác sinh hoạt trên xe thu gom" - Bà Phạm Thị Minh Trang chia sẻ.

Tân Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu nhận nhiệm vụ. - Sputnik Việt Nam, 1920, 06.04.2021
Giao thông, quy hoạch, môi trường – vấn đề nào mà Tân Bí thư Thành ủy Hà Nội phải đối mặt?
Dựa trên tình hình thực tế, việc thu mua ve chai và giá cả vẫn chưa minh bạch, nên “Tiện lợi, minh bạch” là các giá trị mà VECA hướng tới. Người có nhu cầu bán có thể dùng ứng dụng này để đặt thu gom (nhựa, giấy, nhôm, sắt,...) và đợi người mua đến thu. Giá cả sẽ hiển thị trên ứng dụng và do thị trường quyết định. Tuy nhiên giá cả ban đầu niêm yết trên ứng dụng cũng cần được khảo sát tại các nơi thu mua phế liệu.

“Ban đầu, các chủ vựa sẽ báo cho VECA giá mua, nhưng sau này, họ có thể tự chỉnh giá trên nền tảng” - Ông Bùi Thế Bảo cho biết.

Đối với phiên bản dành cho người đi thu gom ve chai, cũng hiển thị vựa nào, khu vực nào mua giấy, nhựa…, giá ra sao để họ có thể tự chọn nên bán hàng cho ai. Hiện các chủ vựa đều phải ghi chép thủ công và sắp tới, VECA cung cấp cho họ công cụ cập nhật tổng đơn, nguồn nguyên liệu, tổng phí đã mua. Bà Phạm Thị Minh Trang cho biết thêm, VECA không thu phí các bên tham gia ứng dụng, kể cả người bán, người mua và nơi thu mua.

“Ở giai đoạn đầu, VECA ở vai trò kết nối, thúc đẩy các bên, để qua giai đoạn sau, phát triển VECA thành một phần của hệ sinh thái tái chế, nâng tỷ lệ rác thải được phân loại và phế liệu được tái chế lên càng nhiều càng tốt”. - Bà Phạm Thị Minh Trang nhấn mạnh.

Theo phân tích từ dự án, việc mua bán phế liệu trong cộng đồng chủ yếu dựa vào "đội quân" ve chai. Để thực hiện mua bán, họ phải đi bộ hoặc đạp xe hàng chục cây số một ngày, nhưng kết quả lại rất bấp bênh. Trong khi đó, người bán có nhu cầu thường không thể chủ động mà phải đợi người mua đi qua. Trong nhiều trường hợp, họ có thể bị chèn ép giá dẫn đến tâm lý không muốn bán.

© Ảnh : Lena ChuỨng dụng VECA có mặt trên Apple Store và Google Play.
Khi “ve chai, đồng nát” lên đời 4.0 - Sputnik Việt Nam, 1920, 22.04.2021
Ứng dụng VECA có mặt trên Apple Store và Google Play.

Từ thực tế này, VECA ra đời nhằm giúp người bán chủ động thời gian và nắm được biểu giá phế liệu cập nhật theo ngày rõ ràng, minh bạch. Người thu mua nhờ thuật toán của ứng dụng sẽ có khả năng thu mua được nhiều và tiết kiệm sức lực hơn. Ngoài ra, các vựa ve chai nhỏ trong nội thành có giải pháp quản lý, góp phần ổn định đầu vào và cả đầu ra.

Ứng dụng thiết thực được mong chờ

VECA hiện đang được triển khai thử nghiệm tại Quận Phú Nhuận, TP. HCM sau đó sẽ được nhân rộng trên toàn thành phố trong 3 năm tới. Ngay sau khi triển khai vào đầu tháng 4/2021, VECA đã nhận được hưởng ứng nhiệt liệt từ phía người sử dụng. Anh Nguyễn Đăng Phú, một người dân TP. HCM chia sẻ với Sputnik:

“Đây là ứng dụng rất hay, mong rằng sẽ thành công để giải quyết vấn đề phân loại rác tại nguồn. Ý thức người dân đa phần đã có, nhưng hiện giờ mọi người chai lọ thì, nói thiệt, tìm người thu mua ve chai dạo như trước đây cũng khó như tìm người bán cà rem dạo trên đường vậy á”.
© Sputnik / Lena ChuMột số tính năng của ứng dụng VECA.
Khi “ve chai, đồng nát” lên đời 4.0 - Sputnik Việt Nam, 1920, 22.04.2021
Một số tính năng của ứng dụng VECA.

Đối với bản thân người thu mua ve chai, ứng dụng này sẽ giúp họ biết chính xác nơi bán mà không phải đi thu mua dạo như trước kia. Chị Hải, một người thu mua ve chai dạo tại TP. HCM, chia sẻ:

“Tôi đi mua ve chai cũng bao nhiêu năm nay rồi, cũng cứ đi vòng vòng. Đi như vậy mất sức, mất công rất nhiều. Giờ có cái app này tôi có thể mua trên mạng được, giúp tôi tiết kiệm được thời gian và công sức”.

Không những vậy, nếu VECA được triển khai thành công sẽ mang lại rất nhiều lợi ích về kinh tế cũng như tạo công ăn việc làm cho nhiều người. Anh Hiển, chủ một vựa thu mua phế liệu tại quận Phú Nhuận, TP.HCM cho biết:

“Khi sử dụng app này mình thấy như là Grab thứ hai vậy, kết nối người có nhu cầu bán, người có nhu cầu mua và mình là người ở giữa thu gom lại thì mình sẽ đạt được doanh số lớn hơn. Nếu app này đi vào hoạt động hiệu quả thì rất hay, tạo công ăn việc làm cho người thu mua phế liệu. Bình thường họ đi thu mua dạo ngoài đường, họ không biết chỗ nào và ai là người có nhu cầu thực sự, do vậy hiệu quả không cao. Và giờ smartphone cũng phổ biến rồi nên họ lên trên app, thấy được người bán. Như vậy sẽ tiết kiệm được chi phí và thời gian hơn”.

Tuy nhiên vẫn có một số ý kiến lo lắng rằng, hầu hết những người thu mua ve chai có thu nhập thấp nên việc sở hữu một chiếc điện thoại thông minh khá khó khăn. Hơn nữa, những người thu mua hầu hết là các chú, các chị lớn tuổi không rành công nghệ. Giải thích cho vấn đề này, ông Bùi Thế Bảo cho biết:

“Nếu ta giúp họ nhận ra nhu cầu ấy, việc chuyển đổi để thích nghi là hoàn toàn khả thi vì thuật toán của VECA sẽ giúp người mua ve chai có quãng đường thu gom hiệu quả nhất, từ đó mua được nhiều hơn, ổn định hơn”.
© Ảnh : Lena ChuỨng dụng VECA có hai phiên bản VECA cho người bán và VECA Thugom cho người mua.
Khi “ve chai, đồng nát” lên đời 4.0 - Sputnik Việt Nam, 1920, 22.04.2021
Ứng dụng VECA có hai phiên bản VECA cho người bán và VECA Thugom cho người mua.

Ngoài ra, các tình nguyện viên VECA hỗ trợ và đồng hành cùng người mua ve chai làm quen với cách làm mới. Đặc biệt, VECA cũng tiếp cận các vựa ve chai lớn để họ làm nơi trung gian tiếp cận đội ngũ thu mua ve chai dạo. Họ sẽ dần thay thế cách ghi sổ thu mua truyền thống bằng VECA. 

VECA đã ký hợp tác liên kết với ví điện tử MOMO và đang tiến hành kết nối API để thanh toán điện tử. Hiện tại, ứng dụng đang chạy khởi động tại quận Phú Nhuận, TP.HCM và đã có mặt trên chợ ứng dụng của Apple và Google.

Được biết, VECA là 1 trong 15 start-up được lựa chọn tham gia Chương trình "NINJA Accelerator tại TP.HCM" kéo dài từ 12/01 đến 09/04/2021. Hai founder của dự án đã xác nhận họ tham gia chương trình để nhằm hoàn thiện mô hình kinh doanh và kỳ vọng cơ hội tìm nhà đầu tư.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала