Ông Vũ Huy Hoàng và dấu vết phạm tội không thể chối cãi

© Ảnh : Phạm Kiên - TTXVNCác bị cáo nghe đại diện Viện Kiểm sát trình bày bản luận tội và đề nghị mức án.
Các bị cáo nghe đại diện Viện Kiểm sát trình bày bản luận tội và đề nghị mức án. - Sputnik Việt Nam, 1920, 26.04.2021
Đăng ký
Chỉ 10 ngày trước khi về hưu, ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương, đã kịp ép Sabeco thoái vốn cho tư nhân bằng văn bản “hẳn hoi”.

Viện Kiểm sát cũng chỉ ra là dấu vết phạm tội ‘không thể chối cãi’ của cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, người từng đi nước ngoài như đi chợ và vai trò của bà Hồ Thị Kim Thoa, ông Phan Chí Dũng.

Đại diện Viện Kiểm sát cũng phân tích bị cáo Vũ Huy Hoàng và các đồng phạm đã để lại ‘những dấu chân trên con đường phạm tội’ như thế nào trong đại án Sabeco này.

Bị cáo Nguyễn Hữu Tín đã “dũng cảm”

Sáng 26/4, phiên tòa xét xử ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương cùng 9 đồng phạm trong vụ án sai phạm chuyển nhượng lô đất vàng 2-4-6 Hai Bà Trưng, Quận 1, TP.HCM của Sabeco cho tư nhân gây thiệt hại hơn 2.700 tỷ đồng tiếp tục phần tranh luận.

Đại diện Viện Kiểm sát đã lập luận, làm rõ cáo trạng cáo buộc tội danh các bị cáo và có những đối đáp với luật sư.

Xét xử Vũ Huy Hoàng và đồng phạm: Đề nghị mức án đối với cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng và các bị cá - Sputnik Việt Nam, 1920, 24.04.2021
Cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng bị đề nghị mức án 10-11 năm tù

Cụ thể, trong hơn hai giờ đồng hồ, đại diện Viện Kiểm sát đã đưa ra quan điểm đối đáp với phần trình bày của các bị cáo Vũ Huy Hoàng (cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương), Phan Chí Dũng (cựu Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương) và phần bào chữa của luật sư.

Đại diện Viện Kiểm sát nêu rõ, các bị cáo trong vụ án mặc dù không phạm tội có tổ chức, nhưng đã đồng loạt tiếp nhận ý chí của cấp trên, thực hiện hành vi trái pháp luật, thực hiện không đúng chức trách, nhiệm vụ của mình.

Đối đáp lại quan điểm tranh luận của các luật sư tại phiên tòa, Kiểm sát viên cao cấp Nguyễn Đức Bằng khẳng định cơ quan công tố không truy tố các bị cáo về hành vi phạm tội có tổ chức, mà chỉ phân hóa vai trò của các bị cáo từ cao đến thấp, tiếp nhận ý chí từ cấp trên đến cấp dưới đều đồng loạt làm sai, không thực hiện đúng chức trách của mình.

Công tố viên nhấn mạnh, các bị cáo đều phải có trách nhiệm thực hiện đúng nhiệm vụ được giao. Nếu phát hiện ra chỉ đạo của cấp trên có nội dung không phù hợp thì phải có trách nhiệm tham mưu, đề xuất lại. Tuy nhiên, trong vụ án này các bị cáo đều tiếp nhận ý chí của cấp trên, đồng loạt thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

“Đây chính là yếu tố xác định các bị cáo đã đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội theo lĩnh vực mình được phân công phụ trách”, ông Bằng nói.

Đối với nhóm bị cáo "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai", bị cáo Nguyễn Hữu Tín là người phải chịu trách nhiệm chính. Đồng thời, trong quá trình điều tra, ông Tín đã “rất dũng cảm” thừa nhận hành vi của mình, thừa nhận sai phạm. Tuy nhiên, các luật sư vẫn băn khoăn về tội danh và mức án bị cáo Tín bị đề nghị (5-6 năm tù) trong khi cấp dưới chỉ là 2-4 năm tù.

© Ảnh : Phạm Kiên - TTXVNĐại diện Viện Kiểm sát trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với từng bị cáo.
Ông Vũ Huy Hoàng và dấu vết phạm tội không thể chối cãi - Sputnik Việt Nam, 1920, 26.04.2021
Đại diện Viện Kiểm sát trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với từng bị cáo.

Tuy nhiên, để thực hiện được hành vi vi phạm, bị cáo Tín phải có sự tham mưu của các Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng UBND Thành phố. Tại Cơ quan điều tra, bị cáo Tín đã thừa nhận trách nhiệm và sai phạm của mình.

Tuy nhiên, tại phiên tòa, ngoài một số bị cáo thừa nhận hành vi, còn có một số bị cáo khác đổ trách nhiệm cho cấp dưới, hoặc cho rằng không phải trách nhiệm của mình.

“Đây là sự ngụy biện của các bị cáo, nhằm che giấu những sai phạm mà các bị cáo đã thực hiện”, đại diện Viện Kiểm sát chỉ rõ.

Đại diện cơ quan công tố, Kiểm sát viên cao cấp Nguyễn Đức Bằng xác định, trong vụ án này, bị cáo Vũ Huy Hoàng giữ vai trò chính, thực hiện hành vi xuyên suốt, chỉ đạo trực tiếp các bị cáo cấp dưới thực hiện việc cho đầu tư dự án tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (Thành phố Hồ Chí Minh).

Bị cáo Vũ Huy Hoàng (bên trái, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương) đến tòa. - Sputnik Việt Nam, 1920, 23.04.2021
Tình tiết bất ngờ trong phiên xử cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng

Ngoài ra, theo VKS, ông Hoàng cũng đồng thời chỉ đạo góp vốn với các doanh nghiệp tư nhân thành lập Sabeco Pearl để thực hiện dự án kinh doanh bất động sản, chỉ đạo thoái vốn, hoàn tất việc chuyển quyền quản lý sử dụng tài sản Nhà nước sang tài sản tư nhân trái pháp luật. Đại diện Viện Kiểm sát nêu quan điểm, thiệt hại trong vụ án là kết quả của cả một quá trình các bị cáo thực hiện. Quá trình đó thể hiện từ khi góp vốn đến khi thoái vốn. Trong đó, thoái vốn được xác định là thủ đoạn cuối cùng chứ không phải là hành vi cuối cùng.

“Tất cả các văn bản của Bộ Công Thương đều thực hiện theo chỉ đạo của bị cáo Hoàng và không ai có ý kiến gì khác”, đại diện VKS nhấn mạnh.

Theo cơ quan công tố, hai bị cáo Vũ Huy Hoàng và Phan Chí Dũng (nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương) phải thực hiện nhiệm vụ chức năng và quyền hạn của cơ quan đại diện chủ sở hữu, phải quản lý Bộ phận quản lý vốn Nhà nước trong việc điều động, phân công, quyết định, phê duyệt phương án kinh doanh đầu tư tại doanh nghiệp.

Trong vụ án này, bị cáo Hoàng là Bộ trưởng thì phải là người đầu tiên chịu trách nhiệm quản lý việc sử dụng vốn tại doanh nghiệp. Bị cáo Dũng cũng phải chịu trách nhiệm như vậy.

“Việc các luật sư cho rằng hai bị cáo này không có quyền và trách nhiệm quản lý việc sử dụng vốn tại doanh nghiệp là không phù hợp”, theo kiểm sát viên.

Ông Vũ Huy Hoàng là người xây dựng luật nhưng lại vi phạm pháp luật

Trong suốt hơn hai tiếng đồng hồ đại diện VKS nêu quan điểm, phân tích sâu hơn về hành vi của bị cáo Vũ Huy Hoàng với tư cách Bộ trưởng và thành viên Chính phủ.

Theo các công tố viên, hoàn toàn có căn cứ để truy tố bị cáo Vũ Huy Hoàng giữ vai trò chính yếu, xuyên suốt trong quá trình chuyển quyền sử dụng đất từ Nhà nước sang tư nhân, gây thiệt hại hơn 2.700 tỷ đồng.

Rõ ràng, khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, Quận 1, TP.HCM đang do Nhà nước quản lý, rồi chuyển sang Sabeco Pearl. Đối với khu đất này, hồ sơ pháp lý, dự án đã có từ năm 2007. Đại diện VKS nhắc lại, Tổng công ty cổ phần Sabeco là doanh nghiệp Nhà nước (có vốn nhà nước trên 50%, từ năm 2007 đến 30/6/2015). Vì vậy, cáo trạng nêu Sabeco có hơn 89% vốn nhà nước thì phải là “doanh nghiệp Nhà nước”.

Bị cáo Vũ Huy Hoàng (cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương) trả lời câu hỏi của Hội đồng xét xử. - Sputnik Việt Nam, 1920, 22.04.2021
Ông Vũ Huy Hoàng “rất xin lỗi và đau xót” nhưng Sabeco do bà Hồ Thị Kim Thoa quản lý

Ngoài ra, Điều 43 Luật quản lý sử dụng vốn nêu rõ việc quản lý bằng các bộ phận quản lý vốn, công tác tổ chức, bổ nhiệm, phân công, quyết định các vấn đề, quan trọng nhất quyết định các phương án kinh doanh của doanh nghiệp.

Do đó, theo đại diện VSK, việc các luật sư tranh luận nói bị cáo Hoàng không có trách nhiệm quản lý vốn ở Sabeco là sai. Ông Hoàng chính là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm về vốn nhà nước ở Sabeco với vai trò Bộ trưởng Bộ Công Thương ở thời điểm đó. Đồng thời, việc cựu Bộ trưởng cho rằng, đã giao thứ trưởng phụ trách nên “không có trách nhiệm quản lý tài sản, vốn nhà nước ở Sabeco là không đúng”.

Với những phân tích trên, theo VKS, trách nhiệm của các ông Vũ Huy Hoàng, Phan Chí Dũng là phải thực hiện nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn theo Luật doanh nghiệp năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2014.

Cùng với đó, VKS nêu rõ, bị cáo Vũ Huy Hoàng biết rõ hai Nghị quyết số 94 (ngày 27/9/2011) và Nghị quyết số 26 (ngày 9/7/2012) của Chính phủ đều không cho phép các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính vì lý do suy thoái kinh tế. Đặc biệt là lĩnh vực kinh doanh bất động sản, tài chính…

“Bị cáo Hoàng thời điểm đó là người tham gia, xây dựng luật, ra văn bản, nhưng bị cáo lại là người vi phạm pháp luật”, đại diện VKS nhấn mạnh.

Cơ quan công tố nhấn mạnh, đáng lẽ bị cáo phải yêu cầu chấm dứt đầu tư ngoài ngành nhưng bị cáo lại tiếp tục chỉ đạo doanh nghiệp tìm kiếm nhà đầu tư tiếp tục triển khai dự án.

Dấu vết phạm tội không thể chối cãi của ông Vũ Huy Hoàng

Theo đại diện VKS, việc cố tình làm trái Nghị quyết của Chính phủ còn thể hiện ở việc các bị cáo cho rằng dự án đang thực hiện thì có thể áp dụng Nghị quyết số 26.

Ông Vũ Huy Hoàng  - Sputnik Việt Nam, 1920, 21.04.2021
Ông Vũ Huy Hoàng “sức khỏe yếu”, Công an Việt Nam chưa bắt được bà Hồ Thị Kim Thoa

Trong khi ở thời điểm đó, Sabeco không đủ năng lực tài chính và không đủ kinh nghiệm thực hiện dự án, mọi việc mới chỉ là chủ trương, chưa triển khai thực hiện.

“Khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng cũng chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì không thể nói dự án đang dở dang”, đại diện VKS nhấn mạnh.

Đồng thời, cũng liên quan đến hai Nghị quyết này, công tố viên cho rằng bị cáo Phan Chí Dũng hiểu rõ về hai Nghị quyết này nhưng vẫn cố tình làm trái.

Phía VKS nêu quan điểm cho biết, điều này thể hiện ở Công văn số 6427, Công văn 4914 do nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa ký (do bị cáo Dũng tham mưu, đề xuất) vẫn yêu cầu Sabeco phải tìm đối tác liên doanh, trong đó có một nội dung quan trọng mang tính áp đặt là yêu cầu các thành viên Hội đồng quản trị Sabeco phải rút kinh nghiệm về việc chậm trễ thực hiện dự án.

Theo các công tố viên, cả hai ông Vũ Huy Hoàng và Phan Chí Dũng “thừa biết” không thực hiện đầu tư ngoài ngành nhưng trong văn bản của bị can Hồ Thị Kim Thoa vẫn yêu cầu Sabeco tìm nhà đầu tư.

Sau khi nhận chỉ đạo tìm nhà đầu tư, đối tác kinh doanh, Sabeco báo cáo lên, bị cáo Vũ Huy Hoàng lại có bút phê chỉ đạo công ty này lựa chọn “đối tác”, và phải “báo cáo Bộ Công Thương”.

“Sabeco có giới thiệu doanh nghiệp nọ, doanh nghiệp kia, nhưng việc lựa chọn là của Bộ. Nội dung này có bút tích của bị cáo Vũ Huy Hoàng để lại trong hồ sơ vụ án. Đây thể hiện việc chỉ đạo trực tiếp, thậm chí quyết định, ép buộc cấp dưới thực hiện ý chí của mình”, VKS nêu rõ.

Theo cơ quan công tố, điều này thể hiện sự chỉ đạo trực tiếp mang tính quyết định “ép buộc cấp dưới thực hiện ý chí của mình”. Do đó, việc cựu Bộ trưởng nhắc đi nhắc lại rằng “mình không chỉ đạo gì” là không đúng.

10 ngày trước nghỉ hưu, ông Vũ Huy Hoàng đã ép Sabeco thoái vốn

Tiếp tục đối đáp lại quan điểm bào chữa của các luật sư, VKS chỉ ra hành vi phạm tội “không thể chối cãi” tiếp theo của bị cáo Vũ Huy Hoàng. Theo đó, cựu Tư lệnh Công Thương đã duyệt giá thấp hơn giá thực tế.

Quang cảnh phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO). - Sputnik Việt Nam, 1920, 12.04.2021
Vụ Gang thép Thái Nguyên: Sao phải triệu tập ông Hoàng Trung Hải, Vũ Huy Hoàng?

Cụ thể, làm rõ vai trò của bị cáo Vũ Huy Hoàng trong việc chỉ đạo giá sàn để thoái vốn, đại diện VKS cho rằng, tại cuộc họp ngày 29/3/2016, tức là chỉ còn khoảng 10 ngày nữa thì ông Vũ Huy Hoàng sẽ được Quốc hội miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng, nhưng bị cáo vẫn tiếp tục chủ trì và quyết định giá sàn thấp hơn giá thực tế.

Đồng thời, sau khi Sabeco thực hiện các thủ tục, ông Vũ Huy Hoàng lại yêu cầu thoái vốn cho tư nhân bằng văn bản 1450. Theo cơ quan công tố, đây là điểm mấu chốt để phát sinh thiệt hại của vụ án.

“Đây rõ ràng là hành vi chỉ đạo trực tiếp chứ không có gì gián tiếp cả, có bút tích hẳn hoi”, đại diện VKS nêu rõ.

VKS cho rằng, bản chất cuộc họp hôm 29/3/2016, kết luận của bị cáo Vũ Huy Hoàng, đúng với truy tố của VKS. Từ kết quả của cuộc họp này, ngày 1/4/2016, bị can Hồ Thị Kim Thoa đã ký văn bản thông báo nêu rõ “Bộ trưởng đã quyết định giá hơn 13.000 đồng/ cổ phiếu, gửi cho người đứng đầu là ông Vũ Huy Hoàng. Tuy nhiên, ông Hoàng không có phản hồi gì.

Cơ quan công tố chỉ rõ, quá trình điều tra không chỉ có người của Sabeco, mà còn nhiều người khác khai về việc bị cáo Hoàng đã kết luận giá cổ phần thoái vốn.

“Đến tại phiên tòa những ngày vừa qua, chỉ có bị cáo Hoàng chối bỏ kết luận giá hơn 13.000 đồng/cổ phần. Còn lại, bị cáo Dũng thừa nhận việc giá này”, phía VKS nhấn mạnh.

Như vậy, có thể thấy, hành vi của các bị cáo là lấy giá thấp so với thị trường. Đây là hành vi trực tiếp gây thiệt hại. Chỉ đạo giá này là sai, trong khi đó theo quy định, việc thoái vốn phải công khai, minh bạch.

Bị cáo Vũ Huy Hoàng cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương - Sputnik Việt Nam, 1920, 18.01.2021
Phiên tòa xét xử Cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng vẫn chưa có hồi kết

Quan điểm bào chữa của các luật sư cho rằng, “không có thiệt hại xảy ra”, tuy nhiên, theo VKS, hành vi của các bị cáo Vũ Huy Hoàng, Phan Chí Dũng quyết định giá hơn 13.000 đồng/cổ ngay thời điểm đó gây thiệt hại hơn 16 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với thẩm định giá của Hội đồng Thẩm định giá trung ương, giá thoái vốn thời điểm đó là hơn 31.000 đồng/cổ phiếu, thiệt hại là hơn 269 tỷ đồng.

Ngoài ra, đại diện VKS khẳng định, thiệt hại của vụ án đã kéo dài từ thời điểm các bị cáo thực hiện hành vi cho đến khi vụ án được ngăn chặn. Nếu vụ án không được phát hiện thì Nhà nước vẫn bị mất tài sản, các bị cáo lại tiếp tục chuyển cho các bên khác nhau thì thậm chí Nhà nước còn không đòi được quyền sử dụng đất nữa. Thực tế, vụ án này còn nhiều thiệt hại khác như tài sản trên đất, khai thác trên đất trong nhiều năm…

“Tuy nhiên, đại diện Viện Kiểm sát đã cân nhắc không yêu cầu các bị cáo phải chịu trách nhiệm bồi thường, là đã áp dụng theo nguyên tắc có lợi cho các bị cáo”, đại diện cơ quan tố tụng nhấn mạnh.

Vì vậy, đại diện Viện Kiểm sát khẳng định thiệt hại của vụ án là có và đề nghị Hội đồng xét xử tuyên các bị cáo phạm tội, đồng thời yêu cầu UBND Thành phố Hồ Chí Minh hủy bỏ Quyết định cho thuê đất và các văn bản liên quan trái pháp luật đối với khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng để UBND Thành phố tiếp tục quản lý và sử dụng khu đất này.

“Những dấu chân trên con đường phạm tội”

Ngoài ra, đại diện Viện Kiểm sát kết luận, trong vụ án này, bị cáo Vũ Huy Hoàng đã để lại “những dấu chân trên con đường phạm tội”.

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Hữu Chính phát biểu. - Sputnik Việt Nam, 1920, 07.12.2020
Sắp xử các ông Đinh La Thăng, Nguyễn Đức Chung, Vũ Huy Hoàng

Cụ thể, VKS đề cập đến cả tiểu thuyết trinh thám Sherlock Holmes của Conan Doyle để làm ví dụ cho hành vi phạm tội của các bị cáo.

“Nếu ai có đọc tác phẩm Sherlock Holmes của nhà văn Conan Doyles ở miền Nam nước Anh, thì sẽ thấy, các bị cáo đã để lại những dấu vết không thể chối cãi, như cái tàn thuốc lá, các dấu chân, các vệt bánh xe. Các bị cáo đã để lại dấu chân trên con đường phạm tội”, đại diện VKS nói.

Đại diện cơ quan tố tụng còn cho rằng, những phân tích của bị cáo Hoàng và luật sư bào chữa cho bị cáo là những lời ngụy biện để chối bỏ hành vi sai phạm. Bị cáo biết rõ trái pháp luật nhưng vẫn cố tình thực hiện, để lại hậu quả đặc biệt lớn. Việc truy tố các bị cáo ra trước pháp luật là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Tuy nhiên, công tố viên cũng đề nghị Hội đồng xét xử cân nhắc, áp dụng các tình tiết giảm nhẹ để có phán quyết cuối cùng.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала