Vì sao ‘vua hàng hiệu’ Johnathan Hạnh Nguyễn quyết đi nước cờ mạo hiểm với IPP Air Cargo?

© Depositphotos.com / PierivbChất hàng lên máy bay vận tải
Chất hàng lên máy bay vận tải - Sputnik Việt Nam, 1920, 18.06.2021
Đăng ký
‘Vua hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn’, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) vừa gây chú ý khi đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng một số bộ, ngành xem xét chủ trương lập hãng hàng không IPP Air Cargo.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn khẳng định bản thân mình chưa bao giờ làm gì mà chưa làm đến nơi đến chốn và luôn làm với tất cả tâm huyết. Chủ tịch IPPG cũng tiếp lộ đã có cách để đấu với những người khổng lồ về logistics như UPS, Fedex, DHL, Cathay Cargo…

Cục Hàng không Việt Nam cũng đã có công văn xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải về việc hướng dẫn xây dựng và thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho IPP Air Cargo.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn xin thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo

Đối với nhiều người, việc quyết định thành lập một hãng hàng không vào thời điểm ngành hàng không điêu đứng do đại dịch Covid-19 thì quyết định lập IPP Air Cargo của ông Johnathan Hạnh Nguyễn là một ván cờ mạo hiểm.

Tuy nhiên, việc tân binh IPP Air Cargo của ông Johnathan Hạnh Nguyễn quyết tâm trở thành tay chơi ngang ngửa với đối thủ nước ngoài trên thị trường vận chuyển hàng không Việt và đầu tư vào mạng lưới logistics là tín hiệu hết sức đáng mừng.

Mới đây, Cục Hàng không Việt Nam đã có công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải để tham vấn ý kiến về dự án thành lập hãng hàng không vận tải hàng hóa của Công ty cổ phần IPP Air Cargo.

Các công dân Việt Nam từ Hàn Quốc trở về tại sân bay Cần Thơ khuya ngày 2/4.  - Sputnik Việt Nam, 1920, 04.06.2021
Giữa mùa dịch, vẫn có “đại gia” muốn lập hãng bay mới
Trước đó, Cục đã nhận được công văn về việc xin phê duyệt chủ trương đầu tư dự án thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo.

Theo Luật Đầu tư hiện hành, dự án thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo khai thác dịch vụ vận chuyển hàng hóa không nằm trong danh mục các dự án cần phải phê duyệt chủ trương đầu tư của các cấp có thẩm quyền.

Còn theo Nghị định số 89/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2016NĐ-CP của Chính phủ về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng và Nghị định 30/2013/NĐ-CP về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung, IPP Air Cargo cần hoàn tất thủ tục cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không.

Trước đó, ngày 14/5/2020, Bộ Giao thông Vận tải đã có công văn số 4620/CV-BGTVT báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc rằng việc thành lập hãng hàng không mới sẽ chỉ được xem xét sau thời điểm thị trường hàng không phục hồi (dự kiến năm 2022).

Vì vậy, Cục Hàng không Việt Nam đã có công văn xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải về việc hướng dẫn xây dựng và thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho IPP Air Cargo.

Được biết, chủ đầu tư dự án thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo là Công ty cổ phần IPP Air Cargo. Đây là doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG).

Chủ tịch Hội đồng thành viên của IPPG không ai xa lạ chính là ông Johnathan Hạnh Nguyễn. Tập đoàn bán lẻ này hiện chiếm gần 70% thị trường hàng hiệu quốc tế phân phối tại Việt Nam, với 17 công ty thành viên và 18 công ty liên doanh liên kết.

Ngoài ra, IPPG cũng là cổ đông lớn tại Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất, Công ty cổ phần Nhà ga hàng không quốc tế Cam Ranh.

CC BY 3.0 / Lưu Ly / Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất
Vì sao ‘vua hàng hiệu’ Johnathan Hạnh Nguyễn quyết đi nước cờ mạo hiểm với IPP Air Cargo? - Sputnik Việt Nam, 1920, 18.06.2021
Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất

Công ty cổ phần IPP Air Cargo được đăng ký kinh doanh vào ngày 10/3/2021, với Chủ tịch Hội đồng quản trị là ông Jonathan Hạnh Nguyễn. Bà Lê Hồng Thủy Tiên là Tổng giám đốc và là người đại diện pháp luật của IPP Air Cargo.

Dự án IPP Air Cargo có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng, tức khoảng 100 triệu USD. Trong số đó, 30% là vốn chủ sở hữu và 70% còn lại là vốn huy động. Theo kế hoạch, IPP Air Cargo sẽ khai thác 5 máy bay chở hàng trong năm thứ nhất. Đến năm thứ hai, hãng sẽ tăng lên 7 chiếc và đến năm thứ 3 sẽ tăng lên 10 chiếc. Công ty cũng lên kế hoạch vận chuyển khoảng 115.000 tấn hàng hóa, đạt doanh thu 71 triệu USD vào năm đầu tiên, dự kiến bắt đầu có lãi từ năm thứ 4.

Vì sao ông Johnathan Hạnh Nguyễn xin lập hãng hàng không IPP Air Cargo?

Nói về quyết định xin lập hãng bay chuyên vận tải hàng hóa, với vốn hóa trên 100 triệu USD (hơn 2.400 tỷ đồng) trong lúc ngành hàng không phải chịu cú giáng mạnh từ ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, ông Johnathan Hạnh Nguyễn khẳng định, ông có quyết tâm.

Johnathan Hạnh Nguyễn  - Sputnik Việt Nam, 1920, 19.03.2020
Vợ chồng Johnathan Hạnh Nguyễn góp 6 tỷ mua thiết bị y tế chống Covid-19
Quyết tâm của ‘vua hàng hiệu’ Việt Nam xuất phát từ thực tế cước tàu biển tăng phi mã, có chặng tăng gấp 5 lần (theo dữ liệu của Drewry Shipping) tại thời điểm đỉnh dịch. Chi phí trả cước vận chuyển hàng không cũng tăng gấp 3 lần cho hàng hóa đi từ châu Âu về Việt Nam.

Vị doanh nhân phân tích, nhu cầu vận tải càng cao, thì giá cước ngày càng tăng, trong khi 88% thị phần vận tải hàng hoá bằng đường hàng không lại do các hãng bay nước ngoài nắm giữ. Cùng với đó, các hãng vận chuyển nước ngoài đang khống chế giá.

“Gần như họ một mình một chợ, đâu có ai cạnh tranh. Nếu tôi không làm, nhu cầu vận chuyển hàng hoá bằng đường hàng không vẫn sẽ bị tắc nghẽn, giá cả bất ổn làm các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước gặp nhiều khó khăn”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn tiết lộ lý do và động lực để IPP Air Cargo xin thành lập hãng bay.

Trong cuộc trao đổi với VnExpress, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết, thực tế, hiện Việt Nam chưa có hãng bay chuyên biệt chở hàng hoá. Gần đây, các hãng hàng không trong nước cũng tăng chở hàng hóa bằng máy bay chở khách, nhưng đó chỉ là giải pháp tình thế, chữa cháy cho tình trạng dư thừa máy bay hiện nay.

Trong khi, các doanh nghiệp xuất khẩu đang điêu đứng, nếu không mở hãng bay sớm sẽ không giải phóng được nông, thuỷ, hải sản... khi giá vận chuyển cao “trên trời”.

Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương phân tích, doanh nghiệp chấp nhận giá cao nhưng có lúc vẫn phải xếp hàng chờ chuyến vì máy bay không đủ slot. Khách hàng nước ngoài như châu Âu, Mỹ... muốn mua đồ tươi với giá cao hơn, nhưng đi tàu biển gần một tháng không thể đáp ứng được. Trong khi đó, vận chuyển bằng máy bay chỉ mất hơn 10 tiếng.

“Do đó, tôi mới nghĩ, mình chỉ ngồi yên, bán hàng hiệu để có tiền thôi thì không được. Dù mùa dịch hàng hiệu bán rất tốt, khách không thể đi nước ngoài, nên chúng tôi nhập mẫu mới về là khách đến, doanh số vẫn tăng 84%”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói.

IPP Air Cargo sẽ làm gì để cạnh tranh với đối thủ nước ngoài?

Đánh giá về chiến lược cạnh tranh với các hãng Air Cargo nước ngoài đang chiếm phần lớn thị phần, ‘vua hàng hiệu’ Johnathan Hạnh Nguyễn tin rằng, hoàn toàn khả thi.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn phân tích, các hãng nước ngoài dù muốn cũng không thể tự ý tăng số lượng chuyến do bị khống chế bởi Hiệp định hàng không Việt Nam ký với các nước. Cùng với đó, các hãng bay chở hàng hoá quốc tế bằng đường hàng không cũng chỉ được cấp phép đến cảng Tân Sơn Nhất, Nội Bài.

Tham quan thực tế các nhà máy để hiểu rõ hơn về hoạt động logistics. - Sputnik Việt Nam, 1920, 11.05.2021
Giải pháp cho cơn “khát” nhân lực logistics chất lượng cao
Sau đó, các doanh nghiệp ngoại cũng phải tiếp tục tự tổ chức đưa hàng hoá đến các điểm giao bằng những phương tiện khác. Hàng hoá từ quốc tế về Việt Nam chưa phủ sóng được đến tất cả sân bay trong nước.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn tiết lộ doanh nghiệp của mình đang có kế hoạch xây 5 kho logistics tại sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Cam Ranh, Đà Nẵng, Cần Thơ và sau này là Long Thành để đưa hàng từ nước ngoài về tập kết tại các hub này. Sau đó, IPP Air Cargo sẽ dùng máy bay chở hàng, phủ sóng đến 16 sân bay nội địa khác.

Dự án IPP Air Cargo có vốn đầu tư 100 triệu USD, nhưng đầu tư 6 hub và 16 kho hàng hóa còn tốn tiền gấp nhiều lần. Vị lãnh đạo khẳng định, doanh nghiệp không đơn thuần xây kho, quầy kệ hàng như trước mà phải có băng chuyền, hệ thống quản lý thông minh hiện đại như nước ngoài.

Cũng theo Chủ tịch HĐQT Liên Thái Bình Dương, Tổng cục Hải quan cũng vừa đồng ý sẽ tiếp nhận phần mềm quản lý xuất, nhập khẩu hàng hoá thương mại điện tử, nâng cấp phần mềm nối mạng kinh doanh miễn thuế do Công ty Bellazio Logistics do công ty ông Johnathan Hạnh Nguyễn tài trợ.

Cùng với đó, hiện nay các hãng bay chở hàng phải đem từng kiện ra khai báo. Nhưng sắp tới với hệ thống mới này, sau khi máy bay đáp xuống, hệ thống sẽ giúp hàng hoá nhanh chóng qua cửa kiểm tra, giúp quy trình khai báo nhanh gọn cho hải quan và doanh nghiệp, chống thất thu thuế.

“Để tạo ra cuộc cách mạng trong ngành logistics hàng không, tôi biết sẽ rất khó khăn và tốn kém. Dù vậy, tôi không ngần ngại, cũng giống như trước đây tôi đã làm với thị trường hàng hiệu. Không ai nghĩ tới, nhưng nay tôi đã tạo được uy tín để đưa hơn 108 thương hiệu cao cấp trên thế giới về phân phối tại Việt Nam”, vị doanh nhân nổi tiếng khẳng định.

Theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, IPP Air Cargo hiện đang đàm phán với các hãng hàng không nước ngoài để nối tiếp vận chuyển hàng hóa tới 16 sân bay của Việt Nam.

© Ảnh : Huy Hùng - TTXVNMáy bay của các hãng hàng không tại sân bay Nội Bài.
Vì sao ‘vua hàng hiệu’ Johnathan Hạnh Nguyễn quyết đi nước cờ mạo hiểm với IPP Air Cargo? - Sputnik Việt Nam, 1920, 18.06.2021
Máy bay của các hãng hàng không tại sân bay Nội Bài.

Đối với thị trường trong nước, cụ thể hơn, Bellazio Logistics sẽ có mặt để quản lý các kho hàng nhỏ kết nối với IPP Air Cargo. Khi đó, số lượng hàng hoá tại các cảng hàng không không còn bị khống chế, sẽ tăng trưởng nhanh nhờ có nhiều chuyến bay và giúp các công ty logistic nội địa phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, người tiêu dùng ở tất cả tỉnh, thành, vùng xa có thể nhanh chóng tiếp cận được với hàng hoá trên toàn cầu.

Trong khi đó, với thị trường quốc tế, IPP Air Cargo sẽ đầu tư hệ thống máy bay sức chứa lớn hơn, cùng các hãng quốc tế khác bay vận chuyển hàng hoá ra nước ngoài và hợp tác chở hàng từ nước ngoài về Việt Nam.

Điều này tạo nên được lợi thế là xuất khẩu hàng hóa từ rau quả, thực phẩm tươi sống và những mặt hàng xuất nhập khẩu có giá trị khác sẽ được vận chuyển trực tiếp, không chuyển lòng vòng qua nhiều cảng với chi phí cao như hiện nay.

“Khi IPP Air Cargo ‘nhảy’ vào thị trường này, các hãng nước ngoài có thể giảm khoảng 38% thị phần (theo tính toán của chúng tôi) nhưng sản lượng hàng hoá của các hãng sẽ tăng khoảng 50% nhờ được tăng chuyến”, vị lãnh đạo cho biết và khẳng định các hãng Air Cargo nước ngoài cũng tỏ ra hào hứng với đề xuất mới này.

Tôi không muốn chỉ ngồi một chỗ bán hàng hiệu

Theo chia sẻ của ông Johnathan Hạnh Nguyễn, IPP Air Cargo được chuẩn bị sẵn sàng từ cả nửa năm nay. Nếu thuận lợi, sau ba tháng kể từ khi có giấy phép bay, hãng sẽ thực hiện các chuyến bay vận chuyển hàng hóa trong nước, rồi sau đó bay ra quốc tế.

Người dân xem máy bay cất cánh từ sân bay Friederik Chopin ở Warsaw, Ba Lan - Sputnik Việt Nam, 1920, 01.04.2019
Đường bay Việt Nam – Philipines và khát vọng 35 năm của doanh nhân Jonathan Hạnh Nguyễn

‘Vua hàng hiệu’ Johnathan Hạnh Nguyễn khẳng định ông đã tính toán rất kỹ cho cuộc chơi này.

“Có những dự án phải lên ý tưởng, kế hoạch đến 10 năm mới thực hiện chứ không phải đợi nước đến chân mới nhảy. Còn với việc lập hãng bay chở hàng hoá, tôi đã có kinh nghiệm nhiều năm nên thời cơ chín muồi đã đến thì phải làm ngay. Mình không ra đúng thời điểm là đánh mất cơ hội vàng”, vị doanh nhân khẳng định.

Theo chia sẻ của ông Johnathan Hạnh Nguyễn, IPP Air Cargo muốn khai thác 5 máy bay chở hàng hoá trong năm đầu tiên, sau đó tăng dần lên 7 chiếc vào năm thứ hai và 10 chiếc vào năm thứ ba. Hãng đặt mục tiêu bay vận chuyển hàng hóa trong thời gian sớm nhất và sẽ có lãi sau 3 năm.

Nói về những khó khăn khi tham gia cuộc chơi này, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết, bản thân đã ở trong ngành 36 năm nên nắm rất rõ những ưu khuyết điểm của thị trường.

Theo chia sẻ của vị doanh nhân, kể từ 1985, doanh nghiệp của ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã hợp tác với 3 ông lớn FedEx, DHL, UPS và Philippines Airlines đưa hàng hoá quà biếu của kiều bào và hàng viện trợ nhân đạo từ khắp thế giới về Manila (Philippines). Sau đó, lại tiếp tục thuê máy bay chở về Việt Nam và tổ chức phân phối qua các trạm phát hàng cho người dân.

© AP Photo / Petros GiannakourisMáy bay chở hàng của Công ty DHL
Vì sao ‘vua hàng hiệu’ Johnathan Hạnh Nguyễn quyết đi nước cờ mạo hiểm với IPP Air Cargo? - Sputnik Việt Nam, 1920, 18.06.2021
Máy bay chở hàng của Công ty DHL

Với những kinh nghiệm từ việc đảm nhận vai trò Tổng đại diện của Philippines Airlines tại Đông Dương, quản lý các chuyến bay hành khách, hàng hóa hay làm thanh tra tài chính của Boeing Subcontractors, ông Johnathan Hạnh Nguyễn hiểu rất rõ chi phí của việc vận hành một máy bay, cũng như các chi liên quan.

Thừa nhận ngành vận tải hàng không nguy hiểm, thị trường cạnh tranh giá lớn, nhưng ông Johnathan Hạnh Nguyễn khẳng định đã có phương thức để ‘đấu với những người khổng lồ’ trong ngành.

“Tôi khẳng định mình chưa làm gì mà chưa làm đến nơi đến chốn và làm với tất cả tâm huyết. Tôi sẽ có cách để đấu với những người khổng lồ. Tôi cũng tin rằng thị trường sẽ ngày càng mở rộng và cạnh tranh lành mạnh hơn”, ‘vua hàng hiệu’ Johnathan Hạnh Nguyễn khẳng định.
Việt Nam chưa có hãng hàng không vận tải hàng hóa chuyên nghiệp

Cho đến nay, tại Việt Nam vẫn chưa có hãng hàng không vận tải hàng hóa chuyên nghiệp. Vào năm 2008, Hãng hàng không Trãi Thiên Air Cargo từng được cấp giấy phép chuyên chở hàng hóa nội địa và quốc tế nhưng sau 3 năm đăng ký không hoạt động, đến năm 2011, Trãi Thiên Air Cargo bị rút giấy phép.

Kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra, các hãng hàng không Việt trong bối cảnh ế ẩm hành khách, dư thừa máy bay đã nhanh chóng chuyển sang gia tăng vận chuyển hàng hóa để bù đắp phần nào chi phí hoạt động.

Hãng hàng không Quốc gia Vietnam Airlines đã đưa 12 máy bay thân rộng Boeing 787 và Airbus A350 vào chuyên chở hàng hóa trên khoang khách và khoang bụng, đồng thời tháo ghế trên khoang khách của máy bay thân hẹp Airbus A321 để chở hàng. Năm 2020, hãng hàng không này vận chuyển 196 ngàn tấn hàng hóa, tăng 54,3% so với năm 2019.

Trong khi đó, Vietjet cũng đã chuyển đổi cấu trúc một số máy bay nhằm tăng năng lực vận tải hàng hoá. Hãng vận chuyển hơn 60.000 tấn hàng hoá giữa các nước, đưa doanh thu vận tải hàng hoá tăng 75% so với năm trước đó.

Dù vậy, việc tận dụng máy bay thương mại để vận chuyển hàng hóa khó lòng đem lại hiệu quả về lâu dài. Do đó, các hãng như Vietnam Airlines, Bamboo Airways đã lên kế hoạch thành lập đội máy bay vận tải hàng hóa chuyên dụng.

Do đó, quyết định tham gia cuộc chơi lớn của vua hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn được kỳ vọng có thể tạo nên cơ hội bứt phá của doanh nghiệp nội, cạnh tranh ngang ngửa thị phần logistics Việt Nam với các gã khổng lồ lớn như UPS, Fedex, DHL, Cathay Cargo, Airbrigde Cargo...

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала