Ông Hạnh Nguyễn bị từ chối, Vietnam Airlines vẫn muốn lập hãng bay vận chuyển hàng hóa

© Ảnh : Vietnam Airlines JSCÔng Đặng Ngọc Hoà.
Ông Đặng Ngọc Hoà. - Sputnik Việt Nam, 1920, 14.07.2021
Đăng ký
Vietnam Airlines vẫn muốn lập hãng hàng không chở hàng hóa trong khi đề xuất thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo của ‘Vua hàng hiệu Việt Nam’- ông Johnathan Hạnh Nguyễn vừa mới bị từ chối.

Vietnam Airlines cho biết, tình hình dịch bệnh phức tạp hơn nhiều, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả kinh doanh sản xuất của VNA. Nửa đầu năm nay, công ty mẹ ước lỗ khoảng 9.823 tỷ đồng.

Vietnam Airlines làm ăn ra sao trong ‘năm tồi tệ’ vì Covid-19?

Sáng nay 14/7, Vietnam Airlines (VNA, mã HoSE: HVN) vừa tổ chức Đại hội cổ đông thường niên.

Tại đây, các cổ đông cùng thảo luận, biểu quyết thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh, báo cáo tài chính 2020, phương án phát hành cổ phần tăng 8.000 tỷ đồng vốn điều lệ, chủ trương bán 6 máy bay ATR-72 nhằm thay thế bằng đội bay phản lực cũng như kế hoạch lập hãng hàng không vận chuyển hàng hóa.

Chỉ riêng hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines mỗi đêm có tới 30 máy bay đỗ ở Nội Bài, trong đó có hơn chục chiếc không khai thác. - Sputnik Việt Nam, 1920, 13.07.2021
Đề xuất của ông Johnathan Hạnh Nguyễn tạm bị từ chối

Ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết, năm 2020 vừa qua được đánh giá là “năm tồi tệ của ngành hàng không thế giới” khi mức lỗ ước tính lên tới 117 tỷ USD và nhiều hãng hàng không lớn bị phá sản. Để cứu các hãng hàng không, Chính phủ các nước đã hỗ trợ hơn 200 tỷ USD.

Riêng đối với ngành hàng không Việt Nam, ông Hà nhấn mạnh, Vietnam Airlines và các hãng hàng không khác cũng chìm trong khó khăn.

“Bản thân Vietnam Airlines phải tự tái cơ cấu toàn diện để cắt giảm chi phí”, lãnh đạo VNA cho biết.

Cũng là chính sách “thắt lưng buộc bụng”, Tổng Giám đốc Lê Hồng Hà cho hay, hàng loạt kế hoạch tăng thu, giảm tiêu được đưa ra như tái cơ cấu tài chính, giãn hoãn các khoản vay, tái cơ cấu Paciffic Airlines, triển khai huy động vốn từ các đối tác, chở khách hồi hương... Đồng thời, hãng cũng điều chỉnh công tác lao động, tiền lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, dừng thuê phi công nước ngoài (từ tháng 3-7/2020)...

Bên cạnh đó, hãng cũng tối ưu hóa các khoản chi phí (đặc biệt là tái cơ cấu đội máy bay, chi phí thuê máy bay), tái cơ cấu danh mục đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp, kiện toàn tổ chức các khối theo hướng tinh gọn bộ máy, giảm bớt các tầng nấc trung gian, nâng cao chất lượng dịch vụ (vững chắc 4 sao, tiến đến 5 sao). Theo ông Hà, nhờ việc nhanh chóng đưa ra các giải pháp đó đã giúp mức lỗ của Vietnam Airlines giảm khoảng 5.000 tỷ đồng so với dự kiến.

© AFP 2023 / Hoang Dinh NamMáy bay Vietnam Airlines.
Ông Hạnh Nguyễn bị từ chối, Vietnam Airlines vẫn muốn lập hãng bay vận chuyển hàng hóa - Sputnik Việt Nam, 1920, 14.07.2021
Máy bay Vietnam Airlines.

Tại cuộc họp hôm nay, ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng Vietnam Airlines cho biết, năm 2020, Vietnam Airlines đạt doanh thu thuần gần 40.613 tỷ đồng, giảm 59% so với năm 2019. Lợi nhuận sau thuế âm gần 11.098 tỷ đồng, trong khi đó cùng kỳ lãi 2.537 tỷ đồng.

“Mức lỗ này thấp hơn khá nhiều so với con số ước tính đã được ban lãnh đạo Vietnam Airlines công bố tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông bất thường sáng 29/12/2020 là 14.445 tỷ đồng”, ông Hiền thông tin.

Lý giải về vấn đề giảm mức lỗ khá nhiều so với dự báo, Tổng Giám đốc Lê Hồng Hà nhấn mạnh, đúng là doanh thu và lợi nhuận năm 2020 của Vietnam Airlines diễn biến khả quan hơn so với dự báo trước đó.

Máy bay. - Sputnik Việt Nam, 1920, 02.07.2021
Chính phủ ‘nhắc’ Bộ GTVT cho ý kiến về hãng hàng không của ông Johnathan Hạnh Nguyễn

Cụ thể, doanh thu hợp nhất và công ty mẹ lần lượt là 42.276 tỷ đồng và 33.266 tỷ đồng, tương ứng vượt 4,2% và 2,2% so với kế hoạch. Kết quả hoạt động sản xuất kinh doạnh ghi nhận nhiều dấu hiệu tích cực với mức lỗ hợp nhất và công ty mẹ đều thấp hơn đáng kể so với mục tiêu ban đầu, lần lượt giảm chỉ bằng 72,2% và 60,4% kế hoạch đặt ra.

Ông Hà vui mừng cho biết, năm 2020, mặc dù đại dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn nhưng Vietnam Airlines đã vận chuyển 14,13 triệu lượt và hàng hóa đạt 195,3 nghìn tấn, đều xấp xỉ kế hoạch đề ra.

Lãnh đạo VNA cũng cho biết thêm, trong thời điểm khó khăn về lượng hành khách sụt giảm, Vietnam Airlines đã linh hoạt thay đổi, hoán cải nhiều tàu bay Boeing 787, Airbus A350, Airbus A321 để chở hàng trên khoang hành khách.

Nhờ đó, làm tăng năng lực chuyên chở hàng hóa trên mỗi loại máy bay lên gấp 1,8 - 2 lần so với chở hàng tại khoang bụng. Ngoài ra, Vietnam Airlines đã xây dựng lịch bay thường lệ chở hàng quốc tế với 30 đường bay và tổ chức hơn 3.500 chuyến bay chở hàng. Những nỗ lực này giúp doanh thu vận chuyển hàng hóa tăng nhanh và chiếm gần 30% tổng doanh thu của Hãng (giai đoạn trước dịch Covid-19 doanh thu hàng hóa chỉ chiếm 9%).

“Năm 2020, Vietnam Airlines đứng đầu trong các hãng hàng không Việt Nam về thị phần vận tải hàng hóa nội địa và quốc tế”, ông Hà khẳng định.

Không dùng ngân sách để cứu Vietnam Airlines

Tại Đại hội cổ đông hôm nay, bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ tịch Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại Doanh nghiệp nêu rõ, Vietnam Airlines tự cắt giảm chi phí để giảm lỗ là đáng biểu dương.

Bà Hà cũng khẳng định, không có chuyện dùng ngân sách để giải cứu Vietnam Airlines mà hãng phải tự vay vốn từ các ngân hàng thương mại. Trong khi đó, tại nhiều quốc gia, Chính phủ các nước đã bỏ rất nhiều tiền đề giải cứu các hãng hàng không.

Ông Đặng Ngọc Hoà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines thông tin, sang năm 2021, kịch bản dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến khó lường, lại đúng dịp cao điểm Tết Nguyên đán, nghỉ lễ 30/4 - 1/5 và cao điểm hè khiến doanh thu của các hãng hàng không vô cùng khó khăn.

Ngoài ra, giá dầu thế giới cao khiến doanh thu hàng không sụt giảm nghiêm trọng. Tuy vậy, theo vị lãnh đạo, điểm sáng mà Vietnam Airlines kỳ vọng đó là nền kinh tế vẫn có sự tăng trưởng tốt, đồng thời, Chính phủ đang rất nỗ lực để sớm triển khai tiêm vaccine Covid-19 cho người dân.

Chất hàng lên máy bay vận tải - Sputnik Việt Nam, 1920, 18.06.2021
Vì sao ‘vua hàng hiệu’ Johnathan Hạnh Nguyễn quyết đi nước cờ mạo hiểm với IPP Air Cargo?

Năm 2021, Vietnam Airlines xác định là năm tài chính khó khăn, tuy nhiên, hãng vẫn xây dựng kế hoạch khả thi với mục tiêu doanh thu hợp nhất 37.364 tỷ đồng, tương đương 88,4% so với năm 2020.

Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cũng bày tỏ, hãng sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu, đàm phán với các đối tác nhằm tiết tiết kiệm bằng các giải pháp tự thân đạt khoảng trên 6.800 tỷ đồng trong năm 2021.

Các tàu bay ATR-72 cũ đến 12 năm tuổi sẽ được bán và thay thế bằng các tàu bay phản lực khu vực để tăng cường cạnh tranh tại thị trường ngách hoặc các sân bay không khai thác được bằng đội tàu bay Airbus A320, A321 trở lên.

Kế toán trưởng của Vietnam Airlines thông tin thêm về khoản tiết giảm 6.800 tỷ đồng, cho hay, VNA tiếp tục cắt giảm nhiều chi phí khác so với năm 2020 trong đó đáng kể nhất là chi phí bảo trì, bảo dưỡng, thuê tàu bay.

“Riêng nguồn chi phí này đã lên tới 5.400 tỷ đồng. Đối với khoản vay vốn mua tàu bay, Vietnam Airlines cũng đàm phán với các tổ chức tín dụng giãn tiến độ thanh toán năm 2020 là 60 triệu USD và năm 2021 là 40 triệu USD. Ngoài ra, chúng tôi có xây dựng nhiều kịch bản để tái cơ cấu toàn diện Vietnam Airlines để chúng tôi có đủ nguồn lực phát triển hơn sau này”, ông Trần Thanh Hiền khẳng định.

Đề cập đến gói vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng và phát hành cổ phiếu tăng vốn quy mô 8.000 tỷ đồng cho cổ đông hiện hữu, Tổng Giám đốc Lê Hồng Hà cho biết, ngày 7/7 vừa qua, Tổng công ty đã hoàn thành việc lựa chọn, ký kết hợp đồng tín dụng với 3 ngân hàng thương mại trước khi chính thức tiến hành giải ngân gói vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng.

Đồng thời, tại đại hội cổ đông lần này cũng thông qua phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn 8.000 tỷ đồng và dự kiến các thủ tục phát hành sẽ hoàn tất vào cuối quý III/2021.

Ông Hà nhắc lại nguyên tắc chung của Vietnam Airlines trong việc sử dụng 12.000 tỷ đồng từ gói vay tái cấp vốn và phát hành thêm cổ phiếu là bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh tuyệt đối không dùng cho các hoạt động đầu tư, mua sắm.

Khi nào triển khai hộ chiếu vaccine?

Theo Chủ tịch Đặng Ngọc Hòa, năm 2020 vừa qua, ngành hàng không báo cáo Chính phủ, các bộ ngành đưa ra dự báo xấu, nhưng năm 2021 còn xấu hơ “những gì mà chúng ta có thể tưởng tượng”.

Theo ông Hòa, trước đây, mỗi ngày Vietnam Airlines bay 500 - 550 chuyến, nhưng hiện nay chỉ duy trì 40 chuyến/ngày, chủ yếu chở hàng hoá phục vụ các tỉnh đang bị cách ly và giữ giao thông tối thiểu của kinh tế đất nước, hành khách rất ít.

Tiêm vaccine cho cán bộ, chiến sĩ các đơn vị trực thuộc Quân khu 2. - Sputnik Việt Nam, 1920, 16.04.2021
Vì sao Việt Nam chưa áp dụng hộ chiếu vaccine?

Ông Hòa nhấn mạnh, VNA có tới 9.700 cán bộ, công nhân viên không có việc làm, giờ bay rất thấp. Hãng đang cố gắng duy trì việc làm luân phiên cho phi công, tiếp viên, lượng lao động gián tiếp có tới 30% đang tạm ngưng hợp đồng, 70% đi làm luân phiên.

“Ngoài chính sách hỗ trợ 1,8 triệu đồng/tháng với người đang tạm ngưng việc, để tinh giảm biên chế, hãng cũng khuyến khích người lao động nghỉ hưu sớm”, Chủ tịch HĐQT VNA thừa nhận.

Lãnh đạo Vietnam Airlines cũng cho biết, kịch bản thị trường 2021 rất xấu, song các hãng cũng đang hy vọng quyết tâm chiến dịch tiêm vaccine lớn của Chính phủ sẽ giúp hàng không phát triển trở lại vào cuối quý 3, đầu quý 4 năm nay.

Ông Hòa nhắc lại, để khắc phục khó khăn, VNA cũng đã tìm mọi cách tăng doanh thu, trong đó, riêng ở thị trường nội địa, chú trọng tăng cường hàng hóa, hành khách.

Riêng với thị trường qquốc tế, hãng VNA hiện đang báo cáo Chính phủ, các bộ ngành, xin triển khai hộ chiếu vaccine.

Theo Chủ tịch VNA, dự kiến cuối tháng 7, đầu tháng 8 sẽ áp dụng với những người đã tiêm vaccine đủ 2 mũi, việc mở lại đường bay quốc tế với hộ chiếu vaccine sẽ được triển khai một cách thận trọng.

Lãnh đạo hãng hàng không nhấn mạnh, hiện doanh thu bay quốc tế bao gồm cả các chuyến giải cứu, hồi hương… chỉ chiếm 1% doanh thu của Vietnam Airlines, nên hãng rất mong mở lại đường bay quốc tế.

Vietnam Airlines sẽ lập hãng hàng không vận chuyển hàng hóa?

Đáng chú ý, tại Đại hội cổ đông này, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết khả năng có thể thành lập hãng bay chuyên vận tải hàng hóa trong bối cảnh doanh thu bị tác động bởi đại dịch Covid-19.

Đại diện Vietnam Airlines nêu rõ, trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, một điểm sáng đáng ghi nhận là doanh thu hàng hóa của hãng tăng nhanh (từ 10%-30%), tháng 6 này, doanh thu từ vận chuyển hàng hóa thậm chí còn cao hơn vận chuyển hành khác.

Kiểm tra các giấy xét nghiệm của các hành khách. - Sputnik Việt Nam, 1920, 13.10.2020
Về tin “Vietnam Airlines phá sản” và khi nào Việt Nam bay lại đường bay quốc tế

Chủ tịch Đặng Ngọc Hòa cho rằng, đây là tiền đề để Vietnam Airlines nghiên cứu lập một hãng bay chuyên chở hàng hoá sau dịch bệnh.

Nói rõ hơn về vấn đề này, Tổng Giám đốc Lê Hồng Hà cho biết, Vietnam Airlines cũng từng tính đến việc thành lập hãng bay chuyên vận chuyển hàng hóa từ lâu. Tuy nhiên, thực tế 5 năm gần đây cho thấy hãng bay chở hàng cần đảm bảo về quy mô để khai thác được tất cả nguồn hàng như Korean Air, China Airlines phải có mạng đường bay, đội bay chở hàng đủ lớn.

“Nên khi đó chúng tôi đánh giá việc lập hãng bay vận tải hàng hóa chưa mang liệu hiệu quả”, ông Lê Hồng Hà giải thích lý do không lập hãng bay chở hàng từ sớm.

Tuy vậy, trong hai năm gần đây, mảng chở hàng đã mang lại hiệu quả quan trọng từ khi dịch bệnh bùng phát và nhất là trong vài tháng gần đây khi không vận chuyển hành khách.

Ông Hà cũng cho hay, hãng đã tháo ghế vận chuyển hàng 5 máy bay A350, tăng công suất cõng hàng lên gấp đôi, 3 máy bay A321 cũng tháo ghế để vận chuyển hàng. Vietnam Airlines cũng là hãng đầu tiên vận chuyển hàng hóa trên cabin và tháo ghế.

Như Sputnik Việt Nam đã thông tin trước đó, theo báo cáo Bộ Giao thông Vận tải vừa gửi Chính phủ, tỷ trọng doanh thu từ vận tải hàng hóa các hãng hàng không giai đoạn Việt Nam trong dịch một năm qua đều tăng gấp 3 lần so với giai đoạn trước dịch.

Đáng chú ý nhất, ngày 13/7 vừa qua, Cục Hàng không đã từ chối đề nghị thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo của ‘Vua hàng hiệu’ Johnathan Hạnh Nguyễn.

Vietnam Airlines - Sputnik Việt Nam, 1920, 19.06.2021
Phía sau việc Vietnam Airlines bên bờ vực phá sản

Cụ thể, Cục Hàng không đã có văn bản gửi Bộ GTVT về khả năng thành lập hãng hàng không vận chuyển hàng hóa IPP Air Cargo do ông Johnathan Hạnh Nguyễn, trong đó đề nghị chưa xem xét cho phép thành lập hãng hàng không mới trong giai đoạn hiện nay.

Lý do được đưa ra là do hiện nay, các hãng hàng không Việt Nam đều đang thực hiện các chuyến bay chuyên chở hàng hóa, bao gồm cả việc chở hàng trên khoang hành khách nhằm tăng thêm năng lực vận chuyển hàng hóa, có thêm nguồn thu để bù đắp thiệt hại do dịch Covid-19

Tính đến ngày 28-6-2021, các hãng hàng không Việt Nam đã hoán đổi 9 máy bay sang chở hàng theo hình thức tháo ghế hành khách để chở hàng trên khoang. Trong đó, Vietnam Airlines có 5 chiếc (2 Airbus A321 và 3 Airbus A350), Vietjet có 4 máy bay Airbus 321.

“Việc chưa xem xét thành lập thêm hãng hàng không chuyên chở hàng hóa cũng là một trong các biện pháp hạn chế tối đa khả năng mất cân đối cung-cầu của thị trường, gây ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của ngành hàng không Việt Nam do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19”, Cục Hàng không nhấn mạnh.

Cơ quan này khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi tình hình thị trường, ảnh hưởng của dịch bệnh và báo cáo Bộ GTVT về khả năng thành lập hãng hàng không mới cho giai đoạn sau 2022 để trình Thủ tướng xem xét.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала