Kinh tế Việt Nam vừa trải qua ‘cú sốc lịch sử’ nhưng vẫn có thể ngẩng cao đầu

© AFP 2023 / Nhac NguyenĐường phố Hà Nội.
Đường phố Hà Nội. - Sputnik Việt Nam, 1920, 29.09.2021
Đăng ký
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý III/2021 giảm sâu xuống mức âm, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chỉ đạt - 6,17%, GDP 9 tháng chỉ tăng +1,42%. Đây là mức giảm sâu nhất trong lịch sử, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê.
Ở Việt Nam, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 9 tháng qua lên tới hơn 90.300, tức cứ bình quân một tháng, có 10 nghìn doanh nghiệp “dứt áo ra đi”. Chưa bao giờ số doanh nghiệp rời bỏ thị trường lớn đến thế.
Dù Coivd-19 ‘giáng đòn’ nặng nề, tuy nhiên, theo lãnh đạo Tổng cục Thống kê, Việt Nam 9 tháng năm 2021 vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương và đạt được một số kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Thực tế, không nhiều nước trên thế giới làm được điều này.

“Cú sốc lịch sử” của nền kinh tế Việt Nam

Sáng nay 29/9, Tổng cục Thống kê (GSO- Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội của Việt Nam quý III cùng 9 tháng năm 2021.
Cửa hàng sản phẩm Samsung tại Việt Nam. - Sputnik Việt Nam, 1920, 28.09.2021
FDI, nền kinh tế và ổn định chính trị, vì sao Samsung sẽ không rời bỏ Việt Nam?
Những số liệu chính xác nhất, mới nhất về nền kinh tế Việt Nam được Tổng cục Thống kê đưa ra gây bất ngờ với nhiều người, nhưng đó là xu hướng chung của tình hình khu vực và thế giới hiện nay, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến vô cùng phức tạp.
Nhìn vào những con số “biết nói” được lãnh đạo Tổng cục Thống kê đưa ra tại cuộc họp báo mới thấy, Covid-19, cụ thể là làn sóng dịch thứ tư, thành “đòn giáng mạnh”, thậm chí, theo giới chuyên gia, đây là cú sốc lịch sử của nền kinh tế Việt Nam với mức giảm sâu chưa có tiền lệ.
Theo đó, phát biểu tại cuộc họp báo, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương thông tin, tổng sản phẩm quốc nội (tổng sản phẩm trong nước- GDP) quý III/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước.
“Đây là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay”, báo cáo của Tổng cục Thống kê thừa nhận.
Trong quý III/2021, theo GSO, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,04%, tuy nhiên, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,02%, khu vực dịch vụ giảm sâu nhất – 9,28%.
Về sử dụng GDP quý III/2021, Tổng cục Thống kê cho hay, tiêu dùng cuối cùng giảm 2,83% so với cùng kỳ năm trước, tích lũy tài sản tăng 1,61%, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 2,51%, đáng chú ý, Việt Nam nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 10,75%.
Tính chung, GDP 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP): + 4,1%. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa: + 18,8%. Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa: + 30,5%. Đáng chú ý, Việt Nam nhập siêu lên đến 2,13 tỷ USD. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân: + 1,82%. Lạm phát cơ bản: + 0,88%.
Asian Development Bank (ADB). - Sputnik Việt Nam, 1920, 22.09.2021
Ai bảo nền kinh tế Việt Nam ‘đang kiệt quệ’ vì Covid-19?
Nguyên nhân khiến nền kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng giảm sâu, theo bà Nguyễn Thị Hương, là do dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Cùng với đó, nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh.
Lãnh đạo Tổng cục Thống kê bà Nguyễn Thị Hương cũng cho hay, trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,74%, đóng góp 23,52%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,57%, đóng góp 98,53%, khu vực dịch vụ giảm 0,69%, làm giảm 22,05%.
Tổng cục Thống kê đánh giá, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng vai trò là “bệ đỡ của nền kinh tế Việt Nam trong đại dịch. Năng suất lúa tăng cao, chăn nuôi tăng trưởng ổn định, kim ngạch xuất khẩu một số nông sản 9 tháng năm 2021 đạt khá so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, ngành nông nghiệp tăng 3,32%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành lâm nghiệp tăng 3,3%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm, ngành thủy sản tăng 0,66%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm.
Bên cạnh đó, khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế Việt Nam với tốc độ tăng 6,05%, đóng góp 1,53 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,24%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm.
© AFP 2023 / Nhac NguyenĐường phố Hà Nội.
Đường phố Hà Nội. - Sputnik Việt Nam, 1920, 05.10.2021
Đường phố Hà Nội.
Ngành khai khoáng giảm 7,17%, làm giảm 0,27 điểm phần trăm do sản lượng dầu thô khai thác giảm 6% và khí đốt tự nhiên giảm 17,6%. Ngành xây dựng giảm 0,58%, làm giảm 0,04 điểm phần trăm.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ.
“Tăng trưởng âm trong 9 tháng năm 2021 của một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn đã làm giảm mức tăng chung của khu vực dịch vụ và toàn bộ nền kinh tế”, Tổng cục Thống kê nêu rõ.
Trong đó, ngành bán buôn, bán lẻ giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước, làm giảm 0,3 điểm phần trăm trong tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, ngành vận tải kho bãi giảm 7,79%, làm giảm 0,47 điểm phần trăm, ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 23,18%, làm giảm 0,57 điểm phần trăm.
Tuy vậy, ở chiều ngược lại, ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội đạt tốc độ tăng cao nhất với mức tăng 21,15%, đóng góp 0,26 điểm phần trăm, hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,37%, đóng góp 0,45 điểm phần trăm, ngành thông tin và truyền thông tăng 5,24%, đóng góp 0,32 điểm phần trăm.
Về cơ cấu nền kinh tế Việt Nam 9 tháng năm 2021, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 12,79%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,03%, khu vực dịch vụ chiếm 40,19%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,99%.
Về sử dụng GDP 9 tháng năm 2021, tiêu dùng cuối cùng tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2020, tích lũy tài sản tăng 4,27%, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,21%, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 18,46%.

Chuỗi cung ứng đứt gãy, số doanh nghiệp rời thị trường lớn chưa từng thấy

Báo cáo của Tổng cục Thống kê nêu rõ, sản xuất công nghiệp trong quý III/2021 gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt, là tại các địa phương có khu công nghiệp lớn phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài.
Công ty Optrontec Vina khu công nghiệp Bá Thiện 2, Vĩnh Phúc là công ty 100% vốn Hàn Quốc. - Sputnik Việt Nam, 1920, 20.09.2021
‘Không phải chuyện đùa’: FDI sẽ rời Việt Nam nếu chậm mở cửa kinh tế
GSO cho biết, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp quý III/2021 giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2021, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 4,45% so với cùng kỳ năm 2020.
Về hoạt động của doanh nghiệp, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê thông tin, dịch Covid-19 kéo dài đã làm nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ phá sản.
Đáng chú ý, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường 9 tháng là 90.300 doanh nghiệp, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 9 tháng, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 45,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước, 32,4 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 17,4%, 12,8 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 5,9%.
“Bình quân một tháng, có 10 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường”, báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy bức tranh đáng buồn với tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp ở Việt Nam.
Đặc biệt, Tổng cục Thống kê cũng lưu ý, số liệu mà GSO công bố có thể chưa phản ánh hết số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trên thực tế, bởi trong điều kiện nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội nên các doanh nghiệp không thể làm thủ tục giải thể, rút lui khỏi thị trường được.
“Chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy do các đợt giãn cách liên tiếp, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng 9/2021 có sự sụt giảm nghiêm trọng cả về số lượng và số vốn đăng ký”, bà Nguyễn Thị Hương nói.
Cảng hàng hóa - Sputnik Việt Nam, 1920, 17.09.2021
Từ bỏ “Zero Covid”, kinh tế Việt Nam và cuộc marathon bắt kịp nhịp thế giới
Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp cho biết, nhiều chuỗi cung ứng sản xuất đã bị đứt gãy do dịch bệnh, đặc biệt tại TP.HCM.
“Chưa bao giờ số doanh nghiệp rời bỏ thị trường lớn như vậy. Khả năng chống chịu của các doanh nghiệp ngày càng cạn kiệt”, Vụ trưởng Thúy thừa nhận.
Theo đó, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới chỉ đạt 3.899 doanh nghiệp, giảm 62,2% so với cùng kỳ năm 2020, số vốn đăng ký chỉ đạt 62,4 nghìn tỷ đồng, giảm 69,3%.
Tính chung 9 tháng năm 2021, tổng số doanh nghiệp thành lập mới đạt 85,5 nghìn doanh nghiệp, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước, quy mô vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 14 tỷ đồng, giảm 3,1%, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 90,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 15,3%.

Doanh nghiệp vẫn lạc quan vào triển vọng tăng trưởng quý IV/2021

Tuy nhiên, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp cho thấy, các doanh nghiệp vẫn lạc quan về tương lai, tình hình tăng trưởng trong quý IV năm nay.
Dây chuyền sản xuất bao bì đựng thức ăn gia súc tại Công ty TNHH Tân Trang - Sputnik Việt Nam, 1920, 16.09.2021
WB lý giải vì sao nền kinh tế Việt Nam không sụp đổ vì Covid-19
Cụ thể, kết quả điều tra trong khối các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2021 cho thấy 13,2% số doanh nghiệp đánh giá tốt hơn so với quý II/2021, 25,4% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 61,4% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.
Dự kiến quý IV/2021, có 43,4% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý III/2021, 26,3% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 30,3% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.
Trong đó, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lạc quan nhất với 79,4% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý IV/2021 tốt hơn và giữ ổn định so với quý III/2021, tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước lần lượt là 71,8% và 68,8%.
Đáng chú ý, Tổng cục Thống kê, tổng số dự án đầu tư FDI vào Việt Nam tính đến ngày 20/9 giảm 37,8% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, số vốn đăng ký lại tăng 20,6%.
Tổng vốn đăng ký đầu tư FDI vào Việt Nam trong 9 tháng ước đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó vốn đăng ký cấp mới có 1.212 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 12,5 tỷ USD, giảm 37,8% về số dự án và tăng 20,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đăng ký điều chỉnh có 678 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 6,43 tỷ USD, tăng 25,6%, vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 2.830 lượt với tổng giá trị góp vốn 3,22 tỷ USD, giảm 43,8%.
Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, có 1.139 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 2,05 tỷ USD và 1.691 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 1,17 tỷ USD.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu - Sputnik Việt Nam, 1920, 14.09.2021
Bộ trưởng Dũng: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ thấp nhưng vẫn ấn tượng với thế giới
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 9 tháng năm 2021 ước tính đạt 13,28 tỷ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 9 tháng năm 2021 có 41 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 150,1 triệu USD, giảm 44,1% so với cùng kỳ năm trước, có 15 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm 422,1 triệu USD, gấp gần 2,6 lần so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) đạt 572,3 triệu USD, tăng 32,4% so với cùng kỳ 2020.
Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên khách quốc tế đến Việt Nam trong 9 tháng năm 2021 ước tính đạt 114,5 nghìn lượt người, giảm 97% so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam như thế nào?

Tại họp báo, Tổng cục Thống kê cũng thông tin thêm về các gói hỗ trợ an sinh xã hội trong 9 tháng đầu năm nay.
Những người đang đi xe máy qua trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ở trung tâm thành phố Hà Nội - Sputnik Việt Nam, 1920, 10.09.2021
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ bơm thêm tiền để ‘cứu’ kinh tế?
Tổng cục trưởng Hương cho biết, tính đến ngày 21/9, tổng kinh phí đã hỗ trợ là gần 13,8 nghìn tỷ đồng cho gần 17,6 triệu đối tượng, trong đó có 11,4 nghìn tỷ đồng được chi cho 23 tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng nhiều do dịch bệnh.
Chính phủ cũng đã cấp 136.349,6 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho hơn 2,4 triệu hộ gia đình với gần 9,1 triệu nhân khẩu gặp khó khăn do dịch trên địa bàn 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Riêng TP. Hồ Chí Minh đã chi trên 5.446 tỷ đồng (chiếm 40% toàn quốc) hỗ trợ trên 4,81 triệu đối tượng (chiếm 27,3% toàn quốc) và trao 1,8 triệu túi an sinh xã hội cho người dân.
Về tình hình lao động và việc làm, GSO cho biết, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình lao động, việc làm quý III/2021.
“Lao động đang làm việc trong nền kinh tế giảm mạnh so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động tăng cao nhất kể từ quý I/2020”, Tổng cục Thống kê nhận định.
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý III/2021 ước tính là 49,2 triệu người, giảm 1,9 triệu người so với quý trước và giảm 2,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 9 tháng năm 2021, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 50,4 triệu người, giảm 0,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 9 tháng năm 2021, lực lượng lao động trong độ tuổi lao động là 44,5 triệu người, giảm 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước, tương đương 2,4%.
Tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước 9 tháng năm 2021 là 2,67% (quý I là 2,19%, quý II là 2,40%, quý III là 3,43%), trong đó khu vực thành thị là 3,58%, khu vực nông thôn là 2,15%.
Căn cứ vào số liệu công bố của Tổng cục Thống kê có thể thấy, trong tổng số 50,4 triệu người trong độ tuổi lao động, có 2,91% đang thất nghiệp. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị là 3,78%, ở nông thôn là 2,39%.
Tính chung 9 tháng năm nay, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ước tính là 3,04%, trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 3,0%, tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 3,07%.

Việt Nam vẫn nỗ lực đạt các mục tiêu ở mức cao nhất có thể

Tại cuộc họp báo, Tổng cục Thống kê nhận định, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, bức tranh kinh tế – xã hội Việt Nam 9 tháng năm 2021 vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương và đạt được một số kết quả tích cực trên các lĩnh vực.
GSO cho rằng, đây là thành quả nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước.
Thực khách ở Hà Nội ngồi trong nhà hàng sau tấm chắn nhựa chống coronavirus lây lan - Sputnik Việt Nam, 1920, 07.09.2021
Việt Nam không thể phong tỏa mãi, bao giờ mở cửa lại nền kinh tế?
Các cơ quan ở Trung ương và địa phương cùng vào cuộc phòng, chống dịch, triển khai hiệu quả Quỹ Vaccine phòng chống Covid-19 để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn viện trợ, hỗ trợ mua và tự nghiên cứu, sản xuất vaccine, tiêm phòng miễn phí cho người dân nhằm quyết tâm đạt mục tiêu kinh tế – xã hội năm 2021 cao nhất có thể.
“Nền kinh tế duy trì được mức tăng trưởng dương 1,42% tuy không phải là mức tăng trưởng cao nhưng an sinh xã hội được đảm bảo, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát”, Tổng cục Thống kê nhấn mạnh.
Tuy vậy, Tổng cục Thống kê cũng nêu rõ, bước sang quý IV, kinh tế – xã hội Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
“Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường” Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương lưu ý.
Theo GSO, dù nhiều nước đẩy mạnh tiêm vaccine, nhưng nguy cơ phục hồi của kinh tế thế giới vẫn mong manh, việc gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu còn hiện hữu, ảnh hưởng tới các ngành thương mại, du lịch, vận tải, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm gia tăng sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội.
“Để đạt mục tiêu kinh tế – xã hội năm 2021 ở mức cao nhất có thể, cần sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân”, Tổng cục Thống kê khẳng định.
Tổng cục Thống kê cũng nêu một số giải pháp cơ bản nhằm khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng còn lại năm 2021.
Theo đó, trước hết, Việt Nam cần thực hiện kiểm soát tốt dịch Covid-19, đẩy mạnh tiêm chủng mở rộng. Cùng với đó là xây dựng và hướng dẫn thực hiện Khung Y tế phòng chống dịch để sống chung an toàn với dịch Covid-19, sớm ổn định đời sống, chăm lo sức khỏe, đời sống của người dân, đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội.
Tiếp đó, Chính phủ cần tiếp tục triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp chống chịu, vượt qua khó khăn, ổn định và phục hồi sản xuất trong những tháng cuối năm. Đặc biệt, hỗ trợ cho người lao động bị mất việc làm, mất thu nhập, lao động phi chính thức cần được triển khai hiệu quả với phương châm “không để ai bị bỏ lại”.
Giải pháp thứ ba là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm cung ứng hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế, thực hiện chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ linh hoạt vừa đảm bảo kiềm chế lạm phát, vừa đảm bảo thúc đẩy tăng trưởng.
“Từng bước mở cửa nền kinh tế, tập trung nguồn lực khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh”, Tổng cục Thống kê nhấn mạnh đây là yêu cầu cấp thiết để tránh tác động dài hạn đến nền kinh tế, làm suy giảm, cạn kiệt sức chống chịu của doanh nghiệp, người dân.
Tiếp đó là tăng cường các biện pháp siết chặt kỷ luật tài chính – ngân sách. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, có biện pháp kịp thời, phù hợp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.
Giao thông ở Hà Nội. - Sputnik Việt Nam, 1920, 01.09.2021
Việt Nam-Nền kinh tế mà Covid-19 không thể hạ gục
Kế tiếp, cần theo dõi sát thị trường trong nước và quốc tế, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động xuất, nhập khẩu, hỗ trợ miễn, giảm các loại phí cho các doanh nghiệp chịu chi phí tăng cao trong quá trình vận chuyển, lưu thông hàng hóa.
Cuối cùng là theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, chủ động phương án phòng chống thiên tai, cảnh báo mưa lũ, sạt lở, tác động của hạn hán, xâm nhập mặn nhằm hạn chế tối đa thiệt hại tới sản xuất và cuộc sống của người dân. Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm.
Thẳng thắn, việc Việt Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng kinh tế +1,42% trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nặng nề, “giáng đòn” mạnh đến mọi lĩnh vực đời sống – kinh tế đất nước và thế giới là điều rất đáng khích lệ. Không nhiều quốc gia trên toàn cầu thực hiện được thành tựu tăng trưởng GDP dương như vậy.
Với việc lên kế hoạch mở cửa dần, có lộ trình thận trọng, điều chỉnh chiến lược từ “Zero Covid-19” sang thích ứng, sống chung với dịch bệnh trong điều kiện bình thường mới, một nền kinh tế năng động, mạnh mẽ, có độ mở lớn như Việt Nam, sẽ tiếp tục được kỳ vọng đạt được mức tăng trưởng cao thời gian tới.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала