Chuyên gia: “Trên thế giới chưa có dự án nào như Cát Linh – Hà Đông”

© AFP 2023 / Giang HuyDự án Cát Linh – Hà Đông.
Dự án Cát Linh – Hà Đông. - Sputnik Việt Nam, 1920, 07.10.2021
Đăng ký
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông kéo dài qua nhiều đời Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, hơn một thập niên, 20 lần lỡ hẹn. Chuyên gia cho rằng, có lẽ, trên thế giới chưa có dự án nào lập nhiều mốc đáng buồn như thế.
Theo TS. Nguyễn Xuân Thủy, lẽ ra chỉ mất 3 – 4 năm xây dựng, nếu làm đúng tiến độ, Việt Nam đã có thể làm xong vài ba dự án như Cát Linh – Hà Đông, Nhổn – ga Hà Nội, Bến Thành – Suối Tiên để đưa vào khai thác.
Trong một diễn biến liên quan, mới đây, báo cáo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) hứa sẽ xử lý dứt điểm dự án đường sắt đô thị trên cao Cát Linh – Hà Đông trong năm nay. Vậy khi nào tàu Cát Linh – Hà Đông sẽ ‘chạy thật’?

Bộ GTVT hứa xử lý dứt điểm dự án Cát Linh – Hà Đông trong năm nay

Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) vừa có báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trong đó, có hứa sẽ sớm hoàn thành loạt dự án gây nhức nhối trong dư luận, điển hình như đường sắt đô thị trên cao Cát Linh – Hà Đông.
Nêu rõ trong báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 của Bộ khoảng 43.401 tỷ đồng (42.996 tỷ đồng kế hoạch năm và 405 tỷ đồng kế hoạch kéo dài).
Tuy vậy, tính đến nay, Bộ này đã phân bổ chi tiết 42.683/42.996 tỷ đồng, đạt 99,27% kế hoạch.
Đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông. - Sputnik Việt Nam, 1920, 14.09.2021
Dự án Cát Linh – Hà Đông 10 lần lỗi hẹn, phía Việt Nam hay Trung Quốc chịu trách nhiệm?
Thông tin với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, lãnh đạo Bộ GTVT cho hay, theo hoạch 2021 sẽ chỉ còn lại 313 tỷ đồng dự kiến sẽ phân bổ cho một số dự án đang hoàn thiện thủ tục và một số dự án sau khi Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch trung hạn 2021-2025 (hoàn trả các khoản địa phương đã ứng thực hiện dự án).
Bộ GTVT nhấn mạnh, dự kiến những tháng còn lại cuối năm, Bộ sẽ tập trung phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xử lý dứt điểm các tồn tại, khó khăn của một số dự án trọng điểm để nghiệm thu hoàn thành, bàn giao đưa công trình vào khai thác.
Điển hình như dự án đường sắt đô thị TP.Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông, các dự án đường bộ quan trọng, cấp bách; các dự án đường bộ cao tốc như: Trung Lương - Mỹ Thuận, Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Túy Loan, Cao Bồ - Mai Sơn; dự án cải tạo, nâng cấp đường CHC, đường lăn Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất giai đoạn 2…
Bộ GTVT cũng cam kết sẽ phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xử lý các tồn tại của các dự án do Tổng công ty Đương cao tốc (VEC) làm chủ đầu tư.
Báo cáo của Bộ GTVT cho hay, qua rà soát, đánh giá tình hình triển khai, xử lý các khó khăn vướng mắc, ảnh hưởng của dịch Covid-19 (về công tác giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu, huy động nhân lực...) tới tiến độ triển khai từng dự án, Bộ GTVT dự kiến sẽ phấn đấu giải ngân được khoảng 95% kế hoạch năm 2021 (khoảng 41.231/43.401 tỷ đồng).
Tuy nhiên, đáng chú ý là trong đó khả năng phải xin điều chỉnh giảm kế hoạch vốn nước ngoài năm 2021 khoảng 590 tỷ đồng, kéo dài thực hiện kế hoạch vốn trong nước năm 2021 khoảng 1.580 tỷ đồng sang năm 2022.

Kế hoạch cho năm 2022 ra sao?

Báo cáo với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội , Bộ GTVT đang triển khai 61 công trình, dự án.
Trong đó có 21 dự án trọng điểm ngành Giao thông Vận tải (GTVT) triển khai, gồm có 4 dự án đang chuẩn bị các thủ tục đầu tư; 13 dự án đang triển khai thực hiện; 3 dự án đang hoàn tất thủ tục nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng; 1 dự án đang tạm dừng triển khai, chờ kết quả rà soát quy hoạch.
Tính hết 8 tháng đầu năm, Bộ GTVT và các ngành, địa phương đã phối hợp hoàn thành đưa vào khai thác 7 công trình, dự án, hoàn tất công tác chuẩn bị và khởi công 08 công trình, dự án (có 05 công trình, dự án trọng điểm).
Bộ GTVT cũng đã phê duyệt quyết toán được 16/21 dự án, hạng mục công trình, giá trị 6.152 tỷ đồng, đạt 76% kế hoạch của 6 tháng đầu năm 2021.
Đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông. - Sputnik Việt Nam, 1920, 10.06.2021
Vừa được cấp chứng nhận an toàn, đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã được chạy hay chưa?
Định hướng xây dựng kế hoạch năm 2022 theo hướng dịch bệnh được khống chế, Bộ GTVT xác định tiếp tục đề xuất các chính sách tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp vận tải phù hợp với tình hình thực tế, thúc đẩy vận chuyển hàng hóa thông suốt trong nước và quốc tế.
Dự kiến luân chuyển hàng hóa tăng 5% đến 7%; luân chuyển hành khách tăng đến 5%; hàng thông qua cảng biển tăng đến 10% so với năm 2021 (trong điều kiện tình hình dịch bệnh đã được khống chế).
Kế hoạch năm sau cũng ưu tiên bố trí vốn, chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh tiến độ thi công dự án quan trọng quốc gia đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, các dự án quan trọng, động lực (cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; các dự án đường sắt, đường bộ cấp bách; giai đoạn 2: Kênh Chợ Gạo, Luồng sông Hậu, kết nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Giẽ - Ninh Bình...) tạo cơ sở sớm hoàn thành, đưa vào khai thác phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, lưu thông hàng hóa.
Cùng đó, Bộ GTVT cũng cam kết bố trí đủ vốn để hoàn thành dứt điểm 25 dự án giao thông trong năm 2022 (2 dự án khẩn cấp chuyên ngành hàng không, 2 dự án cấp bách chuyên ngành đường sắt, 21 dự án quốc lộ).
Cùng với đó, Bộ cũng sẽ đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục phê duyệt các dự án khởi công mới trong kỳ trung hạn 2021-2025 ngay sau khi được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư.
Đẩy mạnh triển khai thủ tục thiết kế, dự toán, đấu thầu để phấn đấu sớm khởi công được các dự án quy mô nhỏ, không phức tạp ngay trong năm 2022.
Trong báo cáo của mình, Bộ GTVT cũng nêu rõ việc sẽ nỗ lực rút ngắn thời gian thực hiện dự án để vừa sớm phát huy hiệu quả đầu tư, vừa giảm sức ép về cân đối nguồn vốn cho kế hoạch các năm cuối kỳ trung hạn khi triển khai đồng loạt nhiều dự án đường bộ cao tốc lớn.
Tàu đường sắt tuyến Cát Linh - Hà Đông có tốc độ thiết kế tối đa 80 km/h.  - Sputnik Việt Nam, 1920, 09.04.2021
Hé lộ thời gian dự kiến vận hành đường sắt Cát Linh – Hà Đông
Như Sputnik đã thông tin trước đó, hôm 15/9, Văn phòng Bộ GTVT đã thông báo kết luận cuộc họp liên quan đến tiến độ các dự án xây dựng cơ bản cũng như tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Tại cuộc họp này, Bộ GTVT yêu cầu dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông bắt buộc là một trong những dự án trọng điểm phải hoàn thành trong năm 2021.
Trước đó, như đã biết, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sau nhiều lần trễ hẹn đã được Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cam kết đưa vào bàn giao cho TP.Hà Nội, vận hành thương mại vào đầu tháng 5/2021.
Tuy nhiên đến nay, Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng vẫn chưa thông qua kết luận nghiệm thu dự án.
Như chúng tôi thông tin trước đó, tại văn bản trả lời Bộ Tài chính việc sửa đổi điều 1.7 của Hiệp định vay bổ sung cho dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông, sử dụng vốn vay Trung Quốc, Bộ Giao thông vận tải cho biết do hợp đồng EPC dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông không thể hoàn thành đúng tiến độ nên phải kéo dài thời gian thực hiện, làm tăng chi phí hợp đồng tư vấn giám sát, cần bổ sung khoảng 7,835 triệu USD.

“Trên thế giới chưa có dự án nào như Cát Linh – Hà Đông”

Chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Xuân Thủy mới đây đưa ra bình luận hết sức đáng chú ý về dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông.
Theo ông, nếu đúng tiến độ, lẽ ra Việt Nam đã có ít nhất là ba dự án tương tự như Cát Linh – Hà Đông, Nhổn – ga Hà Nội hay Bến Thành – Suối Tiên được vận hành, khai thác thương mại.
Trả lời Pháp luật TP.HCM, TS. Nguyễn Xuân Thủy nhấn mạnh, ở Việt Nam, 1998, Chính phủ đã định hướng đầu tư, phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội và TP.HCM. đây là chủ trương rất đúng đắn và kịp thời.
Tuy nhiên, 23 năm qua dù ngân sách nhà nước đã rót 56.132 tỷ đồng để đầu tư các dự án đường sắt đô thị nhưng nhiều dự án cho thấy hiệu quả thấp, thậm chí là mất hiệu quả vì chậm tiến độ, đội vốn, gây không ít bức xúc trong dư luận xã hội.
“Đã đến lúc chúng ta cần quý trọng đồng tiền của người dân, không thể sử dụng như hiện nay được”, TS. Nguyễn Xuân Thủy nêu rõ.
Lý giải về nguyên nhân chậm tiến độ, lỡ hẹn, dẫn đến đội vốn, đặc biệt là dự án Cát Linh – Hà Đông, ông Thủy cho rằng, lẽ ra chỉ mất 3-4 năm xây dựng nhưng nay đã hơn một thập niên với 20 lần lỡ hẹn.
“Tôi tin chắc trên thế giới chưa có công trình nào đạt được các dấu mốc đáng buồn như vậy”, ông Thủy phải thốt lên.
Theo chuyên gia, việc các dự án trên chậm tiến độ không chỉ làm đội giá 30%-40% mà có thể trên 100%.
Nguyên nhân khiến các dự án đường sắt đô thị chậm, theo ông Thủy là do Việt Nam chọn đối tác kém. Không biết đối tác của mình từng thi công những công trình gì, có hiệu quả không, năng lực đến đâu… để rồi khi vào Việt Nam thực hiện dự án yếu kém đổ lỗi trách nhiệm cho nhau, gây khó khăn về vấn đề công nghệ, tài chính, kể cả quan hệ quốc tế… điều này được thể hiện rõ ở dự án Cát Linh - Hà Đông.
Hơn nữa, khi chọn đối tác kém, sẽ dẫn đến chủ quan, nghĩ mình có thể quản lý, làm được. Nhưng năng lực quản lý trong nước, hiểu biết về công nghệ, hiểu biết về tài chính… chưa đảm bảo yêu cầu. Song song đó, hợp đồng ký với đối tác chưa có những điều khoản ràng buộc về trách nhiệm thời gian, hiệu quả, tài chính… nên chúng ta dễ bị đối tác “dắt mũi”.
“Bên cạnh đó vẫn còn nhóm lợi ích trong xây dựng đường sắt, tôi nói như vậy bởi vì có những việc người dân cảm thấy khuất tất, như chuyện đội giá tuyến Cát Linh - Hà Đông, nhiều lý giải khó chấp nhận”, TS. Nguyễn Xuân Thủy thẳng thắn.
Chuyên gia dẫn ra ví dụ, chẳng hạn việc thay đổi vỏ tàu tuyến này, phía đối tác dự kiến làm vỏ tàu bằng thép dễ gỉ nên phải đổi sang inox để giảm chi phí phát sinh, vì nếu dùng thép đó phải sơn bảo dưỡng vỏ tàu thường xuyên. Việc thay đổi vỏ tàu làm tăng tổng mức đầu tư lên mấy triệu USD.
“Câu hỏi là tại sao thế kỷ 21 rồi mà đối tác vẫn chọn vỏ tàu bằng thép dễ gỉ cho ta? Việc này người dân không tin và chúng tôi, những người có hiểu biết, cũng không thể nào chấp nhận lý giải đó”, chuyên gia nhấn mạnh.
Ông đề nghị cả Bộ GTVT và Chính phủ phải thực sự quyết liệt mới được. Cần phải đánh giá, xem xét kỹ đối tác – xem có xứng đáng hay không (đạo đức, công nghệ, ngoại giao, tạo điều kiện cho hai bên làm việc). Không thể chấp nhận và cũng không thể lặp lại việc chỉ đưa ra hợp đồng chung chung – không có ai chịu trách nhiệm.
Ông lấy ví dụ tuyến đường sắt Nhổn – ga Hà Nội, thông báo chậm tiến độ, người dân cũng buộc phải chấp nhận sự chậm trễ ấy. Không ai mất gì, không thấy ai nói trách nhiệm thuộc về ai, không một lời xin lỗi người dân, họ im lặng một cách đáng sợ.
Chuyên gia giao thông cho rằng, ở Việt Nam cũng phải có “thiết quân luật” với đơn vị quản lý dự án, nếu chậm, có thể mất chức, thay người, (trảm tướng), chứ không thể sử dụng đồng tiền của người dân vô tội vạ như thế. Phải quản lý chặt chẽ và có trách nhiệm.
Cùng với đó, Bộ GTVT cũng cần xét đến việc lựa chọn kỹ người quản lý dự án. Đó là những người có kinh nghiệm, năng lực quản lý tốt.
“Phải tránh tình trạng “cài cắm” đưa những người thân cận để tạo ra lợi ích nhóm, ăn bớt tiền của người dân”, ông Thủy lưu ý.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала