Orsted đã ‘nghiên cứu rất kỹ’ Việt Nam

© Ảnh : Dương Giang-TTXVNThủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC)
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) - Sputnik Việt Nam, 1920, 03.11.2021
Đăng ký
Hiện có hàng loạt “ông lớn” thế giới muốn tham gia cuộc đua điện gió ở Việt Nam. Tập đoàn điện gió lớn nhất thế giới - Orsted của Đan Mạch vừa đề xuất đầu tư hơn 11 tỷ USD làm dự án điện gió ngoài khơi Bạch Long Vĩ, Hải Phòng.
Tại COP26, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn Năng lượng gió Orsted Mads Nipper khẳng định với Thủ tướng Phạm Minh Chính rằng, “đã nghiên cứu kỹ” và nhận thấy Việt Nam có tiềm năng rất lớn.
Cuộc đua điện gió ở Việt Nam chưa bao giờ hấp dẫn đến thế. Không chỉ có sự vào cuộc của những “gã khổng lồ” về năng lượng gió thế giới, trong nước, đã có 84 dự án điện gió về đích, 62 dự án không kịp bán điện vào phút chót.

Tập đoàn điện gió Đan Mạch Orsted muốn đầu tư hơn 11 tỷ USD vào Hải Phòng

Tập đoạn Orsted Đan Mạch, tập đoàn điện gió lớn nhất thế giới đề xuất nghiên cứu tại Hải Phòng dự án điện gió ngoài khơi tổng công suất lên đến 3.900MW với mức đầu tư hơn 11 tỷ USD.
Chiều 2/11, ông Nguyễn Đức Thọ, Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng đã có buổi tiếp và làm việc với đoàn công tác Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam do Tham tán thương mại Troels Jakobsen làm trưởng đoàn.
Tại buổi làm việc, hai bên đã dành thời gian thảo luận, trao đổi về dự án điện gió ngoài khơi TP Hải Phòng. Dự án do Tập đoàn Orsted đề xuất nghiên cứu, khảo sát.
Năng lượng gió - Sputnik Việt Nam, 1920, 26.10.2021
GWEC: Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào điện than, chưa phát triển đủ năng lượng gió
Theo đó, dự kiến dự án có tổng công suất 3.900 MW, chia làm 3 giai đoạn, sản lượng gió dự kiến khoảng 13.665.600 MWh/năm, tuabin gió dự kiến lắp đặt công suất khoảng 20 MW, chiều cao trụ từ 150-200 m.
Theo phía Orsted đề xuất, dự án sẽ được đặt ở vùng biển ngoài khơi, phía đông nam cách đảo Bạch Long Vĩ 14 km, phía tây bắc cách quần đảo Long Châu 36 km, cách đảo Cát Bà 88 km, cách huyện Tiên Lãng 76 km, cách huyện Kiến Thụy 74 km, cách quận Đồ Sơn 70 km. Tổng mức đầu tư của dự án vào khoảng 11,9 đến 13,6 tỷ USD.
Dự án điện gió ngoài khơi TP. Hải Phòng được nhận định là phù hợp với định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam, trên tinh thần ưu tiên khai thác và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo.
Tham tán thương mại Troels Jakobsen hy vọng quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Đan Mạch và Hải Phòng sẽ được tăng cường, phát triển hơn trong thời gian tới, trên các lĩnh vực như kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, du lịch, chuyển đổi kinh tế xanh.
Về phần mình, Phó chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ cho biết, thành phố đánh giá cao năng lực của Tập đoàn Orsted trong lĩnh vực phát triển điện gió ngoài khơi, đồng thời hứa sẽ quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi đối với nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Đức Thọ cũng đề nghị nhà đầu tư cung cấp thêm các tài liệu, xem xét bổ sung những vấn đề được các sở, ngành nêu ra tại buổi làm việc, hoàn thiện hồ sơ để dự án có tính khả thi cao.
Ông cũng yêu cầu Tập đoàn Orsted rà soát vị trí khảo sát, khoảng cách bố trí các tuabin gió phù hợp để kết hợp và phát triển hợp lý không gian biển một cách khoa học, đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành, việc phân kỳ đầu tư, không làm tác động ảnh hưởng đến luồng hàng hải, vấn đề an ninh quốc phòng.

Đã nghiên cứu rất kỹ Việt Nam

Tập đoàn Orsted là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi. Doanh nghiệp này do Chính phủ Đan Mạch chiếm cổ phần chi phối.
Năm 2020, doanh thu của Orsted là 8,6 tỷ USD, lợi nhuận 3 tỷ USD. Công ty đang là nhà cung cấp năng lượng xanh cho hơn 15 triệu người trên toàn thế giới và đang nỗ lực tăng gấp đôi con số này đến năm 2025.
Cánh đồng điện gió ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). - Sputnik Việt Nam, 1920, 01.10.2021
Thành tích phi thường của Việt Nam trong phát triển điện gió và năng lượng Mặt Trời
Bên lề Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp với Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) cũng như tiếp Chủ tịch Tập đoàn kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn Năng lượng điện gió Orsted Mads Nipper.
Tại đây, Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) và Chủ tịch Tập đoàn kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn Năng lượng điện gió Orsted khẳng định “đã nghiên cứu rất kỹ”, đồng thời nhận thấy Việt Nam có tiềm năng rất lớn, cơ hội, lợi thế cạnh tranh cao cho phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện gió.
GWEC và lãnh đạo Orsted nêu rõ, Việt Nam có cơ chế, môi trường đầu tư thông thoáng, nguồn nhân lực có chất lượng, con người năng động, sáng tạo và thân thiện, hệ thống logistics phát triển... Do đó, thời gian qua, các doanh nghiệp thành viên Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu đã đầu tư hàng tỷ USD vào xây dựng các dự án điện gió tại Việt Nam.
GWEC và Orsted cùng các tập đoàn hàng đầu về năng lượng gió thế giới cũng bày tỏ tin tưởng và mong muốn tiếp tục đầu tư lâu dài ở Việt Nam.
Những “ông lớn” về năng lượng gió toàn cầu muốn mở rộng đầu tư thêm sang một số lĩnh vực liên quan như phát triển mạng lưới truyền tải điện, phân phối điện...
Năng lượng gió - Sputnik Việt Nam, 1920, 28.06.2021
Zarubezhneft cho biết giá của trang trại điện gió ngoài khơi đầu tiên tại Việt Nam
GWEC và Orsted cũng đề nghị Chính phủ Việt Nam chỉ đạo các bộ, ngành giải quyết nhanh các thủ tục để các dự án sớm được triển khai.
Đáp lại đánh giá cao và mong muốn đầu tư của Orsted Đan Mạch cũng như thành viên của Hội đồng Năng lượng gió thế giới, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn, và hoan nghênh các tập đoàn, doanh nghiệp đã nghiên cứu về tiềm năng cơ hội, lợi thế cạnh tranh phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện gió tại Việt Nam.
“Phân tích, đánh giá của các doanh nghiệp phù hợp với các nhà nghiên cứu mà các nhà tư vấn quốc tế đã nghiên cứu. Đặc biệt, phù hợp với chủ trương chuyển đổi sử dụng năng lượng và quá trình giảm thải khí carbon của Việt Nam”, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng cho biết thêm, Chính phủ Việt Nam đang tiếp tục hoàn thiện thể chế sát thực tế, phù hợp tình hình để thúc đẩy phát triển trong thời gian tới.
Theo người đứng đầu Chính phủ, hiện Việt Nam đang tổ chức đào tạo nguồn nhân lực bài bản, có hệ thống để có nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng quá trình chuyển đổi năng lượng đạt hiệu quả, bền vững lâu dài.
“Việt Nam xác định lựa chọn công nghệ hiện đại, phù hợp với hoàn cảnh đất nước hiện tại. Xây dựng chính sách phù hợp, huy động nguồn lực tài chính, trong đó có hợp tác công - tư để có nguồn tài chính đầu tư cho chuyển đổi này, trên nguyên tắc hợp lý, hài hòa, phù hợp, đáp ứng khả năng thu hồi vốn, nhưng phải có hiệu quả cao nhất”, Thủ tướng Việt Nam khéo léo trả lời, tái khẳng định chính sách kêu gọi đầu tư khôn ngoan của Hà Nội.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị, các tập đoàn tiếp tục nghiên cứu, phân bổ đầu tư đều ở các khu vực của Việt Nam, phù hợp với yêu cầu và phát huy hiệu quả đầu tư. Việc xây dựng hệ thống truyền tải điện phải hiệu quả, tránh lãng phí. Phân phối điện phù hợp, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển của từng vùng, địa phương. Đặc biệt, cần tính toán giá điện hợp lý, trên tinh thần đảm bảo lợi ích của các bên.

Cuộc đua năng lượng gió ở Việt Nam: 84 dự án điện gió kịp vận hành thương mại

Ngày 2/11, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có văn bản số 6742/ EVN-TTĐ gửi Bộ Công Thương về kết quả vận hành thương mại (COD) các dự án điện gió tính đến hết ngày 31/10/2021.
Theo thông tin mà EVN cung cấp cho Bộ Công Thương, trong số 146 dự án đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN với tổng công suất hơn 8.170 MW, có 84 dự án đã kịp vận hành thương mại. Trong số này, có 15 dự án đã vận hành thương mại một phần với tổng công suất đạt hơn 325 MW.
Riêng 62 dự án với tổng công suất trên 3.479 MW trong tổng số 146 dự án đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN, không kịp về đích để vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021.
Quang cảnh kỳ họp. - Sputnik Việt Nam, 1920, 30.09.2021
EVN, Bộ Công Thương thời ông Trần Tuấn Anh có vi phạm gì?
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các dự án điện gió có khả năng đóng góp một phần không nhỏ trong việc đảm bảo an ninh cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia, ngay cả khi có tiết giảm một số giờ phát điện trong ngày.
Về thỏa thuận đấu nối, EVN cho biết, trong quá trình thực hiện với các chủ đầu tư, các bên đều thống nhất đưa vào Thỏa thuận đấu nối điều khoản yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện giảm/dừng công suất nhà máy khi có quá tải lưới điện hoặc thừa nguồn. Trên cơ sở đó EVN đã ký Hợp đồng mua bán điện (PPA) với các chủ đầu tư đều có bổ sung yêu cầu này.
Thực tế chỉ có 84/146 dự án kịp vận hành thương mại này cho thấy, số dự án điện gió xây dựng và bán điện cho EVN để hưởng giá bán điện ưu đãi theo quyết định 39 thấp hơn nhiều so với số lượng dự án điện gió được bổ sung quy hoạch (11.800 MW).
Theo EVN, các chủ đầu tư đã thống nhất bổ sung các điều khoản vào hợp đồng mua bán điện đã ký gồm: chủ đầu tư cam kết ngừng/giảm công suất trước các dự án năng lượng tái tạo khác đã đưa vào vận hành thương mại, nếu xảy hiện tượng quá tải/thừa nguồn trong thời gian các công trình lưới điện đồng bộ được phê duyệt theo quy hoạch chưa đưa vào vận hành.
Trong trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền có ý kiến khác về việc công nhận ngày vận hành thương mại chưa phù hợp, chủ đầu tư cam kết sẽ thực hiện theo đúng ý kiến của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hủy bỏ ngày vận hành thương mại và hoàn trả lại toàn bộ tiền điện cho EVN, bao gồm cả khoản tiền lãi (nếu có).
Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, với các thỏa thuận này giữa EVN và chủ đầu tư, việc vận hành nhà máy điện gió sẽ đảm bảo lưới điện vận hành an toàn, ổn định, tin cậy, không gây quá tải đường dây và trạm biến áp theo đúng nguyên tắc nêu tại văn bản số 2134/ĐL-KH&QH ngày 26/10/2021.
Trang trại điện gió Trung Nam được khánh thành tại huyện Thuận Bắc. - Sputnik Việt Nam, 1920, 21.05.2021
Việt Nam lần đầu tiên có dự án điện gió ngoài khơi lên tới 3.500MW hợp tác với Đan Mạch
Theo Quyết định 39 của Thủ tướng năm 2018 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, giá mua bán điện cố định ưu đãi đối với các dự án điện gió (giá FIT) sẽ hết hạn vào ngày 31/10/2021.
Tuy nhiên, như đã thấy, dịch bệnh, giãn cách xã hội thời gian qua đã ảnh hưởng nhiều đến tiến độ thi công, khiến nhiều dự án, nhà máy phải “chạy đua” với thời gian để kịp thời hạn FIT.
Trong số các địa phương triển khai điện gió, hiện Quảng Trị là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về số lượng dự án kịp vận hành thương mại.
Bộ Công Thương cho biết đối với các dự án đang xây dựng nhưng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, Bộ sẽ có cơ chế xử lý chuyển tiếp song không áp dụng giá FIT và các dự án xây dựng sau ngày 31/10 sẽ áp dụng cơ chế đấu thầu.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала