Trung tâm Vũ trụ Việt Nam chưa bắt được tín hiệu của vệ tinh NanoDragon

© Depositphotos.com / RottenmanVệ tinh trên hành tinh trái đất.
Vệ tinh  trên hành tinh trái đất. - Sputnik Việt Nam, 1920, 23.12.2021
Đăng ký
Trung tâm Vũ trụ Việt Nam vẫn đang bám sát thông tin về quỹ đạo của NanoDragon để vận hành, điều khiển vệ tinh.
Đại diện Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cho biết, sau hơn 1 tháng được phóng lên vũ trụ, trạm mặt đất vẫn chưa thu được thông tin ở đường truyền dữ liệu đo xa dải UHF.

Vẫn đang nỗ lực tìm kiếm tín hiệu của NanoDragon

Theo chia sẻ của Phó giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) Lê Xuân Huy ngày 23/12, vệ tinh NanoDragon có 3 đường truyền thông, gồm đường truyền dữ liệu đo xa từ vệ tinh phát xuống mặt đất ở dải tần UHF, đường phát lệnh điều khiển từ mặt đất lên ở dải tần VHF và đường truyền dữ liệu nhiệm vụ từ vệ tinh xuống mặt đất ở băng tần S.
Hiện trạm mặt đất chưa thu được thông tin ở đường truyền dữ liệu đo xa dải UHF nên chưa xác định được những thông số trạng thái chi tiết của vệ tinh.
Ngày 1/10 phóng vệ tinh NanoDragon “Make in Vietnam” Nanodragon - Sputnik Việt Nam, 1920, 02.12.2021
Vệ tinh NanoDragon của Việt Nam vẫn chưa nhận được tín hiệu từ trạm mặt đất
Đến nay, VNSC vẫn đang bám sát thông tin về quỹ đạo của NanoDragon để vận hành, điều khiển vệ tinh.
Trong lần phóng hôm 9/11, có 9 vệ tinh cùng tham gia phóng và có 11 vật thể bay đã được xác định sau khi phóng. Sẽ cần khá nhiều thời gian để xác định vật thể nào là vệ tinh NanoDragon.
VNSC hiện đang vận hành 2 lần/ngày vào 9h30 sáng và 9h30 tối tại trạm mặt đất ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Trung tâm gửi các lệnh điều khiển vệ tinh ở băng tần VHF để dò tìm tín hiệu ở băng S, đồng thời phối hợp với cộng đồng Satnogs để thu tín hiệu vệ tinh, trong đó có 2 trạm có khả năng gửi lệnh lên vệ tinh NanoDragon và thu tín hiệu ở băng S.
Trung tâm thực hiện tìm kiếm, sàng lọc mọi dữ liệu liên quan đến tín hiệu NanoDragon trên cộng đồng Satnogs, kết hợp trao đổi, phân tích các khả năng tình huống có thể xảy ra trên vệ tinh và tìm kiếm giải pháp với đối tác.
"Hiện nay, các kỹ sư của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam vẫn tiếp tục nỗ lực tìm kiếm tín hiệu của NanoDragon. Chúng tôi tin rằng quá trình chế tạo NanoDragon đã mang lại nhiều kinh nghiệm và bài học quý giá cho các kỹ sư cũng như cán bộ của trung tâm trong tất cả các giai đoạn như: thiết kế chế tạo, tích hợp thử nghiệm, phóng và chuẩn bị vận hành khai thác", TS. Lê Xuân Huy cho biết.

Phóng thành công tên lửa mang vệ tinh NanoDragon của Việt Nam vào vũ trụ

Trước đó, sáng 9/11, tên lửa Epsilon số 5 mang theo vệ tinh NanoDragon đã được phóng lên quỹ đạo vào lúc 7h57. Buổi phóng được phát trực tiếp trên các kênh thông tin của Cơ quan Hàng không vũ trụ Nhật (JAXA).
Sau khoảng 52 phút, tên lửa bắt đầu thả các vệ tinh mà nó mang theo vào quỹ đạo. RAISE-2 là vệ tinh đầu tiên được thả. NanoDragon là vệ tinh cuối cùng được thả vào không gian.
Các vệ tinh sẽ cùng NanoDragon bay vào quỹ đạo theo Chương trình “Trình diễn công nghệ vệ tinh sáng tạo 2” - Sputnik Việt Nam, 1920, 09.11.2021
Phóng thành công tên lửa mang vệ tinh NanoDragon của Việt Nam vào vũ trụ
Sau đó, vệ tinh NanoDragon tách khỏi tên lửa Epsilon-5 của Nhật Bản để đi vào quỹ đạo, bắt đầu sứ mệnh của mình trong không gian.
Lịch phóng Epsilon 5 từng được ấn định ngày 1/10/2021. Dù vậy, ngày phóng đã phải hoãn lại nhiều lần vì lý do kỹ thuật hay do thời tiết xấu.
Được biết, NanoDragon là vệ tinh dạng cubesat lớp nano, có khối lượng 3,8kg với kích thước tiêu chuẩn 3U (100x100x340,5mm). Vệ tinh do đội ngũ kỹ sư, nhà nghiên cứu VNSC phát triển.
Vệ tinh là sản phẩm của đề tài "Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, phóng và vận hành thử nghiệm vệ tinh siêu nhỏ cỡ nano" thuộc "Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về công nghệ vũ trụ giai đoạn 2016-2020".
NanoDragon được phát triển với mục đích chứng minh có thể dùng công nghệ chùm vệ tinh cỡ siêu nhỏ để thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy (Automatic Identification System - AIS) nhằm tránh bị va chạm hoặc kết hợp dữ liệu để theo dõi, giám sát phương tiện trên biển.
Vệ tinh còn nhằm để xác minh chất lượng của hệ thống điều khiển và xác định tư thế vệ tinh và một máy tính tiên tiến mới được phát triển riêng dành cho vệ tinh cỡ nhỏ.
NanoDragon được thiết kế để hoạt động ở quỹ đạo đồng bộ mặt trời, với độ cao khoảng 560km.
NanoDragon là vệ tinh được nghiên cứu, thiết kế, chế tạo 100% tại Việt Nam và là một sản phẩm nằm trong lộ trình phát triển vệ tinh nhỏ "Made in Vietnam" của VNSC.
Các chuyên gia Nhật Bản lắp đặt vệ tinh NanoDragon của Việt Nam vào ống phóng của tên lửa. - Sputnik Việt Nam, 1920, 08.11.2021
Dự kiến ngày mai, vệ tinh NanoDragon sẽ được phóng lên quỹ đạo
Trước đó, vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon (có khối lượng 1kg) do Trung tâm Vũ trụ Việt Nam nghiên cứu, chế tạo cũng được phóng vào năm 2013. Vệ tinh hoạt động khá ổn định trong khoảng 3 tháng, liên tục phát tín hiệu quảng bá với bản tin "PicoDragon VietNam" đến các trạm mặt đất trên khắp thế giới.
Đến năm 2019, vệ tinh MicroDragon được phóng lên quỹ đạo thành công và vẫn đang hoạt động theo mục tiêu đề ra.
MicroDragon là sản phẩm thuộc hợp phần đào tạo vệ tinh cơ bản, thành phần của dự án "Phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu sử dụng vệ tinh quan sát Trái đất". Vệ tinh do 36 học viên, là các cán bộ nghiên cứu của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, nghiên cứu, phát triển và chế tạo.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала