Việt Nam có còn là “thiên đường” FDI?

© AP Photo / Mark SchiefelbeinNgười đàn ông theo dõi giá cổ phiếu tại một công ty môi giới ở Bắc Kinh
Người đàn ông theo dõi giá cổ phiếu tại một công ty môi giới ở Bắc Kinh - Sputnik Việt Nam, 1920, 10.05.2022
Đăng ký
Sáng 10/5, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) đã công bố “Báo cáo thường niên về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam năm 2021”. Đây là lần đầu tiên báo cáo này được công bố tại Việt Nam.
Việt Nam là quốc gia đón dòng vốn FDI lớn thứ ba trong khu vực và là một trong số các nước ASEAN vẫn duy trì được tăng trưởng dòng vốn FDI qua nhiều năm.

Báo cáo thường niên về FDI

Ngày 10/5, Hiệp hội Doanh nghiệp FDI (VAFIE) đã chính thức công bố Báo cáo thường niên về FDI năm 2021.
Đặc biệt, đây là lần đầu tiên, Báo cáo này được công bố tại Việt Nam, và sẽ tiếp tục được thực hiện thường niên trong thời gian tới.
Báo cáo thường niên FDI của Việt Nam 2021 do GS.TS Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE làm chủ biên là báo cáo đầu tiên được thực hiện trên cơ sở hợp tác với Công ty Kiểm toán quốc tế KPMG Việt Nam, với sự hỗ trợ của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Tập đoàn Fiin Group và một số chuyên gia kinh tế.
Ngoài ra, Báo cáo thường niên về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 2021 do Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) thực hiện với cách tiếp cận Báo cáo thường niên Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) và Báo cáo thường niên FDI ASEAN của Ban Thư ký ASEAN và UNCTAD để đánh giá toàn diện kết quả thu hút, sử dụng vốn FDI cùng phân tích môi trường đầu tư gắn với công cuộc cải cách nền hành chính.
Lễ công bố có sự tham dự của hơn 60 đại diện đến từ các đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các chuyên gia kinh tế, đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp và các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương.
Là báo cáo toàn diện nên Báo cáo thường niên FDI 2021 đã đề cập đầy đủ về xu hướng FDI toàn cầu và khu vực ASEAN cũng như Việt Nam.
Thành phố Hồ Chí Minh - Sputnik Việt Nam, 1920, 28.04.2022
Tình hình ở Ukraina tác động thuận hay nghịch chiều đến thu hút FDI của Việt Nam?

FDI chiếm hơn 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam

Tại lễ công bố, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực VAFIE cho biết, năm 2022 đánh dấu 35 năm Quốc hội ban hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (29/12/1987).
Theo lãnh dạo VAFIE, trong hơn 3 thập kỷ, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài không ngừng phát triển, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của đất nước theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Báo cáo cho thấy, đến nay, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, 55% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của Việt Nam.
Đặc biệt, đầu tư nước ngoài đã thúc đẩy sự hình thành một số ngành công nghiệp lớn của đất nước như dầu khí, chế tạo, công nghệ thông tin, viễn thông, dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, kiểm toán, nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao...
Đáng chú ý, các doanh nghiệp FDI chiếm hơn 70% kim ngạch xuất khẩu, chuyển đổi cơ cấu hàng xuất khẩu từ nguyên liệu thô, khoáng sản sang công nghiệp chế biến giá trị gia tăng cao.
Xuất siêu của các doanh nghiệp FDI không chỉ bù đắp mức nhập siêu của doanh nghiệp trong nước, mà còn góp phần cân bằng cán cân thương mại quốc tế của Việt Nam.
Báo cáo của VAFIE cũng chỉ rõ, khu vực doanh nghiệp FDI đã tạo việc làm trực tiếp cho 4,6 triệu người, chiếm hơn 7% tổng số lao động của Việt Nam và hàng triệu lao động gián tiếp khác.

“Thiên đường” FDI

Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia được đánh giá cao về khả năng thu hút FDI.

“Việt Nam là nước tiếp nhận nguồn vốn FDI lớn thứ ba trong khu vực và là một trong số các nước ASEAN vẫn duy trì được tăng trưởng dòng vốn FDI qua nhiều năm”, - GS. Nguyễn Mại cho biết.

Năm 2021, vốn đăng ký FDI đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2%, vốn thực hiện đạt 19,74 tỷ USD, giảm nhẹ 1,2% so với năm 2020.
Đáng chú ý, đầu tư mới vẫn là loại hình đầu tư chủ yếu, chiếm tỷ trọng lớn trong 3 năm 2019-2021 (2019: 44%, 2020: 51,34% và 2021: 48,9%). Vốn đăng ký dự án cấp mới có xu hướng tăng từ 4,3 triệu USD/dự án năm 2019 lên 8,8 triệu USD/dự án năm 2021.
Theo GS Nguyễn Mại, các địa phương thu hút nhiều vốn FDI mới là Long An, Cần Thơ, Bắc Ninh và Quảng Ninh. Đáng chú ý, đầu tư mới chiếm tỷ trọng tới 99% năm 2020 và 93,1% trong năm 2021 trong tổng vốn đăng ký vào lĩnh vực chế tạo, phân phối điện, khí, cấp nước và điều hòa.
Số lượt điều chỉnh tăng vốn giảm từ 1.381 năm 2019 xuống 1.140 năm 2020 và 985 năm 2021 nhưng vốn điều chỉnh có xu hướng tăng cả về giá trị tuyệt đối lẫn tỷ trọng trong tổng vốn đăng ký của cả 3 năm. Năm 2019 là 15,3%, năm 2020 là 22,5% và năm 2021 là 28,9%.

“Điều này chứng tỏ môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam ngày càng được cải thiện, làm cho nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng vào sự thành công trong kinh doanh ở nước ta bằng cách điều chỉnh tăng vốn đầu tư để mở rộng kinh doanh và tăng lợi nhuận”, - GS. Nguyễn Mại nêu.

Riêng về nguồn vốn góp vốn và mua cổ phần của nhà đầu tư ngoại, GS Nguyễn Mại cho rằng từ năm 2011 đến nay, hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) trở thành hình thức quan trọng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, chiếm tỷ trọng cao trong vốn FDI đăng ký và thực hiện.
Hồ Tây - Sputnik Việt Nam, 1920, 15.04.2022
Bất ngờ lớn về FDI của Việt Nam

“NEM”

Bất chấp đại dịch, M&A tại Việt Nam vẫn hoạt động sôi nổi và đáng chú ý. 362 giao dịch M&A đã được FiinGroup ghi nhận năm 2021 với tổng giá trị M&A đạt 12 tỷ USD, tăng 150% so với năm 2020, tương đương với kỷ lục 13,4 tỷ USD năm 2017.
Giá trị giao dịch trung bình mỗi thương vụ tăng từ 23 triệu USD năm 2020 lên 39 triệu USD năm 2021.
Nêu trong báo cáo năm nay, Chủ tịch VAFIE cho rằng, phương thức đầu tư nước ngoài không sử dụng vốn chủ sở hữu (NEM) hoặc hình thức đầu tư mới (NFI) dịch chuyển từ chuỗi cung ứng sản phẩm có giá trị gia tăng thấp sang chuỗi cung ứng sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn.

“Điển hình như đang nổi lên với việc một số tập đoàn kinh tế đã chủ động tiếp cận và thực hiện NEM như VinFast và Vsmart…”, - báo cáo cho biết.

Đồng thời, NEM cho phép các công ty đa quốc gia (TNCs) điều phối hoạt động chuỗi cung ứng sản phẩm, tạo cơ hội cho các nhà sản xuất và cung ứng trong nước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, khoản vốn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài thường bao gồm việc cung cấp thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ, bí quyết kinh doanh…

“NEM đang có xu hướng gia tăng vì đưa lại lợi ích to lớn cho doanh nghiệp nước tiếp nhận FDI”, - báo cáo khẳng định.

Việt Nam cần thoát vị trí thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu

TS. Nguyễn Anh Tuấn cho biết, năm 2021, kinh tế thế giới và FDI toàn cầu cũng như kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.
Theo đó, tăng trưởng kinh tế giảm, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nhưng kết quả thu hút, sử dụng vốn nước ngoài và hoạt động của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được coi là điểm sáng trong bức tranh kinh tế chung của Việt Nam.
Bên cạnh những đóng góp tích cực, thu hút và sử dụng lao động cũng còn những tồn tại, bất cập cần khắc phục, nhằm tăng cường thu hút và nâng cao hơn nữa hiệu quả nguồn vốn FDI, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới của đất nước, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài ra nước ngoài đến năm 2030.
Một số vấn đề mà VAFIE đề cập trong báo cáo đó là số lượng dự án có công nghệ hiện đại, công nghệ nguồn từ Mỹ và châu Âu chỉ chiếm 5%, công nghệ trung bình chiếm 80% và công nghệ lạc hậu chiếm 15%.
Số lượng doanh nghiệp FDI thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tập trung trong ngành công nghệ thông tin, điện tử viễn thông… vẫn chưa được chú trọng.
Cùng với đó, hiệu quả kinh tế của nhiều doanh nghiệp FDI chưa tương xứng với quy mô vốn, năng lực và những ưu đãi được hưởng.
Theo Phó Chủ tịch VAFIE, cơ cấu FDI theo vùng và địa phương còn mất cân đối dẫn tới tình trạng phát triển không đồng đều giữa các vùng và địa phương.

“Doanh nghiệp FDI thiếu liên kết, chưa có tác động lan tỏa tới doanh nghiệp trong nước khi Việt Nam vẫn nằm ở vị trí thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu, chủ yếu ở khâu lắp ráp cuối cùng của chuỗi với giá trị gia tăng thấp”, - lãnh đạo VAFIE nhận định.

Đặc biệt, thể chế, luật pháp liên quan đến đầu tư nước ngoài chưa hoàn chỉnh, chồng chéo, thực thi không nghiêm minh.

“Điều này dẫn đến việc một số nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng kẽ hở pháp luật để trục lợi, đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng” torg những ngành và lĩnh vực hạn chế FDI”, - báo cáo cho thấy.

Nhằm tiếp tục giúp Việt Nam thu hút FDI trong bối cảnh hạn chế rủi ro từ xung đột Nga - Ukraina, sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế thế giới hay rủi ro từ lạm phát, theo VAFIE, Việt Nam cần tập trung vào 3 giải pháp trọng tâm.
1.
Thứ nhất, hoàn thiện thể chế, luật pháp có liên quan đến FDI; trong đó có chủ trương về việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam.
2.
Thứ hai, nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng FDI thông qua cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, rà soát hệ thống chính sách về đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn.
3.
Thứ ba, nâng cao quản lý nhà nước về FDI từ xúc tiến, thẩm định, triển khai tới kiểm tra, giám sát.
Đồng thời, để thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, công tác thông tin, tuyên truyền đóng vai trò quan trọng, VAFIE nhận thấy sự cần thiết phải xây dựng Báo cáo thường niên FDI của Việt Nam với cách tiếp cận Báo cáo thường niên của Diễn đàn Thương mại và phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) và Báo cáo thường niên FDI ASEAN của Ban Thư ký ASEAN và UNCTAD để đánh giá toàn diện kết quả thu hút và sử dụng, sản xuất kinh doanh FDI, hoạt động của các doanh nghiệp FDI.
Phó Chủ tịch Thường trực VAFIE cho rằng, phân tích môi trường đầu tư gắn với cải cách hành chính quốc gia, lấy ý kiến ​​các chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp FDI.
Từ đó, kiến nghị với Nhà nước định hướng, chính sách, pháp luật theo hướng đổi mới và sáng tạo để tăng số lượng dự án và vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế - xã hội của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Theo GS. Nguyễn Mại, Chính phủ cần sớm ban hành quyết định về bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả khu vực FDI, chỉ đạo các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương thực hiện nghiêm túc trong quá trình thu hút và sử dụng vốn FDI.

“Chúng ta cần hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật về đầu tư và kinh doanh; nghiên cứu các mô hình như khu thương mại tự do, trung tâm tài chính; quan tâm cả vấn đề áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam”, - GS. Nguyễn Mại lưu ý Việt Nam cần chú trọng hơn nữa các giải pháp để nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng FDI.

Công nhân Công ty Cellmech International Vina Khu công nghiệp Khai Quang đeo khẩu trang phòng chống dịch COVID -19 tại nơi làm việc. - Sputnik Việt Nam, 1920, 27.02.2022
Singapore dẫn đầu các quốc gia rót FDI vào Việt Nam
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала