IAEA tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ, liệu Việt Nam có tái khởi động dự án điện hạt nhân?

© Flickr / llee_wuNhà máy điện hạt nhân
Nhà máy điện hạt nhân - Sputnik Việt Nam, 1920, 10.06.2022
Đăng ký
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế đánh giá Việt Nam là hình mẫu hợp tác về phát triển và ứng dụng công nghệ hạt nhân, cam kết sẵn sàng hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân.
Về phần mình, Việt Nam khẳng định luôn nỗ lực trong việc đảm bảo an toàn, an ninh hạt nhân và ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển bền vững.
Hà Nội cũng bày tỏ quan tâm tới ứng dụng năng lượng và công nghệ hạt nhân vào các lĩnh vực như y học, sinh học, nông nghiệp, công nghiệp, tài nguyên môi trường.

Việt Nam quan tâm đến công nghệ hạt nhân

Tin từ Bộ Tư lệnh Hóa học, Bộ Quốc phòng Việt Nam cho biết, từ ngày 6-10/6/2022, tại Vienna (Cộng hòa Áo), Hội đồng Thống đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) đã tổ chức Cuộc họp định kỳ với sự tham dự của đại diện các quốc gia thành viên và tổ chức quốc tế là quan sát viên.
Bên lề cuộc họp này, Đoàn Việt Nam do Đại sứ Nguyễn Trung Kiên, Thống đốc - Đại diện thường trực Việt Nam tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) làm Trưởng đoàn; Đại tá Nguyễn Đình Hiền, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Binh chủng Hóa học (Bộ Quốc phòng) và đại diện các đơn vị chuyên môn của Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao đã gặp gỡ, làm việc với bà Lydie Evrard, Phó Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế phụ trách An toàn và An ninh và đại diện Bộ phận về Phát triển năng lượng hạt nhân thuộc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế.
Tại buổi gặp gỡ giữa đoàn đại diện Bộ Quốc phòng với bà Evrard, Việt Nam đánh giá cao và bày tỏ cảm ơn Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế đã tích cực hỗ trợ các nước thành viên, trong đó có Việt Nam, ứng dụng công nghệ hạt nhân vào ứng phó với các vấn đề toàn cầu, phục vụ phát triển bền vững, đặc biệt là trong quá trình đẩy lùi dịch COVID-19.
Về phát triển công nghệ và bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân, Việt Nam nhấn mạnh sự cần thiết của việc thúc đẩy đào tạo, huấn luyện, tăng cường hợp tác song phương và nhiều bên về ứng phó sự cố, thảm họa bức xạ, hạt nhân.
Trao đổi với Phó Tổng Giám đốc IAEA, Việt Nam bày tỏ quan tâm tới ứng dụng năng lượng và công nghệ hạt nhân vào các lĩnh vực như y học, sinh học, nông nghiệp, công nghiệp, tài nguyên môi trường nhằm phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống con người.
IAEA - Sputnik Việt Nam, 1920, 11.03.2022
Cái bắt tay giữa IAEA và Việt Nam có ý nghĩa gì?
Phái đoàn Việt Nam cho rằng, việc phát triển năng lượng hạt nhân giúp bảo đảm an ninh năng lượng, nhất là trong bối cảnh giá nhiên liệu hóa thạch tăng cao.
Ngoài ra, việc chú trọng năng lượng hạt nhân cũng góp phần thực hiện các thỏa thuận quốc tế về ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và Việt Nam là thành viên.

IAEA giúp Việt Nam phát triển công nghệ hạt nhân

Đề cao vai trò trung tâm của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế, đại diện Đoàn Việt Nam khẳng định, Việt Nam luôn nỗ lực trong việc đảm bảo an toàn, an ninh hạt nhân và ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển bền vững.
Trên cơ sở đó, Việt Nam đề nghị Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế tiếp tục hỗ trợ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và phát triển công nghệ hạt nhân phục vụ phát triển bền vững.
Cùng với đó, Hà Nội cũng mong IAEA hỗ trợ xây dựng kế hoạch ứng phó với các sự cố về hạt nhân; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam mong muốn Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế đẩy mạnh việc thảo luận về sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn về an ninh, an toàn, ứng phó sự cố hạt nhân trong bối cảnh công nghệ hạt nhân đang phát triển mạnh như hiện nay.

Hình mẫu

Về phần mình, lãnh đạo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế cho biết, sẽ luôn hỗ trợ ứng dụng công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình và mong muốn các nước thành viên trên cơ sở hoàn cảnh thực tế của mình, chủ động đưa ra các yêu cầu cụ thể, tạo điều kiện để quá trình hợp tác đạt hiệu quả và thiết thực.
Bà Lydie Evrard, đại diện Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế nêu rõ, quá trình hợp tác với Việt Nam trong một số lĩnh vực như nông nghiệp, ứng phó dịch bệnh đang được thực hiện thành công, là hình mẫu để phát triển quan hệ hợp tác với các nước thành viên khác.
Nhân dịp này, đại diện Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế ghi nhận các vấn đề mà Đoàn Việt Nam đề cập và cho biết sẽ chuyển các đề nghị của Việt Nam cho các bộ phận liên quan nghiên cứu, giải quyết.
Đồng thời, đại diện Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế cho hay, sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động hợp tác, nâng cao năng lực chuẩn bị và ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân cho các thành viên, trong đó có Việt Nam trong thời gian tới, khi tình hình dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát.
Nhà máy điện hạt nhân - Sputnik Việt Nam, 1920, 09.06.2022
Việt Nam có đóng góp tích cực thế nào trong quá trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên?
Như đã biết, Bộ phận về Phát triển năng lượng hạt nhân là một trong 5 bộ phận chuyên môn của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế, có chức năng hợp tác, giúp đỡ các quốc gia thực hiện chương trình phát triển bền vững năng lượng hạt nhân.
Thông qua cơ chế này, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế cung cấp các hỗ trợ về kỹ thuật liên quan đến quy trình phát triển, vận hành cơ sở hạt nhân cũng như xây dựng, ban hành các chương trình, kế hoạch phát triển điện hạt nhân, có thể hỗ trợ mật thiết cho Việt Nam.

Việt Nam cân nhắc tái khởi động điện hạt nhân?

Những ngày qua, chủ đề Việt Nam cân nhắc tái khởi động điện hạt nhân được Quốc hội, dư luận trong và ngoài nước cùng các chuyên gia ngành năng lượng nguyên tử thảo luận sôi nổi.
Như Sputnik đề cập, trung tuần cuối tháng 5, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã đề xuất xem xét phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam với lập luận cho rằng, để giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050, ở giai đoạn phát triển năng lượng tiếp theo, Việt Nam cần nghiên cứu điện hạt nhân.
Báo cáo giám sát về việc thực hiện nghị quyết 31 năm 2016 của Quốc hội về chủ trương dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá điện hạt nhân được các quốc gia công nhận là điện sạch, phát thải khí nhà kính rất thấp sau Hội nghị COP 26.
“Việt Nam xem xét phát triển điện hạt nhân trong giai đoạn tiếp theo sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển kinh tế độc lập, tự chủ và bảo đảm an ninh hệ thống điện với nhu cầu đa dạng nguồn phát”, báo cáo nêu.
Tuy nhiên, phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam ra sao, như thế nào thì cần được đánh giá đầy đủ, khoa học, chính xác thực trạng và dự báo cung cầu năng lượng.
“Trước mắt, cần có chủ trương của Đảng và từ đó tính toán quy hoạch điện hạt nhân và nghiên cứu tái khởi động dự án ở Ninh Thuận vào thời điểm thích hợp”, Ủy ban lưu ý.
Cùng với đó, để chuẩn bị cho quá trình này, cơ quan thẩm tra của Quốc hội đề nghị Chính phủ xem xét tạm giữ quy hoạch với các vị trí dự kiến xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 cho đến khi có quyết định chính thức. Bởi thực tế, việc chọn địa điểm xây dựng nhà máy đưa vào quy hoạch là quá trình lâu dài, tuân thủ quy định chặt chẽ và rất tốn kém.
Mặt khác, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận mới được dừng thực hiện, nếu hủy bỏ sẽ ảnh hưởng đến khả năng phát triển điện hạt nhân trong tương lai, quan hệ với các nước đối tác (điển hình như với Liên bang Nga và Nhật Bản),
Phát biểu tại Nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định quan điểm, Việt Nam mới chỉ dừng chứ không hủy bỏ điện hạt nhân.
“Nghị quyết của Quốc hội trước đây là dừng chủ trương xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, chứ không phải huỷ bỏ”, Bộ trưởng Diên nói và theo Tư lệnh ngành Công Thương, không có cơ sở để xoá quy hoạch địa điểm làm nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Vị lãnh đạo cũng nhắc lại việc địa điểm này đã được các đối tác Nga, Nhật cùng các bộ ngành liên quan nghiên cứu rất kỹ và khẳng định Ninh Thuận là địa điểm phù hợp nhất để phát triển điện hạt nhân.
Người đứng đầu ngành Công Thương cho hay, thế giới hiện nay cũng phải quay lại phát triển loại năng lượng hạt nhân. Chẳng hạn như ở Mỹ và Đức, hai quốc gia tiết giảm điện hạt nhân cách đây 3 năm, nhưng gần đây đã phải xây dựng lộ trình để phát triển loại năng lượng này mạnh hơn trước những biến động của địa chính trị, làm nguồn điện nền cho phát triển năng lượng tái tạo.
Theo Bộ trưởng, để đạt mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050 như cam kết của Thủ tướng tại COP 26 thì phải khai thác mạnh nguồn năng lượng sạch, như điện mặt trời, điện gió. Trong khi để khai thác được nguồn năng lượng này, nhất thiết phải có nguồn điện nền ổn định.
“Ngoài điện than, thuỷ điện, điện hạt nhân được đánh giá là nguồn điện nền phù hợp, giá rẻ, sạch”, Bộ trưởng nêu nhưng lưu ý rằng, điện than đã không còn điều kiện phát triển, thuỷ điện cũng hết dư địa, nên tương lai muốn đạt mục tiêu cam kết tại COP26 thì phải phát triển rất mạnh năng lượng tái tạo.
Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ và Chính phủ đã báo cáo Quốc hội về quy hoạch địa điểm phát triển điện hạt nhân Ninh Thuận. Ông Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, giờ chưa nên xem xét thêm mà chờ tới khi cấp có thẩm quyền quyết định “việc tiếp tục hay không thì sẽ tính”.
“Tuy nhiên, địa điểm làm nhà máy điện hạt nhân đã được các đối tác nghiên cứu rất kỹ và họ khẳng định không nơi nào phù hợp hơn Ninh Thuận”, Bộ trưởng Công Thương kết luận.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала