TP.HCM: CSGT ra quân xử vi phạm nồng độ cồn, lập chốt ngay đường có nhiều quán nhậu

© Depositphotos.com / OlegDoroshenkoCông an.
Công an. - Sputnik Việt Nam, 1920, 10.06.2022
Đăng ký
Theo Ban An toàn giao thông TP.HCM, CSGT thành phố sẽ ra quân xử lý vi phạm nồng độ cồn, lập chốt ngay trên các tuyến đường có nhiều quán nhậu.
Ban An toàn giao thông TP.HCM cũng đề nghị xem xét việc xử lý hình sự lái xe vi phạm nồng độ cồn kể cả khi chưa gây tai nạn.

CSGT TP.HCM ra quân xử lý vi phạm nồng độ cồn

Chiều 10/6, Ban An toàn giao thông TP.HCM đã tổ chức buổi họp báo về Chiến dịch tuyên truyền, tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người lái xe trên địa bàn thành phố.
Ban An toàn giao thông TP.HCM mong muốn làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông với thông điệp "Đã uống rượu, bia - không lái xe". Cơ quan này cũng sẽ phối hợp cùng lực lượng Công an thành phố, cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn của người lái xe.
Cụ thể, ngày 18/6 đến 31/7, Ban An toàn giao thông sẽ phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt TP.HCM (PC08) mở chiến dịch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm quy định nồng độ cồn đối với tài xế khi tham gia giao thông trên địa bàn địa phương.
“Mỗi quận, huyện đều có các tuyến đường tập trung nhiều nhà hàng, quán nhậu. CSGT sẽ lập chốt ở các tuyến đường trên để kiểm tra, xử lý nghiêm tài xế vi phạm nồng độ cồn”, Thượng tá Đoàn Văn Quới, Phó phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM, cho biết.
Theo lãnh đạo PC08, mức phạt đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn hiện tương đối cao. Do vậy, nhiều người vi phạm sẵn sàng chấp nhận bỏ phương tiện khi bị kiểm tra, đặc biệt là với phương tiện giá trị thấp khoảng 2-3 triệu đồng. Điều này đã gây khó khăn nhất định cho lực lượng chức năng.
Với những xe vi phạm bị tạm giữ, CSGT sẽ gửi hồ sơ về nơi đăng ký phương tiện để xác minh. Việc này đòi hỏi rất nhiều thời gian mới có thể đưa phương tiện đi thanh lý.
"Ngoài xử phạt hành chính, chúng ta cần có biện pháp tuyên truyền ở ngay tại các quán nhậu, nhà hàng thường có người sử dụng rượu bia. Chúng ta không cấm uống rượu bia, tuy nhiên uống rồi thì không được lái xe. Có thể đi về bằng các hình thức khác như taxi, xe ôm công nghệ, người nhà đón… Chủ quán cũng cần có giải pháp để đưa khách về nhà an toàn", Thượng tá Quới nhấn mạnh.
Các phương tiện giao thông lưu thông trên cầu Cổ Chiên nối huyện Mỏ Cày Nam (Bến Tre) với huyện Càng Long (Trà Vinh). - Sputnik Việt Nam, 1920, 16.05.2022
Tài xế tố bị CSGT đánh gãy xương sườn, Công an Quảng Trị điều tra sự thật

Kiến nghị xử ‘ma men’ kể cả khi chưa gây tai nạn

Về phần mình, Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông TP.HCM Nguyễn Vũ Hạnh Phúc cho biết Ủy ban ATGT Quốc gia cũng đã kiến nghị, đề xuất các cơ quan chức năng, Bộ ngành phải rà soát lại, có hướng dẫn thực hiện các vấn đề liên quan, xử lý vi phạm hình sự cho hợp lý.
“Tôi nghĩ rằng chúng ta cũng nên điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật để có hình thức răn đe thỏa đáng, ngoài các hình thức chế tài về mặt kinh tế, hành chính”, ông Phúc nói.
Chánh văn phòng ban ATGT TP.HCM cũng cho rằng, cần nghĩ đến vấn đề xử lý hình sự các trường hợp vi phạm nồng độ cồn ngay, chứ không đợi hậu quả nghiêm trọng đã xảy ra rồi mới tính.
Theo ông, ngoài các chế tài hiện hữu, cần có thêm hình phạt lao động công ích, xử lý hình sự nếu tái phạm.
Theo số liệu thống kê, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, các quán ăn, nhà hàng hoạt động trở lại bình thường, lực lượng CSGT TP.HCM đã xử lý hơn 18.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Riêng tại TP. Thủ Đức, cơ quan chức năng đã xử lý 2.592 trường hợp, với tổng số tiền nộp phạt là 7,58 tỷ đồng.

Bộ GTVT chấn chỉnh cán bộ

Bộ GTVT yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Giao thông vận tải phải thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Theo đó, Bộ này nghiêm cấm uống rượu, bia ngay trước và trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực. Gương mẫu thực hiện nghiêm quy định đã uống rượu, bia không lái xe: ngày nghỉ, ngoài giờ làm việc trước khi điều khiển phương tiện không được uống rượu, bia; “Đã uống rượu, bia - không lái xe”; có biện pháp xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định.
Các Sở GTVT có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia; tập huấn năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý về vận tải của Sở, cho lực lượng Thanh tra giao thông, các cán bộ quản lý bến xe, doanh nghiệp vận tải, Hiệp hội Vận tải ô tô trên địa bàn về các quy định của pháp luật trong hoạt động vận tải đường bộ và các biện pháp phòng, chống vi phạm nồng độ cồn.
Bên cạnh đó, tăng cường các biện pháp kiểm soát nồng độ cồn đối với lái xe kinh doanh vận tải khi xe xuất bến và xe vào bến; chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông của Sở phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các bến xe và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các lái xe vi phạm.
Công đoàn GTVT Việt Nam được giao nhiệm vụ tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức người, lao động trong ngành GTVT thực hiện các quy định của pháp luật về rượu, bia và quy định của công văn này.
Đồng thời, nghiên cứu đưa nội dung quy định về cấm uống rượu, bia ngay trước và trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực vào nội quy, quy chế tiêu chuẩn xét danh hiệu thi đua khen thưởng của công đoàn viên trong ngành GTVT.

Thủ tướng yêu cầu xử nghiêm hành vi lái xe uống rượu bia

Như Sputnik đã thông tin, vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký Công điện số 488/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chấp hành quy định về phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Công điện nêu rõ, trong 5 tháng đầu năm 2022, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tình hình trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) tiếp tục có chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông (TNGT) tiếp tục giảm cả 03 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương so với cùng kỳ năm 2021.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh dự tiệc chiêu đãi các Trưởng đoàn tham dự Hội nghị Tương lai châu Á do Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio chủ trì. - Sputnik Việt Nam, 1920, 09.06.2022
Điều chỉnh phân công công tác đối với Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh
Tuy nhiên, số người chết do TNGT chỉ giảm 30 người (giảm khoảng 1,07%), thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra. Một số vụ TNGT có hậu quả nghiêm trọng mà nguyên nhân là do người vi phạm nồng độ cồn điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Trong đó, có một số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong cơ quan Nhà nước vi phạm nồng độ cồn điều khiển phương tiện gây TNGT, điển hình là vụ TNGT xảy ra đêm ngày 2/6/2022 tại tỉnh Bắc Giang làm 03 người chết.
Để thực hiện mục tiêu kéo giảm TNGT năm 2022 từ 5-10% so với năm 2021 cả về số vụ, số người chết và số người bị thương, ngăn ngừa các vụ TNGT liên quan đến người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị xã hội, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị có liên quan:
Chỉ đạo thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên thực hiện nghiêm các quy định về cấm uống rượu, bia; gương mẫu thực hiện nghiêm quy định “Đã uống rượu, bia - không lái xe”, có biện pháp xử lý nghiêm đối với cá nhân, tập thể vi phạm.
Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tăng cường thực hiện tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn hoặc có chất ma túy.
Bộ Y tế chỉ đạo cơ quan chức năng của Bộ, sở y tế và cơ quan chức năng của các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường xử lý các hành vi vi phạm quy định của Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia theo quy định của Nghị định số 117/2020/NĐ-CP.
Cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương tăng cường tuyên truyền về Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia và nguyên nhân, hậu quả của TNGT nói chung, TNGT do vi phạm về nồng độ cồn nói riêng để nâng cao nhận thức của người dân, nghiêm túc thực hiện "Đã uống rượu, bia - không lái xe". Đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội, hạ tầng số và vào các khung giờ vàng trên sóng truyền hình.
Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tiếp tục theo dõi, kiểm tra các cơ quan thành viên, ban an toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, định kỳ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала