Dầu thô được giao dịch nhiều nhất, Việt Nam tiếp tục nhập siêu sắt thép

© Ảnh : HT/PLOHiện trường ngổn ngang sắt thép
Hiện trường ngổn ngang sắt thép - Sputnik Việt Nam, 1920, 09.08.2022
Đăng ký
Diễn biến thị trường cho thấy, dòng tiền đổ mạnh vào nhóm năng lượng, dầu thô là mặt hàng được giao dịch nhiều nhất trên Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV).
Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Việt Nam tiếp tục nhập siêu sắt thép trong 7 tháng đầu năm nay.

Sức hút của dầu thô

Thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, thị trường hàng hóa hiện vẫn còn diễn biến trái chiều, đan xen, chờ những thông tin đột phá tạo cú hích cho đà tăng trưởng mới.
Theo đó, kết thúc ngày giao dịch 8/8, giá các mặt hàng trên thị trường hàng hoá đóng cửa với sắc xanh đỏ đan xen. Cũng theo MXV, lực bán có phần chiếm ưu thế đã khiến cho chỉ số MXV-Index suy yếu nhẹ 0,18% xuống 2.550,97 điểm. Đây là mức điểm thấp nhất trong hơn 2 tuần qua. Bên cạnh đó, sự lao dốc gần 6% của giá khí tự nhiên kéo chỉ số MXV-Index Năng lượng dẫn đầu đà giảm điểm. Trong khi đó, nhóm kim loại đón nhận lực mua tương đối mạnh.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam cũng cho biết, nhóm hàng năng lượng vẫn duy trì đà tích cực với dòng tiền mạnh mẽ nhất là nhờ sức hút của dầu thô,
“Tuy nhiên, với sức hút của dầu thô, mặt hàng được giao dịch nhiều nhất trên Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), dòng tiền đầu tư vẫn được phân bổ mạnh mẽ vào nhóm năng lượng”, MXV nhấn mạnh.
Kết thúc phiên ngày 8 tháng 8, giá trị giao dịch toàn Sở tăng nhẹ 4,32%, đạt mức 3.880 tỷ đồng.

Giá dầu thô, giá xăng dầu hôm nay

Thị trường thế giới ngày 9 tháng 8 cập nhật cho thấy, nhờ dữ liệu lạc quan của kinh tế Mỹ và Trung Quốc nên giá dầu thô Brent tiếp tục đà tăng mạnh.
̣Đồng Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 01.07.2022
Việt Nam “hốt bạc” nhờ dầu thô
Cập nhật lúc 11h40 ngày 9/8 (giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 0,62% xuống 90,20 USD/thùng. Trong khi giá dầu thô Brent giảm 0,68% xuống còn 95,98, giá dầu Brent giao tháng 10 tăng 1,69% lên 96,52 USD/thùng. Trước đó, tại phiên giao dịch đầu tuần ngày 8 tháng 8, giá dầu cũng biến động mạnh, giảm đầu phiên nhưng cuối phiên tăng trở lại.
Kết thúc phiên 8/8, dầu thô Brent giao tháng 10 về mức 96,65 USD/thùng, tăng 1,73 USD, tương đương 1,8%, giá dầu thô WTI của Mỹ tăng 1,75 USD, tương đương 1,97%, lên mức 90,76 USD/thùng. Ngân hàng Goldman Sachs đã giảm dự báo giá dầu thô Brent cho quý III/2022 xuống còn 110 USD/thùng. Tuy vậy, giới phân tích vẫn tin tưởng giá dầu tăng trong thời gian tới.
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore giảm sâu trong tuần qua. Bộ Công thương cho biết, giá xăng nhập khẩu từ Singapore tính đến ngày 7/8 giảm về mức 100 USD/thùng đối với xăng E5 RON 92, về 103,67 USD/thùng đối với xăng RON 95, dầu diesel 124,34 USD/thùng, dầu hỏa 122 USD/thùng. Mức này là thấp nhất trong vòng 7 tháng qua, tương đương giá nhập khẩu ngày 26/1/2022 với xăng E5 RON 92 là 100 USD/thùng, xăng RON 95 là 101,85 USD/thùng.
Tính sơ bộ, nếu trừ đi thuế bảo vệ môi trường là 3.300 đồng thì giá xăng nhập của Việt Nam hiện chỉ ở mức dao động trên 21.000 đồng/lít. Như Sputnik đã thông tin, Chính phủ cũng đã điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì (thuộc mã HS từ 2710.12.21 đến 2710.12.29) từ 20% xuống 10%.
Bộ Tài chính nhấn mạnh rằng, so với nhiều nước, tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu của Việt Nam hiện nay vẫn thấp hơn mức bình quân chung. Tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu ở nhiều nước hiện nay chủ yếu trong khoảng 40% - 55% đối với xăng và 35% - 50% đối với dầu (ngoại trừ một số quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn thì có tỷ trọng thấp hơn).
Trong khi đó, ở Việt Nam với mức thuế bảo vệ môi trường đang được giảm về mức sàn theo nghị quyết đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thông qua thì tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu vào khoảng 19,39% đối với xăng E5RON92, 21,95% đối với xăng RON95 và khoảng 11,05% đối với dầu diesel.
Đối với tác động về thu ngân sách, Bộ Tài chính cho rằng, hiện nay, mặt hàng xăng được nhập khẩu chủ yếu từ các quốc gia có ký kết Hiệp định FTA với Việt Nam nên thuộc diện được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu FTA thấp hơn so với mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN, do đó sẽ không tác động nhiều.
Ngoài ra, Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2021, tổng kim ngạch nhập khẩu có thuế mặt hàng xăng dầu của nước ta là 475,26 triệu USD, trong đó nhập khẩu từ các nước có ký kết Hiệp định FTA với nước ta là 474,1 triệu USD (chiếm 99,7%) và trong 5 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch nhập khẩu có thuế mặt hàng xăng là 826,53 triệu USD, cơ bản cũng được nhập khẩu từ các nước có ký kết hiệp định FTA với Việt Nam.
Với tỷ trọng xăng nhập khẩu theo thuế suất thuế nhập khẩu MFN hiện nay là thấp, theo đó, trong trường hợp các điều kiện khác không thay đổi thì việc điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với mặt hàng xăng theo phương án dự kiến cơ bản sẽ không có nhiều tác động đến thu ngân sách nhà nước.
Từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu Việt Nam đã có khoảng 20 lần điều chỉnh, trong đó 13 lần tăng và 7 lần giảm. Tại kỳ điều chỉnh giá gần nhất ngày 1/8, giá bán lẻ xăng E5 RON 92 về không quá 24.620 đồng/lít, xăng RON 95 không quá 25.600 đồng/lít, giá dầu diesel 0.05S còn 23.900 đồng/lít, giá dầu hỏa không cao hơn 24.530 đồng/lít, giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 16.540 đồng/kg.

Việt Nam tiếp tục nhập siêu sắt thép

Bản tin thị trường của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cũng cho biết thông tin đáng chú ý, đó là, trong 7 tháng đầu năm 2022, Việt Nam tiếp tục nhập siêu mặt hàng sắt thép.
MXV dẫn dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, trong tháng 7, xuất khẩu sắt thép các loại của Việt Nam đạt mức 613.454 tấn, giảm 28,7% so với tháng 6. Trong khi đó, nhập khẩu sắt thép đạt mức 909.245 tấn, giảm 26,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng luỹ kế từ đầu năm, xuất khẩu sắt thép giảm mạnh hơn 22% trong khi nhập khẩu suy yếu gần 8%.
Công nhân lắp ráp kết cấu thép ở ngoại ô TP. HCM - Sputnik Việt Nam, 1920, 05.08.2022
Mỹ đang ám chỉ thép Việt Nam là hàng Trung Quốc “trá hình”?
Vài năm trở lại đây, ngành sản xuất thép trong nước của Việt Nam đang có những bước tiến rõ rệt và hạn chế sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Đặc biệt, ngành thép Việt Nam cũng đã gặt hái được thành tựu to lớn khi lần đầu tiên trong lịch sử xuất siêu thép vào năm 2021. Tuy nhiên, trong 7 tháng đầu năm nay, Việt Nam vẫn đang nhập siêu gần 2 triệu tấn sắt thép các loại.
“Hạn chế của ngành thép là mới chỉ đáp ứng nhu cầu xây dựng, còn thép trong lĩnh vực chế tạo, chế biến, cơ khí, hoặc công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa thể đáp ứng được”, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam lưu ý.
Ngoài ra, nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào của ngành này đa phần phải nhập khẩu, nên giá thành sản phẩm sẽ phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thị trường nước ngoài. Đây vẫn được xem là một trong những thách thức lớn của ngành sản xuất thép trong nước trong thời gian tới.
Do đó, theo MXV và giới chuyên gia, các doanh nghiệp thép Việt Nam cần tiếp tục bám sát các diễn biến giá sắt thép trên thế giới, đặc biệt là trong giai đoạn nửa cuối năm, đồng thời tăng cường đầu tư công nghệ nhằm thúc đẩy tự chủ đối với lĩnh vực tiềm năng và đặc biệt quan trọng đối với ngành công nghiệp xây dựng cơ bản của đất nước.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала